20 thg 2, 2016

Ai là người đầu tiên thám hiểm và tìm ra Đà Lạt? (từ blog Hửu Nguyên)



1.1. Thành phố Đà Lạt khá khác xa Hà Nội và Huế. Đà Lạt trẻ đẹp, có dáng dấp một thành phố Âu châu, và phát triển trong giai đoạn Việt Nam mất chủ quyền về tay sai thực dân Pháp. Do đó tuy mới 100 năm mà lịch sử Đà Lạt khá mù mờ ở giai đoạn đầu. Nhiều người đều nghĩ rằng bác sĩ Yersin là người đầu tiên thám hiểm và tìm ra Đà Lạt. Nhưng thực tế lịch sử có phải như vậy không? 
1.2. Từ năm 1902, Đà Lạt được nhắc tên trong bài "Bình Thuận" trong tập san Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.E.O) của tác giả Aymonier. Đến năm 1953, năm xuất hiện Monographie de Dalat của Tòa thị chính Đà Lạt, hầu hết các tác giả viết về lịch sử Đà Lạt đều cho rằng bác sĩ Yersin là người đầu tiên thám hiểm cao nguyên Lang Bian và tìm ra Đà Lạt. Từ sau 1960 đến ngày nay, rải rác trên sách báo, có người cho rằng trước bác sĩ Yersin, có một người Việt Nam đã thám hiểm Lang Bian. Người đó là Nguyễn Thông. Gần đây nhất, tháng 8-1984, trên tạp chí Cộng sản số 8-1984, trang 66, Trương Quốc Minh xác định: "Nguyễn Thông thám hiểm cao nguyên Lâm Viên trước khi thực dân Pháp mò đến đây...". Dù có xác định như trên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa trưng ra được bằng chứng khoa học. Bài viết chúng tôi tóm tắt chương trình nghiên cứu bước đầu về "Cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt với Yersin và Nguyễn Thông". Do số trang có giới hạn của bài báo, chúng tôi chỉ nêu một số điểm chính của công trình và nghĩ rằng vấn đề Nguyễn Thông là người đầu tiên thám hiểm Lang Bian và tìm ra Đà Lạt cần phải được nghiên cứu kỹ hơn nữa, cần được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội lưu tâm hơn nữa, bổ túc tài liệu nhiều hơn mới hy vọng giải quyết được ức thuyết. 
2.1. Những điểm phải hoài nghi trong các tài liệu viết bằng Pháp văn từ năm 1902 đến năm 1953 cho rằng bác sĩ Yersin là người đầu tiên thám hiểm cao nguyên Lang Bian và tìm ra Đà Lạt. Những bài viết thống nhất rằng "bác sĩ Yersin, người đầu tiên thám hiểm Lang Bian" có rất nhiều. Chúng tôi chỉ nêu những tác phẩm chính mà giới nghiên cứu lịch sử thường lưu ý như Bình Thuận của Aymonier trong BEFEO (2/1902), Le Lang Bian của JJ. Vassal trong Revue Indochinoise (52-54/1907). Từ năm 1941 đến 1944, vấn đề được thường xuyên nêu trên báo với các tác giả: P. Munier, N. Berland, Yersin, André Morval, J. Cassaigne, P. Andelle, A. Berjoan, Genevray, Baudrit, Henri Jacotot. Năm 1949, E. Tardiff viết một công trình lớn 500 trang về Đà Lạt xuất bản tại Vienne. Năm 1953, Noel Bernard viếtYersin - pionnier - savant - explorateur như là một tổng kết về Yersin là người duy nhất thám hiểm Lang Bian, tìm ra Đà Lạt như Monographie de Dalat cũng xuất hiện năm 1953 khẳng định. 
2.2. Các nhà nghiên cứu Việt Nam về sau viết về lịch sử Đà Lạt thường dịch hoặc rút ngắn các tài liệu Pháp văn nói trên. Chúng tôi cũng tìm hiểu các tư liệu trên và chú ý nghiên cứu kỹ bài viết của Linh mục Cassaigne và năm bài viết của chính bác sĩ Yersin đăng trên Revue Indochine từ số 99/1942 đến số 103/1942 và bài phát biểu cảm tưởng cũng của bác sĩ Yersin năm 1953 trong dịp khai giảng trường Lycée Yersin (nay là trường Cao đẳng Sư phạm) được Noel Bernard và Genevray ghi lại nên có nhiều chi tiết khác nhau. Trong bài "Rencontre avec les pirates sur le plateau Moi" (Cuộc gặp gỡ những tên cướp trên cao nguyên Mọi) Revue Indochine số 100, tháng 7-1942) bác sĩ Yersin cho biết tại cao nguyên Dran bấy giờ có một toán cướp hoạt động do thủ lĩnh Thouk cầm đầu. Đây là một nhóm chính trị phạm đông đến 80 người đều là An Nam (Việt). Như vậy trước khi Yersin lên Lang Bian thì tại đây đã có một tổ chức người Việt. Bài "Les Mois de la région Djiring" (Revue Indochine số 131 năm 1943) (Người Mọi Di Linh) của Linh mục Cassaigne cho biết bác sĩ Yersin thám hiểm Lang Bian với một số người trong đó có Linh mục Robert và lên cao nguyên được là nhờ dùng bản đồ của người An Nam đã đi Lang Bian thời trước ở Bình Thuận. Người An Nam (Việt) theo Linh mục Robert là một quan lại triều đình Huế. 
Hai tài liệu trên chứng nhận: 
1) Trước khi Yersin đến Lang Bian, tại đây đã có người Việt ở, có tổ chức. 
2) Bác sĩ Yersin nhờ dùng bản đồ của một người Việt đã lên Lang Bian mới đến được đỉnh từ con đường Bình Thuận và đạt được mục đích mà phái bộ Pavie yêu cầu (1). 
Đó là hai cơ sở mà chúng tôi tìm tài liệu xa hơn và chúng tôi bắt gặp Nguyễn Thông qua những bài thơ, bài văn chứng nhận ông đã thám hiểm cao nguyên Lang Bian. 
3.1 Những cơ sở để chúng tôi xác quyết rằng Nguyễn Thông đã thám hiểm cao nguyên Lang Bian và tìm ra Đà Lạt - Lâm Đồng trước bác sĩ Yersin 25 năm: 
- Tài liệu xưa nhất viết về Đà Lạt - Lâm Đồng chỉ phác họa vài nét địa lý, lịch sử như: Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (thế kỷ 16), Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ 18). Hai tác giả này thỉnh thoảng có viết vài dòng về Đà Lạt - Lâm Đồng với cái tên như Sơn Động, Man Động. Theo Nguyễn Hữu Tranh (2): trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi trong quyển 12 (tỉnh Bình Thuận) vài chữ về địa phương Lâm Đồng và dành phần lớn trang 12 và một phần trong trang 13 để giới thiệu Di Dinh thổ phủ... Và trên "Đại Nam thống nhất toàn đồ" in năm 1834, trên địa phận Đà Lạt - Lâm Đồng hiện nay, Phan Huy Chú có vẽ vài ngọn núi và hai con sông. Với các tài liệu dù ít ỏi ấy, Nguyễn Thông, một sử gia, cũng biết được đất nước Đại Nam còn có vùng đất xa xôi, bỏ hoang như vậy nên về sau do yêu cầu chống Pháp, ông đã thực hiện cuộc thám hiểm vùng đất ấy. Đọc tiểu sử của Nguyễn Thông chúng ta có thể xác minh sự kiện này.
3.2. Nguyễn Thông (1827-1884) quê ở Tân Thạnh, tỉnh Gia Định, sinh năm Đinh Hợi (1827) và mất năm Giáp Thân (1884) có tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, bút hiệu là Độn Am. Nguyễn Thông thi đỗ cử nhân, làm huấn đạo 6 năm, có làm việc ở Nội các Huế. Năm 1859, Pháp đánh thành Gia Định, Nguyễn Thông tình nguyện tòng quân diệt Pháp. Đầu năm 1861, quân ta thua ở Chí Hòa rút về Biên Hòa, rồi Biên Hòa bị chiếm, Nguyễn Thông đi xuống Long Thành vòng về Tân An, Gò Công tìm cách chống giặc, giúp cậu là Trịnh Quang Nghi mộ quân miền Nam kháng Pháp. Từ 1862 đến 1867 ông bôn ba khắp nơi, liên lạc với những người yêu nước tìm kế  chống ngoại xâm lâu dài. Có thể Nguyễn Thông lên cao nguyên Lâm Viên trong thời gian này. Năm 1868, 6 tỉnh miền Nam vào tay Pháp, Phan Thanh Giản tự tử, Nguyễn Thông cùng một số nghĩa phu "tị địa" ra Bình Thuận. Tại đây ông cùng một số bạn bè lại tổ chức thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Bà Dần. Sau đó ông gởi sớ về triều đình Huế xin khai khẩn Sơn quốc. Triều đình Huế chuẩn y lời đề nghị ấy, ông bắt tay vào làm việc nhưng thống soái Nam kỳ biết, gởi thư ra Huế phản đối buộc Tự Đức phải bãi bỏ công việc khai hoang của Nguyễn Thông. Sau đó Nguyễn Thông xin về hưu và từ đó, thường bị bệnh. Trong khoảng thời gian này, ít tài liệu cho biết rõ hành trạng của ông. Ông mất năm 1884, để lại nhiều tác phẩm văn học, sử học mà hiện nay chưa được sưu tập đầy đủ. Một số bài thơ, bài văn có liên quan đến cuộc thám hiểm Sơn quốc, vẫn còn nhiều nghi vấn, nhưng nhìn chung khá thống nhất minh chứng Nguyễn Thông đã đến một số vùng trong Sơn quốc rộng lớn mà tác giả phỏng đoán.
3.3. Trong bài viết "Thử tìm lại dấu vết người Việt trên đất Lâm Đồng", tác giả Nguyễn Hữu Tranh viết: "Trong thời gian làm dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận (từ năm 1877 - 1880), Nguyễn Thông (1827-1884) - một sĩ phu yêu nước - đã đến vùng ranh giới giữa Lâm Đồng và Thuận Hải và đã làm thơ... (tlđd)". Theo chúng tôi, Nguyễn Thông lên Lâm Đồng nhiều lần nhưng lần đầu khoảng thời gian từ 1862 đến 1867 vì thời gian này Nguyễn Thông tham mưu cho Trương Định tính kế chống Pháp lâu dài, phải tìm một căn cứ địa vững chắc như Lam Sơn của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, như Tây Sơn của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Do quen với Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông biết lực lượng của Pháp, muốn đánh thắng chúng phải có kế hoạch lâu dài, phải có khu kháng chiến vững chắc. Sơn quốc (trong đó có Đà Lạt - Lâm Đồng) là nơi dự tính nuôi quân thích hợp thời ấy. Trong một đoạn thơ Nguyễn Thông đã bày tỏ:
 Tự phi hữu sở cầu 
Thùy khẳng lý hiểm gian? 
Ngũ bối Nam lai giả 
Hồ vi cầu tê phan? 
Huống văn la giang thượng 
Hoàn cư giai Chiêm Man 
Thiên hộ tấu lung tục 
Cư năng đắc sơ hoàn? 
Thực biện vi khả kỳ 
Hóa lậu thành diệc nan 
Cư di niệm thánh ngữ 
Vị nhiên phát tràng than. 
Dịch:
"... Nếu không điều cần thiết 
Vào chốn hiểm làm gì? 
Lần cây và vịn đá 
Rời miền Nam cùng đi 
Miền trên sông La ấy 
Chàm Thượng sống bao vi 
Làm sao vui lòng họ? 
Dù có nhạc cùng thi 
Biên cương chưa hứa vững 
Lạc hậu còn xiết chi! 
Bùi ngùi thầm than thở 
Nhớ lời dạy "cư di". 
Qua thơ Nguyễn Thông, chúng ta thấy ông nhắc nhiều lần sông La Ngư. Có nhà nghiên cứu cho đó là sông La Ngà ngày nay. Đọc những bài thơ, đoạn văn của Nguyễn Thông tả sông La Ngư chúng tôi thấy sông La Ngư là sông liên kết ba nhánh La Ngà, Đa Nhim, Đạ Đờn. Về dòng sông này, tác giả Nguyễn Hữu Tranh viết: "... Trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, phần giới thiệu Di Dinh thổ phủ cho biết một dòng sông "Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quãng, trung đa ngạc ngư" (ở phía tây có sông Dã Dương không sâu mà rộng, trong đó có nhiều cá sấu). ở Lâm Đồng hiện không có con sông nào mang tên Dã Dương. Chắc chắn các soạn giả bộ địa lý muốn nói đến con sông Đạ Đờn vì trên một số bản đồ dòng sông này được viết là Đa Dung và trong quyển tự điển Sré (Kơho) - Pháp Jacques Dournes có định nghĩa: Daa: nước; Daa Dong: con sông" (tlđd). 
Ở một bài thơ khác Nguyễn Thông có viết: 
"Tịnh mã xuyên lam khích 
Lâm thâm đoạn nhân tích 
Dao văn, kê khuyến thanh 
Tư hữu thô man sách?" 
Dịch: 
"Cỡi ngựa lần cây thưa 
Rừng sau hút mịt mù 
Tiếng gà gáy chó sủa 
Làng thượng gần hay xa?" 
Nguyễn Thông tả những cơn mưa miền núi khá đặc biệt: khi ầm ầm kinh thiên địa, khi thì rả rích thâm canh: 
"Na tu đãn vũ man yên địa 
Thượng hữu giang hồ lão khách tinh" 
Dịch: 
"Ngờ đâu xứ thượng mù mây phủ 
Gặp bạn tâm tình, khách quý mong" 
Hoặc: 
"Tiên tiên đãn vũ mãn quan hà 
Phốc bị đồng quân thính dạ qua" 
Dịch: 
"Xứ thượng mây buồn giăng khắp nơi 
Kéo chăn cùng bạn thức đêm dài" 
Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp một số câu thơ tác giả diễn đạt khá rõ ràng về con đường đi lên Sơn quốc: 
"Tam phan Tây khứ tiếp cùng hoang 
Tái thảo thê thê nhật sắc hoàng 
Đồng trụ kỹ thời tiêu Hán giới 
Khung gian tùng cổ hạn man phương" 
Dịch: 
"Tiếp xứ tam Phan theo hướng Tây 
Bờ hoang sắc cỏ trời vàng hây 
Sông Khung từ cổ miền Man thuộc 
Đồng trụ ngàn xưa nghiệp Hán gây"  
Trên đường lên Sơn quốc, Nguyễn Thông gặp một số tộc người lạ: "Vùng La Ngư thượng dân cư toàn man (thượng) còn có man tự xưng là giòng giống chim, giống Lạc, nguyên văn: điếu, Lạc và tác giả giải thích: các man nhận họ là giòng giống chim Lạc, tiếng nói trọ trẹ. Chim Lạc là thủy tổ của dân ta. Phải chăng họ là con cháu người Lạc Việt xa xưa lánh nạn Bắc thuộc (Tàu) mà trốn vào hang động lâu ngày nên không nhận ra nữa". Chúng ta không bàn đến giả thuyết của Nguyễn Thông đúng hay sai mà chúng ta chú ý hai tộc người mà Nguyễn Thông gọi là Chim, Lạc. Theo chúng tôi có lẽ Nguyễn Thông đã ghi âm theo tiếng nói của hai tộc người Chin, Lat ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương chăng: Về Lat thì bác sĩ Yersin ghi là Mlate. 
3.4 Như vậy, qua thơ văn Nguyễn Thông, chúng ta biết một phần Sơn quốc của Nguyễn Thông có các đặc tính sau: 
- Ban ngày thường lạnh, cỏ cây tốt tươi, mặt trời vàng, có những trận mưa đặc biệt mà tác giả thường hay dùng từ "đãn vũ" (mưa xứ thượng). 
- Ở Sơn quốc này có sông La Ngư, các dân thượng sống quây quần bên nhau ở một vùng có dân Chim (Chin), Lạc (Lạt). 
Với các đặc tính thiên nhiên khí hậu và con người ở một vùng của Sơn quốc như trình bày trên, chúng ta có cơ sở kết luận đó là Đà Lạt vì theo các nhà dân tộc học bộ tộc Lat chỉ có ở Đà Lạt mà thôi, các cao nguyên khác không có tộc người này. Và như vậy Nguyễn Thông đã có đến Đà Lạt. Còn như thật chính xác, vùng nào, phía nào của Đà Lạt mà Nguyễn Thông đã đặt chân đến thì còn trong vòng xác minh. 
4. Trong giới hạn một bài báo chúng tôi giới thiệu tóm tắt vấn đề như trên, có thể chưa thỏa mãn bạn đọc muốn biết sâu hơn.Và vì tóm tắt nên chúng tôi lược đi rất nhiều sự kiện củng cố giả thuyết. Mong bạn đọc thông cảm. Chúng ta có thể kết luận: Người đầu tiên thám hiểm Lang Bian và tìm ra Đà Lạt - Lâm Đồng là Nguyễn Thông. Cuộc thám hiểm của Nguyễn Thông đã xảy ra trước cuộc thám hiểm của bác sĩ Yersin trong vòng 25 năm. 
 Đà Lạt, tháng 8 năm 1985 
NGUYỄN DIỆP 
(1) Phái đoàn quân sự của Pháp. 
(2) Nguyễn Hữu Tranh: "Thử tìm lại dấu vết người Việt đầu tiên ở Lâm Đồng" (tài liệu đánh máy), 1983. 
(3) Tam Phan: Phan Lang (rang), Phan Lý (rí) và Phan Thiết.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1) Tạp chí Cộng sản số 8/84 
2) Dương Văn An, Ô châu cận lục, chữ Hán. 
3) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, chữ Hán. 
4) Nguyễn Thông, Ngọa du sào thi văn tập, chữ Hán. Kỳ xuyên văn sao, chữ Hán. Tạp văn, tạp chí, chữ Hán. 
5) Tạp chí "Revue Indochine" từ năm 1941-1942-19436.  
6) Noel Bernard: Yersin - pionnier - savant - explorateur 1863-1943, Paris, Colombe, 1953. 
7) Monographie de Dalat, 1953. 
8) Tập san Sử Địa số 23 - 24. Sài Gòn, 1972. 
9) Nguyễn Hữu Tranh, Thử tìm lại dấu vết người Việt trên đất Lâm Đồng, bản đánh máy, 1983. 
10) Cao Tự Thanh - Đoàn Lê Giang, Tác phẩm Nguyễn Thông, Long An, 1984.


(ảnh : Đà Lạt của vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét