Ông bệnh nặng, Ông nằm cứng. Tôi sắp mất Ông, và thành đứa mồ côi cả
ông lẫn bà. Sau nhiều niên lịch, bệnh viện trục xuất Ông để gần kề con
cháu những ngày cuối cùng. Trên chiếc giường gỗ, dưới vỏ chăn con công
là Ông, một người già gần trăm tuổi. Mắt Ông không mở nữa nhưng hơi thở
vẫn chầm chậm như sên bò. Tôi không biết nhiều về bệnh tình ông mình.
Tất cả người lớn cố giấu nước mắt, cố giấu bệnh án của Ông như lo ngại
sẽ phá đi một tuổi thơ. Đấy là chuyện vui. Tôi bé nhỏ, tôi mười lăm và
đã biết máu trinh. Kết thúc đời trai tân, tôi chưa trưởng thành nhưng đã
là người lớn. Bệnh tật, thứ xấu xa nhất trần gian. Điều người lớn cố
che giấu, còn tôi biết tỏng. Bệnh của Ông tôi, bệnh người già, bệnh
chết. Mấy đứa anh hỏi mãi về Ông. Người lớn đã khéo léo vẽ ra một cuộc
triệu hồi về Thiên Đường, một chuyến tốc hành xa xăm. Tôi mếu máo và đã
chẳng đánh rơi một giọt nước mắt. Lúc có người, tôi phủ phục chân
giường, nài Ông tỉnh lại. Khi tất cả đi khỏi, tôi thành thật với Ông.
Tôi luôn im lặng nhưng trong cái câm chết, tôi đã chuyện trò với Ông. Cơ
thể Ông vẫn hồng hào. Da dẻ nhẽo nhẹo vì tuổi cao và xấu xí cũng vì
tuổi cao. Ông chưa sụt cân nào vì những chất bổ được tiếp tế hàng ngày
qua những cái vòi dài, khảnh như vòi bạch tuộc. Chú tôi không tiếc của
mua những bình không khí sạch nhất để truyền cho Ông khỏi ngạt thở. Trên
bàn luôn có một bình hoa. Hương thủy tiên ngát lành. Sau ba ngày, hoa
sẽ được thay mới. Phòng bệnh được quét dọn hàng ngày, lại có hoa thơm
thì thật lý tưởng. Mấy bà dì nhanh nhảu trong việc bếp núc luôn sắm được
trái cây tươi. Cam, quýt, táo lê đủ cả và đều sạch sẽ, không pha tạp
hóa chất. Đấy là lòng thành của dâu dành cho bố chồng, người li bì trên
giường bệnh, đầu não của gia đình và là Ông tôn kính của tôi. Chân dung
của Ông, ảnh của Ông sẽ sớm được chọn tấm đẹp nhất để nhét vào khung
ảnh. Một ngày khóc xối xả mưa rào. Phút ảm đạm của dòng họ, kẻ bủn xỉn
một giọt nước mắt sẽ bị nhốt bỏ đói trong chuồng lợn, đấy là luật quê.
Còn thành phố, nơi dòng tộc tôi đã nhai gốc cắm dùi-Kẻ máu lạnh nhận án
bị lãng quên. Ông đang thở, cánh mũi phập phồng có nhịp. Mắt Ông nhắm
lâu quá rồi. Cha tôi nói Ông đang ưu tư cho cả dòng họ. Tôi được Ông
cưng nhất vì sự ngây ngô. Bàn tay to, mập thịt của Ông chẳng teo đi. Cái
bàn tay tôi ngỡ rằng ấm áp nhưng lạnh giá khi xoa đầu, vỗ vai tôi. Lật
chăn, cầm bàn tay Ông, sẽ vẫn lạnh. Cuộc trò chuyện bằng cái miệng mím.
Tôi nhìn, dò xét cái cơ thể vùi trong chăn. Nhiều tháng trước Ông còn
nói, cười sang sảng. Giờ Ông ngoan như trẻ nhỏ bị dọa Ngáo Ộp. Mỗi lúc
về nhà, các bác tôi lại hỏi về Ông. Những câu Ông sao rồi…Ông khỏi chưa…làm
tôi phát ngán. Tất nhiên, tôi cùng đám ranh con (anh, em tôi) vẫn phải
hỏi câu đấy. Câu trả lời luôn là cái lắc đầu, kèm ánh mắt buồn. Ngay khi
tiếng hỏi trôi đi cùng cái lê dép, đôi mắt buồn tiêu tan. Tôi được nhìn
thấy những con ngươi bình thản. Que hương đốt cháy cắm bàn thờ. Tất cả
cùng xin xỏ tằng tổ phù hộ cho Ông sớm khỏe. Lũ trẻ như bọn tôi cũng
châm hương, cắm bát và khấn. Anh cả, con bác cả lắm chữ nhất thì khẩn
cầu gia tiên bài bản. Còn lại thì thận trọng nhìn người lớn rồi làm
theo, chỉn chu như trả bài trên lớp. Tôi chẳng khấn gì dù miệng lẩm bẩm
như ai. Có lúc tôi tưởng mình đang niệm chú, triệu hồi con thú chiếu
mệnh mình : Rắn. Ngày nọ, khói hương vướng vào mắt tôi. Nước mắt rớm vì
cay. Một tiếng reo không biết từ ai khi thấy con mắt rớm lệ Khóc kìa! Quý Quá! Quý Quá! Thương Ông Quá, ngoan quá!
Tôi được thưởng một que kem Tràng Tiền. Các anh tôi ráng lấy điểm cao
về khoe Ông. Hương thủy tiên ướp phức những điểm mười, rưới mật ngọt lên
lời phê. Anh em tôi gặt những trái chín thật dễ, chỉ tôi phải khốn đốn
với kiếp đội sổ. Những con mười tôi kiếm bằng thủ đoạn. Nhưng việc gian
lận vốn liền với đời học sinh. Trừ bọn cán bộ lớp, tai mắt của cô giáo
thì chẳng một ai chưa từng ghi điểm bằng tờ giấy photo giấu trong túi
quần. Lần tình cờ cô giáo xếp tôi ngồi cùng bàn lớp trưởng do ban bí thư
mượn ghế họp, tôi biết nó cũng mánh khóe. Giờ kiểm tra, hắn chép tài
liệu như ai, khác là hắn chỉ ghi một số câu, những chữ bắt đầu một đoạn
thuộc làu. Đấy chẳng thể tính là gian lận, nhưng nào phải công bằng,
gian dối cả bài hay một chữ cũng là gian dối. Tôi sẵn sàng chép tài liệu
để không bị chì chiết bởi điểm số. Ô nhục thay dâng Ông bằng thứ quả
chín ăn cắp mà có. Thần thông đáng gờm nhất của Tề Thiên là trộm cắp.
Tôi phải đọc những con mười dơ dáy, chữ khen không giấu diếm rằng tôi
chỉ là thẳng lỏi ranh ma, tên móc túi chữ nghĩa. Ông thiết tha gì điểm
số của tôi. Và tôi, muốn đọc Ông nghe những con số đội sổ, thứ sẽ làm
buồn Ông nhưng là sự thật về đứa cháu này. Từ bao giờ Ông đã nằm mãi
thế. Một giấc ngủ quá sâu, quá dài. Tôi chẳng biết ông có hóc miếng táo
nào không. Vạch mắt Ông, chỉ thấy lòng trắng. Mũi Ông vẫn thở, nhưng
tiếng đều đều. Dây rợ cắm người Ông chằng chịt. Ả góa phụ nào đã gói Ông
vào bẫy, và bòn rút sức lực Ông từng ngày. Hôm qua, tôi lại quay cóp.
Trong lúc chắc mẻm sẽ ăn mười, tôi gào rống lên. Tôi rút tờ giấy ghi lời
giải và giơ cao lên, hét rằng Đây, thành quả của cháu từ đây. Cô
giáo nhanh chóng đánh dấu bài tôi và bắt tôi úp mặt góc lớp. Giờ kiểm
tra gián đoạn thành cuộc điều tra tại chỗ. Cả lớp tôi bị bắt tài liệu.
Tôi phản bội tập thể, bị ném ngoài rìa. Người nhà tôi biết chuyện, mắng
tôi té tát. Điểm xấu không được đọc Ông nghe. Tôi cố đọc điểm, lời phê
về sự dốt nát của mình. Cha tôi đã xua tay như cố đuổi tiếng tôi. Ông
bác bịt tai Ông, còn các anh tôi thì khiêng tôi ra ngoài. Từ kẽ cửa, tôi
thấy cả nhà túm tụm xin tội cho tôi. Ông im lìm, vô tri như gỗ đá. Tôi
hỏi mẹ rằng muốn đọc mọi thứ về mình cho Ông nghe. Mẹ chỉ mặt tôi, bảo Tốt khoe xấu che.
Từ đấy, tôi bị ép phải mang về những quả ngọt. Mang danh chỉ điểm, tôi
đứng ngoài lớp học. Không ai chơi với tôi, giờ kiểm tra tôi phải tự xoay
sở. Tôi thành ông Hoàng lớp học, kẻ tàng hình giữ cộng đồng. Sách vở
nhồi vào đầu, tôi phải vắt óc để có điểm tốt, bất chấp việc xăm chữ lòng
bàn chân, nhét giấy tài liệu chật túi quần. Có lần, tôi vừa chép tài
liệu vừa nuốt chửng phần giấy chép ngon lành như xơi miếng bánh mỳ trí
nhớ của con mèo ú chui ra từ ngăn kéo. Vui sướng sao tiết trả bài, mực
thắm tô điểm mười, những con mười khả ố mua danh dự cho người con tránh
khỏi đòn roi của các phụ huynh nóng tính. Mọi sự chỉ để làm vui cái cơ
thể già nua, mãi án binh bất động. Tôi mong Ông sớm trút hơi tàn. Tôi sẽ
thoát, không cần phải tắm vẫn áo quần…
*
Ông nằm mãi thôi. Tôi đã quên béng Ông từng oai vệ thế nào trong nhà.
Giờ đây Ông chỉ còn là một sinh vật sống bằng hơi thở. Một thân xác còm
cõi đánh số chín chín. Ngày nào tôi cũng phải lau rửa thứ gỗ mục bèo
nhẽo này. Thứ của khỉ vẫn bệ vệ dù đã mềm oặt. Con mắt mở to hẵng còn
khát được chui ra chui vào mọi hang động. Quá quen con quái vật này, tôi
vẫn phải rửa sạch bằng nước nóng nhúng thêm cánh hoa hồng. Cả hôm nay
là tôi đã lĩnh đủ một trăm lằn roi vọt từ chồng mình. Bởi Ông thôi. Chỉ
một phút bất cẩn, để đổ chậu nước hoa hồng rửa cơ thể Ông, tôi đã bị đạp
lên ngực. Chồng tôi vốn lành, nhưng vì Ông mà anh ta hung thần. Các
cánh hồng dính bệt mặt đất, và bởi đã khuya muộn, tôi phải đi một quãng
đường trăm cây số để có hoa hồng tươi. Chẳng có dịch vụ trong đêm tối.
Tôi đã phải hái trộm nhà người khác. Trong lúc treo rào, tôi ngã đau và
phải cà thọt về nhà. Gai hoa hồng đâm rách tay tôi. Máu tôi phải đổ, đấy
là phẫn nộ của những đóa hoa bị nhổ khỏi đất để tàn lụi, hòa nước tưới
lên cái thân xác hăng mùi thạch sùng. Này ông già, Ông đã làm ô uế loài
hoa đấy. Bác sỹ đã thải hồi Ông về đây, còn Ông lưu luyến gì cõi trần ai
mà không ra đi. Chẳng có Cực Lạc nào cho Ông cả. A Tỳ đón đợi Ông đấy.
Giá như Ông đi, giá như, giá như…
*
Sắp mất Ông rồi. Hương thủy tiên dẫn lối tôi vào phòng Ông. Tôi sẽ
phải nói gì với Ông đây. Quá lâu rồi hai cha con không chuyện trò. Thật
đấy, chưa bao giờ. Trước giờ ngoài công việc, tôi chẳng được gần Ông.
Nào phải chỉ Ông bận rộn. Tôi phải cai quản cơ ngơi này. Ông đã tống tôi
vào ghế ngai và mặc xác tôi từ đấy. Anh em trong nhà lườm nguýt tôi lâu
rồi. Chẳng có bàn tay nào vỗ vai mỗi khi tôi mệt nhọc cả. Ông đi qua
tôi chậm quá, cũng nhanh quá. Tại sao Ông chỉ ân cần với lũ trẻ. Cả khi
Ông ưu ái với con tôi nhưng tôi cũng cần chứ. Ông thận trọng với cả chút
tình cảm dư thừa, hay Ông sợ rằng tôi sẽ thành loài ong quen mùi mật
ngọt, hăng say hương hoa đến mức quên đi cái ngòi sát thủ? Và nếu thế,
Ông sợ cơ nghiệp này lụn bại bởi tay tôi, nhưng nếu e ngại thì lý do gì
Ông đã trao ấn vào tay tôi? Công việc nghiền nát tôi ra. Con cháu dòng
họ rặt một lũ đói quyền lực. Tôi biết tỏng mặt họ đã từ lâu. Những kẻ
sau khi đã lập gia đình nhỏ, liền quên mất gia tộc mình đang đổ nát,
thối hoắc vì bè phái. Ai cũng về phòng mình, chỉ còn tôi ở đây. Tôi sẽ
chỉ khẽ khàng mang tai Ông. Tôi muốn gào lắm chứ, nhưng không, tôi sợ. Chính Ông đã dạy tôi sống để bụng, chết mang theo.
Quả sự thật chỉ chín dưới hầm mộ, sáng rõ bởi dòng khắc móng tay đáy
quan tài. Tôi không tin lời Ông nhưng tôi nghe, vì tuân theo nguyên tắc
này mà đến nay tôi an toàn trong lốt bạo chúa. Những đứa con Ông thật hư
hỏng. Tôi cũng chẳng tốt lành gì. Lũ người kia luôn xỏ lá nhau. Mỗi
người đều cố lấn đất mình sang nhà người khác. Từ phần sân bé bằng nắm
tay, chúng viện cớ này nọ để luồn bàn tay hôi hám, quyết nắm quả thôi
sơn dù biết tay sẽ kẹt trong bình. Thằng út đã bị chúng ép phải cạo đầu.
Đời ông thầy viết sớ nối tiếp bằng kiếp hành khất, vong thân trong dòng
họ. Tôi lành hơn út và không dễ như nó đâu. Từ bao giờ tôi đã chôn sống
con nai vàng, chui rúc vào tấm da cọp, hóa thân thành ngưu nhân trong
mê cung đá. Anh em nhà này thừa tham vọng nhưng đủ hèn để tôi có thể dằn
mặt. Đấy là các quan hệ ngoài gia đình của tôi, những băng nhóm du
đãng, bao gồm cả công an lẫn quan chức tôi phải thường xuyên vỗ béo. Tôi
ngờ rằng Ông biết tôi ít tham vọng nhưng thực lực nên đã chọn tôi là
người kế nghiệp. Trước lúc Ông lịm ngủ giấc sâu, tôi đã tìm đến cửa
phòng Ông. Tôi cố gõ cửa, kéo Ông khỏi giấc ngủ nhưng Ông đã tắt đèn.
Nếu xộc vào phòng Ông, hẳn Ông sẽ tống cổ tôi ra. Mong mỏi về một vòng
ôm từ Ông thì tội nghiệp quá, còn tôi cũng quá tuổi trẻ con rồi. Cả khi
tôi đã cứng rắn, giáp trụ và gai góc nhưng một khắc ngắn tôi vẫn muốn
ngủ trong vòng tay ấm của Ông, muốn Ông vỗ về, gọi tôi yêu thương. Tôi
đói những trận ốm tới số để được Ông lo lắng, nấu cháo, đút tôi ăn với
nước mắt giàn dụa cả vì khói cháo lẫn cảm tính đàn bà. Bàn tay tôi nắm
quyền dòng tộc này. Lâu rồi, tôi là đứa hóm hỉnh, thích pha trò gây
cười. Cũng lâu rồi, tôi thành sinh vật không biết cười. Miệng tôi kéo
cười theo nghi lễ giao tiếp, mặt khác đấy là trò ma nhằm đánh lạc hướng
người khác bằng cách khâu kín cảm xúc mình dưới tầng tầng lớp lớp những
mặt nạ. Cười mà không để tiếng vang ra thì có gọi là cười? hay đấy chỉ
là trò khôi hài, giễu nhạo của Mona Lisa. Tôi cưỡi lưng cọp, và biến con
thú dữ thành đầy tớ trước khi nó quật ngã tôi, đánh chén cả tim óc lẫn
dạ dày. Kiếm một khi đã tuốt vỏ thì không được phép đánh rơi, cả khi
xương ngón tay dính toét vào cán kiếm tôi cũng không được vứt thứ quyền
trượng chiến trường đi. Với cây kiếm, tôi đâm, chém, bổ, cứa, trước tiên
là tâm hồn mình. Ánh thép lăm lăm, biểu hiện của quyền lực và nấu chảy
lòng đố kị lẫn sợ hãi của lũ anh chị em từ lâu đã hiến linh hồn cho
những giấc mơ tham vọng. Đến giờ, dòng tộc này đã vững như bàn thạch,
bất khả xâm phạm như một thủ phủ. Cơ ngơi phú quý này, đều vì Ông. Nếu
không phải vì Ông, tôi trắng tay. Và, sự thật là thế, tôi chẳng có gì.
Tôi đứng đỉnh và cũng lội đáy. Ông chi phối tôi hết. Kế thừa Ông, cuối
cùng tôi để lạc đứa trẻ đa sầu đa cảm, tiễn tang đứa em hiền, thằng chú
tốt…Giết đi bản tính mình. Tôi…Con người tôi…Giờ này, Ông thoi thóp trên
giường. Những gì còn lại ở Ông chỉ là hơi thở. Những gì còn lại ở Ông
trong tôi chỉ là ký ức. Có lúc, tôi mong mình mồ côi. Có lúc, tôi mong
được nhẹ vai. Có lúc, tôi…
*
Hương thủy tiên thơm quá. Không ngửi thấy mùi thuốc. trên đám dây rợ
lằng ngằng, rối tơ vò, tôi thấy những cánh ruồi vo ve. Lũ bọ dơ dáy đang
tắm trong hương hoa, những mong sự hóa bướm. Một cánh thủy tiên rơi,
thêm một cánh, cánh nữa và cánh nữa. Ông vẫn nằm. Một con vo ve mang tai
Ông, nhiều con vần vũ trên ngực. Cánh ruồi cũng nhịp nhàng như cánh
thủy tiên rơi, lắc lư với gió. Ngón tay run rẩy, một ngón, hai ngón…
*
Điểm mười, lại những điểm mười. Tại sao tôi phải cố gặt những điểm
mười. Đọc những con số này trước giường Ông thì ích lợi gì. Ông nào có
nghe được. Cha tôi ấm ức chú hai, và bắt tôi phải vượt qua con chú ấy.
Nếu tìm được đèn thần, tôi ước được như em hai, không cần phải róc xác
vào bài vở. Nó học chểnh mảng, quay cóp và không ngại công khai rằng
mình gian lận, tôi thì không thể. Lẽ dĩ nhiên, nó không bị trừng phạt và
còn được cưng chiều hơn vì dũng cảm nhận sai. Tôi phải làm đầu lĩnh
trong học tập. Cha đã trói chân tôi vào chân bàn để không thể rong chơi.
Thời gian biểu của tôi kín mít. Tôi lả mình vì những giờ học chính, học
thêm lẫn gia sư. Nếu tôi trái lời cha, ông sẽ ném tôi từ gác tầng ba.
Cha tôi dữ đòn, từ bé ông đã thiết quân luật với tôi. Vì là con trai, Cả, tôi không được khóc. Cha bảo tôi khóc là điều nhục nhã, thứ nhớp nhúa đàn bà. Tôi cố hỏi cha về giọt nước mắt khóc Ông ốm. Khóc vì Ông hợp pháp, cha
nói. Mỗi một hạt nước mắt, tôi lĩnh một roi. Càng òa khóc, roi quất
càng mạnh. Cha từng đánh tôi gãy roi, và tiếp tục tìm những thứ dài,
cứng vụt có lực để trừng phạt kẻ thích ăn vạ bằng nước mắt. Bằng mọi
giá, cha muốn tôi nuốt hết nước mắt mình, đóng cửa vĩnh viễn sự chảy
nước mắt để bản lĩnh nhằm đè bẹp con chú hai trong kiêu hãnh. Lâu dần
tôi sợ khóc. Bạn bè xa lánh tôi vì thế. Tôi đây, con mọt sắt, kẻ mặt
băng khó gần chỉ biết đến thành tích. Ngày nào cha cũng mài dao, tiếng
xoẹt cắt thịt. Cha không mổ giết gà lợn, tôi biết con dao đấy cha dành
làm gì. Nó, vật tế cho những mãn nguyện hận thù của cha…Nó đây. Mỗi lúc
thắp hương trước bàn thờ gia tiên, tôi đọc mãi những cầu xin Ông khỏi
bệnh. Đấy là lời tôi, và ý cha. Khấn thế, tôi bẻ lái suy nghĩ mình, mong
Ông sớm lên bàn thờ. Đúng, Jinni ơi, tôi sẽ chỉ xin ngài bắt Ông đi
thôi. Nhưng phương Đông làm gì có Jinni. Bụt, a ha, nước tôi có Bụt. Tôi
khóc, mong Bụt hiện lên trong dòng nước mắt. Vì sao con khóc? Tiếng Bụt. Người phận hèn được ban ơn một phép màu. Bụt ơi, con có sẵn câu trả lời rồi…
*
Thủy tiên trong bình héo mất và chưa ai kịp thay hoa mới. Hương hoa
còn lưu luyến, tương tư thế gian này. Ngày gần trăm tuổi, Ông chết. 99.
Gia đình dồn cả vào phòng, đứng quanh giường bệnh với đủ loại ruồi bay
xoáy vòng. Ông đã chết! Mọi dây rợ, ống thở bị rút phăng. Hai
cánh mũi thôi phập phồng, những cánh ruồi lượn tròn, tìm sâu hơn vào
vòng tròn nhằm kết vòng hoa tang. Cái mũi già cắm trên mặt cứng và lạnh,
tạc thành tấm bia không chữ viết. Ông đã chết…Tiếng cười thầm sặc sụa giấu trong bàn tay lớn. Răng nghiến vào răng, nghiến vào môi. Cái cạch cửa. Các đầu ngón tay chỉ mặt nhau. Thầm thì thầm thì…
Hà Nội 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét