Madeleine Albright ( @madeleine )
là tác giả hai cuốn sách “Chủ nghĩa phát xít: Một cảnh báo” và “Địa
ngục và các điểm đến khác”. Tiến sĩ Albright là ngoại trưởng thứ 64 của
Hoa Kỳ (1997- 2001). Bà là người kiến thức cao, uyên bác, và nhất là vô
cùng sắc sảo (đọc tiểu sử của bà thấy chóng cả mặt). Trên cương vị Ngoại
trưởng, bà là quan chức cao cấp nhiều uy tín đầu tiên của chính phủ Hoa
Kỳ gặp Vladimir Putin khi ông mới là quyền tổng thống Nga. Trong bài
viết này, bà "size up" Putin giùm độc giả, với độc giả muốn thêm chi
tiết cùng những chuyện bên lề bà cho một nguồn tham khảo phong phú và
tiện lợi (chỉ cần bấm vào những chữ có gạch dưới). Albright có một số
nhận định về tình hình, tương đối lạc quan. Nhưng điều này cũng không
mấy lạ, quan chức cao cấp Hoa Kỳ luôn luôn có bài giải cho mọi bài toán
rắc rối.
Đầu năm 2000 ,
tôi trở thành quan chức cao cấp đầu tiên của Hoa Kỳ đã gặp Vladimir
Putin trên cương vị mới là quyền tổng thống Nga. Chúng tôi trong chính
quyền Clinton khi ấy không biết nhiều về ông – chỉ biết rằng ông là
người đã bắt đầu sự nghiệp trong KGB. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ giúp
tôi đánh giá được con người cùng sự thăng tiến đột ngột của ông có ý
nghĩa thế nào trong quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã xấu đi trong cuộc chiến ở
Chechnya. Ngồi đối diện ông qua cái bàn nhỏ trong Điện Kremlin ngay lập
tức gây trong tôi một ấn tượng về sự tương phản giữa Putin và người tiền
nhiệm khoa trương, ông Boris Yeltsin.
Ông Yeltsin dỗ dành, hăm dọa và tâng bốc, còn ông Putin thì nói không xúc cảm và không cần bản ghi nhớ về sự quyết tâm phục hồi nền kinh tế Nga và tiêu diệt phiến quân Chechnya .
Về nhà, tôi ghi lại những ấn tượng của mình. Tôi viết: “Putin nhỏ người
và xanh xao, lạnh lùng gần như loài bò sát”. Ông tuyên bố hiểu tại sao
Bức tường Berlin phải sụp đổ nhưng không ngờ cả Liên Xô cũng sụp đổ.
“Putin cảm thấy xấu hổ vì những gì đã xảy ra trong đất nước của mình và
quyết tâm khôi phục lại sự vĩ đại của nó”.
Những
tháng gần đây, việc ông Putin tập trung quân đội ở biên giới với nước
láng giềng Ukraine, đã khiến tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ gần 3 tiếng đồng hồ đó. Sau khi gọi nhà nước Ukraine là một điều hư cấu trong một bài phát biểu lạ lùng trên truyền hình, ông ban hành một sắc lệnh công nhận nền độc lập hai khu vực của Ukraine do phe ly khai nắm giữ và gửi quân đến đó.
Việc Putin khẳng định có tính cách xét lại và vô lý rằng Ukraine “hoàn toàn do Nga tạo ra” và thực sự đã bị đánh cắp từ
đế chế Nga là hoàn toàn phù hợp với thế giới quan bị bóp méo của ông.
Điều đáng lo ngại nhất đối với tôi: Đó là nỗ lực của ông để tạo cớ cho
một cuộc xâm lược toàn diện. Nếu ông ta xâm lược, đó sẽ là một sai lầm lịch sử.
Trong
20 năm kỳ lạ kể từ khi gặp gỡ, ông Putin đã vạch ra lộ trình của mình
bằng cách từ bỏ sự phát triển dân chủ và thay vào đó bằng luật chơi
(playbook) cũ của Stalin. Ông thu thập quyền lực chính trị và kinh tế
cho mình – kết nạp hoặc đè bẹp những cạnh tranh tiềm tàng – trong khi
thúc đẩy việc thiết lập lại khu vực thống trị của Nga từ các vùng của
Liên Xô cũ. Giống như những kẻ độc tài khác, ông coi hạnh phúc của mình
ngang với phúc lợi quốc gia và sự chống đối ông ngang với tội phản quốc.
Ông chắc chắn rằng người Mỹ phản ánh cả sự giễu cợt lẫn lòng ham muốn
quyền lực của ông và rằng trong một thế giới mà tất cả mọi người đều nói
dối, ông không có lý do gì phải nói thật. Bởi vì ông tin rằng Hoa Kỳ
thống trị khu vực của mình bằng vũ lực, ông cho rằng Nga cũng có quyền
làm tương tự.
Thay
vì mở đường cho Nga tiến tới sự vĩ đại, xâm lược Ukraine sẽ khiến ông
Putin bị ô nhục vì làm đất nước của ông bị cô lập về ngoại giao, tê liệt
về kinh tế và dễ bị tổn thương về mặt chiến lược khi đối mặt với một
liên minh phương Tây đoàn kết, mạnh mẽ hơn.
Hành động của ông Putin đã gây ra những trừng phạt lớn,
và nhiều hơn nữa sẽ xảy ra nếu ông phát động một cuộc tấn công quy mô
toàn diện để chiếm toàn bộ đất nước. Những điều này sẽ không những chỉ
tàn phá nền kinh tế đất nước ông mà còn gây thiệt hại cho nhóm tay sai tham nhũng chặt chẽ quanh ông –
những người này có thể thách thức sự lãnh đạo của ông. Điều chắc chắn
là một cuộc chiến đẫm máu và thảm khốc sẽ tiêu hao tài nguyên của Nga và
khiến người Nga thiệt mạng – đồng thời tạo ra động lực cấp bách đòi hỏi
châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc nguy hiểm vào năng lượng của Nga . (Điều đó đã bắt đầu với việc Đức ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2.)
Hành
động gây hấn như vậy gần như chắc chắn sẽ khiến NATO phải củng cố đáng
kể sườn phía đông của mình và cân nhắc việc đóng quân lâu dài ở các nước
Baltic, Ba Lan và Romania. (Tổng thống Biden hôm thứ Ba cho biết ông sẽ
cho chuyển thêm quân đến
Baltics.) Và điều đó sẽ tạo ra vũ trang chống đối dữ dội của Ukraine,
với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây. Một nỗ lực lưỡng đảng của Mỹ cũng
đang được tiến hành để đưa ra đáp ứng lập pháp bao gồm tăng cường viện trợ vũ khí đả thương cho Ukraine. Chuyện này sẽ khác xa so với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014; đó sẽ là một kịch bản gợi lại việc chiếm đóng tệ hại của Liên Xô tại Afghanistan vào những năm 1980.
Ông
Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã nói rõ điều này nhiều lần
qua những tuyên bố ngoại giao giận dữ. Nhưng ngay cả khi phương Tây bằng
cách nào đó ngăn cản được ông Putin khỏi cuộc chiến toàn lực – điều khó
xảy ra trong hiện tại – thì điều quan trọng cần nhớ là sự cạnh tranh mà
ông lựa chọn không phải là cờ vua, như một số người giả dụ, mà là judo.
Chúng ta có thể mong đợi ông ta kiên trì tìm cơ hội để tăng đòn bẩy và
tấn công trong tương lai. Điều này sẽ tùy thuộc vào Hoa Kỳ và đồng minh
việc từ chối ông ta cơ hội đó bằng cách duy trì ngăn cản ngoại giao mạnh
mẽ và tăng cường hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine.
Theo
kinh nghiệm của tôi, mặc dù không bao giờ nhận mình sai lầm, ông Putin
đã từng tỏ ra có thể vừa kiên nhẫn vừa thực dụng. Chắc chắn ông cũng ý
thức được rằng cuộc đối đầu hiện tại khiến ông phụ thuộc nhiều hơn vào
Trung Quốc; ông cũng biết rằng Nga không thể thịnh vượng nếu không có
một số ràng buộc với phương Tây. “Rất đúng, tôi thích món ăn Trung Quốc.
Tôi thật thú vị khi dùng đũa,” ông nói với tôi trong lần gặp đầu tiên.
“Nhưng đó là những chuyện tầm thường. Đó không phải là tâm lý của chúng
tôi, tâm lý của người châu Âu. Nga phải là một phần vững chắc của phương
Tây ”.
Ông
Putin phải biết rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai không nhất thiết
sẽ diễn ra tốt đẹp cho Nga – ngay cả một nước Nga với vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ có thể tìm thấy trên hầu hết các lục địa các đồng minh mạnh mẽ.
Trong khi đó, những người bạn của ông Putin bao gồm Bashar al-Assad,
Alexander Lukashenko và Kim Jong-un.
Nếu
ông Putin cảm thấy bị dồn vào một góc tường, ông chỉ có thể tự trách
mình. Như ông Biden đã lưu ý, Hoa Kỳ không muốn gây bất ổn hoặc tước
đoạt nguyện vọng chính đáng của Nga. Đó là lý do tại sao chính quyền Hoa
Kỳ và các nước đồng minh đã đề nghị tham gia vào các cuộc đàm phán với
Moscow về một loạt các vấn đề an ninh. Nhưng Hoa Kỳ cũng kiên quyết yêu
cầu Nga hành động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho tất cả
các quốc gia.
Ông Putin và người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, thích tuyên bố rằng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đa cực .
Mặc dù điều đó là hiển nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là các cường
quốc có quyền chia chặt địa cầu thành những vùng ảnh hưởng như các đế
chế thuộc địa cách đây nhiều thế kỷ.
Ukraine
có chủ quyền của họ, bất kể láng giềng của họ là ai. Trong thời kỳ hiện
đại, các nước lớn đều chấp nhận điều đó, và ông Putin cũng phải vậy. Đó
là thông điệp nền tảng cho chính sách ngoại giao gần đây của phương
Tây. Nó xác định sự khác biệt giữa một thế giới được quản lý bởi pháp
quyền và một thế giới không trả lời cho quy luật nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét