Trải qua lịch sử với những thăng
trầm và đặc biệt là ghi nhớ tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã, để tránh
sai lầm đó lặp lại, người Đức ngày nay đặc biệt coi trọng việc giáo dục
trẻ nhỏ về lòng nhân ái, tính lương thiện.
Thậm chí họ còn xem việc giáo dục tính
lương thiện cho học sinh là một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục.
Việc giáo dục lương thiện cho trẻ nhỏ ở Đức bao gồm một số phần sau:
Thứ nhất: Dạy trẻ bảo vệ động vật
Ngay từ lúc trẻ bắt đầu học những bước
đi đầu tiên, không ít gia đình người Đức đã cố tình nuôi một con vật nhỏ
như con chó hay con mèo… để cho trẻ tự chăm sóc. Nhờ đó, trẻ có thể học
được cách chăm sóc tỉ mỉ cho những sinh mệnh nhỏ yếu hơn mình. Ở nhà
trẻ, họ cũng nuôi đủ loại con vật nhỏ bé và việc nuôi dưỡng là do các em
nhỏ thay phiên nhau đảm nhiệm. Ngoài ra, họ còn yêu cầu các em nhỏ phải
chú ý quan sát quá trình trưởng thành của chúng, chơi đùa với chúng.
Thậm chí có nơi còn yêu cầu ghi chép lại quá trình chăn nuôi, chăm sóc
con vật đó.
Sau khi chính thức nhập học, trong các
bài văn của trẻ thường xuyên có những bài miêu tả về động vật, trong đó
bài văn hay sẽ được đăng trên báo tường làm bài văn mẫu. Ngoài ra, những
học sinh tiểu học còn tiết kiệm tiền tiêu vặt của mình để nhận nuôi một
con vật mà mình yêu thích trong sở thú hoặc là quyên tiền để cứu những
động vật sắp bị tuyệt chủng…
Thứ hai: Đối xử lương thiện với sinh mệnh
Ở Berlin, Đức từng có một học sinh 13
tuổi đã chữa trị cho một chú chim nhỏ rồi lại thả nó về với thiên nhiên.
“Tiểu tác giả” này đã dùng những lời văn tràn ngập yêu thương để ghi
chép lại quá trình chữa trị, chăm sóc chú chim nhỏ của mình. Bài văn này
đã nhận được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi viết văn kể về việc
“đối xử lương thiện với sinh mệnh.”
Ngược lại, những em nhỏ ngược đãi những
con vật nhỏ sẽ phải được giáo dục lại nhiều điều: Nhẹ thì bị phê bình
hoặc khuyên răn, nặng thì bị người lớn trách phạt. Nếu như còn chưa biết
hối cải, thì còn bị đưa đi trị liệu tâm lý. Bởi vì đối với người lớn,
vấn đề đạo đức bị trượt dốc còn nghiêm trọng hơn vấn đề về thành tích
học tập.
Ngày càng nhiều người Đức có chung nhận
thức như thế này: Những trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đã thích ngược đãi
động vật để làm trò vui thì lớn lên thường có khuynh hướng bạo lực.
Thứ ba: Thương yêu người nghèo, trân trọng kẻ yếu
Dưới sự cổ vũ, khích lệ của người lớn,
việc trẻ em Đức giúp đỡ người mù, người lớn tuổi qua đường hay những bạn
học bị tàn tật đã trở thành một thói quen tốt đẹp ở đất nước này.
Tại Frankfurt đã từng xảy ra việc như
thế này: Có một cậu bé đã thô bạo đuổi người vô gia cư ăn xin đến nhà.
Gia đình cậu bé đã rất coi trọng việc này và tổ chức một cuộc họp gia
đình. Những người lớn vừa kiên nhẫn vừa nghiêm túc khuyên răn cậu bé:
Người lang thang mặc dù là ăn mặc bẩn thỉu nhếch nhác nhưng vẫn phải
được hưởng quyền được tôn trọng như những người khác. Điều này khiến cho
cậu bé hiểu rõ một đạo lý: “Ngưỡng mộ kẻ mạnh có lẽ là điều thường tình của con người, nhưng đồng cảm với kẻ yếu càng là thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn.”
Sau này, cậu bé còn chủ động đưa ra ý kiến mời người lang thang vô gia
cư đó đến nhà làm khách và được cả gia đình vui vẻ đồng ý.
Thứ tư: Học cách tha thứ cho mọi người
Cô bé Shirley, 7 tuổi sống tại Bonn,
trong buổi tiệc tối tổ chức sinh nhật của mình đã bị cô bạn Maeve mỉa
mai mà cảm thấy bị mất mặt. Thế là cô bé định bụng sẽ trả thù Maeve.
Nhưng sau khi được mẹ khuyên bảo, Shirley đã chủ động nói chuyện cùng
với Maeve, cô bé biết được Maeve đang có tâm trạng không tốt bởi vì con
thỏ mà Maeve tự mình nuôi nấng đột nhiên bị chết. Cho nên, Maeve mới nói
năng “lỗ mãng” như vậy trong ngày sinh nhật Shirley. Thế là, Shirley
quên hết bực bội trong lòng mà tha thứ cho Maeve. Từ đó, tình bạn giữa
hai em nhỏ càng thêm khăng khít hơn.
Trong giáo dục lương thiện cho trẻ nhỏ,
người Đức rất coi trọng vai trò của “giáo viên phản diện.” Những học
sinh thường có hành động “bắt nạt” bạn yếu giống như kiểu “cậy mạnh mà
ức hiếp kẻ yếu” nhân viên nhà trường sẽ có thái độ phản đối rõ ràng.
Những “tiểu bá vương” này sau hai lần bị ghi tội mà không có hối cải thì
sẽ bị nhân viên nhà trường bàn giao cho “bộ phận quản giáo thanh thiếu
niên bất lương” để dạy dỗ.
Đối với những cảnh quay bạo lực đẫm máu
trên truyền hình, cho dù là giáo viên hay phụ huynh sẽ đều hướng con
dùng ánh mắt phê phán để xem xét. Người Đức nổi tiếng là chế tạo ra
những loại vũ khí tốt, nhưng người Đức lại không tán thành việc cho trẻ
chơi những món đồ chơi mang tính bạo lực. Họ càng không cho con chơi
những món đồ chơi như dao, súng, xe tăng… đặc biệt là những bé trai. Họ
cho rằng trẻ thường xuyên chơi những món đồ chơi mang tính sát nhân, lớn
lên sẽ khó tránh khỏi việc tâm lý bị ảnh hưởng.
Trẻ em là tương lai của thế giới nên trẻ
em cần được hướng dẫn, bồi dưỡng và giáo dục. Đối với trẻ em mà tiến
hành “giáo dục lương thiện” sẽ càng là điều vô cùng cần thiết!
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Mai Trà biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét