Từ chiều qua cho đến hôm nay, thấy tràn ngập trên
mạng hình ảnh cô phóng viên trẻ của VTV Đà Nẵng đội mũ có ngôi sao kiểu
Trung cộng. Tất nhiên kèm theo là vô số những lời lên án, thậm chí chửi
rủa nặng nề. Tôi cũng như số đông: Phản ứng đầu tiên khi thấy tấm hình
là sững sờ, sau đó nóng mặt và tức giận…
Nhưng sáng nay, sau khi đọc stt của một người bạn
tôi rất quý trên FB, đồng thời cũng là đồng nghiệp của cô phóng viên
trẻ kia, tôi chợt thấy lòng chùng lại, đau xót… Đúng như người bạn của
tôi nói, cô gái ấy còn rất trẻ (có lẽ cũng chỉ hơn con lớn của tôi vài
tuổi). Cô lại là một phóng viên rất chăm chỉ, đầy nhiệt huyết. Khi nhận
cái mũ từ đồng nghiệp cho mượn để vội vã đội lên đầu tránh nắng khi đang
tác nghiệp, cô có thể chẳng kịp để ý đến kiểu dáng của nó. Mà giả sử có
để ý đến điều này, tôi chắc cô cũng sẽ không xem nó là quan trọng!
Và nỗi đau chính là ở chỗ đó! Từ bao giờ và vì
sao thế hệ trẻ ngày nay lại trở nên vô cảm, thiếu nhận thức như vậy? Tôi
đồ rằng kể cả con cháu của chúng ta, đâu đó, lúc này lúc khác, đều có
thể vô tâm để dẫn đến những sơ sót choáng váng như cô phóng viên kia!
Cách đây ba năm, tôi đã từng nổi giận khi thấy có rất nhiều bạn trẻ
không hề biết đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Và đến bây giờ
thì tôi không còn ngạc nhiên nữa khi phát hiện thêm không ít những
người trẻ học rộng tài cao, có cuộc sống thành đạt và tử tế, nhưng các
em cũng rất thành thật thú nhận với tôi rằng không biết ngày 17/2/1979
là ngày gì?!
Tôi thấy đau, và thấy thương cho các em chứ
không còn giận nữa, bởi đơn giản là các em đã không được dạy để biết
những điều cần biết, dù chỉ là đủ cho tinh thần của một công dân có ý
thức với đất nước. Không những thế, người ta còn che giấu nhiều thứ.
Người ta cho các em học những trang sử chỉ có một phần nhỏ sự thật. Với
một chủ trương trong giáo dục như vậy, và một thực trạng xã hội dường
như đang được “bình thường hóa” mọi cái nhìn về kẻ thù của dân tộc để
quên đi sự cảnh giác: Từ việc hàng hoá Trung Quốc tràn ngập khắp nơi đến
sự hiện diện ngày càng đông đảo của người Trung Hoa đại lục rải suốt từ
Bắc vào Nam, cùng những tập quán văn hoá, thói quen mang đậm ảnh hưởng
Hán từ ngàn xưa nay vẫn chưa thoát ra được, chẳng trách gì chúng ta đã
“gặt hái” được một thế hệ trẻ với những con người hoặc ngây ngô, vô
thức như cô phóng viên nọ, hoặc trở thành một kiểu “hồng vệ binh” hung
hăng, sẵn sàng chà đạp lên cả vong linh của các liệt sĩ bậc cha anh đã
hy sinh để bảo vệ đất nước như cô bí thư đoàn cũng rất “nổi tiếng” trong
ngày 17/2 vừa qua! [Cô gái giật cướp băng rôn tại buổi lễ tưởng niệm
các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới năm 1979 tổ chức tại tượng đài
Đức Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, ngày 17/2 vừa qua được cho là Bí thư Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Cô Giang, quận 1 – Văn Việt].
Tôi nhìn những con số hàng trăm ngàn, thậm chí
hàng triệu lượt like, comment và share của các bạn trẻ về mối quan hệ
tay ba hiện nay của một nữ ca sĩ hạng xoàng, nổi danh về mối quan hệ với
các đại gia hơn là về giọng hát, rồi nhìn những status nhắc nhớ về
cuộc tấn công ngày 17/2/1979 của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới
Việt Nam 37 năm về trước (chủ yếu của những người lớn tuổi) trên FB với
vài chục, vài trăm và cao lắm là được trên 1.000 like (cũng đa phần là
từ những người lớn tuổi), mà cảm nhận một nỗi đắng đót tuyệt vọng khó có
thể diễn tả bằng lời!
Sẽ không thể kết tội con, cháu chúng ta nếu chúng
không yêu nước, không bảo vệ được đất nước, thậm chí còn có thể tiếp
tay cho kẻ thù chà đạp lên đất nước. Và trách nhiệm này là thuộc về ai?
Tôi nhìn thấy một ngày không xa, tương lai sẽ không chỉ bắn vào chúng ta
bằng đại bác mà còn có thể dội bom lên mảnh đất chữ S này!
Tất cả hậu quả đều có thể bắt đầu từ những phát đạn bắn vào quá khứ ngày hôm nay…
Nguồn: FB Nguyễn Thị Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét