10 thg 2, 2018

CẢM XÚC KHI ĐỌC BÀI THƠ CỦA THẦY NGUYỄN DUY LINH- Nguyễn Cang

MỘT ĐỜI THƠ - MỘT KIẾP NGƯỜI
(Tưởng Niệm Bùi Đăng Khuê)

Nghiệp làm thầy
Nửa đường đứt gánh
Nợ văn chương
Trọn kiếp đa mang
Sau cuộc chiến tương tàn
Tưởng chừng như bất tận
Sống sót, trở về
Tâm trạng ủ ê
Hình hài còn nguyên vẹn
Nhưng thương tích trong hồn
Còn nhức nhối
Chưa thôi .
Ngoảnh nhìn lại
Mái đầu bạc trắng .
Ngày lại ngày
Vô vị , qua mau
Năm tháng cứ trôi đi biền biệt
Những cảnh đời nhếch nhác vây quanh
Những phận người ngu ngơ bất hạnh
Cơm - Áo - Gạo - Tiền...
Cứ phó mặc cho an bài số phận
Cứ bình thản tiêu dao ngày tháng
Với bạn bè
Thơ, rượu
Hồn nhiên.
Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm trong đêm
Cũng là lúc những trang đời khép lại
Khoác lên vai
Thơ túi - Rượu bầu
Quán gió - Đường mây
Nhẹ bước
Lại bắt đầu
Làm mới cuộc hành trình
Tìm vẻ đẹp
Ở trong thơ.
Hẹn cùng Khuê
Một ngày nào đó
Cõi hư vô
Hạnh ngộ
Tay trong tay
Cười vui
Nhảy múa
Tưng bừng
Dướiánhtrăngkhuya. 
Saigon, 1/2018
Nguyễn Duy Linh


Lời bạt:
Hôm qua tôi nhận được bài thơ của Thầy Linh (Nguyễn Duy Linh, cựu giáo sư SPSG)gởi tới bằng ipad. Đọc xong bài thơ tôi nhận ra ngay đây là một bài thơ hay về nội dung lẫn hình thức. Năm rồi Thầy gởi cho tôi một bài thơ nhân họp gia đình SPSG , tôi thấy bài thơ cũng thường thường bậc trung. Tự Thầy giải thích : "Lâu lắm rồi tôi không còn làm thơ nữa nên ý như già cỗi theo tuổi đời của tôi". Thầy cho biết hồi còn ở ngoài Bắc( trước 54) Thầy đã làm thơ và có in được một(?)quyển, khi vào trong Nam vì lo cuộc sống nên gián đoạn không làm thơ nũa. Tôi nói Thầy nên tìm vui trong thơ văn cho khuây khỏa lúc tuổi già. Trong bài nầy Thầy có đề cập tới chuyện quay về với nguồn vui thơ văn. Hy vọng Thầy sẽ góp vui với bạn bè bằng những vần thơ hay, đặc sắc.

Về xuất xứ bài thơ tôi xin trích lại đoạn văn ngắn sau đây của chính tay thầy viết : "Anh hỏi bài thơ nào - hay là hỏi chính bài thơ của tôi. Nếu thế thì anh cứ tự nhiên đăng bài, miễn là Anh thấy thích. Thật ra tôi viết nó vì khi mới về tới nhà ở Saigon, bước vào phòng thấy Tập,thơ ‘ CÁNH CHIỀU KHÔNG KHÉP’ (Khuê xuất bản chung với Nguyễn Quốc Đoan, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Tấn Hưng và Cù An Hưng) tặng tôi, vẫn nằm nguyên vị trí trên bàn hai năm trước, lủc tôi trở lại Mỹ. Bồi hồi nhớ lại cũng thời điểm này Anh ấy qua đời đã 4 năm , một ngày sau hôm tôi đến thăm - thấy anh ấy nằm bất động mắt nhắm nghiền, nghe tiếng tôi hỏi còn nói ‘Thầy Linh’ Bài thơ được hình thành trong tình huống đó, không phải điếu văn hay văn tế đâu Anh, cho dù nó có vẻ như thế".
Saigon 6/2/2018
---------



Bài thơ làm theo thể tự do, câu ngắn xen lẫn câu dài, thỉnh thoảng có gieo vần bằng, tuy không chặt chẻ nhưng vẫn giữ nguyên hồn thơ một cách sâu đậm. Bài chia làm 5 khổ. Khổ 1/ ( 4câu): giới thiệu anh bạn Bùi Đăng Khuê (K.1 SPSG) một nhà giáo đồng thời là một nhà văn:

Nghiệp làm thầy
Nửa đường đứt gánh
Nợ văn chương
Trọn kiếp đa mang

Khổ 2( 8 câu): Bạn mình đi vào cuộc chiến tương tàn dài như bất tận , cuộc chiến mà ngày nay vẫn còn gây tranh cãi về tên gọi của nó : cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cuộc chiến Bắc Nam, cuộc chiến ủy nhiệm , hay cuộc chiến ý thức hệ? Dẫu tên gọi là gì nó cũng còn gây nhức nhối trong trái tim người Việt trong suốt chiều dài lịch sử từ 1945 tới 1975 và còn kéo dài mãi cho tới ngày nay. Cuộc chiến đã gây không hiết bao nhiêu tang tóc đau thương cũng như sự hủy diệt lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. May mắn thay, dù trực tiếp tham gia cuộc chiến, bạn tôi vẫn giữ được mạng sống khi cuộc chiến tàn, nói chung "mấy người đi trở lại". Sống sót là một điều may mắn , bạn mình không bị một vết thương nhưng hỡi ôi một vết thương khác tuy không lỡ loét, què quặt nhưng nó tàn phá ghê gớm biết chừng nào! đó là vết thương "trong hồn" ! nói rộng ra là vết thương trong lòng dân tộc. Đây là một nét đặc biệt, một khám phá sáng tạo dựa trên thực tế của tác giả, gây xúc động con tim bao nhiêu người. Tác giả đã khéo léo gợi ra cho chúng ta thấy vết thương trong lòng dân tộc đã gây chia rẽ hận thù giữa nguòi thắng cuộc và kẻ thua cuộc trong một xã hội bất công. Thử hỏi có cuộc chiến nào như cuộc chiến nầy không? Tác giả không nói ra nhưng chúng ta đều thấm thía, quặn thắt trong tim:

Sau cuộc chiến tương tàn
Tưởng chừng như bất tận
Sống sót, trở về
Tâm trạng ủ ê
Hình hài còn nguyên vẹn
Nhưng thương tích trong hồn
Còn nhức nhối
Chưa thôi .

Lời thơ rạt rào tình cảm , tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, tình bạn... Câu thơ dài như tiếng thở dài của nỗi đau và sự bất hạnh khi cuộc chiến không có dấu hiệu chấm dứt:

Sau cuộc chiến tương tàn
Tưởng chừng như bất tận.
Hai câu nối nhau thật chặt chẽ ghép liền hai ý một cách trọn vẹn ! nói lên sự khốc liệt của chiến tranh và sự đau khổ tận cùng ! Từ "tương tàn", "bất tận" sử dụng thật đắc vị.
Câu ngắn kế tiếp như hơi thở uất nghẹn từng cơn, buồn ủ rũ :
Sống sót, trở về
Tâm trạng ủ ê
Từ "ủ ê" chỉ sự buồn rầu trong dạ khiến vẻ mặt không vui. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng cũng cảm thấy như vậy qua mấy câu thơ sau :
Ðêm nay trời khóc trời mưa,
Gió lùa ẩm mục, trời đưa thu về.
Trời hay thu khóc ủ ê?
Cổ cao áo kín đi về đường tôi.

( Đêm sinh nhật/ Cung Trầm Tưởng )

Chiến tranh không ai muốn nhưng một khi đã vào cuộc chiến thì hằng ngày cận kề với cài chết ai mà không sợ không lo , nhất là lo cho gia đình cho ngưòi yêu và người thân . Đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân Việt Nam từ cổ chí kim . Hãy nghe nhà thơ Hữu Loan tả lại tâm trạng người chiến binh xa nhà nhớ về ngưòi vợ ở miền quê , giờ không biết ra sao? vì ngay cả bản thân mình cũng không biết thế nào:
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...

(Màu tím hoa sím /Hữu Loan)

Khổ 3/(13 câu):
Ngoảnh nhìn lại
Mái đầu bạc trắng .
Ngày lại ngày
Vô vị , qua mau
Năm tháng cứ trôi đi biền biệt
Những cảnh đời nhếch nhác vây quanh
Những phận người ngu ngơ bất hạnh
Cơm - Áo - Gạo - Tiền...
Cứ phó mặc cho an bài số phận
Cứ bình thản tiêu dao ngày tháng
Với bạn bè
Thơ, rượu
Hồn nhiên.
Đọc lời giới thiệu của Thầy Linh về ngưòi bạn mình tôi nhân ra ngay anh Khuê là kẻ thua cuộc sau 1975. Ngày tàn cuộc chiến anh mang nỗi đau trong lòng. Không kể lể dong dài, tác giả , bằng vài nét chấm phá, đã xây dựng được nhân vật chủ thể trữ tình sống vô vị. Ngày tháng cứ kéo dài cho tới khi đầu bạc . Bạn bè ngày cũ , năm tháng chinh chiến một thời nay đã trôi vào dĩ vãng mịt mù...

Cảnh đời nhạt nhẽo nhưng lại tranh giành để sống, xã hội bày ra lắm cảnh nhiễu nhưong, lừa đảo, hỗn tạp, nhân tâm ly tán , đi đâu cũng gặp cảnh xô bồ tranh giành, người chậm chạp ngu khờ thì nhận lãnh thua thiệt, bất hạnh, càng ngày càng bị cô lập. Suốt ngày chỉ còn biết cái ăn mà thôi. Cơm áo gạo tiền cứ vây quanh suốt năm dài tháng tận , triền miên không dứt. Xã hội quay cuồng điên đảo. Kẻ bất hạnh đành buông trôi cuộc đời tìm quên lãng trong chén rượu, vui cùng bạn bè nghiêng ngã cơn mê.

Trước cuộc sống bế tắc tác giả cũng thường tới lui thăm bạn mình vừa để an ủi, chia sẻ vừa để tiêu khiển bằng ly rượu cay. Ngày xưa Cao Bá Quát cũng làm thế , ngày nay tác giả và bạn Khuê cũng làm như vậy. Hãy lắng nghe Cao Bá Quát lý luận tại sao phải uống rượu để tiêu sầu :

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy đã nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
(Uống rượu tiêu sầu/ Cao Bá Quát)

Cảnh nghèo của bạn tác giả trong bài thật đáng thương, tôi chợt nhớ tới cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ lúc hàn vi, được tả lại trong bài Hàn nho phong vịnh phú. Hai cảnh nghèo giống nhau nhưng tính chất khác xa ! vì xã hội thời ông Trứ khác xa thời hậu 75!
Đầu kèo mọt tạc vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió.
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
Đầu giường tre, mối dũi quanh co,
Góc tường đất, trùn lên lố nhố.
Bóng nắng giọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó .
(Hàn nho phong vịnh phú/Nguyễn Công Trứ)

Một số từ ngữ được sử dụng hết sức gợi tả gây nhiều xúc động như là những hình ảnh có thật đang xảy ra trước mắt. Trong câu : Năm tháng cứ trôi đi biền biệt. Từ "biền biệt" được sử dụng thật khéo léo diễn tả hình ảnh một người đi xa rất lâu không còn nghe tin tức , ví dụ: Hắn bỏ làng đi biền biệt. Hình ảnh nầy khiến người đọc càm thấy bùi ngùi, xót thuơng cho thân phận bèo bọt kẻ xa nhà đi tìm cuộc sống mới chưa chắc khá hơn.

Trong bài nầy tác giả nói năm tháng trôi đi biền biệt , chữ biền biệt chỉ thời gian cứ lặng lẻ trôi đi, trôi mãi không còn biết tháng ngày, nó mất hút theo cát bụi thời gian và không gian vô tận, chợt ngoãnh lại thì mái đầu đã bạc trắng ! Hình ảnh người đi biền biệt hay tháng ngày trôi biền biệt đều gây ấn tượng buồn đau, nuối tiếc cho những gì đã mất.

Câu kế : Những cảnh đời nhếch nhác vây quanh. Từ "nhếch nhác" cũng rất gợi tả một người ăn mặc lôi thôi bẩn thỉu. Ở đây tác giả muốn nói cảnh đời nhiễu nhương xấu xa trong một xã hội hỗn độn. Tiếp theo là từ "vây quanh" đặc tả một tình trạng bế tắc, buộc chặt không còn lối thoát.

Trong một câu mà sử dụng liên tiếp những từ đắc thể làm tăng thêm tính bi đát và bế tắc trong cuộc sống của nhân vật chính , thật đặc sắc!

Khổ 4/(10 câu):

Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm trong đêm

Cũng là lúc những trang đời khép lại
Khoác lên vai
Thơ túi - Rượu bầu
Quán gió - Đường mây
Nhẹ bước
Lại bắt đầu
Làm mới cuộc hành trình
Tìm vẻ đẹp

Ở trong thơ.

Mở đầu khổ 4/ bằng hai câu thơ :
Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm trong đêm
Cũng là lúc những trang đời khép lại.
Hai câu nầy chứa ẩn ngữ thật khó hiểu , ta chỉ thấy được nội dung mà không hiểu hết khía cạnh khác quanh cụm từ : "Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm", lý do tại sao cuộc đời ( hoán dụ của "đóm lữa")lại tắt ngúm? phải chăng đó là cùng đường hết lối thoát? Từ "trong đêm" nói lên sự bế tắc tuyệt vọng như một người đi trong đêm tối mịt mù không còn tìm thấy lồi ra ở đâu !

Có thể giải thích câu thơ nầy bằng cách khác hợp lý hơn, đó là bạn tác giả sắp từ giã cõi trần sau những ngày dài nằm bệnh, dựa vào cụm từ "Đóm lữa tàn"( ám chỉ bạn Khuê lâm trọng bệnh sức khỏe yếu lắm rồi như đóm lữa tàn sắp tắt đến nơi), từ ngữ "vừa tắt" là lời khẳng định bạn mình vừa ra đi vĩnh viễn trong đêm tối hôm đó. Hơn nữa tác giả trong lời nói đầu cho biết bạn mình đã mất cách nay 4 năm. Từ khi bạn mất tác giả buồn vì không còn ai tâm sự, nên bỏ đi. Từ đó quan niệm sống của tác giả cũng chuyển hứơng, tiếp nối bằng câu thơ bên dưới.

"Cũng là lúc những trang đời khép lại". Từ "khép lại" dùng rất hay !nó chỉ sự chấm hết một gian đoạn của những ước mơ , hy vọng, và của những bon chen tồi tệ. Một hành trình mới lại bắt đầu đó là hành trình vào chốn thơ văn, mà tác giả( thầy Linh ) cho rằng đó là chốn bình yên rất đẹp đầy thơ mộng có thể làm sống lại cuộc đời ông! Như trên đã giới thiệu tác giả làm bài thơ để nhớ lại người bạn năm xưa, xen vào đó là những suy nghĩ của riêng mình viết ra như một bài điếu văn để "khóc bạn" lồng vào đó là tâm sự của chính tác giả ! Hình ảnh hai nhân vật đan xen nhau trong lời văn tự thuật làm tăng thêm tính linh động của phép ẩn dụ vừa mở ra một góc nhìn khác của cuộc đời, giúp ta nâng cao nghệ thuật thưởng thức thơ văn lên một trình độ mới.

Khổ cuối( 9 câu):

Hẹn cùng Khuê
Một ngày nào đó
Cõi hư vô
Hạnh ngộ
Tay trong tay
Cười vui
Nhảy múa
Tưng bừng
Dưới ánh trăng khuya.

Cuối cùng tác giả bài thơ tìm về chinh mình. Mang tâm trạng bơ vơ buồn chán ta có cảm tưởng như : Ngày vui chóng qua/ Tiệc vui khó gặp lại hai lần" nên tác giả buồn , buồn mà không biết vì sao ta buồn! ông thốt lên bài ca Hạnh Ngộ, hẹn gặp bạn ở chốn hư vô ! nơi đó không còn buồn đau thù hận ! để cùng bạn nhảy múa tung tăng dưới ánh trăng vàng bát ngát như một đứa trẻ thời thơ ấu. Cuối cùng ta mới thấy tác giả trải lòng bằng những câu thơ trữ tình lãng mạn rất thi vị mà không suồng sả buông lơi !


Bài thơ khép lại nhưng trong tim tôi vẫn còn đọng tình cảm lâng lâng niềm thương nỗi nhớ , tôi nhớ đến bạn bè cùng lứa tuổi đã đi vào cát bụi, nhớ những người còn ở lại mà bây giờ không biết lưu lạc nơi đâu. Cám ơn tác giả đã gợi ý cho tôi viết lên nhũng dòng cảm xúc nầy.
Nguyễn Cang(8/2/2018)

Chú thích : Đính kèm bài viết và tải liệu bổ sung của Thầy Linh và bạn Ngân Triều .

1/: Khi tôi viết xong bài nầy thì Thầy Linh mới cho biết thêm vài chi tiết về bạn mình là Bùi Đăng Khuê. Thầy Linh cho biết ý đoạn 4/ trong lời bình khác với ý của Thầy. Tôi không chỉnh vì nghĩ rằng thơ văn có muôn màu muôn sắc, lý luận thế nào nghe hợp lý là được. Tuy nhiên tôi vẫn tôn trọng ý Thầy nên đăng bài đính kèm để bạn đọc thưởng lãm.

2/: Vài hàng nói thêm về tập thơ của Bùi Đăng Khuê ( Thầy Linh gởi tới, đính kèm).

3/: Vài ghi chú và nhận xét của Ngân Triều về bài thơ của Thầy Linh.

4/: Những bài thơ của Bùi Đăng Khuê.

---------

1/: Anh Cang,

Bây giờ tôi mới có thời giờ đọc kỹ lời bình của Anh về Bài ‘ Một đời thơ - Một kiếp người ‘ tưởng niệm Anh Bùi Đăng Khuê, người đối với tôi ngoài cái tình Sư Phạm, thân thiết như một người em, còn gắn bó với tôi như một người bạn văn chương. Bài Anh viết đến với tôi như một món quà đặc biệt cạnh niềm vui được trở lại ăn Tết ở quê nhà. Anh đã dành cho bài thơ một sự trân trọng không dễ có và viết rất công phu, chú trọng từ chi tiết cho tới ngôn từ. Những nhận xét và phân tích của Anh nói chung là khá xác đáng và sâu sắc, đôi khi còn vượt lên trên suy nghĩ của tôi khi viết bài thơ (đa phần là viết theo cảm hứng và cảm xúc...) - Chắc chắn ai làm thơ cũng thấy hân hoan khi có người đọc chia sẻ cảm nghĩ hay phát kiến cùa họ đốì với sáng tác của mình một cách chân thành, khen hay chê không quan trọng, dù tâm lý chung thì khen vẫn dễ lọt tai hơn, nhưng một lời khen chiếu lệ, khen cho phải phép theo tôi chẳng có giá trị gì. Riêng với khổ thơ áp chót,-( Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm đêm qua. ................ .....Tìm vẻ đẹp. / Ở trong thơ ), tôi xin nói rõ hơn . Tôi dùng cụm từ “đốm lửa tàn” với hai ý - ý thứ nhất bệnh tình Khuê đã đến hồi nguy kịch, tính mạng như ngọn đèn trước gió (đúng như Anh Cang hiểu) -ý thứ hai, Anh Cang cho là dùng ẩn dụ ( cũng đúng nữa), tôi muốn nói tới cuộc sống của Khuê, mà tôi và bạn bè anh ấy hiểu rất rõ, là không coi cái gì là quan trọng cả , tung hê hết, tặng vật vừa nhận được có người khen,cho - xe đang đi, dù là xe cũ sau 75 với nhiều người là cả một gia tài, cho thằng em vì nó khổ hơn mình -nhà cũng cho luôn con cháu, gọi từ ngoài Bắc vào cho nó dễ sống dễ thở hơn, vì mẹ cháu xưa chăm sóc Khuê sau khi Mẹ Khuê mất như một người mẹ thứ hai .... ) Dùng rượu để tiêu dao ngày tháng, sống như thế có khác gì đã chết. Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm đêm qua / Cũng là lúc những trang đời khép lại , - là tôi hồi tưởng lại khi nhận được tin Anh ấy mất một ngày sau khi tôi và vài bạn đồng nghiệp khác tới thăm. Trước khi chúng tôi ra về Anh ấy còn đòi cho điếu thuốc. ( Thèm thôi, chứ hút gì được nữa !). Mấy câu sau, trong khổ thơ này, không phải là nghĩ về tôi như Anh Cang nghĩ đâu. Cần nói thêm, mãi đến phút chót Anh Khuê mới xin quy y theo Phật giáo, tôi quên mất pháp danh rồi, vả lại cũng chẳng phải là điều quan trọng, điều quan trọng là tôi đã mất một người em, một người bạn. Tôi tưởng tượng, hình dung về người em, người bạn vừa mới ra đi mãi mãi này với một mong muốn thật chân thành là nếu có kiếp sau thì Khuê đã ra đi như thế này : Khoác lên vai / Thơ túi- Rượu bầu / Quán gió - Đường mây / Nhẹ bước / Lại bắt đầu / Làm mới cuộc hành trình / Tìm vẻ đẹp / Ở trong thơ.

Đẹp đấy chứ, phải không Anh Cang. Cảm ơn Anh đã đọc kỹ bài thơ và trang trọng viết lời bình.

Saigon, 8/2/2018.

 Nguyễn Duy Linh

2/: Duy Linh Nguyen Xin chỉnh lại : Thơ Anh BÙI ĐĂNG KHUÊ lúc đầu được in riêng thành một tập được Anh đặt cho cái tên là MÂY BAY. và do con trai Anh Vũ Viết Điềm ( bạn đồng khóa của Anh Khuê ) thực hiện bằng computer. Đến năm 2011 thì Anh đưa vào Thi tập CÁNH CHIỀU KHÔNG KHÉP.

3/: Em xin đọc một đoạn thơ của Thầy: "Đốm lửa tàn vừa tắt ngúm trong đêm Cũng là lúc những trang đời khép lại Khoác lên vai Thơ túi - Rượu bầu Quán gió - Đường mây Nhẹ bước Lại bắt đầu Làm mới cuộc hành trình Tìm vẻ đẹp Ở trong thơ." * -Tắt ngúm: tắt ngóm biến trại, từ ghép, chỉ sự tắt hẵn, một sự kết thúc đột ngột, ngỡ ngàng. -Thơ túi - Rượu bầu Quán gió - Đường mây Phải chăng Thầy thương tiếc một người học trò cũ với thi tập: Mây Trắng-Cánh chiều không khép, và người học trò ấy đã từng đến viếng thăm Thầy qua bài thơ: Gặp Lại Thầy ( Kính Tặng Thầy Nguyễn Duy Linh -1974 ) Gặp Lại Thầy Khi Tóc Con Đã Bạc Đám Bạn Bè Đứa Mất Đứa Đi Xa Một Quảng Đời Trong Chiến Tranh Mất Tích Chút Tình Riêng Thất Lạc Giữa Quê Nhà Đến Nhà Thầy Nhâm Nhi Bầu Rượu Cũ Chưa Ra Vườn Đã Thấy Hương Lan Khi Chếnh Choáng Đền Xem Hòn Non Bộ Ngẩn Ngơ Buồn Nhìn Sông Núi Gian Nan Bùi Đăng Khuê * Qua đoạn thơ, Thầy tin rằng Anh Bùi Đăng Khuê tuy đã mất (những trang đời khép lại) nhưng hồn anh vẫn như đang thanh thản (nhẹ bước) phiêu du trên một cung đường mới, trên cõi hư vô để tiếp tục đi "tìm vẻ đẹp ở trong thơ" . (Hành trình: 行程, cung đường phải đi cho đến hết, itinéraire.) * Chỉ với mấy dòng thơ đơn sơ mà cất cao một tiếng lòng sâu lắng, ngậm ngùi. Ngậm ngùi cho số phận của người học trò cũ hay ngậm ngùi cho tâm trạng riêng mình. Thương trò mà cũng là thương cho bản thân? Cái điểm sáng trong thơ Thầy, cái gợi tả dạt dào chính là ở chỗ ý tại ngôn ngoại đó. Em xin trân trọng tình ý đoạn thơ và xin cảm ơn Thầy. Học trò của Thầy, Ngân Triều Hậu Nghĩa

4/: Những bài thơ của Bùi Đăng Khuê :
CHỜ MONG ( Kính tặng Thầy Bổng)

Trời đem giông bão về ngăn lối
Làm cánh chim bay lạc cuối trời.
Xứ lạ tình buồn như cỏ mọc
Quê nhà, mộng cũ áng mây trôi.
Chốn xưa từ độ xa người ấy
Đã mấy lần thu ở cuối đường ?
Vật vã tình còn năm ngón nhỏ
Ngồi vùi xuống vũng tóc pha sương.
Bao giờ trở lại thăm quê cũ ?
Ngắm những lối xưa những phố phường
Để lắng nghe lòng như nước chảy
Êm đềm ngấm xuống mạch quê hương.

Bùi Đăng Khuê

Tôi gửi Anh - nguyên văn ( mặc dù tôi đã đề nghị đổi cách xưng hô từ khi còn ở dạng bản thảo ) 2 bài thơ Anh Khuê đã tặng tôi.

Bài 1 NGUYỆN

Dẫu dòng đời lúc trong lúc đục
Vẫn kề môi uống ngụm nước đời
Dẫu tình người tấn tuồng đen bạc
Vẫn trong tim hình bóng con người.

Nguyện một lần làm bông hoa nhỏ
Đứng nghiêng mình hứng giọt nắng mai
Dẫu chiều đến quanh đời giông bão
Vẫn mỉm cười đón những tàn phai .2-3-1994


Bài 2 GẶP LẠI

Gặp lại thầy khi tóc con đã bạc
Đám bạn bè đứa mất đứa đi xa
Một quãng đời trong chiến tranh mất tích
Chút tình riêng thất lạc giữa quê nhà.
Đến nhà thầy nhâm nhi bầu rượu cũ
Chửa ra vườn mà đã thấy hương lan
Khi chếnh choáng đến xem hòn non bộ
Ngẩn ngơ buồn nhìn sông núi gian nan.

1974


Nguyễn Cang(8/2/2018) 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét