Hình ảnh đoàn tàu thống nhất những năm 1990 trên một cung đường miền Trung
Cát Hiệp
(Xuân Mậu Tuất 2018) - Mỗi năm dịp xuân về, tết đến, đám sinh viên xa nhà (từ các tỉnh miền Trung, Miền Bắc) ở Sài Gòn chúng tôi lại tưng bừng, vui như tết. Và chuẩn bị mọi việc, từ tư trang hành lý, cho đến chiến thuật, tinh thần, để "nhảy tàu" về quê ăn tết với gia đình, cha mẹ.
Những năm 1980 - 1990, đất nước Việt Nam mình có thể nói là rất khó khăn, thậm chí nghèo đói, khác xa hiện nay. Sinh viên học tại các trường đại học đều được học miễn phí (không phải đóng học phí), được ở miễn phí (trong các Ký túc xá). Ngoài ra hàng tháng còn được nhận một khoản tiền học bổng nữa (học giỏi thì học bổng 100%, học trung bình thì cũng được 50%).
Tuy nhiên nói vậy chứ không phải là sung sướng gì. Mà thực sự cuộc sống của sinh viên rất khó khăn, ăn uống kham khổ (không đủ chất, canh toàn quốc (toàn nước), mắm đại dương (là nước muối). Nhiều sinh viên thậm chí không có tiền mua vé ăn tháng, không có được chiếc xe đạp đi học. Số tiền gọi là "học bổng" do đồng tiền trượt giá phi mã, nên chỉ uống được vài ly nước là ... xong.
Trong khi đó, sinh viên vốn tuổi trẻ ham chơi, không biết tính toán thực dụng, nên hầu như ai cũng nợ như chúa chổm, nhất là các bạn trai. (Nợ tiền uống cà phê chịu, nợ tiền bạn bè ... vv). Rất nhiều sinh viên là "khách quen" của các tiệm cầm đồ. Thôi thì cầm đủ thứ: từ quần áo, cho đến xe đạp, máy casste ... Ai đã từng đọc tác phẩm "Tội ác và trừng phạt" của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoevsky thì sẽ hiểu rõ tâm trạng của anh chàng sinh viên nghèo khổ suy nghĩ gì khi đi cầm đồ.
Chính vì vậy, khi tết đến, dù gia đình thường gửi tiền vào để mua vé về tết, thì cũng không đủ để trả nợ, còn đâu mà mua vé tàu. Thế nên "nhảy tàu" là giải pháp khả dĩ duy nhất mà hầu hết sinh viên (đặc biệt là nam) đều chọn lựa.
(Ghi chú: tất nhiên là chỉ những sinh viên từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc (từ Huế trở vào). Còn sinh viên miền Tây thì không có tàu lửa để mà nhảy).
"Nhảy tàu" nói một cách đơn giản dễ hiểu, là không mua vé, không có vé tàu, mà cứ liều mạng lên tàu. Rồi tuỳ cơ ứng biến, miễn sao về đến nhà là OK. Tàu ở đây là tàu lửa, xe lửa.
Không biết tự bao giờ, kinh nghiệm nhảy tàu được thế hệ sinh viên năm trước truyền lại, hướng dẫn cho sinh viên khoá sau. Nên có thể nói theo thời gian đã trở thành một "cẩm nang" tuyệt diệu, trăm trận trăm thắng!
Để nhảy tàu, thì điều đầu tiên là hành lý phải thật là gọn nhẹ. Tuy nhiên do sinh viên cũng chẳng có gì quý giá ngoài một hai bộ quần áo mang về và một vài chục đồng (giá trị tiền khi đó, khoảng vài chục ngàn đồng hiện nay, đủ để mua bánh mì tồn tại 1-2 ngày trên tàu), nên việc này nói chung là dễ dàng thực hiện.
Sau khi lên tàu, thì việc đầu tiên là mỗi người tự tìm và chọn cho mình trong số hành khách trên tàu một người nào tuổi lơn lớn, nét mặt phúc đức, thì lại xin gửi nhờ cái túi xách nhỏ của mình. Vì trên tàu sẽ luôn có cảnh rượt đuổi giữa nhân viên nhà tàu và người nhảy tàu, nên nếu cậu nào đeo cái túi xách là sẽ bị phát hiện, tịch thu. Cùng đó là phải gửi luôn số tiền ít ỏi của mình cho người đó giữ dùm. Vì nếu không gửi, rủi đâu bị nhân viên nhà tàu lục túi tịch thu, thì có mà "chết đói" khi chưa kịp về đến nhà. Điểm lưu ý là phải nhớ vị trí ngồi, số toa của người "ân nhân" này.
Nói chung, để nhảy tàu thành công thì phải luôn chuẩn bị tinh thần lúc nào cũng căng thẳng như dây đàn, sẽ bị nhân viên nhà tàu rượt đuổi, chửi bới (kể cả việc bị đem cha mẹ, quê quán ra chửi - thì hãy luyện tập như là không nghe thấy gì cả, đừng có tự ái!).
Có 3 giai đoạn, cũng là 3 cửa ải phải vượt qua trong một chuyến nhảy tàu. 1 - làm sao lọt vào nhà ga, qua được trạm kiểm soát, leo lên toa tàu trong tình trạng không có vé. 2 - làm sao không bị nhân viên nhà tàu phát hiện khi kiểm tra vé, hoặc có bị phát hiện thì không bị đuổi xuống tàu. 3 - làm sao phải lọt qua cổng, nhà ga nơi mình muốn xuống trong tình trạng không có vé.
Giai đoạn 1, thì thông thường người nhảy tàu sẽ đi bộ lên phía đầu nhà ga, leo rào hoặc chui lọt qua những ô dây kẽm gai để vào trong ga. Sau đó mò đến đoàn tàu mà mình muốn nhảy. Cứ khi nào thấy nhân viên kiểm vé sơ hở thì tranh thủ nhảy lên tàu. Thường là tàu thống nhất Bắc - Nam, hành trình chạy từ Sài Gòn ra đến Hà Nội mất khoảng 3-4 ngày.
Giai đoạn 2, thì khi nhân viên nhà tàu đi kiểm tra vé trong toa, khi gần đến chỗ mình đứng (hay ngồi trên sàn tàu) thì sẽ đứng lên đi ngược qua toa khác. Cứ thế đi liên tục qua lại giữa các toa trong lúc đoàn tàu đang xình xịch chạy, cho đến khi nào nhân viên kiểm tra vé xong thì về lại chỗ cũ. Thường thì sẽ có nhiều đợt kiểm vé như vậy. Tối đến thì phải nhanh nhảu kiếm một xó xỉnh nào đó trên tàu để ngồi co quắp, hay đứng, hay nằm co ro ...vv. Khi đoàn tàu dừng ở ga nào đó để tránh tàu, thì tranh thủ xuống mua ổ bánh mì, hay vài trái bắp, cái bánh chưng ... để lót dạ (trước đó đến chỗ người mình gửi đồ xin lấy vài đồng để sẵn trong túi).
Trong lúc đoàn tàu đang chạy, bạn có thể chứng kiến những cảnh giở khóc giở cười của tấn trò đời. Chẳng hạn như sẽ gặp cảnh nửa đêm nhân viên nhà tàu rọi đèn pin vào mặt một ông già đáng tuổi bố mình cũng nhảy tàu, đòi tiền chung chi, thậm chí lục túi. Hoặc nghe chửi bởi với những lời lẽ thậm tệ, xúc phạm nhất.
Một vài giờ trước khi đoàn tàu đến ga cần đến, thì sẽ đến gặp người ân nhân giữ dùm túi xách xin nhận lại. Rồi sẵn sàng khi tàu còn đang chạy chậm chậm sắp dừng hoặc vừa dừng lại là nhảy ngay xuống sân ga. Thời điểm này cửa lên xuống tàu luôn mở chứ không khoá như hiện nay.
Giai đoạn 3, là quá trình ngược lại với giai đoạn 1. Thường thì cứ đi ngược về một trong hai đầu nhà ga, khoảng vài trăm mét, thì sẽ đến chỗ không còn hàng rào nữa. Nếu là lúc ban đêm trời tối thì lại càng ít bị phát hiện. Hoặc nếu có lỡ bị tóm giữ, thì giở bài năn nỉ. Mà lúc này trong túi cũng gần rỗng, lại cũng sắp về đến nhà, nên cũng không đến nỗi lo bị trấn lột nữa.
Sau khi đặt chân xuống ga đến, xem như bạn đã về đến quê nhà, ăn Tết, gặp bạn bè, người thân, vui cười... Rồi qua vài ngày tết lại vào lại Sài Gòn. Nhưng thường thì chuyến vào không đến nỗi phải nhảy tàu, vì cha mẹ cho tiền để mua vé, được làm người "đàng hoàng".
Chuyện nhảy tàu có lẽ là những kỷ niệm, không biết nên vui, hay nên buồn, hay vừa vui, vừa buồn, trong ký ức của những ai từng là sinh viên ở Sài Gòn những năm 1980 -1990.
Sau mấy chục năm, không ít người trong số những sinh viên nhảy tàu năm nào đã thành danh, thành công. Nhưng mỗi khi có dịp gặp lại nhau, ôn lại kỷ niệm xưa, chuyện nhảy tàu luôn là một đề tài chẳng thể nào quên, để cùng cười với nhau. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, nếu ngày ấy ngành đường sắt Việt Nam không có những chuyến tàu có thể "nhảy", thì chắc sẽ nhiều sinh viên phải ăn tết xa nhà.
Một thời để nhớ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét