17 thg 2, 2016

Đọc Trên Net : Nhét Pháo Vào Miệng Gà.....


Ngày 9/2, một clip xuất hiện trên YouTube ghi lại hình ảnh hai thanh niên trẻ nhét pháo vào miệng con gà trống rồi châm lửa đốt. Sự nhẫn tâm và dã man càng trở nên báo động hơn khi việc làm này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều trẻ nhỏ chỉ từ 7 đến hơn 10 tuổi. 
Nam thanh niên đeo khẩu trang, đi giày thể thao trắng vừa cười vừa nhét quả pháo vào miệng con gà mặc cho nó cố sức giãy giụa. Trong khi đó, một thanh niên khác giữ cánh và nhắc “nhét thẳng vào họng nó...“. Xung quanh là tiếng hò reo cổ vũ.
Người thanh niên giả giọng thương cảm và hỏi những người xung quanh xem có nên đốt pháo trong miệng con gà này không, bảo mọi người làm chứng, sau đó bật lửa và châm pháo.
Con gà bị buộc chân giãy giụa trong đau đớn trên sân. (Ảnh chụp màn hình/YouTbue)
Con gà bị buộc chân giãy giụa trong đau đớn trên sân. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Quả pháo nổ. Con gà trống đập cánh giãy giụa trong đau đớn, máu văng trên sân. Hơn 10 người, trong đó có những em nhỏ chỉ từ 7 đến 10 tuổi cùng cười đùa sảng khoái khi chứng kiến cảnh tượng thương tâm trên.
Đám đông trẻ nhỏ trên dưới 10 tuổi và những thanh niên khác vui cười, hò reo. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Đám đông trẻ nhỏ trên dưới 10 tuổi và những thanh niên khác vui cười, hò reo. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Clip được đăng trên YouTube kèm theo lời bình: “Nhét pháo vào miệng gà… Không biết nên đổ trách nhiệm cho nền giáo dục, cho gia đình hay xã hội…
Một cư dân mạng tên Phuc Tran bình luận: “Tết nhất tới nơi thì người ta làm việc tốt, ai đời làm mấy trò ác thú… Ông trời có mắt nha […] Hư cả một thế hệ!!!
Bạn LT: “Những hành động dã man này cần phải chấm dứt. Trẻ em nên được giáo dục về lòng yêu thương con người và cả động vật nữa”.
Một người khác có tên Trương Quốc Huy viết: “Em nói thật là tại sao trẻ con Việt Nam lại có nhiều trò độc ác vậy? Liệu có phải do việc giáo dục của bố mẹ?…”
Bạn Hải Dương: “Những hành vi ngược đãi động vật này cho thấy 1 lỗ hổng lớn trong nền giáo dục của đất nước, nhà trường, gia đình và xã hội. Các em cần được dạy dỗ về lòng nhân ái, yêu thương muôn loài ngay từ khi còn nhỏ”.

Pháp luật cần ứng xử ra sao đối với hành vi ngược đãi động vật?

Đây không phải là những hành động ngược đãi động vật đầu tiên được công bố. Từ lâu, hành hạ động vật một cách tàn nhẫn đã trở thành “thú tiêu khiển” của một số người trẻ tuổi, như nổ pháo trong miệng chó, cho mèo vào máy giặt, bóp cổ, cạo lông, hành hạ thỏ đến chết…
Hầu hết các hành động bị phát giác đều là từ những hình ảnh hoặc clip tự ghi lại của những người tham gia vào trò ngược đãi động vật, lưu giữ và đăng tải rộng rãi lên mạng xã hội để “khoe chiến tích”. Một số trường hợp đã bị đưa ra xét xử hoặc áp dụng các chế tài xử phạt.
Hồi tháng 8/2013, một người nuôi chó ở Barrhea (nước Anh) có tên Sam Andrews đã phải ngồi tù 6 tháng vì tội hành hạ, đánh đập dã man con chó nuôi của mình. Các hành động ngược đãi bao gồm dùng một sợi dây xích đánh nhiều lần vào chú chó, đá và giẫm lên lưng chó một cách tàn bạo, dùng một chiếc bật lửa dí vào tai chú chó tội nghiệp.
Sam Andrews. (Ảnh: dailyrecord.co.uk)
Sam Andrews đã phải ngồi tù 6 tháng vì tội hành hạ, đánh đập dã man con chó nuôi của mình. (Ảnh: dailyrecord.co.uk)
Tháng 2/2014, nhà chức trách Pháp đã bắt một người đàn ông 24 tuổi sau khi anh này ném một con mèo vào tòa nhà chung cư rồi đăng video về cảnh tượng đó trên Facebook. Mức án cao nhất dành cho hành vi ngược đãi trên là 2 năm tù và khoản tiền phạt tới 40.500 USD, trang AP đưa tin.
Gần đây nhất, tháng 12/2015, một lao động Việt Nam ở Đài Loan có tên Dang Van Ngoc (23 tuổi, ở thị trấn Phố Lí, huyện Nam Đầu) đã bị bắt sau khi đăng ảnh giết chó, mèo lên trang Facebook cá nhân. Cảnh sát đã giao đối tượng cho phía công tố viên để xác định xem liệu anh này có vi phạm Luật Bảo vệ Động vật và Luật Nhập cư hay không. Nếu phát hiện phạm tội, đối tượng trên sẽ bị trục xuất.
Tại Hàn Quốc, năm 2007, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Động vật, quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó một cách dã man là bất hợp pháp. Luật nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.
Tháng 2/2015, một công dân Indonesia bị cảnh sát thành phố Naju, Hàn Quốc bắt giữ sau khi anh này tung những bức ảnh giết thịt một con chó bằng cách treo nó lên cây và dùng đèn khò để thui lông lên mạng xã hội. Theo Luật Bảo vệ Động vật Hàn Quốc, mức chế tài tối đa đối với hành vi giết hại dã man động vật trên là 1 năm tù và phạt tiền 9.100 USD, cộng thêm 2.730 USD vì hành vi đăng ảnh hành hạ dã man động vật lên internet.
Tại Việt Nam, tháng 7/2012, một trang Facebook đã đăng tải những bức ảnh ghi lại cảnh một nhóm nam thanh niên “khoe chiến tích” giết hại hai cá thể voọc với những bức ảnh chụp cận cảnh đến rợn người, miêu tả quá trình hành hạ con vật rồi giết, làm thịt.
Một trong những bức ảnh mô tả quá trình hành hạ dã man hai con vật trước khi giết hại, do nhóm thanh niên đăng tải lên mạng xã hội. (Ảnh: Facebook Quang Nguyen Van)
Một trong những bức ảnh mô tả quá trình hành hạ dã man hai con vật trước khi giết hại, do nhóm thanh niên đăng tải lên mạng xã hội. (Ảnh: Facebook Quang Nguyen Van)
Đến tháng 12/2012, 3 đối tượng trực tiếp dùng súng kíp bắn, giết hại voọc quý hiếm, đã bị kết án từ 12 – 28 tháng tù.
2 cá thể voọc bị hành hạ, giết hại trên do binh nhất Nguyễn Văn Quang (Trung đoàn 7, thuộc Quân đoàn 3) cùng 2 “quân nhân” khác mua về sau đó nhờ người khác làm thịt. Binh nhất Nguyễn Văn Quang bị tước danh hiệu và trả về địa phương. Hai người còn lại bị kỷ luật cảnh cáo. Vụ án trên bị khởi tố hình sự do voọc là động vật động vật hoang dã quý hiếm.
Ở Việt Nam, hiện việc bảo vệ động vật mới dừng lại ở động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, chưa bao gồm đối với các loại động vật nuôi trong nhà.
Phan A.
(daikynguyen.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét