8 thg 11, 2015

Trung Quốc đang giúp Lào hủy diệt sông Mekong

VIỆT NAM (NV) - Đó là cảnh báo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS), sau khi có tin Trung Quốc tiếp tục đổ tiền để Lào xây dựng thủy điện Pak Beng.
VIỆT NAM (NV) - Đó là cảnh báo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS), sau khi có tin Trung Quốc tiếp tục đổ tiền để Lào xây dựng thủy điện Pak Beng.
                        Người dân Thái Lan biểu tình phản đối Lào xây đập thủy điện Xayaburi.
                                                                   (Hình: Getty Images)
Thủy điện Pak Beng sẽ tạo ra con đập thứ ba trên đoạn sông Mekong chảy ngang lãnh thổ Lào. Theo dự kiến, thủy điện Pak Beng sẽ được xây dựng tại địa điểm cách Luang Prabang, cố đô Lào khoảng 100 cây số.
Cuối tháng 9 vừa qua, tập đoàn Đầu Tư Hải Ngoại Đại Đường (Datang) của Trung Quốc đã thảo luận xong kế hoạch vừa cho Lào vay tiền, vừa đảm trách việc xây dựng thủy điện Pak Beng, sau đó sẽ bán khoảng 90% sản lượng (chừng 4.700 gigawatt/giờ điện một năm) cho Thái Lan.
Nói cách khác, bất chấp phản ứng và những lo ngại về tác hại mà các đập thủy điện trên lãnh thổ Lào sẽ gây ra cho môi trường, sinh kế, sinh hoạt của cư dân các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, Lào vẫn tiếp tục xây dựng thủy điện Xayaburi (dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2019), khởi công thủy điện Don Sahong và sẽ xây dựng thủy điện Pak Beng.
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ Lào thản nhiên xây dựng các thủy điện trên sông Mekong là vì có Trung Quốc hậu thuẫn.
Tranh luận giữa bốn quốc gia trong Ủy Hội sông Mekong (Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam) trở thành kịch liệt sau khi Lào công bố dự định xây dựng thủy điện Xayaburi (đã khởi công tháng 9 năm 2013). Sau đó, do phản ứng của các thành viên Ủy Hội sông Mekong, Lào đã tuyên bố sẽ “tham vấn” về việc xây dựng thủy điện Don Sahong.
Đến đầu năm nay, dù còn nhiều bất đồng về thủy điện Don Sahong, Lào vẫn tuyên bố sẽ xây dựng thủy điện này bởi “đã hoàn tất quá trình tham vấn.”
Đến lúc đó, người ta mới phát giác, tập đoàn MegaFirst của Malaysia - nhà thầu thực hiện công trình thủy điện Don Sahong là con đẻ của tập đoàn Sinohydro ở Trung Quốc. Sở dĩ Sinohydro lánh mặt vì đã bị quá nhiều tai tiếng về những công trình trình thủy điện hủy diệt môi sinh, môi trường.
                Vị trí thủy điện Pak Beng và thủy điện Xayaburi trong số các dự án thủy điện trên 
                         dòng chính của Mekong nằm ở hạ nguồn. (Hình: International Rivers)
Cả Thái Lan, Cambodia, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về tác hại của các đập thủy điện đối với môi trường, hệ sinh thái và ngư nghiệp ở khu vực hạ lưu Mekong. Vào năm 1995, Ủy Hội sông Mekong từng thông qua một hiệp định, theo đó, mọi dự án tác động đến dòng chính sông Mekong phải tham vấn bốn quốc gia thành viên. Các thành viên có quyền phủ quyết dự án, nếu dự án có hại cho mình. Dựa vào hiệp định vừa kể, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan đã phản đối dự tính của Lào nhưng Lào lập luận giống như Trung Quốc rằng, Lào chỉ có trách nhiệm thông báo chứ không cần nghe ý kiến đa số.
Ngoài Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, giới bảo vệ môi trường cũng đã lên tiếng chỉ trích dự án thủy điện Don Sahong kịch liệt. Bà Ame Trandem, giám đốc Đông Nam Á của Tổ Chức Sông Ngòi Quốc Tế (International Rivers) cho rằng, đập Don Sahong được đặt ở vị trí tồi tệ nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra.
Việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, dòng sông được xem là lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông, từng được báo động liên tục bởi tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người và hủy diệt môi trường của bốn quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này là Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Các đập thủy điện trên dòng chính song Mekong đang đe dọa xóa sổ nghề cá ở lưu vực sông Mekong (có sản lượng cá khoảng 2.5 triệu tấn/năm, tổng giá trị tương đương 3 tỷ Mỹ kim). Chưa kể, các hồ chứa nước của những dự án thủy điện sẽ khiến tốc độ tự nhiên của dòng chảy chậm lại, làm phù sa bồi lắng lớn, động lực dòng chảy thay đổi khiến các đoạn sông ở hạ lưu bị xói lở. Những hồ chứa nước với dung tích lên tới hàng chục tỷ mét khối nước sẽ gây ra địa chấn, đồng thời tạo những tác động tiêu cực cho cả vùng thượng nguồn như: Ngập đất, ngập rừng, ngập các di sản, phải di dân và xóa sổ môi trường sống của các loài động vật hoang dã...
Ở thượng nguồn sông Mekong, đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc hiện đã có ba đập thủy điện chắn ngang dòng chính. Nay Trung Quốc tiếp tục vươn tay ra hỗ trợ Lào vắt kiệt sông Mekong ở đoạn kế tiếp, bất chấp hậu họa đối với môi sinh, môi trường và tương lai của dân chúng các quốc gia thuộc khu vực hạ nguồn. (G.Đ)
(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét