12 thg 2, 2018

KHÁM PHÁ NEPAL

Trịnh Thanh Thủy - Báo Trẻ

Nepal là một xứ sở xa xôi, thời tiết có tới 5 mùa, và khắc nghiệt. Tuy nhiên nơi này là chốn nổi tiếng của dân leo núi Everest và rặng Hy Mã Lạp Sơn. Ngoài ra nếu bạn chán cảnh văn minh tân tiến, ưa nét đẹp thiên nhiên và những cái lạ kỳ ít nơi nào có, hãy đến đây bạn sẽ tìm thấy thiên nhiên hoang sơ, những điều thú vị của nếp sống văn minh lùi lại hàng nhiều niên kỷ trước.
kham-pha-nepal10
Đỉnh Fish Tail của dãy Hy Mã Lạp Sơn
Tôi đã đến Nepal theo một tour du lịch vào tháng 10 là tháng mà khách du lịch có thể chụp hình dãy Hy Mã Lạp sơn rõ nhất (tháng 11 và tháng 12) ít có mây và mưa. Ngoài các bạn trẻ ngoại quốc, tôi gặp các em trẻ Việt Nam với những chiếc balô cao ngất ngưởng ôm mộng chinh phục đỉnh núi cao nhất Everest.
kham-pha-nepal9
Everest Base camp
Muốn leo núi Everest, bạn phải bắt đầu bay từ thành phố Kathmandu qua Lukla, rồi bắt đầu leo núi để tới Mount Everest Base Camp. Phi trường Lukla là một phi trường vang danh là một trong những phi trường đẹp và nguy hiểm nhất thế giới trong vòng 20 năm nay. Nó nguy hiểm vì phi đạo hẹp và ngắn (chỉ có 1729 feet) mà còn có mưa thường xuyên, bị mây bao phủ, tầm nhìn hạn chế. Một đầu phi đạo nằm trên một vách đá cao 2000 feet, đầu kia là một bức tường đá với đường phi đạo nghiêng 11 độ. Người phi công bay được ở đây phải là những phi công xuất sắc và tài ba bậc nhất vì chỉ trông chờ vào kinh nghiệm và may rủi của thời tiết, đã vậy còn không có hoa tiêu trợ lực nữa. Các chuyến bay thường bị trễ hoặc hủy vì điều kiện thời tiết rất nguy hiểm.
kham-pha-nepal8
Khu Durbar Square
Đền đài lăng miếu ở Nepal là những kiến trúc cổ rất đẹp với các nét chạm trổ mỹ thuật tỉ mỉ trên các cánh cửa, cửa sổ, rường cột, hay các vật dụng ở đền thờ, cung điện. Những trận động đất, gần đây nhất là trận động đất lớn năm 2015, đã tàn phá và tiêu hủy nhà cửa và nhiều đền đài cung điện ở Nepal. Chính quyền, UNESCO, và một vài quốc gia như Nhật, Trung Hoa, Hoa Kỳ …đã giúp trùng tu lại các công trình quý giá đã và đang bị sụp đổ. Vì 80% dân số người Nepal theo đạo Hindu (Bà La Môn) và 10% theo đạo Phật nên phần lớn đền chùa ở đây đều thuộc đạo Bà La Môn. Khu Hanuman-dhoka Durbar Square là trung tâm phố cổ Kathmandu, cũng nơi quy tụ các cung điện và đền đài Bà La Môn cũng như Phật Giáo từ thế kỷ 12 tới 18. Khu này thuộc sự bảo tồn và gìn giữ của tổ chức UNESCO.
kham-pha-nepal7
Người thân khiêng xác
Pashupatinath Temple, là một ngôi chùa cổ Hindu nổi tiếng rất thiêng nằm bên bờ sông Bagmati phía đông bắc của thung lũng Kathmandu. Đường vào chùa có rất nhiều khỉ được nuôi và tôn thờ vì khỉ vốn là Thần vật của đạo này.
kham-pha-nepal6
Chùa Pashupatinath và dòng sông thiêu xác.
Toàn thể khuôn viên chùa đã được UNESCO bảo tồn và gìn giữ như một di sản lịch sử và văn hoá. Đó cũng là nơi người ta đem xác người chết đến để thiêu. Du khách, thân nhân và người đi đưa đứng ngồi từ một khu đất cao nhìn xuống phía dưới là bờ sông của ngôi chùa. Sau các nghi lễ Bà La Môn, người chết không có quan tài, được đậy bằng hoa do các con trai và họ hàng khiêng đi đến bờ sông. Củi được chất vào và các người con trai sẽ nổi lửa thiêu. Người giàu có tiền mua đủ củi đốt, xác cháy hết thì vất tro xuống sông, còn nhà nghèo không đủ củi, xác và xương chưa rã họ cũng cho xuống sông luôn. Theo đạo Bà La Môn thì sự sống chết là sự tự nhiên, họ không buồn khổ hay than khóc cho người đã mất. Giống người Ấn Độ ở sông Hằng, họ rất thích tắm và vất xác, tro người,  xuống dòng sông thiêng này, vì tất cả các con sông, kể cả sông ở Ấn Độ, đều xuất phát chảy từ nguồn ở Tây Tạng, là nơi có ngọn núi Ngân Sơn là ngọn núi thiêng của Phật Giáo. Ở Ấn Độ người ta cũng vất xác, tắm, và lấy nước dòng sông Hằng về uống. Theo đạo Hindu chết là trở về với dòng nước thiêng, do đó mới có tục đốt và vứt xác xuống sông.
kham-pha-nepal4
Bảo tháp Tây Tạng Boudhanath
Khi Trung Cộng lấn chiếm Tây Tạng, một số người Tây Tạng chạy qua Ấn Độ và Nepal xin tị nạn nên Nepal là nơi có rất nhiều người tị nạn Tây Tạng (khoảng 20 ngàn người) sau Ấn Độ (khoảng 150 ngàn người). Tình trạng di trú của họ là bất hợp pháp, sống rải rác trong 12 trại tập trung ở Nepal. Họ không được làm chủ bất động sản, cơ sở thương mại, không được thuê mướn hợp pháp, phần lớn đan, may, làm ra các sản phẩm thủ công, quà tặng lưu niệm cho các du khách viếng thăm trại tị nạn của họ. Tuy nhiên đi tới đâu họ cũng lập đền chùa Phật Giáo theo phái Kim Cương Thừa (một nhánh của Phật giáo Mật tông).
kham-pha-nepal5
Trại tị nạn người Tây Tạng
Bảo tháp Boudhanath là một trong những ngôi bảo tháp Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất Nepal và thế giới. Ngôi Bảo tháp Boudhanath là quốc bảo của Nepal, di sản văn hóa thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ 5 và được khôi phục với sự đóng góp của các tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới. UNESCO cũng đã bảo tồn và sửa chữa những hư hại do động đất gây nên. Bảo tháp có mái vòm hình vuông với 1 khuôn mặt có vẽ 2 con mắt. Phía trên đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ. Dưới đôi mắt là một dấu hỏi trông giống như chiếc mũi, có nghĩa là sự hợp nhất. Thân tháp là khối hình vuông, phía trên thân là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, dẫn đến chiếc lọng tinh xảo- biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng. Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia. Du khách đến thăm rất đông. Trong khu buôn bán quà lưu niệm ở đây, có một tiệm phở VN do người Việt làm chủ.
kham-pha-nepal2
Tranh vẽ Mandala
Đến Nepal bạn còn được dịp thưởng thức hay mua sắm loại tranh vẽ tôn giáo Thangka mang về làm quà lưu niệm. Thangka (Tangka, Thanka) là loại tranh vẽ (hay thêu), cuốn lại được,treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng cùng chư Bồ tát, thánh thần. Đối với Phật tử khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó. Các Thangka vẽ các thần linh được coi là thần bảo hộ hoặc phù hộ tín đồ vượt qua khổ nạn, bệnh tật. Một đề tài đặc biệt phổ biến là Pháp luân. Loại Thangka màu thể hiện cả thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, hay Mạn đà la v.v.. Mandala (Mạn đà la) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ, là nơi tâm thức của chư đại bồ tát an trụ.
kham-pha-nepal3
Một vị Lạt Ma đang cầu nguyện
Ở Nepal có rất nhiều lễ hội, một năm 365 ngày mà có hơn 50 lễ hội một năm. Dân chúng tối ngày lo mua sắm đón mừng lễ hội nhiều đến nỗi nhà cửa, đường sá hư vì động đất cũng không có thì giờ sửa chữa, cứ hẹn lần hẹn lữa đến mai và ngày mai chả biết bao giờ mới tới (lời của người dẫn đoàn). Chúng tôi được dạo phố Kathmandu, vài ngày trước ngày Lễ Hội Ánh Sáng Diwali (Tihar), nên người dân đi dạo phố mua sắm rất đông. Lễ hội này lớn thứ nhì ở Nepal, được ví như Tết Nguyên đán của Việt Nam hay Lễ Giáng Sinh của phương Tây, kéo dài 5 ngày với mục đích tôn vinh thú vật như quạ, chó, bò. Ngày thứ ba, họ tôn vinh Laskmi, nữ thần của sắc đẹp, thịnh vượng và may mắn. Ánh sáng được thắp lên khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, để mỗi góc trong ngôi nhà đều tràn ngập ánh sáng bằng chiếc đèn dầu nhỏ bằng đất nung. Họ đã trao nhau những món ngon, quà tặng và đốt pháo bông chào mừng. Bột đủ màu sắc được bán ở chợ để tung, ném vào nhau vào ngày lễ. Mỗi màu đều có ý nghĩa khác nhau như màu đỏ cho tình yêu, xanh biển cho thần Krisna, lá cây cho mùa xuân và năm mới bắt đầu v.v…
kham-pha-nepal1
Bột màu của Lễ Hội Ánh Sáng
kham-pha-nepal
Những ngôi đền gần lâu đài Kumari Ghar
TTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét