24 thg 2, 2016

MA RỪNG - chuyện Ngắn của Phong Ngạn




Lão phù thủy Phya Latek đang nhìn mặt trời vừa lên khỏi đầu giải Hoàng Sơn, để luyện phép, thì bỗng nghe tiếng sột soạt khua lá cây khô trên sân, trước chiếc thảo lư của ông ta.
Ông tức giận lắm vì sự lo ra đã làm hỏng một buổi tập trung thần lực mà trong đó ông phải dồn hết tâm linh và tư tưởng vào một định ý mới mong có kết quả đôi chút. Ông day lại, mặt hầm hầm. Nhưng ông bỗng đổi sắc khi nhìn thấy người khách đến không hợp lúc ấy. Nộ khí của ông biến thành vẻ kinh ngạc, ông chỉ biết há hốc nhìn.
–  Em đây anh à ! Người khách nói.
Giây lâu lão phù thủy mới hỏi được :
–  Mầy lên đây làm gì, nhà có việc gì biến không ?
–  Không, nhưng em có việc cần gặp anh lắm.
–  Thôi, vào đây
Hai anh em leo thang tre mà lên một chiếc nhà sàng cao vọi. Nhà lão phù thủy Phya Latek, cũng như nhà của những người Lào khác, cất cao cẳng. Lối kiến trúc nầy được lão ta làm quá lố thêm vì lão ở biệt tịch dưới chơi giãi Hoành Sơn, phía sườn núi hướng Tây, ngó ra lãnh thổ Lào trung.
Khi Kha Nhay, người em dưới làng mới đến, đã ngồi xong trên chiếc chiếu tre, lão phù thủy Phya Latek hối thằng tiểu đồng dọn cơm nếp nấu với sầu riêng để cả hai cùng ăn sáng.
Phya Lakek, từ mấy năm nay, bỏ làng vào núi để hái thuốc và luyện phép, sống gần như cô độc với một đứa học trò nhỏ trạc mười hai tuổi.
Cầm một cục xôi thoa múi vừng bỏ vào miệng, Phya Latek hỏi Kha Nhay :
– Chú mấy nói có việc cần là việc gì đó ?
– Cần lắm, vì vậy tôi bất kể đêm ngày, lặn lội tìm anh. Tôi tới đây hồi khuya, nhưng sợ anh có bủa giăng bùa phép nên không dám vào, ngủ đỡ ngoài rừng đợi sáng.
– Thì việc gì mầy cứ nói ngay đi coi.
–  Số là hai năm liền vì một lẽ rất kỳ bí, tôi làm ăn cứ thua lỗ mãi…
–  À, mầy vẫn còn là tù trưởng ở Khum Keng Phao chớ ?
–  Còn.
– Và cũng cứ cầm đầu đoàn người đi bán bò dưới nước Nam Kỳ[2] chớ ?
– Cũng còn.
– Mà vẫn lỗ mãi ?
– Phải.
– Lẽ gì mà kỳ bí dữ vậy ?
–  Lạ quá anh à. Trước kia thì không có, nhưng từ hai năm nay thật là khó hiểu. Bò của chúng tôi băng rừng, lướt bụi xuống tới xứ Nam Kỳ thì bò tơ hóa bò già, bò mập hóa bò ốm hết thảy, bán chẳng ma nào thèm mua hết.
–  Thì tại bây đi không nghỉ, bò nó đuối sức nên mới hư chớ có gì lạ đâu.
–  Không phải vậy. Tụi tôi đêm đi, ngày nghỉ, mà đi thiệt chậm, vả lại dọc đường còn phải chờ bò của các làng khác kia mà. Và xuống tới núi Bà Rá, bò còn mập tốt như thường kia mà! Nhưng hôm sau, tới Phú Riềng là nó hư ngay.
Phya Latek trầm tư mặc tưởng rất lâu, rồi mới hỏi em :
–  Bây giờ mầy muốn gì ?
– Tụi tôi bàn với nhau, chắc tại ma rừng của người An Nam hại bò, nên mới ra nông nỗi ấy. Người An Nam họ không biết gì hết, không thèm cúng quải nên ma rừng nó giận, nó lộng hành. Tụi tôi muốn rước anh đi theo đoàn để làm phép ếm cho ma nó sợ.
– Tao đi làm sao được. Tao đã nguyện không dính dáng đến việc đời rồi mà !
– Anh tu dưỡng luyện phép làm gì mà em của anh có việc một chút anh lại không cứu !
–  Hay là tao về làng làm phép cho bò mầy và bò miệt trên thôi.
–  Không được, như vậy bò miệt dưới vẫn bị hại. Năm ngoái lỗ quá họ không tính đi nữa, tôi phải cam đoan với họ là tôi đối phó được. Nếu năm nay để họ bị hại nữa, thì còn gì danh tiếng của tôi và của anh ?
Phya Latek thở ra, không buồn ăn nữa.
Kha Nhay chép môi vừa khen vừa hỏi:
– Sầu riêng nầy ngon. Ở đâu anh có đây ?
– Ở dưới làng họ đem lên biếu.
– Năm ngoái, sau mùa bò, cha mẹ và tôi, cả nhà đều ăn khoai, chớ tiền còn đâu mà mua nếp với sầu riêng. Tội nghiệp mẹ đã già yếu mà ăn cực khổ mãi…
Phya Latek rưng rưng nước mắt, gạt ngang :
–  Thôi mầy đừng nói nữa, để tao đi.
*
Điểm khởi hành là chợ Sang Phóc, cách Thạt Khẹt năm mươi cây số về hướng tây.
Từ mươi hôm rồi, bò miệt trên và các làng lân cận lũ lượt tụ về đó, ở rải rác khắp khu rừng quanh chợ. Và sau đêm ngã trâu ăn khao là đàn bò lên đường trong cát bụi mịt trời.
Đàn bò to ước độ ba ngàn con, và bọn người buôn bò sắp đặt làm sao cho loài bò nó chọn lựa tướng soái tự nhiên lấy, và luôn luôn con đầu đàn là con bò xứng địa vị nhứt. Chừng ấy, con người mới ra mặt để dẫn đầu lại con bò đầu đàn kia. Như thế họ chỉ tốn công điều khiển có mỗi một con mà cả ba ngàn con đều ép mình vào trật tự. Người Lào thật thà thế, mà khiếu dẫn đạo của họ không kém các tay xâm lược danh tiếng của thế giới bao nhiêu.
Ba ngàn con bò ấy chà mòn thêm những đường mòn có sẵn trong rừng, đùa gãy những nhánh cây thấp ngang lưng chúng và quậy nát những bãi cỏ, những trãng tranh mỗi lần chúng đồn dinh hạ trại.
Gió cuốn bụi mù, nhánh cây gãy răn rắc và lá khô bị vò nát tạo nên tiếng rầm rì không ngớt như mưa rừng. Và mỗi lần đàn bò dài hằng ba bốn cây số ấy vượt qua một man khê, một suối dại, thì bờ suối nát nhừ và lòng suối nơi đó bỗng rộng ra như lòng một con sông.
Những nơi có quan lộ thì họ đi ban đêm, ban ngày vào rừng nghỉ mát và thả bò ăn lá cây. Những nơi chỉ toàn đường mòn thì họ đi ban ngày, lợi dụng bóng mát của cây giao nhành trên lối nhỏ ấy cho bò đỡ mệt, và ban đêm thì lại nghỉ, để dễ bảo vệ bò tránh thú dữ.
Thường thường họ dồn bò vào những đồng cỏ lớn, đốt lửa quanh đám bò và thức đêm nhìn vào ven rừng mà gõ mõ tre để nhát cọp.
Tuy thế, cũng không tránh khỏi sự hao hớt dọc đường. Làm thế nào cọp cũng rình xơi được vài con, nhứt là vào giữa ban ngày khi chúng len lỏi trong rừng để ăn lá. Cũng có một số bò yếu đuối nên chết, hoặc què rồi bị họ ăn thịt.
Bù vào đó, những con bê đẻ dọc đường đứng lên trám những chỗ trống cho đạo binh viễn chinh bò ấy, trám cho đủ số thôi, chớ bò con thì bán có bao nhiêu tiền đâu.
Đàn bò giống hệt như một con sông lớn chảy xuôi dòng. Thỉnh thoảng nhiều con rạch con đổ vào để tăng đại con sông đó. Đó là những đàn bò địa phương, nhập đoàn dọc đường để cùng đi một chuyến.
Mỗi lân có bò mới nhập bọn là đoàn người dừng bước để thầy phù thủy Phya Latek làm phép ếm ma và vẽ bùa trên đầu bò.
Chủ bò thì ngoài gạo, nếp lại mang theo nào là ngà voi, trầm, sà-rông nhiều màu sắc sặc sở để bán cho “An Nam”.
Đi một tháng ròng rã họ mới vào địa phận Cao Miên, và phải một tháng nữa mới đến biên giới phía bắc của “nước Nam Kỳ”.
Tuy đường xa vạn dặm thế mà bò vẫn béo tốt, vì chúng như vẫn ở trong địa hạt của chúng, vẫn tiếp tục sống giữa thiên nhiên như hồi ở nhà.
Qua khỏi Snoul, tiến về biên giới Nam Kỳ thì bò nghe như lạc hướng và rất khó chịu.
Từ nơi đó, rừng đã biến thành những sở cao-su mênh mông bát ngát, không được phép vào đó nữa, nên phải đi trên quan lộ. Mà quan lộ ở đây thì ối chào, nắng như thiêu đốt, và hơi nóng từ đường nhựa bốc lên nghe hừng hực như lửa lò. Xe hơi thì dập dìu, bò trông thấy xe tưởng xe là những con quái vật kỳ khôi từ đàng xa âm sầm đâm đầu lại; quái vật nầy vừa hét vang rền, vừa hầm hừ, vừa xịt hơi ra mũi mà mũi lại ở phía đằng sau đít mới lạ cho chớ !
Đàn bò khó chịu nhứt là vì con đường nhựa. Đường trải đá thì thỉnh thoảng còn để lòi đất, chúng rất sung sướng mà đạp được cái chất quen thuộc ấy. Ở đây chất hắc ín đã đậy kín đất mẹ, cái đất mà chúng ưa mùi và rút sinh khí từ trong đó ra.
Bò lại sợ nhứt những tiếng rồn rột như mưa rào trên ngói tạo nên bởi móng của chúng nện trên chất nhựa hắc ín cứng ngắt trong sương đêm.
Cũng may là chỉ phải chịu khổ vài ngày thôi. Khi chúng qua khỏi Phú Riềng, Phước Hòa tới Mỹ Đức là có rừng rậm nghỉ ngơi, lại khỏi phải đi nữa vì đó là chợ bò của “nước Nam Kỳ” đó.
*
Tháng giêng năm ấy, cũng như các năm khác, chợ Tân Uyên rất vui. Sau khi “ăn Tết ở nhà” và “cờ bạc”, họ được dịp tốt làm ăn, vì chợ bò Mỹ Đức chính là chợ bò Tân Uyên vậy.
Tân Uyên là chợ quận ven rừng, ngã ba của sự thương mãi với hậu phương rừng sâu, còn Mỹ Đức chỉ là một làng tiền tuyến dùng làm trại bò vĩ đại thôi.
Lái bò các nơi đều tề tựu về đó. Người bản xứ thì ai đồ tể, lo chuẩn bị mua thịt; ai đầu cơ, lo mang muối, hộp diêm, gương con, hột cườm ngũ sắc lên đó bán cho người Lào với một giá cắt cổ, ai muốn làm giàu to thì mang vốn lên mua ngà voi rẻ mạt đem về rồi mặc sức mà phát tài.
Vì thế tin bò Lèo[3] về là một tin vui như người ven bể nghe thuyền đánh cá vào bờ.
Chánh phủ “Nam Kỳ” chỉ tiếp đón bò Lèo để bảo vệ họ khỏi bị gạt gẫm, cướp bóc thôi, còn thương mãi các thứ vẫn để tự do.
Đàn bò đến rừng Mỹ Đức là hạ trại. Mỗi con bò đều có đeo lục lạc bằng gỗ nên chủ bò vững tâm thả chúng vào rừng cho sống tự do để đợi khách. Muốn tìm bò, họ cứ lắng tai nghe tiếng lục lạc lốc cốc mà theo dấu. Còn ma rừng thì năm nay đừng hòng mò đến bò. Đã có thầy Phya Latek ếm rồi, mó vào có mà chết.
Người Lào ngay thẳng lắm. Bò họ để chung, chẳng thèm là con nào của ai cả. Bán được bao nhiêu (con nào cũng bán một giá) họ chia nhau tùy số mỗi người có. Mà số này thì ai có bao nhiêu, khai bấy nhiêu chẳng ai ăn gian ai cả. Vì vậy đàn bò giống đàn bò chung của một chủ.
Bò nghỉ được hai ngày đêm thì khách hàng được phép đến nơi.
Ai bán cứ ở ngoài lộ mà bán, ai mua, theo người dìu dắt vào rừng. Mua xong, họ sẽ gom bò ra đường lộ cho ta.
Mà trời ơi, các tay dìu dắt đều rụng rời khi họ dẫn khách hàng vào đến chỗ mà đàn bò đi ăn rải rác bên trong. Trời ơi, sự tình cũng y như hai năm rồi: bao nhiêu bò tơ mập mạp, sởn sơ đều hóa thành bò già ủ rũ, ốm bày sườn.
Thế nầy thì có chết hay không ! Ma gì mà dữ quá, bất kể bùa phép của thầy Phya Latek là một tay phù thủy khét tiếng từ thuở đến giờ.
Các tay dìu dắt ôm đầu chạy thoát ra trong khi những khách hàng “An Nam” ngơ ngác không hiểu làm cách nào mà người Lào đưa được những con bò ho lao ấy từ xứ xa tít đến đây, liên liếp trong ba mùa bò liền.
Thầy Phya Latek đang ngồi lựa cườm màu bỗng thấy các tay dìu dắt khách hàng hơ hải vừa chạy đến vừa la :
–     Chết rồi thầy ơi, chúng nó lại bắt bò nữa, y như các năm trước.
Tất cả những người Lào có mặt tại chợ ngà voi, chợ muối hột, đều đứng lên một lượt như có lò xo bật, rồi ba chân bốn cẳng chạy riết vô rừng.
Quả thật thế, trước mắt họ bày ra một cảnh tượng vô cùng tuyệt vọng : bò con nào con nấy bụng cũng móm xom, còn xương nó thì như đang cố xoi thủng da để lòi ra ngoài.
Họ hỡi ơi, tiếc công một năm dài chăn nuôi và mấy tháng trường băng rừng vượt suối để đến đây.
Thầy Phía Latek nói :
–     Bọn ma nầy có giỏi lắm là mà con mắt ta để ta thấy bò tệ như vậy, chớ làm gì mà chúng rút bớt thịt bò được. Để tôi giải phép xem thử.
Nói xong, ông nắm tay lại, trăm gì lia lịa một hơi dài, rồi búng những ngón tay ốm nhom vào hướng những con bò không muốn cựa quậy ấy. Nhưng ông đã mỏi mồm đọc thần chú ; đã hụt hơi phà khí trừ tà vào hướng bò, những con vật nầy vẫn nhất định gầy khô và run rẩy vì già liệt.
Dưới đây là bức điện văn của ông tỉnh trưởng Biên Hoà gửi cho Thống Đốc Nam Kỳ :
“Chợ bò Tân Uyên hoàn toàn thất bại như hai năm trước. Stop
Người Lào thề quyết bớt chăn nuôi và không đến chợ nầy nữa Stop.
Họ bảo rừng có ma hại bò. Stop.
Theo tôi, có lẽ một bệnh mới mà mầm bệnh ờ rừng Mỹ Đứ. Stop.
Yêu cầu phái gấp nhiều thú y lỗi lạc đón bò mua rẻ dang đổ về các tỉnh khác để khám. Stop.
Cần hành dộng gắp để tránh sự nguy ngập kinh tế cho hai xứ lào và Nam Kỳ. Stop”
Ông Thống đốc Nam Kỳ đọc xong bức điện văn này, trầm ngâm giây lâu rồi trao mảnh giấy cho viên đổng lý văn phòng xem.
–  Người Lào nghĩ cũng tội nghiệp, ông thống đốc nói, mà viên tỉnh trưởng này mới thật là thiếu tưởng tượng chớ. Được, tôi sẽ hành động, nhưng chậm chạp thôi, để bắt ma của người Lào, và bắt vi trùng của ông tỉnh trưởng. Ông nhớ nhé, năm tới một tháng trước khi họp chợ bò Lào, ông nhớ nhắc tôi hành động.
–  Vâng.
*
Và dưới đây là bức điện văn của thống đốc Nam Kỳ gửi cho khâm sứ Ai Lao sau Tết tây kế đó.
”Đã thi hành dủ biện pháp để bảo vệ bò Lào. Stop.
Yêu cầu khuyến khích ngườì chăn nuôi đem bò xuống như mọi năm. Stop.
Bảo đảm an ninh về ma quỉ“.
Đồng thời Thống đốc Nam Kỳ lại gởi lên Biên Hòa đại đội vệ binh địa phương hầu vây bắt…ma quỉ hay vi trùng gì đó.
*
Giữa hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một, tại ngay ranh giới tỉnh, có một lâm thôn tên là A.M. Làng ấy thuộc về tỉnh Thủ, nhưng dân trong làng lại liên lạc mật thiết với tỉnh Biên Hòa, nên thét rồi họ không còn biết họ là dân tỉnh nào nữa.
Dân làng sống về nghề buôn „hàng đen“. Hai tiếng “hàng đen“ ấy đã có rất lâu đời và người miền đông ai cũng hiểu nghĩa của nó là những con trâu con bò trộm được, đem đi bán.
(Về sau ta có danh từ chợ đen để chỉ một thứ thị trường kia, nhưng thử nghĩ danh từ hàng đen mà ám chỉ vào thứ hàng hóa trong chợ đen ấy cũng vẫn là đúng).
Trong làng từ ông hương cả đến anh dân trắng (bạch đinh), ai cũng buôn hàng đen cả, nên nghề ấy thành công khai vì chính người có quyền cũng làm kia mà. Và họ coi công việc đó rất thường, không còn nghe lương tâm nói ra nói vào gì cả.
Địa thế hàng rất lợi. Đó là một làng rừng như đã nói, nghĩa là biệt tịch trong thâm sơn cùng cốc. Và vì ở biên giới nên đang đứng ở đây, bước qua một bước là đến tỉnh khác. Bên nây mà có cuộc hành binh cảnh sát là họ ùn ùn dắt trâu bò đi vài thước thì qua tới bên kia, đang êm rơ.
Trong các tỉnh miền đông, trâu bò trộm được đều tập trung về chợ đó để rồi phân phát trở ra cũng trong các tỉnh miền Đông.
Tất cả các tay trộm trong vùng đều coi làng đó là thánh địa của nghề và luôn luôn đi, về không ngớt. Đó là những cuộc hành hương ban đêm mà cả thảy tín đồ đều có một lương tâm nặng trĩu tội ác và những hành lý bốn chơn.
Làng lại tổ chức châu đáo để đánh thối lui những bọn người „theo bò“ hầu giúp các tên trộm nó là kẻ tiếp tế đắc lực cho cái chợ kỳ dị ấy.
Phải nói rõ các bạn mới biết „theo bò“ thế nào. Các tay trộm bò, trâu thật là tài tình. Trâu bò ngủ trong chuồng mà cổng làm bằng những khúc gỗ to hơn bắp vế. Thế mà chúng dắt trâu bò ra dễ dàng như…Trương Dực Đức lấy đầu viên thượng tướng địch.
Mãi đến mấy giờ sau khổ chủ mới hay. Thế là họ động viên cả làng, đang đêm đốt đuốc, vác dao, mác, men theo dấu trâu bò mà rượt theo trộm.
Người theo dấu cũng giỏi. Bọn trộm có „long“ bò trâu ngang qua sông, qua rạch họ cũng tìm được. Nhiều khi chúng bó cẳng bò bằng rơm, họ cũng không mất dấu.
Họ theo như thế nhiều khi tới ổ, nghĩa là tới làng A. M. Là chuyên nghiệp thì phải tổ chức châu đáo. Vì thế mà làng A. M. có cả một đạo binh dáo, mác để phản công đánh lui bọn „theo bò“.
Bọn nầy luôn luôn thua trận vì binh xa mới đến, mệt môi, vì ít người hơn lại không được huấn luyện hẳn hòi.
Thế mà họ không thưa kiện gì cả, mặc dầu biết sào huyệt kẻ gian, vì bọn nầy lại có nơi bí mật riêng trong rừng để nhốt trâu bò, nhà chuyên trách có đến làng khám cũng chẳng tìm thấy gì.
Trong làng có ông hương cả Nghiệm là tay hàng đen chúa tể. Vốn ông rất lớn nên hàng năm ông mua ra bán vô hàng vạn trâu bò. Ông ta có đến sáu vợ, mà bà nào cũng nhà cột gỗ gõ, nền đúc hẳn hoi. Sống giữa rừng mà ông luôn luôn trong nhà có nước đá, la-ve, bánh hộp, nho tươi, bom, xá-lị vân…vân…Người trong vùng gọi ông ta là vua hàng đen.
Nhưng ông ta vua không phải ở chỗ lớn vốn và ăn tiêu sang trọng. Phàm hễ vua là được người đầu lụy, ngự trị trên tất cả. Ông hương cả Nghiệm ngự trị trên hết thảy các tay hàng đen khác.
Vì sao ? Hàng đen, trữ xong, phải bán. Muốn bán phải có giấy tờ, vì con bò con trâu nào trong nước đều phải có thẻ căn cước như người ta cả.
Chỉ có một mình hương cả Nghiệm là có đủ giấy tờ cho hàng vạn con vật ấy. Những tay lái khác, dầu nhỏ, dầu to đều phải đến cầu khẩn ông để lấy thẻ cho bò.
– Bác muốn lấy bài chỉ cho một con bò mốc, tám xoáy, độ bốn tuổi à ? Được, hai đồng một thẻ, đây nầy thẻ cũ, có lằn xếp hẳn hoi, có mang dấu vết mắc mưa, té ruộng, lội sình đây, chớ không phải giấy giả mới làm đâu. Con dấu tỉnh trưởng, chữ ký của phó tỉnh trưởng, chữ ký thật đấy.
Ông cả phát thẻ bò như vậy gần hai mươi năm, người tò mò tìm mãi mới khám phá ra mánh lới của ông ta. Ông ta thông đồng với các lò thịt cắc chú, đặt tiền trước khắp các lò để lấy độc quyền mua lại thẻ căn cước của những con vật bị thịt mỗi ngày.
Nhà ông cả Nghiệm tấp nập khách khứa tứ phương đến đó mua bò và chuộc bò.
Ông ở cách đó năm mươi cây số và tuần rồi ông có mất trộm một cặp bò phèn ư ? Cứ tìm đến ông cả Nghiệm, ông sẽ cho người nhà đưa ôngvào rừng nhìn bò. Ôi, bò vô số kể, lển nghển trong ấy như rệp ở các tiệm hút. Ông nhìn được bò ông là may mắn lắm và cứ mặc cả mà chuộc bò lại, đừng mong thưa gởi gì hết. Ông Cả có đủ trăm phương ngàn kế để phi tang hoặc ám hại ông nếu ông giở ngón.
Vả lại người ta “làm ăn” mà, cũng như bao nhiêu cuộc làm ăn khác, ai nỡ lật lọng với người ta. Cho đến cái anh trộm kia, cũng là “làm ăn”. Câu chuyện lỗ vốn sau đây, mới nghe thì buồn cười nhưng khi biết rõ cuộc thương mãi nầy mới thật là chánh đáng.
Một nông già kia ở Tây Ninh có mất trộm đôi bò thật tốt. Ông ta biết thủ phạm là ai, nên tìm đến nhà hắn xin chuộc.
Tên trộm ra giá tám mươi đồng.
– Thôi mà, năm chục là vừa phải mà?
– Không được đâu, năm chục thì lỗ tôi quá.
Ai đời của người ta, mình lấy không, người ta nạp tiền để xin lại, mà mình còn than lỗ vốn cái nỗi gì chớ.
Nhưng lỗ vốn thật đó. Hắn đã mang bò tận A. M. bán rẻ cho ông Cả. Bây giờ lội rừng mang về, phải tốn bao nhiêu là công khó, không lỗ vốn, lỗ công sao được.
Vả lại bọn trộm rất trung thành với ông Cả, nên cứ muốn nạn nhơn đi ngay lại ông mà chuộc. Sở dĩ có sự trung thành nầy là vì ông Cả rất hào hiệp, rủi em út đứa nào bị tù, ông nuôi vợ con họ tử tế và gửi quà bánh vào khám không ngớt.
Phàm hễ vua là có kẻ muốn soán ngôi tiếm vị. Ông Cả giàu sang quá nên gây nhiều đố kỵ và một hôm ông bị đồng nghiệp phản bội dắt lính đến vây tóm trọn ổ bò trong rừng trên hai ngàn con.
Kỳ ấy ông lỗ quá sá, nhưng may không rơi vào vòng pháp luật vì không có bằng cớ ổ bò ấy là của ông.
Ông ngán ngẩm thế sự, mở đại yến khoản đãi tất cả khách hàng, em út gần xa và đồng nghiệp cùng làng, trong đó có cả người ám hại ông, và khi tiệc tàn, ông long trọng tuyên bố giải nghệ.
Ông cả là tay mưu thần chước quỉ, nên không ai tin lời tuyên bố ấy hết, và tiếp tục theo dõi hành động của ông coi ông còn lôi cái trò gì ra từ cái túi trăm ngàn kế của ông.
Nhưng ông Cả quả giải nghệ thật, ông đọc truyện Tàu, chơi cây cảnh, non bộ, hoặc ngao du các tỉnh thành, phú mặc cho bạn bè tranh đua lợi quyền mối men.
Ông dưỡng già như vậy đúng một năm thì lại mở đại yến khoản đãi tất cả các người quen biết và rồi cũng tuyên bố. Ông tuyên bố trở về vào rlghề. Tin sét đánh nầy khiến cho những đồng  nghiệp của ông rụng rời khủng khiếp như một quốc gia thình lình hay tin một cường quốc lân cận chuẩn bị xâm lăng để cướp nền thạnh vượng của nó.
Đọc suốt được trong thâm tâm bạn, ông Cả nói rõ để ho yên lòng :
–  Không, tôi sẽ làm lái bò như xưa, nhưng không buôn hàng đen nữa, mà chỉ buôn hàng trắng thôi.
–  Thế nào là hàng trắng ?
–  Là những con bò nuôi lương thiện buôn bán trong vòng hợp pháp.
Người người đều mỉm cười trước lời giải thích của con cáo già nầy.
Mấy hôm sau đó, ông Cả rao ai có bò già, bò ốm, bò què đem bán rẻ cho ông đặng ông nuôi. Tuy nói là bán rẻ, nhưng họ bán cũng rất là “được tiền”, cao giá hơn cho bọn đồ tể cắc chú nhiều. Nên chi bò lại đi về A. M. đông đảo. Cùng với những bò tốt do của trộm, năm ấy bò về “hưu” đổ vào vùng A. M. tấp nập. A.M. như thu hút tất cả những phần tử bạc nhược trong nước, vì nhà nông nào cũng có một hay vài con bò hết xài, để mất công chăn, bán thì rẻ quá, và cũng không nỡ bán cho lò thịt một người bạn cày sâu cuốc bẫm với họ trong nhiều năm.
Chỉ trong vòng hai tháng là ông Cả mua được già hai nghìn con bò ốm, và cho tất cả vào sào huyệt riêng của ông trong rừng như các tay hàng đen khác. Bò hàng trắng không cần giấu ai, ừ, nhưng đem vào rừng có cỏ, có lá nhiều, có lắm bóng mát, suối trong, chúng mới mập chớ.
Ông Cả khoe chắc là đến ra giêng bò ấy sẽ cải lão hoàn đồng. Tết năm ấy ông ăn Tết to hơn bao giờ cả.
Ăn rằm tháng giêng xong, ông Cả ra đi với vài tên người nhà thân tín. Vì cái lần bị bắt ấy, ông đã đổi sào huyệt và dấu kín không cho bạn đồng nghiệp nào biết nơi chốn hết. Họ hết sức dò la cũng không tìm được ổ bò của ông.
Và mười hôm sau vào đầu tháng hai, ông lùa bò về làng. Hàng trắng bán công khai mà, tội gì còn phải giấu trong rừng.
Ồ, những con bò tốt đẹp làm sao. Con nào con nấy ú nu, ú núc, sởn sơ như thanh niên mười tám hai mươi, thơm mùi rừng, thơm hoa dại, thơm cỏ non, chớ không hôi mùi phân chuồng như những con bò khác.
Làng xóm rộn rịp lên. Khắp hang cùng ngõ hẻm, ruộng khô, đồng vắng, đâu đâu cũng lúc nhúc bò của ông Cả.
Trông những con bò mới thèm làm sao ! Người đồ tể đoán thấy những bắp thịt mềm dưới làn da non của chúng. Nông gia cứ trầm trồ những cẳng bò gân guốc, thịt săn mà gân lại dẻo, móng lại kiên cố như có đóng đế sắt rồi.
Bò về làng vài ngày là bọn lái tứ phương mang đi sạch hết.
Ông Cả lại giàu hơn bao giờ. Bò già nua vẫn rẻ hơn bò của trộm mà bò hoàn đồng, bán lại được tiền hơn bò gian.
Đồng nghiệp của ông Cả đều le lưỡi. Nếu họ biết cách nuội thần thánh của ông thì tội gì họ còn phải đeo đuổi theo cái nghề bất lương và rất có thể vào tù nầy làm chi nữa.
Nhưng cách nuôi thần tình và tốc hành ấy, dân làng rình mò mãi mà không khám phá ra được. Họ mua chuộc người nhà của ông, nhưng mấy thằng nầy đã được trả công phủ phê nên vẫn ngậm câm như hến!
Một năm hai kỳ,vào cuối mùa mưa trước vào giữa mùa nắng sau, ông Cả mua bò, chăn nuôi và bán bò. Ông cưới thêm ba cô vợ nữa và hăm sắm xe hơi, mua sở cao-su.
Dân trong vùng đồn trong ông Cả đã chuộc bùa trên Cao Miên về bỏ cho bò ham ăn, và mau khỏe lại.
Có người lại quả quyết ông Cả vốn giao du rộng nên biết một món thuốc tây rất hiệu nghiệm do một ông thú y cho.
Nhưng sự thật là sao, họ vẫn hoang mang không chắc.
Bấy giờ ông Cả thật là hương cả, vị tiên chỉ trong làng.
Trước kia, làm nghề xấu, những người tai mắt ở xa không ai thèm giao thiệp với ông. Bây giờ quan chức trong tỉnh tới lui nườm nợp, ai cũng khen ông biết cải tà qui chánh và nhứt là thành công trong nghề khó khăn, nghề chăn nuôi. Có lần vị tỉnh trưởng tỉnh nầy hứa xin cho ông một khuê bài “xứng đáng về nông nghiệp” (Mérite agricole).
Ông thành công như vậy trong hai năm liền, và một hôm, đùng một cái có tin sét đánh là ông Cả Nghiệm bị bắt, khiến cho dân cả miền Đông đều kinh ngạc.
Tin rõ ràng ông Nghiệm bị bắt giữa rừng Mỹ Đức cùng với mấ’y tên người nhà, tất cả đang lùa bò tơ của người Lào, lùa vào rừng sâu để tìm đường đi vòng về A.M.
Thế là hồi ông Cả mua hàng đen, bị cảnh sát địa phương bố. Nhưng lân nầy cải tà qui chánh, buôn hàng trắng lại bị cả thống đốc Nam Kỳ “đặc biệt chú ý”.
Dầu sao ai cũng khen ông Cả là người thâm.
–     Phải, trộm bò của người Lào thì dại. Chúng sẽ buồn mà không mang bò đến nữa. Và vụ trộm to ấy thế nào cũng kêu gọi một phản động lực cấp tốc của nhà nước và phương tiện thanh trừng sẽ lớn lao, khó mà thoát được.
Còn đánh tráo bò thì êm rơ. Người Lào vốn lười biếng, một khi thả bò vào rừng là không thèm dòm đến chúng nữa. Họ lại mê tín, thấy bò ốm, bò già, ngỡ bò tốt của họ bị ma làm, nên chỉ run sợ mà không rình rập để khám phá ra quỉ kế.


[1]  Một bút danh của Bình Nguyên Lộc
[2] Chuyện nầy xảy ra cách đây 30 năm.
 [3] Biến thể của tiếng Lào
(Từ Dân News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét