11 thg 2, 2018

Bảo tàng viện Đệ Nhị Thế Chiến

Nhiều người Việt khi du lịch đến New Orleans thường đi lòng vòng quanh khu phố cổ French Quarter, xong ghé quán Café du Monde nhâm nhi ly cà phê và ăn bánh beignet. Tối đến thì bách bộ xuống Bourbon St uống rượu và nghe nhạc Jazz. Nhiêu đó coi như cũng khá sành. Nhưng ít ai biết cách đó không xa là một bảo tàng viện chiến tranh thuộc hàng đầu thế giới, đã được quốc hội xếp vào hạng Quốc-Gia vào năm 2003.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien
Mặt tiền Bảo-Tàng-Viện Đệ-Nhị Thế-Chiến (ảnh: IB)
Bảo tàng viện (BTV) này có tên tiếng Anh là National World War II Museum, được cho là chỗ đáng xem nhất ở New Orleans. Năm 2017 WW2 Museum đã được Trip Advisor bầu chọn là bảo tàng viện #2 trên nước Mỹ và thế giới, chỉ đứng sau Metropolitan Museum ở New York.
Bảo-Tàng-Viện Đệ-Nhị Thế-Chiến (BTV-TC2) thật ra gồm có 5 building cả thảy, có cái rộng cả ngàn mét vuông, nhiều tầng lầu, đi coi cả ngày không hết. Trong đó còn có cả một rạp xi-nê 4D, trình chiếu một cuốn phim về WW2 tựa đề “Beyond All Boundaries” (Vượt Qua Mọi Biên Giới) do tài tử Tom Hanks làm giám đốc sản xuất (Executive Producer) kiêm tường thuật viên (Narrator). Ai ghé đây cũng nên dành thì giờ xem. Phim dài khoảng 45 phút, giá vé chỉ có $5.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien8
Chiếc nón sắt lủng lỗ ảnh: IB
Sẽ có người thắc mắc vì sao bảo tàng Đệ Nhị Thế Chiến mà lại xây ở New Orleans. Câu trả lời là vì nơi đây ngày xưa có xưởng đóng tàu Higgins, chỗ thiết kế và sản xuất một loại tàu đổ bộ (landing craft) mang tên LCVP (còn được gọi là “Higgins Boat”, dân ta gọi là “tàu há mõm”) dùng để chuyên chở binh sĩ và vũ khí. Đặc biệt trong trận đánh lịch sử D-Day, khi quân đội đồng minh tràn qua biển Manche để đổ bộ lên Normandie ở Pháp, những chiếc LCVP này đã đóng một vai trò hết sức quan trọng và là hình ảnh về cuộc đổ bộ được nhiều người biết đến nhất. Những ai từng xem phim “Saving Private Ryan” (1998) do Tom Hanks thủ vai chính, chắc hẳn vẫn nhớ cảnh tượng máu me rùng rợn khi cả ngàn chiếc tàu há mõm đổ lên bãi biển, binh sĩ nhào ra dưới làn mưa đạn của Đức Quốc Xã, bị bắn tơi tả.
Trong suốt thời gian chiến tranh, xưởng đóng tàu của ông Andrew Higgins đã cung cấp gần như toàn bộ mấy chục ngàn chiếc LCVP được sử dụng trong WW2, từ Âu Châu qua đến Á Châu. Ngoài ra, New Orleans còn có một trong những xưởng làm xe thiết giáp lớn nhất nước Mỹ mà sau chiến tranh vẫn được NASA sử dụng để sản xuất hoả tiễn và các bộ phận lớn cho chương trình không gian Apollo và phi thuyền con thoi Space Shuttle. Một trong những xưởng xe tăng đó rộng trên 40 mẫu và tất cả đều nằm dưới một mái nhà, nói vậy để hiểu nó vĩ đại cỡ nào!
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien9
Tàu Há Mõm, Higgins Boat. Đêm 29/4/1975 tác giả cũng đã ngồi trong một chiếc giống vầy! ảnh: IB
Chính vì những lý do trên mà một số cựu chiến binh và nhà văn Stephen Ambrose, tác giả quyển “D-Day” đồng thời là cư dân của New Orleans, vào năm 2000 đã lập nên một viện bảo tàng cho cuộc đổ bộ Normandie, lấy tên là “D-Day Museum”. Họ thu gom được rất nhiều hiện vật cá nhân của những người đã tham dự trận D-Day, cùng với vô số tài liệu liên quan như những bức thư của các nhân vật lãnh đạo – từ tướng Eisenhower của Mỹ, tướng Montgomery của Anh đến thủ tướng Winston Churchill, Tổng thống Franklin Roosevelt, v.v… Từ khởi đầu khiêm tốn ấy, “D-Day Museum” ngày càng lớn dần với sự đóng góp của nhiều cá nhân cũng như các hãng xưởng đã từng tham gia vào chiến cuộc—hãng Ford với loạt xe Jeep, hãng Boeing với những chiếc phi cơ chiến đấu, các công ty sản xuất vũ khí đủ loại và vô số những nhà thầu cung cấp nhu yếu phẩm chiến tranh.
Sau khi được Quốc Hội tặng danh hiệu Bảo-Tàng-Viện Quốc-Gia và đổi tên lại thành National World War II Museum vào năm 2003, BTV-TC2 bành trướng mạnh và càng được nhiều cựu chiến binh hưởng ứng. Thêm vào đó, sự phát triển của Internet và các kỹ thuật hiện đại cũng góp phần tăng cường sự phong phú cho BTV và kết nối với thế hệ trẻ ngày nay. Chẳng hạn như mỗi người khách được tặng một tấm thẻ bài (dog tag) bằng nhựa (kích cỡ bằng tấm thẻ credit card). Mỗi tấm thẻ bài liên quan đến lý lịch của một người từng tham chiến. Khắp các khu vực trong BTV đều có những trạm thông tin điện tử, nơi người ta có thể rà tấm thẻ của mình để tìm hiểu thêm về hành trình của nhân vật trên thẻ bài. Đây là một hình thức giúp người xem đặt mình vào bối cảnh lịch sử và thời cuộc lúc đó để cảm nhận và thấu hiểu hơn những gì đang được bày biện trước mắt.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien7
Mô hình đoàn tàu chiến và phi cơ đủ loại tiến vào Normandie ảnh: IB
Phải nói là cách thức mỗi khu vực được dàn dựng rất chi tiết và khéo léo. Ví dụ như trận Battle of the Bulge được dựng trong một khu rừng giả, trắng xóa tuyết; hoặc trận đánh trên Thái Bình Dương được nhìn từ chiến hạm USS Enterprise; hay là chiến dịch đánh chiếm Berlin người xem phải đi qua những căn nhà đổ nát, các căn hầm trú ẩn của sĩ quan Đức v.v…
Và trong mỗi khu vực như vậy có vô số những hiện vật liên quan đến trận chiến. Chẳng hạn như chiếc nón sắt bị đạn bắn thủng đi đôi với video clip của người chủ của nó (nay đã già) kể lại kinh nghiệm chiến trường khi bị đạn trúng đầu nhưng thoát chết. Hoặc các vật dụng cá nhân như dao cạo, đồ khui, diêm quẹt, thuốc men, tự điển Pháp/Ý/Đức, thậm chí có cả bao cao su (condom) mà binh lính dùng bọc nòng súng để bảo toàn vũ khí, tránh nước hoặc cát v.v…
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien4
Tại đại sảnh đường, màn ảnh đang chiếu tin Nhật vừa chiếm Đông Dương ảnh: IB
Những ai thích vũ khí chắc chắn sẽ mê bộ sưu tập súng ống lớn nhỏ đủ loại, nhiều không kể xiết. Có những loại súng của lính Nhật hay lính Đức hiếm khi ta được nhìn thấy tận mắt. Rồi nào là các thanh gươm, dao găm đủ kiểu, nào là thủy lôi, lựu đạn, bom mìn, súng phòng không, đại bác, đại liên, mọt chê, súng lục… Đặc điểm của đa số các hiện vật này là chúng từng được dùng trong các trận đánh thật, nay được chủ nhân tặng lại cho BTV, hoặc được cho mượn một thời gian.
Còn các món đồ lớn như xe hơi, xe gắn máy thường là do các nhóm thiện nguyện gom lại để phục chế từ các bộ phận rời. Riêng chiếc máy bay C-47 treo trong đại sảnh đường là được mang về từ Âu Châu sau khi bị trục trặc và rớt trên đảo Greenland rồi bị bỏ quên bên đó mấy chục năm trời.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien6
Đại bác 105mm của Mỹ, sau chiến tranh Triều Tiên được Trung Quốc cung cấp cho Việt Minh để đánh Pháp trong trận Điện Biên Phủ ảnh: IB
Nếu bỏ thì giờ xem kỹ tất cả các hiện vật được trưng bày và đọc kỹ lịch sử của chúng, có lẽ sẽ phải mất ba, bốn ngày mới hết. Đa số du khách không ai có nhiều thì giờ đến vậy, thành thử nhiều người chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, coi qua loa cho biết. Nhưng người nào có thì giờ sẽ học hỏi được rất là nhiều thứ. Đại cương, các khu vực trong BTV gồm có:
1. Louisiana Memorial Pavilion – đây là khu vực chính, có chỗ mua vé, quán ăn, trạm xe lửa nơi ta có thể rà tấm thẻ bài của mình để biết mình đang cầm thẻ của ai, phòng trưng bày những biến chuyển trong xã hội Mỹ đi từ nền kinh tế công nghiệp cũ sang kỹ nghệ chiến tranh, cái mà Tổng thống Roosevelt gọi là “Arsenal for Democracy”.
2. Khu trình bày trận đổ bộ Normandie, tức D-Day. Cực hay.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien5
Nhà bếp lưu động của lính Mỹ ảnh: IB
3. Road to Berlin – dẫn người xem qua các trận đánh then chốt ở chiến trường Bắc Phi, sang Sicily, đến La Mã. Từ đó đánh lên hướng Bắc để tiến về Berlin, kết thúc khi Hitler tự tử và sự phát hiện các trại tập trung khủng khiếp.
4. Road to Tokyo – mô tả các trận đánh nhau với Nhật ở Thái Bình Dương, từ đảo Guadalcanal sang Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân, và kết thúc với Nhật đầu hàng sau khi Mỹ thả hai trái bom nguyên tử.
5. STEM Center – nơi trưng bày các phát minh kỹ thuật để phục vụ chiến tranh, kể cả phi cơ đủ loại do hãng Boeing cung cấp.
6. Ngoài ra, trong năm 2018 BTV sẽ hoàn tất một building mới để nói về tình hình thế giới và hậu quả của Đệ Nhị Thế Chiến.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien2
Bài học lịch sử: Nhật đầu hàng sau khi bị dội hai trái bom nguyên tử ảnh: IB
Bảo Tàng Viện được đặt tại một địa điểm rất thuận tiện, gần downtown New Orleans, cách French Quarter không xa, và có sẵn garage đậu xe rất rẻ ($10/ngày). Các gia đình có con ở lứa tuổi trung học đệ nhất cấp trở lên, nếu có điều kiện thì nên mua vé Season Pass để có thể xem được nhiều lần trong một năm mà không phải tốn quá nhiều tiền, lại còn được giảm 20% tại các cửa hàng lưu niệm. Ngoài ra, một khi đã có tấm thẻ bài, ta có thể vào trang website của WW2Museum và tiếp tục cuộc hành trình với nhân vật trên thẻ của mình qua Internet.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien3
Một số vũ khí của Đức Quốc Xã ảnh: IB
Chiến tranh bao giờ cũng mang lại tang thương và đau khổ. Nhưng chiến tranh cũng khơi nguồn cho nhiều thay đổi quan trọng trong đời sống, không chỉ riêng về mặt kỹ thuật hay kỹ nghệ mà còn về mặt xã hội, nhân văn, văn hoá. Bảo-Tàng-Viện Đệ-Nhị Thế-Chiến giúp ta nhìn thấy rõ những thay đổi lớn trong xã hội Hoa Kỳ qua cuộc chiến tàn khốc ấy, từ việc kỳ thị chủng tộc trong quân đội đến việc phụ nữ đi làm, dẫn đến cuộc bùng nổ kinh tế thời hậu chiến và đưa nước Mỹ lên hàng đầu thế giới về mặt quân sự. Và dĩ nhiên nếu Mỹ không nhúng tay vào WW2 thì lịch sử Việt Nam cũng đã rất khác. Sự có mặt của các vũ khí thời Đệ-Nhị Thế-Chiến từ các cường quốc Nga Sô và Mỹ tại chiến trường Việt Nam là bằng chứng hiển nhiên nhất. Thành thử nếu là người Việt, có dịp ghé New Orleans thì cũng nên bỏ chút thời giờ đến thăm nơi này, ít nhất để thấy một bảo tàng chiến tranh nghiêm chỉnh và đúng nghĩa nó ra làm sao.
bao-tang-vien-de-nhi-the-chien1
Những viên gạch mang tên cựu chiến binh qua nhiều cuộc chiến, một hình thức gây quỹ và ủng hộ BTV ảnh: IB
Lan Bùi (Báo Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét