FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Chạy dài, dọc theo con đường đất bụi quanh co lên xuống, băng qua cánh đồng mênh mông Hasakah, đâu đó năm ba người chăn trừu lặng lờ nhìn đàn thú uể oải tìm kiếm chút ít cỏ xanh, ở một phía trong xa, rải rác vài cái giếng bơm dầu hỏa bỏ hoang nằm lẻ loi, chịu nắng, chục người cúi lên ngồi xuống lờ mờ, chừng như đang cố tìm kiếm vài ba lít dầu thô, nếu bán được chắc độ chừng một hai đô la Mỹ.
Chiếc xe
chở đám phóng viên ngoại quốc, lắc lư chạy ngang qua những cái làng có nhà xây
bằng gạch bùn, trẻ con ngừng chơi bắn bi trên sân đầy bụi nhìn theo kinh ngạc,
người già cả trong bộ quần áo kiểu dân Kurdish, quấn trên đầu cái khăn dài hai
màu đỏ trắng truyền thống, đưa mắt ngó một cách nghi ngờ. Tại vùng cận bắc
Syria này, giáp ranh biên giới với Iraq, là một nơi ba sắc dân, Kurds, Hồi giáo
và Thiên chúa giáo sống hài hòa bên nhau từ lâu lắm, nơi đây được xem là một
vùng xa xôi, lẻ loi, dù nó có nhiều giếng dầu và nông trại, vốn bị chánh quyền
ở Damascus, cách xa chừng vài trăm cây số bỏ quên, không ngó ngàng từ bao nhiêu
năm qua nhưng, trong cuộc chiến chống lại quân hồi giáo ISIS, cái tên Hasakah
bỗng nhiên trở thành một nơi nhiều người biết tới, đặc biệt là với Ngũ giác đài
Hoa kỳ.
Đến
Hasakah, chỗ mà đám phóng viên muốn tới là một cái phi đạo nhỏ hẹp, bụi bùn mà
trước đây máy bay loại nhỏ rải thuốc sát trùng hay phân bón cho các nông trại
quanh đây, lên xuống, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy không rõ, rất khó phân biệt,
vì nó chỉ là một con đường trải bê- tông, nằm khuất mất sâu, hòa theo màu đất
cứng đậm, nhưng nó lại là cái tiền đồn mới nhất trong chiến dịch chống quân
ISIS của Hoa kỳ. Một người nông dân già, sống ở gần bên, mặt xạm nâu vì nắng,
đón đám người lạ trên xe, mời nước trà, gom đàn trừu lại, ngồi nghỉ chốc lát,
nhân danh tù trưởng của bộ lạc Shammar, một nhóm người Á Rập quyền thế, có mối
giao hảo tốt đẹp với sắc dân đa số Kurds. Ông ta cho biết, có nghe tiếng phi cơ
trực thăng và các loại khác nhiều lần trên trời nhưng chưa thấy chiếc nào đáp
xuống cái phi đạo mà đám phóng viên nói tới, ông ta xem ra có vẻ hào hứng khi
được hỏi.
Địa điểm
này được chọn vì nó là tuyến đầu của quân ISIS và một số giếng dầu còn khai
thác do quân Kurds YPG kiểm soát, chừng 160 cây số. Phi đạo này, có lúc bỏ
hoang, hiện đang mở thêm gấp đôi chiều dài từ 700 thước lên 1320 thước, đủ dài,
có thể cho phi cơ vận tải C130 đáp an toàn. Ở đây, không có đài kiểm soát,
không có đèn hiệu, dĩ nhiên là không thấy có lính Mỹ, chỉ lác đác vài mô đất
cứng cao làm dấu đo kích thước và chiếc xe ủi đất nặng nề chậm chạp lên xuống
mặt đường, nơi khúc mới mở thêm. Phía đầu đường, hai người dân địa phương đứng
hút thuốc, chuyện trò bên cái cổng rào chận người qua lại, nhưng ở đây, có
nhiều người canh gác hơn là người ta tưởng như lúc mới thoạt nhìn, chừng vài
phút sau khi đám phóng viên chuẩn bị quay phim thì hai người lính YPG đâu đó
trên một chiếc xe cam- nhông nhỏ chở hàng, xuất hiện, đến yêu cầu họ rời khỏi
ngay. Một trong hai người cho biết, đám
phóng viên đang ở trong vùng quân sự, việc gài bom cảm tử, cho là của quân ISIS
là việc không lạ gì ở tại Hasakah. Phi đạo đường đất “thả xuống rồi bay đi”
này, sẽ giúp Hoa kỳ tiếp tế vũ khí, quân dụng cho người Kurds và các đồng minh
bộ lạc Á Rập chiến đấu với ISIS và hổ trợ cho một ít số quân lực lượng đặc biệt Mỹ, được điều động
trong vùng này bên trong đất Syria. Bộ quốc phòng Hoa kỳ, tuyên bố họ không có kiểm
soát bất cứ một phi trường nào ở Syria, nhưng quân Hoa kỳ tại đó, đang cẩn thận
tìm kiếm phương cách tăng cường hiệu năng cho việc tiếp liệu và hổ trợ việc
tiếp cứu nhân viên Mỹ.
Với quân
số hơn 25 ngàn lính, nam và nữ, lực lượng YPG dần dần trở thành một trong các
lực lượng đồng minh nhiều khả năng nhất của Hoa kỳ trên chiến trường, sau khi
quân ISIS bị đánh ra khỏi thị trấn Kobani, nằm sát cận biên giới Thổ Nhĩ kỳ năm
2014, cộng với sự tiếp sức của các trận không kích, quân YPG đã chiếm quyền
kiểm soát hàng trăm cây số vuông trong vùng, và YPG hiện kiểm soát hầu hết
đường biên giới với Thổ Nhĩ kỳ, nơi mà quân ISIS từ đó có thể liên lạc với thế
giới bên ngoài Syria. Theo chân toán quân YPG đến một khu cao ốc bỏ hoang tại
phía nam ngoại ô thị trấn Hasakah, nơi hai bên YPG và ISIS đã đánh nhau ác liệt
trong tháng 8 năm rồi, vết đạn còn hằn sâu trên dãy tường loang lỡ, lổ to lổ
nhỏ, màn che cửa sổ rách tả tơi, đập tới đập lui theo chiều gió đầy bụi, ba
người lính YPG còn rất trẻ, ngồi lặng yên bên nhau trong một gian phòng nhỏ,
tương đối còn nguyên vẹn với cái máy phát thanh cũ và cái máy “điện toán” cầm
tay để trên mấy gói thuốc lá giữa bàn, hơi nóng từ lò sưỡi điện đặt ở một góc
phòng làm ấm đôi chút khi trời đang sang đông. Từ đây, họ liên lạc với quân
đang đóng giữ ở tuyến đầu, chuyển lệnh hành động và báo cáo bất cứ sự di chuyển
của quân ISIS, cho trung tâm chỉ huy hổn hợp của liên quân để gọi oanh tạc cơ
tới dội bom.
Anh lính
21 tuổi, Daham Hassaki, lướt kéo ngón tay trên màn ảnh “điện toán” , tìm kiếm
vị trí quân địch qua hình ảnh của Google, rồi gởi tin báo cáo cho tổng hành dinh.
Anh cho biết, hiện ngay lúc này, chỉ vào màn ảnh nhỏ, ở đây là mặt trận tiền
phương của Hasakah, quân của YPG thấy hai đoàn ISIS đang di chuyển, cho nên
phải gởi tin báo cáo cho toán chỉ huy phối họp hành động. Anh cũng nói thêm,
một nhóm lính Mỹ và những người ngoại quốc khác, đã huấn luyện quân YPG cách
làm thế nào sử dụng quân cụ, vũ khí và bảo đảm không có việc bắn lầm giữa các
lực lượng bạn cũng như thu lượm tin tình báo về việc chuyển quân của ISIS một
cách chính xác. Theo anh, quân ISIS đã thay đổi chiến thuật trong mấy lúc gần
đây, họ di chuyển từng nhóm nhỏ, không đông đảo như trước, chừng nửa tiểu đội,
để không bị bại lộ dễ dàng. Khi lệnh tấn công ban ra, nhóm tiền thám của Daham
sẽ tiến lên tuyến đầu, chờ phi cơ oanh tạc xong, họ kiểm lại kết quả có được,
để trung tâm chỉ huy biết và điều chỉnh mục tiêu nếu cần. Họ không ngần ngại
cho đám phóng viên ngoại quốc xem các đoạn phim quay việc làm của mình, mặc dù
hình ảnh không rõ ràng lắm.
Daham nói
rằng, anh chưa thấy bất cứ một người thường dân nào bị giết chết bởi phi cơ dội
bom nhưng đâu có gì chắc chắn một trăm phần trăm, trong vùng này, quân ISIS
luôn luôn ép bắt nguyên cả làng ấp Á Rập
theo họ khi thua trận rút đi. Đầu tháng 12, đoàn xe công-voa chạy khỏi một làng
nhỏ gần biên giới Iraq đã bị trúng bom, người địa phương bảo rằng hơn 30 thường
dân, bao gồm đàn bà và trẻ em đã chết, giới chức chỉ huy chiến trường của Hoa
kỳ bác bỏ lời cáo buộc này khi tuyên bố, liên minh không có một phi vụ oanh
kích nào trong ngày hôm đó. Trong vòng một hay hai tháng tới, liên minh người
Kurds và các bộ lạc Á rập sẽ tung ra cuộc tấn công vào thành phố Ash Shaddadi,
hiện còn trong tay quân ISIS, thành phố này nằm ngay ngã đường thông thương
huyết mạch mà quân ISIS nhất quyết giữ cho bằng được, theo tin tình báo của dân
làng trong vùng, chắc chắn ISIS đang giữ một con số thường dân làm con tin cũng
như làm “lá chắn người đở đạn” nếu có trận chiến xảy ra và cắt mọi phương tiện
liên lạc với bên ngoài. Nếu lực lượng SDF “Lực lượng Syrian dân chủ”, một liên
quân hổn hợp giữa người Kurds, người hồi giáo Á Rập và người Thiên chúa giáo
chiếm được thành phố Ash-Shaddadi, quân ISIS sẽ đau đầu không ít cho việc liên
lạc nối liền với thủ phủ tạm thời Raqqa của họ ở Syria và Monsul bên Iraq mà
ISIS đang trấn giữ.
Chắc chắn nó sẽ là một bài thử nghiệm mới,
cho chiến lược xác định và cung cấp dụng cụ cần có cho các lực lượng địa phương
đáng tin, trong trận chiến chống quân ISIS và cái phi đạo bỏ hoang cũ kỹ giữa
các nông trại hoang tàn, quanh cánh đồng Hasakah, bắc Syria, có lẽ sẽ được thuê mướn
lại với thời hạn rất lâu dài, một sự lâu dài cần có theo cuộc chiến.
Thuyên
Huy
Thứ hai 08/02/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét