Nhiều ngôi làng nổi tiếng trên
thế giới bởi những đặc điểm kỳ lạ của nó, có làng bạn dễ dàng thực hiện
chuyến du lịch đến đó, nhưng với một số nơi có lẽ bạn chỉ nên ngắm nhìn
qua ảnh.
Ngôi làng không có đường
Nếu bạn thích một cuộc sống đơn giản,
hãy nghĩ đến việc chuyển đến sống ở làng Giethoorn, Hà Lan. Được mệnh
danh là Venice của Hà Lan, Giethoorn rất thu hút khách du lịch với những
cảnh đẹp tuyệt vời. Điểm đặc biệt ở Giethoorn là nơi đây không hề có
một con đường nào, người dân đi lại qua kênh đào bằng những chiếc thuyền
nhỏ hoặc đi bộ qua nhiều cây cầu gỗ xung quanh thị trấn, còn xe phải để
ở ngoài làng. Một con số thú vị là tuy dân số ở đây chỉ khoảng 2.600
người nhưng có đến 180 cây cầu trong ngôi làng nhỏ này.
Ngôi làng nằm trong miệng núi lửa
Cách Tokyo 358km về phía Nam, ngôi làng
nhỏ nằm bên trong miệng núi lửa thuộc hòn đảo Aogashima, nằm biệt lập
trong quần đảo Izu. Hòn đảo này cũng chính là một miệng núi lửa khổng lồ
và vẫn được coi là đang hoạt động ở loại C mặc dù người ta chỉ thấy nó
phun trào lần cuối vào những năm 1780. Khi đó, một nửa số dân sinh sống
tại hòn đảo này đã thiệt mạng và buộc những cư dân còn sống sót phải rời
đi nơi khác. Phải mất 50 năm sau đó, người ta mới lại nhìn thấy sự sinh
tồn của loài người trên hòn đảo này. Đến nay, ước tính có khoảng 200 cư
dân – những người được cho là dũng cảm nhất đang sinh sống tại đây.
Cách duy nhất để khách du lịch có thể tiếp cận Aogashima là bằng phà
hoặc trực thăng. Tuy nhiên, lượng khách mỗi năm ít ỏi bởi nơi đây thường
bị bao phủ bởi sương mù dày đặc, rất khó để máy bay tiếp cận đảo.
Ngôi làng người lùn
Làng YangSi nằm ở phía Tây Nam thuộc
tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều
thập kỉ bởi 40% người dân nơi đây đều sở hữu chiều cao rất khiêm tốn so
với người bình thường. 36 trên 80 cư dân nơi đây đều nhỏ bé, với người
cao nhất chỉ vỏn vẹn khoảng 1 mét và người thấp nhất chỉ xấp xỉ hơn nửa
mét.
Các nhà khoa học cho rằng chính nồng độ
thủy ngân cao trong đất ở nơi đây đã gây ra điều này. Tuy nhiên đến nay,
vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác. Theo những người cao tuổi ở
ngôi làng, một trận bệnh dịch cách đây vài năm đã khiến trẻ em từ 5 – 7
tuổi không thể cao lên được nữa, làm phá hủy cuộc sống yên bình nơi đây.
Ngoài việc bị hạn chế chiều cao, một số người còn bị mắc phải các
khuyết tật khác nhau.
Ngôi làng ẩn sau vách đá
Người dân thuộc ngôi làng Monemvasia ở
Hy Lạp lại sống núp mình sau vách núi dựng đứng khổng lồ, quay lưng lại
với thành phố biển Laconia nhộn nhịp. Ban đầu, Monemvasia và Laconia
dính liền nhau, nhưng sau trận động đất diễn ra năm 375 đã tách
Monemvasia ra khơi xa. Cư dân trên hòn đảo nhỏ gần như bị lãng quên và
được thiên nhiên ban tặng cho khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ hướng ra vịnh
Palaia Monemvasia thơ mộng. Ngày nay đã có một con đường nhỏ dẫn ra từ
đất liền ra đảo, giúp kết nối người dân làng trên đảo với đất liền được
thuận tiện hơn.
Ngôi làng ẩm ướt nhất trên thế giới
Ngôi làng Mawsynram thuộc bang Meghelaya ở Đông Bắc, Ấn
Độ có lượng mưa đạt 11.800 mm mỗi năm, và điều này khiến Mawsynram trở
thành ngôi làng ẩm ướt nhất trên thế giới. Người dân nơi đây phải thích
nghi với khí hậu khó chịu quanh năm. Khi làm việc ngoài trời, họ đều đội
những chiếc áo mưa tự chế làm bằng lá chuối và tre.
Một trong những điều độc đáo ở ngôi làng
này đó chính là những chiếc cầu bằng rễ cây do người dân tự làm để thay
cho các cây cầu cũ không còn an toàn. Nhiều thế kỉ trôi qua, những cây
cầu bằng rễ cây của dân làng Mawsynram còn tồn tại lâu hơn cây cầu xi
măng khi hệ thống rễ phát triển theo thời gian và trở nên bền bỉ.
Ngôi làng ‘người đẹp ngủ mê’
Nằm cách thủ đô Astana
445 km, Kalachi là một trong những thị trấn chứa nhiều bí mật ở
Kazakhstan. Kể từ mùa xuân năm 2013, người dân ở đây phải đối mặt với
một hiện tượng kỳ lạ: cứ 10 người lại có một người bỗng nhiên ngủ thiếp
đi mà không ai đánh thức được, dù trước đó họ đang làm việc hay giữa ban
ngày. Thậm chí có người còn ngủ một giấc say đến 6 ngày sau mới tỉnh
dậy.
Người dân trong làng cũng
thừa nhận, họ luôn trong tình trạng buồn ngủ, có thể ngủ bất thình lình
tại bất kỳ nơi đâu. Hơn 20.000 cuộc kiểm tra không khí, nước, thức ăn
và người dân ở làng Kachi đã diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời
nào cho trường hợp kì lạ này.
Nhiều người dân địa phương tin rằng mỏ
uranium cũ bỏ hoang gần đó thuộc thời Liên Xô cũ đã ảnh hưởng đến họ và
là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Làng đại gia giữa hoang mạc cằn cỗi nhất hành tinh
Ngôi làng Huacachina ở đất nước Nam Mỹ
Peru là một ốc đảo cây cối tốt tươi giữa hoang mạc khô cằn nhất thế
giới. Nơi đây mọc lên tầng lớp những cây cọ chen chúc quanh một hồ nước
xanh biếc như ngọc, làm giảm bớt cái nóng ngột ngạt của sa mạc. 96 người
dân làng Huacachina sống nhờ vào thương mại du lịch khai thác từ chính
nguồn tài nguyên tuyệt vời của làng. Qua đó, khách được tận hưởng các
dịch vụ nhà hàng, khách sạn sang trọng trên một ốc đảo yên tĩnh.
Ngôi làng đi tắm không cần đóng cửa
Nằm ở bang Maharashtra,
Shani Shingnapur là ngôi làng nổi tiếng Ấn Độ với hơn 300 công trình
không có cửa. Ngay cả cửa vào nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm ở đây cũng
không có cánh che.
Tuy nhiên ngày nay, để
đảm bảo sự riêng tư và đáp ứng yêu cầu của phụ nữ, gần đây làng đã đồng
ý treo một tấm rèm mỏng gần lối ra vào.
Tiền bạc hoặc các vật giá trị thường
được dân làng bỏ trong những chiếc thùng và khóa lại. Vì không có cửa
nên mỗi khi đến nhà ai, khách không biết phải thông báo sự có mặt của
mình hay gõ cửa bằng cách nào. Vậy nên, giải pháp được đưa ra là đứng
trước nhà và nói thật to để chủ nhà biết.
Ngôi làng lạnh giá nhất thế giới
Oymyakon là một ngôi làng
thuộc huyện Oymyakonsky, cộng hòa Sakha, Nga. Do chỉ cách vòng Cực Bắc
350km nên nơi đây vô cùng lạnh lẽo. Nhiệt độ kỉ lục được đo là – 71,2 độ
C. Vào mùa đông, nhiệt độ trung bình từ -40 độ C đến -50 độ C.
Ngoài người Nga còn có
nhiều dân tộc thiểu số khác sinh sống nơi đây. Dù có thể bị nguy hiểm
tính mạng nếu ra ngoài không mặc đủ quần áo và đồ bảo hộ, ngôi làng vẫn
là nơi sinh sống của gần 800 người.
Ngôi làng cứ sinh hai con là đủ ‘nếp – tẻ’ ở Trung Quốc
Zhanli là ngôi làng trong những dãy núi sâu thăm thẳm thuộc huyện Tòng Giang, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Theo thống kê của các nhà chức trách, chỉ 1-2% các hộ gia đình ở đây sinh con “một bề”. Còn lại hầu hết họ đều có đủ trai, gái.
Người làng ở đây có một bí mật để sinh
con đủ nếp, tẻ, đó là họ chuyên dùng một loại thảo dược có tên là “cỏ
đổi hoa”. Người dân tin rằng nhờ có thần dược này mà phụ nữ khi uống vào
sẽ sinh ra hai đứa con khác giới tính. Nếu họ sinh đứa đầu là một bé
trai, sau khi người mẹ uống thuốc này thì đứa thứ hai sẽ là một bé gái
và ngược lại.
Đức Hải tổng hợp.
(daikynguyen.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét