(Dân trí) - Nếu có dịp đến Malaysia, chắc hẳn bạn phải nên một lần đến thăm xưởng gia công vải Batik. PV Dân trí đã có mặt tại đảo Penang, nơi được mệnh danh là “Hòn ngọc Phương Đông” của đất nước Malaysia.
Thợ gia công vải Batik đang xử lý tạo hình mặt vải nhám.
Xưởng sản xuất vải hoa batik đã có từ rất lâu và vẫn duy trì được sự phát triển cho tới hiện nay. Vải hoa batik được dùng làm áo sơ mi nam, quần soóc, quần dài, tạp dề, khăn quàng cổ, áo thời trang cao cấp cho nữ, mũ, thời trang, các đồ cho trẻ em...
Vải batik cũng được dùng để làm các đồ như
ba lô, ga trải giường, quạt cầm tay, khung ảnh, các đồ trang trí trong
nhà như khăn trải bàn nhiều họa tiết... Đến đây, bạn cũng sẽ biết được
quá trình làm nên một miếng vải qua sự hướg dẫn của các thợ thủ công.
Đầu tiên, thợ gia công can hoa văn lên tấm vải, sau đó dùng sáp nấu chảy, vẽ bằng một cái muôi nhỏ có phần để múc sáp nối với vòi để dẫn sáp chảy theo vệt hoa văn. Vòi được sử dụng khéo léo như đầu ngọn bút. Cách tạo hoa văn rồi nhuộm như thế này khá giống cách trang trí thổ cẩm người H’Mông nước ta. Những chỗ bôi sáp sẽ không bị nhuốm màu và tạo thành hoa văn trắng.
Một số sản phẩm, đường nét được thực hiện trước.
Sáp thô được nấu chảy. Sau đó, người thợ sẽ dùng một công cụ vẽ chuyên dụng có khoang chứa sáp lỏng dẫn xuống một ống dẫn.
Đầu ống dẫn tác dụng như một ngòi bút, dẫn sáp chạy theo đường nét người thợ thiết kế.
Chiếc bút đi nét của người thợ vải Batik.
Một số mẫu dùng khuôn có sẵn.
Đây được xem là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian. Có nhiều cách tạo hoa văn bằng sáp, có thể đi nét tay, dùng khuôn có sẵn, dùng cọ, có khi còn dùng cả… muối ăn.
Dùng muối ăn tạo hiệu ứng đặc biệt cho
mẫu. Do hạt muối sẽ tạo nét đậm nhạt cho mẫu nên những khuôn vải này
thường chỉ có một mẫu duy nhất, không làm lại y như mẫu trước được.
Khi phần gia công đã xong, thợ nhuộm sẽ xử lý cho phần sáp trôi đi. Khi những mảng sáp trôi đi sẽ tạo nên những mảng không nhuộm màu. Đây chính là cách tạo hoa văn từ mảng trắng của người thợ Batik.
Công đoạn đi nét bằng sáp lỏng rất quan trọng. Đây là bước quyết định tạo nên hoa văn của tấm vải Batik.
Có rất nhiều khuôn được làm sẵn phục vụ cho việc tạo mẫu.
Các họa tiết chủ yếu là cây cỏ, hình ảnh người và muông thú hầu như không có.
Các tác phẩm đều rất tự do về mặt sáng tác, không thấy điểm bắt đầu và điểm kết thúc.
Lối trang trí theo phong cách Hồi giáo hòa quyện cùng vị trí địa lý đã làm nên khí sắc của Batik. Hầu như không thấy hình vẽ con người, động vật cụ thể, mà tất cả được cách điệu phá cách rất tự do, cứ xuôi theo chiều dài của mảnh vải mà người gia công trang trí hoa văn dày đặc, không biết chúng bắt đầu và kết thúc ở đâu.
Riêng nghệ thuật vẽ trên vải Batik của Indonesia đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009. Trong khu vực Đông Nam Á, Batik có các phiên bản Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines và Thái Lan, trong đó đáng chú ý hơn cả là phiên bản Batik của Malaysia và Thái Lan.
Phạm Nguyễn
phamnguyen.dtr@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét