Các bạn biết nhiều về triết lý Thực
Dụng của William James. Ông là một nhà giáo được sanh ra và chết tại New York.
Ông sanh năm 1842 và chết năm 1910. Ông là một nhà giáo chuyên nghiệp,
Ông đã dạy những môn như Sinh lý
học, Tâm lý học và Triết học tại viện đại học danh tiếng thế giới Harvard.
William James là một khuôn mặt lớn của trường phái triết học Thực Dụng của Mỹ.
Đứng trên căn bản thực dụng nầy Ông đã cứu xét các vấn đề giáo dục. Muốn hiểu
quan niệm Giáo Dục và Sư Phạm của Ông, chúng ta phải hiểu đúng đắn quan niệm
Thực Dụng của Ông.
“…Từ ngữ thực dụng được dùng nhiều
nhờ ảnh hưởng của Ông. Thật ra thái độ thực dụng cũng không phải là một thái độ
mới mẽ gì. Trước Ông những triết gia lớn như Socrate, Aristote, Locke, Berkeley
và Hume cũng đã có thái độ này. Tuy nhiên đó chỉ là những thái độ lẻ tẻ.”
(trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 94).
Vào thế kỷ 19 có cả một phong trào
triết học Thực Dụng, mà William James là khuôn mặt tiêu biểu nhất. Thái độ thực
dụng của Ông tiêu biểu cho thái độ thực dụng của xã hội Mỹ nói chung, nên hiểu
đúng về Ông sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn hơn xã hội Mỹ. Thái độ và triết học
thực dụng là gì?
“Thái độ thực dụng là thái độ quay
lưng lại với trừu tượng, với từ chương, với tín điều, với tuyệt đối, để đương
đầu với những sự kiện và hành động. Chủ nghĩa thực dụng không chấp nhận sự hiện
hữu của một Chân Lý siêu vượt sự kiện. Chân lý là một cái gì đang thành hình,
là một cái gì đang trở thành, không ngừng. Một ý tưởng thật là một ý tưởng ích
lợi, là một ý tưởng đưa chúng ta đi vô con đường ở đó hành động có thể thành
công. Một người thực dụng là một người đi từ thực tế và không bao giờ mất liên
lạc với thực tế. Chính đứng trên phương diện này, mà James suy nghĩ về những
vấn đề giáo dục.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang
95).
Tư tưởng sư phạm của Ông được gói
ghém trong quyển sách “Câu chuyện Sư phạm” (Causeries Pedagogiques). Đây không
phải là một tác phẩm dài dòng, hay một hệ thống tư tưởng suy luận chặt chẽ.
Ngó qua phần mục lục chúng ta có cảm
giác như đó là một quyển tóm lược về Tâm Lý. Tựa của 13 chương trong sách rất
cổ điển: "Những định luật của tập quán, sự liên tưởng, ký ức, sự chú ý
v.v..” Thật ra những chương này là những câu chuyện mà tác giả kể lại cho chúng
ta với một giọng văn thân mật và duyên dáng, với một tinh thần mới mẽ và sâu
sắc.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 96).
“James nhận thấy những nhà giáo càng
ngày càng hướng nhiều hơn về Tâm Lý Học, để nhờ khoa Tâm lý soi sáng về những
nguyên tắc căn bản của khoa Sư Phạm. Vì vậy nên Ông lập lại những dữ kiện chánh
yếu của khoa Tâm Lý, và từ đó suy diễn ra những hậu quả có thể đối với tác động
Giáo Dục.
Đối với James, ý thức có hai nhiệm
vụ: cung cấp những hiểu biết, và thúc đẩy hành động. Từ Platon và Aristote tới
nay, người ta quan niệm phần vụ thứ nhất như quan trọng hơn cả; nhưng bây giờ
người ta nhận thấy trước khi con người trở thành một con vật tư tưởng, nó là
một con vật hành động. Như vậy nhà giáo không nên nhồi nhét những chân lý làm sẵn
cho học sinh, mà ngược lại nên giúp học sinh khám phá ra chân lý nhờ hoạt động.
Ngoài ra Chân lý còn phải hướng về hành động cụ thể nữa.” (trích Tư Tưởng Sư
Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 96-97).
James không chủ trương Thầy Cô giảng
bài, học trò ngồi nghe cả tiếng. Dạy học phải sống động hơn, phải lợi dụng
những phản ứng của Trẻ, làm cho Trẻ tham gia vào bài giảng, tự mình khám phá ra
Chân Lý.
"Như vậy sẽ không có sự giáo
dục nào mà không cần tới những phản ứng, đặc biệt những phản ứng bẩm sinh. Nhà
Giáo phải biết lợi dụng tất cả những bản năng của Trẻ: sợ hãi, yêu thương, tò
mò, bắt chước, ganh đua, tham vọng, ước muốn chiếm đoạt, ước muốn hủy hoại và
xây dựng.
"Cũng chính vì vậy mà chúng ta
thấy sự ích lợi của những bài học quan sát, của những công việc tay chân, của
những phản ứng miệng (như bài học thuộc lòng..). Những phản ứng này phải được
kèm theo những phản ứng thực nghiệm như đo lường, thực tập, vẻ và viết.” (trích
Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 97).
Khác với những nhà giáo lớn khác như
Rousseau và Kant, James chú trọng tới những tập quán. Theo Ông giáo dục không
những chỉ tạo nên những phản ứng thủ đắc, mà còn đi xa hơn nữa tạo nên những
thói quen. "Cả cuộc đời của chúng ta chỉ là một loạt những thói quen, 99%
những hoạt động của chúng ta hoàn toàn có tánh cách máy móc. Như vậy bổn phận
của nhà giáo là tạo cho Trẻ những thói quen hữu ích càng sớm càng tốt.” (trích
Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 98).
Theo James, vai trò của nhà giáo còn
tạo nên những liên tưởng ích lợi cho Trẻ. Cũng như những cảm giác, tư tưởng
cũng chịu sự chị phối của định luật thói quen, mỗi đợt sóng của dòng ý thức
liên hệ với hoạt động trước đó hoặc bằng sự gần gũi, hoặc bằng sự tương tự, đó
là hiện tượng chúng ta gọi là liên hợp những ý tưởng.
Trong thực tế học sinh của chúng ta
là những bộ máy nhỏ gồm nhiều liên tưởng. Như vậy vai trò của nhà giáo là xây
dựng trong đầu óc đứa trẻ những hệ thống liên tưởng khác nhau. Đây là một công
việc rất khó khăn, khó khăn ở chỗ phải làm cho các khuynh hướng kết hợp nhau
trong chiều hướng ích lợi nhất, và phá vỡ những kết hợp xấu và sai lầm.” (trích
Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 98).
Theo ý các bạn, nhà giáo phải làm gì
để Trẻ chú ý theo dõi bài giảng? Theo James, muốn Trẻ chú ý, bạn phải đáp ứng
được sở thích của Trẻ. "Thông thường Trẻ thích những gì thuộc địa hạt giác
quan, những con người sống động, những vật sống, di chuyển, một hiểm nguy, máu
đổ, những cảnh bi thảm v.v..Chính vì vậy mà sự dạy học lúc đầu phải có tánh
cách khách quan và thực Nghiệm, phải có tánh cách tả chuyện.
Tuy nhiên giáo dục không thể duy trì
mãi trên bình diện này, nó bắt buộc phải đề cập đến những đối tượng mà Trẻ
không thích. Phải làm sao để Trẻ chủ ý? Bí quyết nằm ở chỗ phải tạo sự liên hợp
giữa những đối tượng Trẻ thích và đối tượng Trẻ không thích. Bạn hãy bắt đầu
khêu gợi những sở thích bẩm sinh của Trẻ, sau đó liên hợp đối tượng mới và đối
tượng cũ, và làm cho Trẻ thích cái cũ thích luôn cái mới, và lần lần thích luôn
cả hệ thống tư tưởng.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn,
trang 100).
Phuơng pháp dạy học của James dựa
vào Tâm lý học. Tuy nhiên Ông không chủ trương nhà giáo phải lệ thuộc hoàn toàn
vào khoa tâm lý. Theo James nhà giáo khác với nhà tâm lý. "Tâm lý học là
một khoa học, Giáo Dục là một nghệ thuật, một kỹ thuật. Khoa sư phạm không phát
xuất từ tâm lý học. Cả hai khoa nầy tiến triển song song với nhau, không có
khoa nào chánh và khoa nào phụ.
Rốt cuộc theo James khí giới quan
trọng của Nhà Giáo vẫn là tài năng thiên phú, tình yêu trẻ và khả năng ăn nói,
và thoải mái với lớp học. “Nghĩ cho cùng chúng ta cần phải có tài năng phụ
thêm, một sự khéo léo và tế nhị làm cho chúng ta phải biết nói như thế nào, và
làm như thế nào trước mặt học sinh. Khả năng nhìn thấy tâm hồn của Trẻ, sự khéo
léo và tế nhị này là những gì cần thiết bậc nhất trong nghệ thuật dạy học, và
Tâm lý học không giúp chúng ta có chúng.”
“Theo James, một nhà giáo hoàn hảo
không phải là một nhà lý luận suy diễn những nguyên tắc hành động của mình từ
những dữ kiện của khoa tâm lý học, cũng không phải là một người tuân hành triệt
để những kết luận của một khoa học giáo dục nhất định nào, mà là một con người
cảm thấy thoải mái trong khung cảnh tự nhiên của lớp học, một người vừa dạy học
vừa dựa vào trực giác tâm lý của mình hơn là dựa vào một khóa tâm lý lý thuyết
nào.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 102-103).
(ảnh William James- Wikipedia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét