28 thg 2, 2018

NGHĨ VẨN VƠ - Thơ Trần Phong Vũ


Ừ thì buồn mới viết thành thơ
Cũng có đôi khi đầu óc trống trơ
Thế nhân thiên hạ thì lắm chuyện
Chỉ có riêng mình cứ vẫn vơ

Có những lúc muốn quên đi tất cả
Những tình yêu, những status lướt vội trên '' fây''
Khép kín cửa gặm nổi buồn khó tả
Khổ nỗi quá khứ hiện về....
Cứ chập choạng như mây

Rồi có lúc như người vừa tỉnh mộng
Chợt thấy mình sáng suốt đến lạ kỳ
Những giả dối những thương yêu mảnh mỏng
Ngỡ ngàng thay khi ai đó ra đi

Vẫn biết trong cuộc đời chả có gì là bất biến
Vẫn xao lòng khi người ta nói tiếng yêu
Lý trí bảo chuyện xưa rồi tái hiện
Nhưng con tim khờ dại cứ gật gù
Ừ thì yêu

Tự nhủ với lòng chớ dại làm nhà thơ
Những gương xưa soi thấu tận đáy mồ
Bao nghiệp dĩ vùi chôn như xác lá
Rất oan khiên đâu phải chuyện tình cờ

Ta dối lòng tự nhận tiếng thương vay
Tự ném đá mình đến độ tàn hơi này
Trong kinh học gọi đó là nỗi đau hành xác
Thú đau thương ừ nói thế lại nghe hay

Tai vẫn thích nghe lời ngon tiếng ngọt
Mắt vẫn trộm nhìn bóng dáng giai nhân
Em nhiều lúc uất tưởng chừng như phát sốt
Nghe giọng ta cười y hệt đứa trẻ con

Thật đấy em ta không vờ đạo đức
Không nhe nanh sau lớp áo nhà tu
Ta chỉ có một khối tình chân thật
Đã yêu ai thì yêu rất...vô tư

Chủ nghĩa hiện sinh hay siêu thực lạ lùng
Cạn hai chai bia tất cả đều mông lung
Đêm chưa tới mà tình ta chất ngất
Dấu hỏi nào rơi rụng giữa không trung

 
TRẦN PHONG VŨ

Bí ẩn người ‘đột ngột trở thành thiên tài’


Getty ImagesBản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Có những bằng chứng cho thấy tổn thương não có thể giải phóng những năng lực sáng tạo phi thường, khiến bệnh nhân có thể trở thành thiên tài.
Mùa hè năm 1860, Eadweard Muybridge gần cạn sách. Quả là vấn đề, vì ông là người bán sách. Ông trao lại cửa hàng sách ở San Francisco cho anh mình và bắt đầu lên đường đi xe ngựa chở khách để tìm nguồn cung cấp sách. Ông đã không hề hay biết ông sắp sửa thay đổi thế giới mãi mãi.

Chuyến xe định mệnh

Xe ngựa gặp chuyện khi ông đang đi ở vùng đông bắc Texas. Người lái xe quất roi và những chú ngựa đột nhiên chồm lên mà chạy, kéo chiếc xe lao xuống một đường núi dốc đứng. Cuối cùng nó chuyển hướng và đâm vào cái cây. Muybridge đã bay lên không trung và đập đầu vào một tảng đá.
Chín ngày sau, ông tỉnh dậy tại một bệnh viện cách đó 150 dặm (241 km). Tai nạn đã để lại cho ông đủ các vấn đề y học, bao gồm chứng song thị, các cơn co giật, và không còn khứu giác, thính giác hay vị giác. Nhưng thay đổi triệt để nhất là tính cách của ông.Trước đây Muybridge là một người hòa nhã và cởi mở, rất khéo trong việc kinh doanh. Sau vụ tai nạn ông trở nên mạo hiểm, lập dị và thất thường; về sau ông còn sát hại nhân tình của vợ mình. Ngoài ra rất có thể ông cũng là một thiên tài.
Câu hỏi về những nhận thức sáng tạo đến từ đâu và làm cách nào để có thêm – vẫn là chủ đề nghiên cứu vĩ đại trong hàng ngàn năm.
Theo các nhà khoa học, chúng có thể được điều khiển bởi bất cứ điều gì từ sự mệt mỏi đến chán nản.
Theo Plato thì chúng là kết quả của sự điên rồ thần thánh. Hay theo như Freud tin tưởng, liệu có phải chúng bắt nguồn từ sự thăng hoa của những ham muốn tình dục? Tchaikovsky quả quyết rằng những khoảnh khắc eureka được sinh ra từ công việc trí óc và kiến thức kỹ thuật.
Nhưng cho đến gần đây, những người hiểu lẽ phải quấy nhất đã đồng thuận về một điều: khả năng sáng tạo bắt nguồn từ bên trong hộp sọ của chúng ta.
Sau vụ tai nạn, Muybridge rốt cuộc cũng đã hồi phục đủ để đi thuyền đến nước Anh. Ở đó khả năng sáng tạo của ông mới thực sự bắt đầu phát huy. Ông bỏ việc bán sách và trở thành một nhiếp ảnh gia, một trong số nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông cũng là một nhà phát minh hiệu suất cao. Trước vụ tai nạn, ông chưa hề nộp đơn cấp bằng sáng chế nào cả. Trong hai thập kỷ sau đó, ông đã nộp đơn đăng ký ít nhất 10 lần.
Năm 1877, bạn của ông, một ông trùm đường sắt giàu có tên là Leland Stanford, đoan chắc rằng ngựa có thể bay. Hoặc, chính xác hơn, ông tin rằng khi chúng chạy, tất cả chân của chúng rời khỏi mặt đất cùng một lúc. Muybridge cho rằng không phải vậy.
Để chứng minh, ông đã đặt 12 chiếc máy ảnh dọc theo đường ngựa chạy và cài đặt một dây nối sẽ tự khắc khởi động dàn máy ảnh khi con ngựa đua yêu thích của Stanford tên Occident chạy. Tiếp theo, ông phát minh ra “zoopraxiscope”, một thiết bị cho phép ông chiếu nhanh và liên tiếp một số hình ảnh và tạo cảm giác chuyển động.
Trước sự kinh ngạc của ông, con ngựa đã lơ lửng trong một thời gian ngắn giữa những nước phi. Muybridge đã quay bộ phim đầu tiên – chứng minh đúng là ngựa có thể bay.
Sự xoay chuyển đột ngột của cuộc đời Muybridge, từ một người bán sách bình thường sang thiên tài sáng tạo, đã gợi lên suy đoán rằng đây là kết quả trực tiếp từ tai nạn của ông. Có thể là ông đã mắc “hội chứng bác học đột ngột”, trong đó những khả năng đặc biệt trỗi dậy sau khi bị tổn thương não hoặc bị bệnh. Hội chứng này cực kỳ hiếm, với chỉ 25 trường hợp được xác minh trên hành tinh này.

‘Đòn sấm sét thần thánh’

Một người khác tên Tony Cicoria là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã bị sét đánh tại công viên New York vào năm 1994. Tia sét đã đi xuyên qua đầu và để lại trong ông một khao khát chơi đàn dương cầm khó cưỡng. Để bắt đầu với nó, ông đã chơi nhạc của người khác, nhưng ngay sau đó, ông bắt đầu viết những giai điệu liên tục lướt qua đầu ông. Hiện nay ông là một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc, đồng thời vẫn hành nghề bác sĩ phẫu thuật.
Một trường hợp khác là Jon Sarkin, người đã từ bác sĩ chỉnh xương trở thành nghệ sỹ sau một cơn đột quỵ. Thôi thúc vẽ gần như đến ngay lập tức. Ông đã trải qua “tất cả các thể loại” trị liệu – liệu pháp tiếng nói, liệu pháp nghệ thuật, vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, trị liệu tinh thần – “Và họ dúi một cây bút chì vào tay tôi và nói “ông có muốn vẽ không?” Và tôi nói ‘được thôi’,” ông kể.
Nàng thơ đầu tiên của ông là một cây xương rồng ở nhà ông tại Gloucester thuộc bang Massachusetts. Đó là loại xương rồng ngón tay như bạn có thể thấy trong các bộ phim phương Tây từ những năm 1950. Ngay cả những bức tranh ra đời sớm nhất của ông cũng rất trừu tượng. Trong một số phiên bản, các nhánh cây giống như những con rắn lục đang cuộn tròn, trong khi một số khác lại là những cầu thang màu đỏ ngoằn ngoèo.
Các tác phẩm của ông đã được xuất bản trên tờ The New York Times, xuất hiện trên bìa tập ảnh và được dùng làm ảnh bìa cho một quyển sách của một tác giả đoạt giải Pulitzer. Chúng thường được bán với giá 10.000 đô la Mỹ.
Đáng chú ý nhất là Jason Padgett, người bị tấn công tại một quán bar ở Tacoma, bang Washington vào năm 2002. Trước khi bị tấn công, Padgett đã bỏ học đại học và làm việc tại cửa hàng bán giường kiểu Nhật. Những niềm đam mê ban đầu trong cuộc sống của ông là tiệc tùng và theo đuổi các cô gái. Ở trường ông không hề có hứng thú với môn toán và thậm chí còn không được nhận vào lớp đại số.
Nhưng vào đêm đó, mọi thứ đã thay đổi. Sau khi bị tấn công, ông bị chấn động nghiêm trọng và được đưa vào bệnh viện.
“Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng mọi thứ trông có vẻ sôi nổi, nhưng tôi cũng nghĩ đó chỉ là do liều thuốc gây mê giảm đau họ đã tiêm cho tôi,” ông nói. “Rồi sáng hôm sau tôi tỉnh dậy và vặn vòi nước. Dòng nước trông giống như những đường tiếp tuyến nhỏ, chảy xuống theo hình xoắn ốc.”
Từ đó trở đi, thế giới của Padgett được bao phủ bởi các hình dạng hình học và ô lưới. Ông trở nên ám ảnh bởi toán học và hiện đang nổi tiếng với những bản vẽ về các công thức như Pi.Cho tới ngày hôm nay ông vẫn không tin rằng ông đã từng không biết đường tiếp tuyến là gì. “Tôi thấy mình như hai người khác nhau, và đã có hai người khác cũng nói vậy, đó là cha mẹ tôi. Giống như họ có hai người con hoàn toàn khác nhau,” ông nói.
Diễn viên Geoffrey Rush mắc bệnh 'cảm giác kèm', gây tác động tới khả năng cảm nhận về màu sắc và hương vị
Diễn viên Geoffrey Rush mắc bệnh ‘cảm giác kèm’, gây tác động tới khả năng cảm nhận về màu sắc và hương vị
Tại sao điều này lại xảy ra? Nó hoạt động như thế nào? Và nó chỉ cho chúng ta biết điều gì khiến các thiên tài lại rất đặc biệt, khác người?
Có hai giả thiết hàng đầu.

‘Tạo kết nối nằm ngoài quy luật thông thường’

Đầu tiên là khi bạn bị đập mạnh vào đầu, những tác động lên não tương tự như một liều thuốc gây ảo giác LSD. Thuốc gây ảo giác được cho là nâng cao tính sáng tạo bằng cách tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin, cái được gọi là “kích thích tố hạnh phúc” trong não. Điều này dẫn đến hiện tượng “cảm giác kèm”, trong đó nhiều khu vực được kích hoạt đồng thời và các giác quan vốn thuường tách rời nhau nay lại được nối liền.
Nhiều người không cần thuốc để trải nghiệm điều này: gần 5% dân số toàn cầu tồn tại một dạng “cảm giác kèm” nào đó, với loại phổ biến nhất là “tự vị màu sắc”, trong đó từ ngữ được liên tưởng đến màu sắc. Ví dụ, nam diễn viên Geoffrey Rush tin rằng các ngày thứ Hai có màu xanh nhạt.
Khi não bị thương, tế bào não đã và đang chết sẽ rò rỉ serotonin vào mô xung quanh. Về mặt thể chất, điều này dường như khuyến khích mối liên hệ mới giữa các vùng não, cũng như với LSD. Về mặt tâm thần, nó cho phép một người liên kết những cái dường như không thể kết nối với nhau.
Berit Brogaard, nhà thần kinh học, người chỉ đạo Phòng thí nghiệm Brogaard thuộc Phòng Nghiên cứu Đa giác quan tại Florida cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy những thay đổi vĩnh viễn trước đó – bạn thực sự có thể thấy các kết nối trong não mà trước đây chưa hề có.”

‘Do tác động của chứng suy giảm trí não’

Nhưng cũng có một giả thiết khác. Manh mối đầu tiên xuất hiện vào năm 1998, khi một nhóm các nhà thần kinh học nhận thấy rằng năm bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí não cũng là nghệ những nghệ sỹ xuất sắc.
Cụ thể, họ mắc chứng suy giảm trí phần não thái dương và nó bất thường ở chỗ nó chỉ ảnh hưởng đến một số bộ phận của não. Ví dụ, khả năng sáng tạo trực quan có thể không bị ảnh hưởng trong khi ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội đang dần dần bị phá hủy.
Một trong số đó là “Bệnh nhân 5”. Ở tuổi 53, ông đã đăng ký tham gia một khóa học vẽ ngắn hạn tại một công viên địa phương, mặc dù trước đó ông không hề quan tâm đến những điều như vậy. Nhu cầu này xuất hiện ở thời điểm chứng suy giảm trí não của ông bắt đầu. Một vài tháng sau đó, ông đã gặp khó khăn khi nói.
Chẳng mấy chốc ông trở nên cáu kỉnh và lập dị, từ đó ông có cảm giác thôi thúc muốn kiếm tiền trên đường phố. Khi bệnh tật tiến triển, khả năng vẽ của ông cũng đi lên từ các bức tranh tĩnh vật đơn giản đến những bản vẽ đầy ám ảnh thuộc trường phái ấn tượng mô tả những tòa nhà từ thời thơ ấu của mình.
Để tìm hiểu những gì đang xảy ra, các nhà khoa học đã thực hiện quét 3D não của các bệnh nhân. Ở bốn trên năm trường hợp, họ tìm thấy những thương tổn ở bán cầu não trái. Nghiên cứu đoạt giải Nobel từ những năm 1960 cho thấy hai nửa của não chuyên về các nhiệm vụ khác nhau; đại khái là, phía bên phải là nơi làm chủ sáng tạo và bên trái là trung tâm của logic và ngôn ngữ.
Nhưng bên trái cũng là một cái gì đó đại loại như một kẻ bắt nạt. Brogaard nói: “Nó có khuynh hướng trở thành vùng não chủ đạo. Nó có xu hướng đàn áp những kiểu tư duy ngoại biên – tư duy hết sức độc đáo và rất sáng tạo, vì nó có lợi cho khả năng ra quyết định và hoạt động trong cuộc sống bình thường của chúng ta.” Lý thuyết cho rằng khi các bán cầu bên trái của bệnh nhân dần dần bị tổn hại, bán cầu phải lại được tự do phát triển.
Điều này được ủng hộ bởi một số nghiên cứu khác, bao gồm một nghiên cứu, trong đó nhận thức sáng tạo đã được thức tỉnh ở những tình nguyện viên khỏe mạnh bằng cách tạm thời kéo giảm hoạt động ở bán cầu trái và tăng lên ở bên phải.
Còn những thiên tài chính thống thì sao? Liệu giả thuyết này cũng có thể giải thích tài năng của họ không?
Ta hãy xem xét chứng tự kỷ.
Từ Daniel Tammet, người có thể thực hiện các phép tính toán học khó tin với tốc độ đáng kinh ngạc, cho đến Gottfried Mind, “Raphael vẽ mèo”, người đã vẽ loài động vật này với độ chân thực đến lạ kỳ, những người được gọi là “nhà bác học tự kỷ” có thể có những kỹ năng siêu nhiên để cạnh tranh với những nhà thông thái thời kỳ Phục Hưng.
Tuy khó chứng minh nhưng người ta cho rằng nhà bác học thiên tài Albert Einstein có thể cũng mắc những chứng rối loạn liên quan tới bệnh tự kỷ
Tuy khó chứng minh nhưng người ta cho rằng nhà bác học thiên tài Albert Einstein có thể cũng mắc những chứng rối loạn liên quan tới bệnh tự kỷ
Theo ước tính, trong 10 người mắc chứng tự kỷ thì có một người có hội chứng bác học và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chứng rối loạn này liên quan đến khả năng sáng tạo tăng cường. Và mặc dù rất khó chứng minh nhưng nhiều nhà tri thức phi thường bao gồm Einstein, Newton, Mozart, Darwin and Michelangelo cũng nằm trong số các nhà bác học tự kỷ này.
Một lý thuyết cho thấy chứng tự kỷ nảy sinh từ mức serotonin thấp bất thường ở bán cầu não trái trong thời thơ ấu, điều này ngăn không cho vùng não này phát triển bình thường. Cũng giống như hội chứng bác học đột ngột, điều này cho phép bán cầu phải trở nên chủ động hơn.”Họ thường có thể có một cuộc sống bình thường, nhưng họ cũng có loại ám ảnh này,” theo Brogaard, một nhà tâm thần học.
Thật thú vị, nhiều người có hội chứng bác học đột ngột cũng phát triển các triệu chứng tự kỷ, bao gồm các vấn đề xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và những mối quan tâm toàn thời gian. Padgett nói: “Mọi chuyện tệ tới nỗi nếu có tiền trong tay thì tôi sẽ xịt thuốc xịt khuẩn Lysol vào tiền và cho chúng vào lò vi sóng trong vài giây để loại bỏ vi trùng.”
“Họ thường có thể có một cuộc sống bình thường, nhưng họ cũng hay bị ám ảnh,” Brogaard nói. Đây là điều gì đó bao quát trên tất cả các trường hợp đột ngột trở thành bác học.
Jon Sarkin so sánh nghệ thuật của mình như một bản năng. “Tôi cảm giác không phải mình vẽ vì thích mà là vì bị bắt buộc.” Xưởng vẽ của ông chứa đựng hàng ngàn tác phẩm đã và chưa hoàn thiện, được phác họa bằng những đường cong, từ ngữ, đường chéo, và những hình ảnh chồng chéo lên nhau.
Trên thực tế, dù họ thường không cần làm vậy nhưng các trường hợp bác học đột ngột vẫn chăm chỉ cải thiện kỹ thuật của mình. “Ý tôi là, tôi đã luyện tập rất nhiều. Tôi nghĩ khó mà phân biệt được tài năng và sự chăm chỉ – khi bạn làm điều gì đó nhiều bạn sẽ dần khá lên,” Sarkin nói.
Padgett đồng ý. “Khi bạn gắn bó với một thứ như vậy, tất nhiên bạn sẽ khám phá ra nhiều điều.”
Muybridge cũng không ngoại lệ. Sau vụ cá cược, ông chuyển đến Philadelphia và tiếp tục với niềm đam mê nắm bắt chuyển động trên phim ảnh, chụp các loại hình hoạt động như đi bộ lên xuống xuống cầu thang, và kỳ lạ thay, ông chụp bản thân ông đang vung vẩy một cây cuốc chim trong tình trạng khỏa thân. Từ năm 1883 đến năm 1886, ông đã chụp hơn 100.000 bức ảnh.
Treffert cho biết: “Khi hiểu biết của chúng ta về hội chứng bác học đột ngột được cải thiện, thì cuối cùng cũng có hy vọng rằng tất cả chúng ra rồi sẽ có thể giải phóng năng lực tinh thần tiềm ẩn – có lẽ là với sự giúp sức của một loại thuốc hoặc phụ kiện tài tình nào đó.”
Nhưng cho đến lúc đó, người phàm chúng ta có lẽ chỉ biết cách bỏ ra nhiều giờ để tập luyện và học tập.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.


Posted by

Có một thứ “máu lạnh” đang chảy trong bệnh viện

Bất cứ hành động nào xâm hại tinh thần hay thân thể người bác sĩ trong bệnh viện đều là bất nghĩa, thất đức, cho dù đâu đó trong số họ có người thiếu tận tâm, gây khó chịu, hay trịch thượng khi cư xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
NÓI THẲNG: Có một thứ máu lạnh đang chảy trong bệnh viện - Ảnh 1.
Khi người thân yêu của ta đang ở bên trong phòng cấp cứu hay phòng mổ, ta mới biết tình yêu quí vô biên mình gửi vào người bác sĩ; rằng ta bỗng dưng thấy mình nhỏ bé trong bàn tay từ mẫu ấm áp đang vỗ về, che chở.
Thầy thuốc là nghề duy nhất trên thế gian này mà trước khi đào tạo ra trường họ đều phải đọc Lời Thề, trong đó có câu chữ: “Trên hết là vì con người”, “Cứu người”. Đó là viên thuốc đầu tiên và thiêng liêng mà thầy thuốc phải uống.
Đâu phải ngẫu nhiên mà người đời gọi người hành nghề y là “thầy”. Nó hóa thiêng, cao cả, mà thế nhân thường bảo là y đức, y đạo. Hippocrates, cha đẻ nền y học hiện đại ngày nay, từ hơn 400 năm trước Công nguyên đúng là một bậc hiền nhân thức giả khi đưa Lời Thề đó vào trong máu huyết, không gian trường y, nghề y và biến nó thành định đề sứ phận nghề này.
Những bác sĩ mang trái tim từ tâm, hành xử với bệnh nhân bằng lý tưởng cao ngời của nghề y vẫn còn khắp cuộc đời này. Nhưng, những bác sĩ như những cỗ máy chữa bệnh, máu lạnh, thực dụng, kẻ cả, ban phát, thậm chí sách nhiễu, vòi vĩnh, nhũng lạm người nhà bệnh nhân vẫn xuất hiện đầy trong cộng đồng. Những vụ tấn công bác sĩ ngay trong bệnh viện, giường cấp cứu cũng là vì những lý do này.
Làm tiền trên sinh mệnh con người là thứ làm tiền khủng khiếp nhất, bởi nó được soi chiếu dưới bức xạ lương tri. Còn mắt giản dị của chúng sinh bình thường cũng đủ để nhận ra một bác sĩ nhân từ và không nhân từ, thực dụng và không thực dụng, hay những hành động phân biệt đối xử trong bệnh viện, cũng như phòng mạch chữa bệnh “chém” đẹp, “nuôi bệnh”, nhận bao thư, quà cáp… Bức tranh đời thật đó đã không còn là chuyện hy hữu ở các bệnh viện, phòng mạch, nhà riêng.
Đang có một thứ “máu lạnh” nào đó chảy trong không gian bệnh viện, phòng mạch ngoài bệnh viện, và trong cơ thể của người thầy thuốc đó đây, chỗ này chỗ nọ. Máu lạnh ở đây không phải kiểu của chính trị gia, hay giới khai thác kinh doanh rừng nguyên sinh, xã hội đen mà ở biểu hiện tính thực dụng hay sòng phẳng tiền bạc và làm vong hẫng niềm yêu, chùng đi tình nhân ái, sự thiêng liêng, như hành động “chưa nộp đủ tiền thì chưa… mổ”. Và là khi sẵn sàng kê toa vượt quá độ thuốc cần thiết, thuốc mắc tiền cho bệnh nhân; là “đại lý” âm thầm khi “liên kết” với các công ty cung cấp thuốc, các hãng dược để tiêu thụ thật chạy chủng loại, nhãn hiệu thuốc nọ, kia…
Đồng ý thế gian giờ thiếu gì trường hợp chúng sinh, bệnh nhân tráo trở, “xù” tiền bệnh viện, phòng mạch, bác sĩ sau ca chữa trị, bất nhã, hồ đồ, thậm chí côn đồ với người đang cứu mạng mình. Song, cái cán luôn nằm trong tay người chữa bệnh chứ không phải người bệnh. Luật pháp sẽ xử được bất cứ kẻ nào xúc phạm hay xâm hại bác sĩ nhưng những tinh vi, tiểu xảo của thầy thuốc thì chỉ thầy thuốc mới tường tận.
Nghề y ngày nay đã hiện đại hơn, gần gũi và thực tiễn hơn với cuộc sống khi nó trở thành dịch vụ, là hàng hóa, thậm chí chính bệnh nhân là người trả lương cho bác sĩ chứ không hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Nghề y cũng là nghề duy nhất mà người bệnh không bao giờ được trả giá. Cũng như thuốc chữa bệnh là thứ hàng hóa duy nhất không bao giờ được mặc cả, khi bước vào bất cứ một nhà thuốc nào. Tha nhân có sinh mệnh thì phải giữ, bằng mọi cách, kể cả “mẹo vặt” hay “cửa sau”; người chữa bệnh, bán thuốc có cái quyền vô hình khi trao sản phẩm cuối cùng của hành trình “cần phải lành bệnh” đó.
Chúng sinh không cần gì cả, trao đứt sinh phận, dâng lòng biết ơn, chỉ mong thầy thuốc cư xử đúng mực, chân chính với nghề y. Chúng sinh cũng không đòi hỏi nguyên vẹn tinh thần y đạo dâng hiến tuyệt cùng của Hippocrates, hay Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, vì có thể nó quá sức giữa thời buổi vị kỷ, vật chất và nhiều đua tranh lẫn hưởng thụ. Dù sao trong xã hội còn nhiều khốn khó của ta, bằng mắt thôi, cũng thấy chất lượng sống của thầy thuốc cũng hơn cộng đồng chung một bực không nhỏ rồi. Hay dù sao, bác sĩ vẫn còn được chân trong chân ngoài, mở phòng mạch riêng trong khi đang làm trong các bệnh viện, là một ca nghề đặc biệt và được luật pháp bảo hộ.
Thôi thì hãy để người trong nghề bạn tự thẳng thắn giải phẫu với nhau đi, về thứ “bệnh” suy thoái Y đạo và chữa lành niềm tin ở chúng sinh.
Không có trí nhớ tốt không thể hành nghề y. Nhưng không phải người thầy thuốc nào, bác sĩ nào cũng nhớ Lời Thề mà mình từng thề.
Cho dù bác sĩ có hành xử thế nào, người ta cũng mãi mãi xem là ân nhân, gọi là thầy thuốc, “bác sĩ của tôi”. Ở các tỉnh thành miền Nam, nhiều chục năm trước, người dân gọi bệnh viện là nhà thương đó thôi. Cách dùng từ chất chứa tất cả tình người và niềm tin yêu của mọi người vào một nơi, một nghề với những người mặc blouse trắng.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
 (Báo Người Lao Động )

27 thg 2, 2018

Radio FM974 - Melbourne :Bắc Hàn: Vận Động Viên – Thắng Vinh Quang Thua Ngục Tù

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 26/02/2018

   Đoàn vận động viên điền kinh đi dự Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang tại Đại Hàn, của Bắc hàn trở về nước trong tuần này, không mang về được một huy chương nào hết, như nhà cầm quyền Bình Nhưỡng dặn bảo, nhưng cũng như những lần trước đây, họ, hy vọng sẽ tránh được chuyện “một trại tù trừng giới (gulags)”, cái số phận dành sẳn cho những người thua cuộc như số phận của các cầu thủ đội banh Bắc hàn trong giải “Cúp Túc Cầu Thế giới” năm 1966 đã gánh chịu.
   Hai mươi hai vận động viên Bắc hàn tham dự lần Thế vận hội mùa Đông lần thứ chín năm 2018 với sự yểm trợ tinh thần của một nhóm người cổ võ, toàn là con gái, được nhà nước tuyển chọn kỹ lưỡng, tranh tài các bộ môn biểu diễn trên sàn sân băng, trượt tuyết và khúc côn cầu chung đội với cầu thủ Đại hàn, đã không thắng được một huy chương nào, chắc chắn sẽ làm cho “lãnh tụ Kim Jong Un” không hài lòng, chính cái vương triều này đã tống giam những cầu thủ đội banh Bắc hàn giải “cúp thế giới” trước đây vào trại tập trung vì tội thua trận. Một người tù may mắn còn sống sót từ trại trừng giới, theo báo UK Daily Star, kể lại lần gặp các cầu thủ này ở trại Yodok, nơi họ bị giam vì đã thua đội banh Bồ Đào Nha với tỷ số 5-3. Năm 2010, đội banh Bắc hàn, trước khi bị giải giam, họ bị tập trung lại, nghe “dạy dỗ”, tự phê, kiểm điểm trong suốt 6 tiếng đồng hồ, vì việc đã “phản bội lại sự tin cậy của lảnh tụ Kim Jong Un, trong quá khứ, chuyện lực sĩ hay thể thao viên Bắc hàn thất bại trong các cuộc thi đấu, tranh tài bị giam vào nhà tù là chuyện thường xảy ra.
   Bắc hàn chỉ đoạt được hai huy chương, một bạc và một đồng ở kỳ Thế vận hội mùa Đông năm 2015, Kim Jong Un muốn Bình Nhưỡng phải có những vận động viên mạnh, tài giỏi để có kết quả tốt hơn, trong một bản văn cho phổ biến rộng rãi về ý định của nhà nước có tựa đề khá dài “hảy đưa chúng ta tiến lên thời đại hoàng kim, xây dựng một quyền lực thể thao trong tinh thần cách mạng của Paetku”, Kim Jong Un ra lệnh cho đảng cầm quyền bằng mọi các trợ giúp, hỗ lực làm sao cho vận động viên thắng cuộc tại các kỳ thế vận hội, giải quán quân toàn cầu và các cuộc tranh tài thể thao quốc tế, bản văn còn nói rõ, chỉ có vận động viên, lực sĩ mới là người của chúng ta sẽ giương cao lá cờ Bắc hàn, ngạo nghễ trên bầu trời của các quốc gia khác trong hòa bình, nhưng xem ra, Bắc hàn đã không có chuẩn bị kỹ càng cho kỳ Thế vận hội mùa Đông ở Đại hàn lần này, hay sẳn sàng sau khi tuyên bố sẽ tham dự cho tới tháng giêng.
   Bắc hàn chỉ có hai trong số 22 vận động viên được chọn đủ tiêu chuẩn dự thi trong thời kỳ “tiền tranh tài”, họ có 7 nam và 15 nữ trong đội thi đấu nhưng ba người nữ là các người cùng tham dự chung đội khúc côn cầu hổn hợp với Đại hàn, mong muốn sẽ đạt tỷ số vào lưới là 22 nhưng chỉ được 1 trong suốt 4 trận đấu đầu. Kim Jong Un tuyên bố hôm ngày đầu năm, sẽ gởi một phái đoàn hùng hậu tham dự tranh tài đến Pyeongchang nhưng thay vì gởi vận động viên đi thì lại cho hơn 140 nhạc công, nhạc sĩ, một toán biểu diển võ thuật “taekwondo”, 229 nữ cổ võ viên và 21 ký giả, dù vậy không ai thấy đám ký giả phóng viên tường thuật trận tranh tài nào cho dân chúng Bắc hàn xem.
   Theo tin từ Hán Thành, đoàn nữ cổ võ viên Bắc hàn theo phái đoàn thể thao  đến Đại hàn lần này, là những cô gái khá đẹp, họ gọi là “đoàn quân sắc đẹp” do chính tay lảnh tụ Kim jong Un lựa chọn ra trên cả nước, đây là lần thứ tư họ đến Đại hàn, có mặt tại thế vận hội mùa đông và cũng nhờ việc này mà số lượng vé bán ra cho người đi xem tăng lên nhanh chóng, số thu vào khá cao. Chuyện được chọn vào đoàn cổ võ đặc biệt này không phải dễ, Kim Jong Un và đám cận thần cao cấp đã tự họ lựa như “lựa trái xê- ri chín tới” trong hàng ngàn cô gái, phải trong tuổi 20, căn cứ trên vóc dáng, sắc diện và tiểu sử gia đình thành phần trung kiên của đảng, phải cao hơn 1 thước 7, các cô sử dụng nhạc cụ trong dàn nhạc và những người khác hầu hết là sinh viên của trường đại học dành riêng cho con em đảng viên, trường đại học Kim Il Sung. Ri Sol Ju, vợ của Kim Jong Un trước đây cũng là thành viên của đoàn nữ cổ võ viên và có mặt trong lần tranh tài giải quán quân lực sĩ Á châu năm 2005 tại Incheon, cũng ở Đại hàn trước khi kết hôn với Kim. Được biết, “đoàn quân sắc đẹp” lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ tranh tài Á châu năm 2002 tại Busan với gần 300 cô, mặc quốc phục Triều tiên “hanboks”. Nhiệm vụ của họ bao gồm cả ca hát, nhảy múa, một cô trưởng nhóm, Cho Myuung- Ae, được khá nhiều người Đại hàn biết tới vì đã xuất hiện trong các đoạn phim quảng cáo cho hảng Samsung với ca sĩ hàng đầu Đại hàn Lee Hyo-Ri năm 2005.
   Bắc hàn là quốc gia Á châu đầu tiên trong lịch sử vô được trận chung kết của giải túc cầu thế giới 1966, 13 năm sau khi chiến tranh Triều tiên chấm dứt, đội Bắc hàn đã hạ Ý Đại Lợi 1- 0, với tinh thần đang lên cao độ, họ dẫn Bồ Đào Nha 3 – 0 nhưng cuối cùng 60 phút sau đã bị bại trận với kết quả, Bồ Đào Nha thắng 5- 3 ở trận chung kết nhưng điều đáng nói hơn là những gì xảy ra cho đám cầu thủ thất bại trở lại Bắc hàn, khi về tới quê nhà, không có ai chào ai đón mà bị công an bắt giữ ngay tức khắc, lần này, đoàn vận động viên Bắc hàn cũng về lại quê nhà từ “Thế vận hội mùa Đông” Peongchang với hai bàn tay trắng. Kang Chol – hwan, người đào thoát Bắc hàn sang đất tự do kể lại đã gặp các cầu thủ của đội banh khi ông ta bị giam ở một trại tù tập trung, đó là trại trừng giới Yodok, tên chính thức gọi là Trại lao động khổ sai số 15, nơi giam giữ tù nhân chính trị.
   Trong cuốn sách “The Aquariums of Pyongyang”, Kang viết, toàn bộ đội banh đã bị giải giam vào trại tù này ngay sau khi bị làm nhục vì tội phản động, xét lại, hủ hóa bởi bọn bá quyền và tư tưởng tồi bại, vì họ đã đi ra phố nhậu nhẹt tại công viên Goodison ở Liverpool, Anh quốc, hai đêm trước khi ra sân trận chung kết với Bồ Đào Nha. Cũng theo Kang, ngay khi trở lại Bắc hàn, ngoại trừ anh Park Douik, bị đau bụng, không có mặt tại bữa nhậu đó, tất cả những người còn lại đều bị giải vào trại tập trung, cầu thủ Pak Seung –zin trở thành nổi tiếng vì sức chịu đựng các lần tra tấn trong tù, tù nhân ăn cả côn trùng để sống vì ban cai quản nhà tù cố tình, để họ thiếu ăn đói khát. Kang thêm, Pak vẫn còn bị giam trong trại trừng giới số 15 khi anh được thả ra năm 1987, tức là 21 năm sau ngày đội banh Bắc hàn thua trận chung kết Cúp Túc cầu Thế giới. Tuy nhiên, những gì kể lại của Kang Chol –hwan, có một số người cho là không đáng tin, dựa trên bộ phim tài liệu “The Games of Their Lifes” của đài BBC, người làm phim này cho rằng, những cầu thủ của đội banh ngày đó, đã được đối xử nồng nhiệt, ban thưởng mọi thứ xa xí sau khi chiến thắng và hiện sống cuộc đời thoải mái thầm lặng nhưng có điều là, bộ phim của đài BBC đã được làm hơn 35 năm sau ngày đội banh Bắc hàn về nước và 20 năm sau khi cuốn sách của Kang phổ biến.
   Mặt khác, cũng tin từ Bắc hàn, Bình Nhưỡng sẽ gởi một phái đoàn đến Đại hàn để dự buổi lễ bế mạc “Thế vận hội mùa Đông” hôm chủ nhật, dẫn đầu bởi Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ủy Ban Trung ương đảng, được giới quan sát thời cuộc quốc tế cho là người điều khiển việc đánh chìm một chiếc tàu của hải quân Đại hàn, có 46 thủy thủ thiệt mạng. Phái đoàn này sẽ đến nơi bằng đường xe lửa Gyeongui vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu. Kim là cựu chỉ huy trưởng văn phòng tình báo Bắc hàn, chính phủ Đại hàn cáo buộc chính cơ quan này đã cho phóng hỏa tiễn ngư lôi, từ một chiếc tàu ngầm, tấn công chiến hạm Cheonan nói trên tháng ba năm 2010 tại khu gần đảo Baengnyeong trong vùng biển Hoàng Hải, việc chọn Kim làm người trưởng phái đoàn được xem là một hành động khiêu khích của nhà cầm quyền Bình Nhưỡng, vì Kim có tên trong danh sách chế tài của cả Hoa kỳ và Đại hàn.
   Bên trong bức màn sắt âm u của Bình Nhưỡng phủ, Kim Jong –Un tươi cười hả hê trước cái chết của người thân trong gia đình, và những người từng lập công cho triều đại họ Kim, do chính Kim ra lệnh giết thì chuyện lo sợ của đoàn vận động viên điền kinh mùa Đông lần này là chuyện dễ hiểu và có thể xảy ra như đã xảy ra trước đây tại Bắc hàn.


Thuyên Huy
Monday 26.02.2018

Bí ẩn về ngôi chùa chênh vênh trên vách đá hơn 1500 năm

Huyền Không Tự, ngôi chùa nằm cheo leo trên vách đá núi được xây dựng cách đây hơn 1500 năm, là điểm đến tâm linh hút khách tại Trung Quốc trong những ngày đầu xuân năm mới.

Trải qua suốt hơn 1500 năm cùng đất trời, ngôi chùa cổ Huyền Không nằm giữa lưng chừng núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, vẫn đứng vững hiên ngang sừng sững, đồng thời trở thành điểm đến tâm linh hút khách trong ngày đầu xuân.
Chùa Huyền Không được xây dựng vào những năm cuối thời Bắc Ngụy, nằm ở độ cao hơn 50m, là ngôi chùa gỗ dựng trên vách đá lâu đời nhất thế giới. Sau này, chùa Huyền Không được trùng tu lại trong cả 2 đời nhà Minh và nhà Thanh. Trước đó, tạp chí Times từng bình chọn nơi này nằm trong "Top10 kiến trúc bí ẩn nhất thế giới".
Điểm nổi bật nhất ở chùa Huyền Không là công trình duy nhất còn lại tượng trưng cho sự kết hợp giữa các tôn giáo truyền thống ở Trung Quốc gồm Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo.
Nằm trên vách đá núi chênh vênh, dựng từ những chiếc cọc gỗ, nhìn từ xa, ngôi chùa như tạc vào núi khiến nhiều người lo sợ nơi này có thể đổ sập xuống. Tuy nhiên, cấu trúc này là sản phẩm hoàn hảo của người xưa khi cố tình xây cao tránh lũ lụt, mưa tuyết cùng hình thái thời tiết khắc nghiệt. Điều này lý giải hiện trạng gần như còn nguyên vẹn tới ngày nay của ngôi chùa.
Chùa Huyền Không có tổng diện tích hơn 150m2, gồm 40 điện thờ được thiết kế cân bằng. Nhìn từ xa, các cột gỗ có vẻ mỏng manh khó lòng chống đỡ. Nhưng thực tế, trọng tâm thực sự của chùa nằm hẳn trong vách đá. Bởi vậy, nhìn bề ngoài ngôi chùa như chênh vênh trên đá, song cấu trúc tuyệt vời này vẫn "thi gan" vững vàng cùng năm tháng.
Nối liền 40 điện thờ trong chùa là hành lang xây dựng theo vách núi, được chống đỡ bằng cọc. Trong đó, mỗi chiếc cọc gỗ được chế tác công phu với điểm đặt móng đều tính toán cẩn trọng, đảm bảo đỡ trọng tâm của ngôi chùa.
Những điện thờ bên trong có diện tích lớn nhỏ khác nhau. Gian lớn nhất khoảng 36.4m2, trong khi gian nhỏ chị trộng 5m2. Trong chùa còn lưu giữ hơn 80 bức tượng Phật đúc bằng đồng, sắt, đất sét hay điêu khắc đá. Tất cả được chạm khắc tinh xảo dưới các triều đại khác nhau của Trung Hoa.
Lịch sử từng ghi lại trong 50 năm trở lại đây, khu vực này xảy ra 3 trận động đất từ 6 độ richter trở lên. Trận gần đây nhất diễn ra năm 1992 nhưng chùa Huyền Không không hề bị bất cứ ảnh hưởng nào. Trong khi đó, toàn huyện Hồn Nguyên có khoảng hơn 10.000 ngôi nhà và công trình đổ sập. Điều này như một minh chứng kỳ diệu khó lòng lý giải.
Trải qua nhiều triều đại phong kiến tại Trung Quốc, đến nay ngôi chùa vẫn bảo quản tốt và trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn.
(Từ Cảnh chuyển )

Phụ nữ định hình các cuộc đảo chính như thế nào? (Từ Nghiên Cứu Quốc Tế )


Nguồn: Raj Persaud & Peter Bruggen, How Women Shape Coups”, Project Syndicate, 20/11/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Châu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hồi tháng 11/2017, các tướng lĩnh của Zimbabwe đã bắt tạm giam Tổng thống Robert Mugabe trong một cuộc đảo chính thành công (mặc dù họ không thừa nhận đó là một cuộc đảo chính). Nhiều ngày sau, đảng cầm quyền của nước này, Mặt trận Yêu nước – Liên đoàn Quốc gia người Phi Zimbabwe (Zanu-PF), đã quyết định khai trừ vị Tổng thống 93 tuổi khỏi hàng ngũ của Đảng. Nhưng có lẽ không phải bản thân Mugabe, một cây đại thụ trong làng chính trị, là người đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy này, bất chấp sự tàn nhẫn đặc trưng cho giai đoạn cai trị gần bốn thập niên của ông. Ngược lại, người có khả năng kế nhiệm Mugabe – vợ ông, bà Grace, chính là nguồn cơn của vụ việc.
Trong vài năm trở lại đây, bà Grace Mugabe,  52 tuổi, ngày càng trở nên quan tâm đến chính trị, thậm chí tuyên bố rằng bà hy vọng sẽ kế nhiệm chồng mình. Chỉ một tuần trước cuộc đảo chính, Mugabe đã cách chức Phó Tổng thổng Zimbabwe, Emmerson Mnangagwa, để đưa Grace lên vị trí đó.
Theo nghiên cứu mới nhất của Theresa Schroeder, từ Đại học Raford và Jonathan Powell từ Đại học Central Florida, việc phụ nữ là người đứng đầu một quốc gia có xu hướng gây ra những cuộc đảo chính quân sự ở các quốc gia có quân đội đủ mạnh để tiến hành việc đó. Nghiên cứu trích dẫn một vài ví dụ về các âm mưu đảo chính chống lại các nhà lãnh đạo là phụ nữ.
Chẳng hạn, Coranzo Aquino, nữ Tổng thổng Philippines đầu tiên, đã sống sót qua bốn âm mưu đảo chính. Benazir Bhutto không chỉ là nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan; bà còn là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một chính phủ dân chủ của một quốc gia đa số Hồi giáo. Năm 1995, bà cũng đã phải đối mặt với một âm mưu đảo chính – dù cuối cùng đã bị ngăn chặn – bởi các sĩ quan quân đội nổi loạn.
Schroeder và Powell cho rằng một lý do khả dĩ cho xu hướng này là việc các nhà lãnh đạo nữ có thể được coi là những mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của các tướng lĩnh, bởi vì phụ nữ có xu hướng ủng hộ những chính sách như cắt giảm chi tiêu quân sự và các chính sách ít hiếu chiến hơn. Quả thực, bà Aquino đã sử dụng cách tiếp cận ngoại giao hơn để đối phó với phiến quân ở Philippines so với mong muốn của giới chỉ huy quân đội nước này.
Một lí do khác khiến các nhà lãnh đạo nữ có khả năng bị đảo chính nhiều hơn nằm ở nhận thức, vô thức hoặc có ý thức, rằng phụ nữ ở vị trí đó hẳn đã đạt được chức vụ thông qua các quan hệ hôn nhân hay gia đình. Nói cách khác, thực ra cô ấy đã không đủ mạnh để tự leo lên được đỉnh cao quyền lực.
Như Schroeder và Powell chỉ ra, cách hiểu này không phải hoàn toàn vô căn cứ: ở một số nơi trên thế giới, các nhà lãnh đạo nữ chủ yếu giành được vị trí của mình thông qua các mối quan hệ gia đình. Một cuộc điều tra chỉ ra rằng 33% lãnh đạo nữ nắm quyền trong giai đoạn 1960 – 2007 có quan hệ gia đình với các chính trị gia nổi bật.
Nhưng có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, với việc quan hệ gia đình có nhiều khả năng giúp các nhà lãnh đạo nữ lên cầm quyền nhất ở Mỹ Latinh và châu Á – các khu vực có mức độ bình đẳng giới thấp và ít tôn trọng các quyền của phụ nữ. Trên thực tế, cho đến gần đây, những phụ nữ duy nhất đã trở thành nguyên thủ quốc gia ở các nước Mỹ Latinh đều là con gái hoặc vợ của các nhà lãnh đạo chính trị.
Tất cả những điểm trên đều không có ý khẳng định rằng giới tính cung cấp một lời giải thích mang tính quyết định, chưa nói là toàn diện, cho một cuộc đảo chính. Bản thân Powell cũng chỉ ra rằng, ở Zimbabwe, nhiều phụ nữ đã chiến đấu cho độc lập dân tộc trong Chiến tranh Rhodesia (1964-1979). Trong số những nữ cựu chiến binh của cuộc chiến có Joice Mujuru, người từng giữ chức vụ Phó Tổng thống trong một thập niên mà hầu như không bị thách thức bởi quân đội.
Trớ trêu thay, Mujuru từng được xem là một người kế nhiệm tiềm năng của Mugabe. Nhưng vào năm 2014, bà bị buộc tội âm mưu chống lại Mugabe – những cáo buộc đã khiến bà phải trả giá bằng cả chức vụ Phó Tổng thống và vị trí của mình trong ban lãnh đạo của ZANU-PF.
Trên thực tế, giới tính có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó trong quá trình thực hiện một cuộc đảo chính. Lập kế hoạch một cuộc đảo chính thành công đòi hỏi phải có một mức độ “quyền biến” đáng kể – nghĩa là xu hướng sử dụng người khác làm công cụ để thúc đẩy các mục đích cá nhân của mình. Và, theo nghiên cứu mới, xu hướng “Machiavelli” này – bao gồm ý định và khả năng sử dụng các chiến thuật thao túng, cái nhìn tiêu cực về bản chất con người và sự coi thường đạo đức thông thường – có thể biểu hiện khác biệt ở nam và nữ.
Nghiên cứu, có xét đến kết quả của ba nghiên cứu khác, gợi ý rằng những người đàn ông thể hiện sự xảo quyệt (Machiavellianism) cao có khuynh hướng tự cao tự đại, huênh hoang, đồng thời thường lợi dụng các mối quan hệ và cơ hội chủ nghĩa. Ngược lại, những phụ nữ xảo quyệt lại là người đề phòng, hay lo lắng, và hướng nội. Nghiên cứu kết luận rằng nam giới có khả năng tham gia vào các hình thức thao túng bạo lực và quyết liệt hơn, trong khi nữ giới có thể hành động ngầm, kiềm chế và sử dụng các thủ đoạn lừa dối bí mật, như tung tin đồn và nói xấu đối phương.
Bởi vì quyền lực phản ánh nhận thức, các nhà lãnh đạo đảo chính đối địch thường lợi dụng một cách tàn nhẫn các kẻ thù và cộng sự tiềm năng. Tuy nhiên, họ có thể không nhận ra rằng bản chất giới tính đang định hình chiến lược của họ như thế nào. Đôi khi, chính yếu tố tâm lý học có thể lí giải được cho những cuộc đảo chính bất ngờ.
Ở Zimbabwe, như trong mọi cuộc cuộc đảo chính, phần lớn âm mưu hậu trường sẽ còn tiếp tục diễn ra. Nhưng những người chiến thắng và kẻ thua cuộc cuối cùng có lẽ vẫn phụ thuộc vào một trong rất nhiều yếu tố, đó là giới tính của những người chủ mưu.
Raj Persaud và Peter Bruggen là bác sĩ chuyên khoa tâm thần hiện đang sống tại London, và là các đồng tác giả cuốn sách sắp phát hành The Streetwise Guide to Getting the Best Mental Health Care.

Xem Thêm :Robert Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe như thế nào?

ĐI HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM - Từ Cảnh

  Ngày chủ nhật 25 tháng 2 năm 2018 ,tôi có dịp tham dự hành hương đầu năm Mậu Tuất cùng phái đoàn cư sĩ Orange County ,California bằng phương tiện xe buýt chuyên chở khoảng 60 người .
     Xe buýt khởi sự di chuyển từ chợ Thuận Phát đường Westminster khoảng 9 giờ sáng .Hôm nay phái đoàn dự định tham quan 4 ngôi chùa  ở vùng San Diego và 2 ngôi  chùa ở vùng Orange County nhưng vì không có thời gian  bị kẹt xe trên đường về ,và xe không thể lên đèo được  để đến tu viện Lộc Uyển ,cho nên đoàn chúng tôi chỉ tham quan 4 chùa mà thôi .Nhưng bù lại chúng tôi được nhà hàng Brodard trên đường Brookhurst đải một bửa cơm chay rất ngon .
     Điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là chùa Thái Lan .Ngôi chùa nầy không lớn lắm và có kiến trúc giống như các chùa ở thái Lan .Trong chùa thờ rất nhiều Phật và các tu sỉ đều mặc áo vàng ngồi trong chánh điện rất đông .Tôi thấy có một vị sư cả ngồi trụ trì ở giữa .Đây là một ngôi chùa mới mở nằm bên cạnh đường nên chúng tôi chị đến viếng khoảng nửa tiếng .


   Sau đó đoàn chúng tôi đến chùa Phật Đà để chiêm bái và ăn trưa  Chùa Phật Đà do hòa thượng Thích Nguyên Siêu thành lập và hiện nay do các đệ tử của ngài trụ trì .Trong chùa thờ Phật rất trang nghiêm .Hòa Thượng trụ trì tụng một hồi kinh để Phật Tử cùng lễ  Phật .Sau đó là một bữa ăn trưa do chùa khoản đải gồm có cơm ,bánh mì cà ri   miến xào và có cafe , nước trà uống sau bữa ăn .Ngoài ra chúng tôi còn có lộc và tiền lì xì ở trong chánh điện .

Trước cổng chùa Phật Đà 
Bên trong chánh điện chùa Phật Đà 
     Sau bữa ăn trưa xe chúng tôi đi về tu viện Lộc Uyển của thầy Thích Nhất Hạnh thành lập nằm trên vùng đồi núi của San Diego .Xe đên dưới chân núi và không được phép chạy lên chùa vì xe quá lớn cho nên chúng tôi không được thăm tu viện Lộc Uyển .Tiếc thật vì tu viện nầy rất đẹp .
     Do không còn nhiều thời gian nên đoàn chúng tôi đến thăm chùa Đại Đăng do Hòa Thượng Thích Thanh Từ sáng lập đã 5 năm rồi nhưng chùa chưa xây xong do thiếu kinh phí .Tuy nhiên ở đây cũng tổ chưc văn nghệ ,bán các đồ lưu niệm và nước uống để gây quỉ cho chùa .Tuy nhiên vì chùa ở trên cao cho nên phải dùng xe nhỏ để chở khách lên hành hương .Dù sao tôi thấy phong cảnh chùa nầy rất đẹp nhất là những cây hoa đào trổ bông .Chúng tôi cũng  được mời ăn  bánh mì chay và uống nước lạnh và ăn chè miển phí .Sau đó ,chúng tôi được chở bằng xe nhỏ để xuống đồi và lên xe trở về Orange County .

Bên trong chùa Đại Đăng 
Gian hàng bán đồ lưu niệm
Bên ngoài chùa Đại Đăng
    Lên xe lúc 3 giờ chiều và về đến Chùa Đại Bi nằm trong thành phố Santa Ana lúc 5 giờ 30 phút vì bị kẹt xe .Chúng tôi được sư cô trụ trì mời vào chánh điện để đọc kinh ,lạy Phật và lảnh lộc .
    Các  vị sư cô đã bày bánh tét ,bánh bột lọc và dưa món để tiếp đải đoàn của chúng tôi rất  thịnh soạn .Tất cả Phật tử đều rất vui khi đến chùa nầyTu viện Đại Bi bây giờ rất khang trang hơn  xưa nhiều với cây cảnh được trồng chung quanh rất đẹp .

     Sau khi viếng tu viện Đại Bi ,xe chúng tôi về nhà hàng chay Brodard mới mở để ăn tối .Bà chủ nhà hàng đải chúng tôi món gỏi cuốn ,món xào chay ,món lẩu canh chua ăn với bún và món cơm chiên rất ngon kèm theo món tráng miệng với  nhiều loại trái cây .
    Buổi cơm tối chấm dứt lúc 8 giờ và mọi người chia tay nhau trong niềm hân hoan sau một ngày được viếng cảnh các ngôi chùa và thưởng thức những món ăn ngon và nước ưống do chùa  mời . .Riêng Ban tổ chức cũng cung cấp bữa ăn sáng với 1 cái bánh ú rất lớn,1 trái  chuối già và 1 chai nước uống Suốt thời gian ở trên xe ban tổ chức cũng thuyết giảng về Phật pháp ,hát những bài nhạc đạo ,kể chuyện vui ,chúc Tết làm cho mọi người cảm thấy thoải mái trong chuyến hành hương nầy
     Cám ơn hội cư sỉ Orange County đã tổ chức chuyến hành hương đầy thú vị nầy và hẹn năm sau nếu có dịp tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia .Chúc toàn ban tổ chức có nhiều sức khỏe để tiếp tục công tác của mình
.