15 thg 2, 2016

GÕ CỬA ÔNG SÁU TẤM - Bắc Chí (từ Tạp Chí Da Màu)

Ông đến đấy ư? Có ghế chờ ông đây, uống ly cà phê cho ấm bụng, cà khịa chút đỉnh rồi tôi phải đi. Còn việc gì nữa, đến tuổi chúng mình đây, không phải là ma chay mình thì là ma chay người ta. Đám ma này là thứ sáu trong năm nay rồi. Đi ngoài đường ngã cái độp cũng gãy xương chết. Ở trong nhà lớ ngớ ngã cái đùng cũng gãy xương chết. Lên cơn đau tim, đột trụy, ung thư, đi lạng quạng bị xe đụng, nhiều lý do để chết thật, thế mới biết mình sống đến tuổi này đã là phép lạ cơ đấy. Cái tay đang nằm trong hòm chờ tôi đến viếng thì chết rất sướng. Mới về Việt Nam cưới cô vợ trẻ, vác sang Mỹ vừa qua tuần trăng mật là đi trong giấc ngủ. Nghe nói cô vợ khóc như mưa gió, không biết thương tiếc bao nhiêu phần và sợ vuột mất cái thẻ xanh bao nhiêu phần. Lũ con thì hẳn nhẹ cả người. Chúng nó có đứa nào giỏ được một giọt nước mắt đâu, không có cô vợ kêu gào đêm ngày thì lại phải thuê người khóc mướn để cho đủ lễ. Còn tôi thì cái đầu tôi sạn to quá, nghe lão chết trong giấc ngủ là thắc mắc chuyện thượng mã phong. Chết thế mới là sướng nhất ông nhỉ?


Cà phê đắng lắm hay sao mà ông nhăn nhó? Ông muốn tôi thế nào? Lát nữa đây tôi phải chường bộ mặt đưa đám mà giữ lễ nghi, chả lẽ ông muốn tôi phải ra vẻ nghiêm và buồn từ bây giờ hay sao? Ông không phải lo, cái mặt đưa đám năm nay tôi thực tập đã nhiều, đeo vào là diễn cảm cứ như chàng Tam lúc đánh đàn cho cô Tơ hát (1). Thực ra, tay nào đi là tôi giận tay ấy. Tôi vừa mất bạn, vừa ghen vì nó được đi trước mình. Từ nay không còn bị con cái làm phiền, không còn phải uống mỗi ngày một vọc thuốc, không còn nghe bác sĩ càu nhàu bắt “vận động”, không còn nhức mình nhức mẩy, mất ngủ, vv, rồi “đêm đêm nghĩ tới ngày mai giật mình”(2), không biết lúc nào thì con cái quẳng mình vào nhà dưỡng lão. Ông bảo sao? Buồn? Ông nói thực đi, có phải bây giờ tâm hồn chúng mình đã xơ cứng cả rồi không, chẳng còn sức để mà sướt mướt. Những thứ như quạu quọ gắt gỏng còn dễ, còn thương với xót thì biến tất. Dạo này tivi cứ ra rả chuyện người già “trầm cảm”. Tôi cho rằng “trầm” thì hẳn nhiên còn cảm thì chẳng có. Trầm cảm là vì chẳng muốn ngó ngàng suy nghĩ đến cái gì người gì nữa sất. Trầm cảm là vì ăn cái gì cũng bị cấm, uống cái gì cũng bị lằn nhằn. Trầm cảm là vì con cháu xem mình là lẩm cẩm, mình nói thì nó bảo hủ lậu lỗi thời, nó không cho phép mình xem nó là con nít nhưng nó đối xử với mình như con nít, hở ra là nghe tràng giang những khám phá khoa học thuốc men đương thời. Tôi đây sống riêng mà đã thấy mình co ro khép nép trước mặt con cái, thì các vị nương vào chữ hiếu của các con chắc thảm thương phải biết. Tiền già của mình nó bỏ túi, con nó mình phải trông nom, chữ hiếu nó được khoe. Quả thật thời nào cũng là thời của tuổi trẻ.
À, mà xưa nay tôi vẫn thường thắc mắc: Phước Lộc Thọ, thứ tự như thế là vì thuận âm từ, hay là vì mức độ quan trọng? Nếu là thứ tự quan trọng, thì cái nào là nhất? Phước hay Thọ? Đến nay tôi nghĩ tôi đã hiểu rồi. Phước là số một, vì phước dẫn đến lộc đến thọ. Nếu có lộc mà không có phước thì không chừng cũng mất cả. Lộc cũng dẫn đến thọ: có tiền đi bác sĩ thì mới thọ được chứ. Nhưng thọ mà không có lộc thì mới thật là vô phước. Thời nay người ta điên cuồng chạy theo tuổi thọ, mà thực ra ai được thọ cũng thành vô phước. Sống thọ thì kiêng cữ tất, mà kiêng cữ tất thì sống thọ làm quái gì cơ chứ? Không muốn kiêng cữ, thì trong lối sống co ro của tuổi già đất Mỹ, cái gì cũng phải len lén, theo đúng chiến lược ba không. Con cái không biết thì không kể. Lỡ vui miệng kể thì không nhận (là thực). Bị dồn quá phải nhận thì không cãi lại mấy lời cằn nhằn. Không biết tuổi nào thì vai trò bố mẹ con cái bị lật ngược, nhưng thọ đến tuổi ấy thôi là có phước. Đấy, lại nhắc đến cái tay đang nằm trong hòm. Sắp bị con cháu xếp vào góc nhà lên giọng bảo ban thì lão vùng lên, về Việt Nam viếng quê cha đất tổ rồi nhân tiện thăm thú “điền thổ” kiểu Nghêu Sò Ốc Hến, khăng khăng không chịu để rơi rớt chút lạc thú nào cả. Con cái nói gì lão cũng giả điếc (quên, giả bộ chưa vặn máy trợ thính), khoác tay cô vợ chưa bằng tuổi con gái út của lão về Mỹ. Trông lão tình xuân phơi phới cứ như trẻ lại mười tuổi khiến tôi cũng động lòng ấy chứ, hóa ra mối tình cụ già cô hộ lý thành chuyện già mà không biết thân, chẳng rõ là phí sức quá độ hay thuốc xanh của lão đá với thuốc cao mỡ, thuốc tiểu đường, thuốc nào khác của lão.
Ông nghĩ tôi nói thế là mạ lỵ kẻ đã khuất hay sao? Tôi phục lão lắm chứ. Bạn bè bao nhiêu năm, gia cảnh na ná giống nhau, vợ chết trước, con cái tạm gọi là biết lo lấy thân, tôi có dám vác ô đi tìm vui thú mới như lão ấy đâu. Không cần lão kể lể gì, chỉ cần tưởng tượng cảnh các con lão giảng moral cho lão về cô hộ lý là tôi đã run như giẻ. Tôi cũng có khuyên lão, nhắc đến những chuyện ra rả trên báo về các cô vợ thẻ xanh, liệu chừng có ngày lại rè rè lên giọng karaoke: anh đã lầm đưa em sang đây (3), nhưng lão chỉ cười hì hì, tính toán trơn tru xuôi rót: đám cưới Việt Nam có tốn bao nhiêu đâu, sang đây “ẻn” ở lại càng tốt, ngộ nhỡ “ẻn” cầm thẻ xanh rồi “ẻn” chuồn cũng không sao, coi như “mua vui cũng được một vài trống canh”(4). Tôi nghe mà phục lăn. Đấy, sống tỉnh táo, vui thú hết mức, liều mạng đến cùng không chừng là điều bọn già chúng ta nên làm. Ông nghĩ xem, đằng nào thì bọn lão chúng mình cũng đang đứng trước cửa ông sáu tấm rồi, không dám gõ, gõ nhè nhẹ, hoặc xông vào đếch thèm gõ cửa cũng chỉ là chuyện sớm hay muộn. Mình tuổi già nhưng vẫn là nam nhi, níu thêm vài năm tuổi thọ mà phải sống ươn hèn phỏng có đáng hay không?
 Bắc Chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét