(Sprng23/iStock)
Chương trình “Four Corners” của đài ABC đã nói về sự lãng phí trong lĩnh vực chăm sóc khỏe một cách không khoan nhượng. “Nhiều phương pháp chữa trị thông thường hiện nay không cần thiết, không hiệu quả và, tệ hơn nữa, có hại đến người bệnh,” – Kerry O’Brien, người dẫn chương trình cho biết, khi ông giới thiệu về một cuộc điều tra đặc biệt do phóng viên lâu năm trong lĩnh vực sức khỏe của đài ABC – Bác sĩ Norman Swan thực hiện. “Chúng ta lãng phí hàng chục tỷ đô-la mỗi năm – đa số là do chuẩn đoán bệnh thái quá và sau đó là phương pháp chữa trị thiếu khôn ngoan.”
Với những ai không được xem chương trình phát sóng ngày 27 tháng 9 này, đây là chương trình tập trung vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tốn kém, với các bằng chứng thu thập được cho thấy rằng quá nhiều các phương pháp y học đang gây hại cho con người, nhiều hơn là mang lại lợi ích: đau đầu gối, đau lưng, tức ngực, và PSA (prostate specific antigen – kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt.
Mục tiêu chính của chương trình là những dịch vụ xét nghiệm y tế rắc rối và đắt đỏ – ví dụ như chụp scan cắt lớp (CT – computed tomography) và chụp cộng hưởng từ trường (MRIs – magnetic resonance imaging) – được sử dụng một cách rộng rãi nhưng không thực sự cần thiết cho lắm. Ví dụ như trong 10 năm trở lại đây, các bác sĩ đa khoa (GPs – general practitioners) đã tăng số lượng yêu cầu xét nghiệm lên hơn 50%. Điều này tương đương với việc tăng thêm 4 triệu xét nghiệm mỗi năm.

“Trong 10 năm trở lại đây, các bác sĩ đa khoa (GPs – general practitioners) đã tăng số lượng yêu cầu xét nghiệm lên 50%. Điều này tương đương với việc tăng thêm 4 triệu xét nghiệm mỗi năm.”

Việc bệnh nhân muốn xét nghiệm để xác nhận tình hình sức khỏe là một điều dễ hiểu, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm có thể thường dễ gây hiểu lầm và vô bổ – rồi sau đó có thể bắt đầu một đợt các xét nghiệm và chữa trị không cần thiết tiếp theo.

‘Điều trị’ phần đầu gối bị thoái hóa

Lấy cơn đau đầu gối làm ví dụ. Trong chương trình “Four Corners”, Giáo sư Rachelle Buchbinder giải thích rằng nếu bạn làm xét nghiệm chụp MRIs với người khỏe mạnh, không bị đau đầu gối, thì trong kết quả bạn vẫn thấy một số điểm “bất thường”. Điều này một phần là do hao mòn thông thường liên quan tới sự thoái hóa ở con người.
“Một bức ảnh y học không thể kể hết một câu chuyện – một kết quả xét nghiệm dương tính chưa chắc có nghĩa là bị bệnh.” Bác sĩ Swan nói. “Chúng ta đi chụp scan đầu gối quá nhiều mà thực ra là không cần thiết và còn khiến chúng ta phải tốn nhiều tiền hay gặp rủi ro nữa.”

“Một bức ảnh y học không thể kể hết một câu chuyện – một kết quả xét nghiệm dương tính chưa chắc có nghĩa là bị bệnh.”

— B.sĩ Normal Swan, phóng viên sức khỏe đài ABC.
Ví dụ về cơn đau đầu gối còn tệ hơn thế nữa.
Xét nghiệm chụp MRI không cần thiết có thể chỉ ra một vài điều “bất thường” ở đầu gối nhưng lại không liên quan gì đến cơn đau, tuy nhiên nó lại khiến bệnh nhân lo lắng đến mức gật đầu đồng ý khi bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình gợi ý làm nội soi khớp.
Nhưng theo những gì Giáo sư Buchbinder đã nêu ra, chúng ta có bằng chứng từ chính Tạp chí Y tế New England, việc đề xuất điều trị viêm khớp bằng cách nội soi khớp chẳng khác gì phẫu thuật giả hay dùng thuốc trấn an (placebo). Một bằng chứng gần đây, một lần nữa lại từ Tạp chí Y tế của New England, cho biết rằng nội soi khớp để chữa trị vết rách ở sụn cũng chẳng hơn gì phẫu thuật giả.

Quá nhiều sự đồng tình

Một ý kiến chỉ trích chương trình“Four Corners” là trong chương trình này hầu như tất cả những người được phỏng vấn đều cho rằng nước Úc đang sử dụng quá nhiều các xét nghiệm và phương pháp điều trị, và họ cần nhanh chóng giảm thiểu hiện tượng này, chẳng ai đưa ra ý kiến ngược lại về việc cần tăng thêm phương pháp y học.
Để phản đối lời chỉ trích trên (và bênh vực chương trình này), một trong những vai trò quan trọng của những điều tra trên phương tiện truyền thông là đôi khi phải có lập trường chính kiến và tiến hành tranh luận. Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng không thể phủ nhận về việc lạm dụng và chuẩn đoán thái quá, và uy tín về mặt học thuật của những người được phỏng vấn là không phải bàn cãi.
Bác sĩ Robyn Ward, một chuyên gia về ung thư và là chủ tịch của Ủy ban Tư vấn Dịch vụ Y tế Úc, là người sử dụng phương pháp dựa vào bằng chứng để đánh giá các xét nghiệm và quy trình khám chữa bệnh mới. “Thông thường thì, loại thuốc tốt nhất là không phải dùng thuốc, hoặc cách can thiệp tốt nhất là không can thiệp chút nào hết,” Bác sĩ Ward nói, chính ông là người cảm thấy hệ thống “trả tiền để được phục vụ” của Úc, phần lớn là tưởng thưởng cho những bác sĩ có năng suất cao, là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí.
Những nguyên nhân khác được đưa ra trong chương trình bao gồm các lợi ích chuyên môn, các yếu tố thương mại, thay đổi công nghệ, mở rộng định nghĩa về bệnh, yêu cầu của bệnh nhân, và niềm tin muôn thuở vào việc phát hiện bệnh sớm.
Một nhân vật được phỏng vấn khác là Phó giáo sư Adam Elshaug, người đã tạo ra một công trình nghiên cứu được quốc tế đánh giá cao có tên gọi là “dịch vụ chăm sóc giá rẻ.” Bài nghiên cứu mang tính chất bước ngoặt của ông, được đăng trên Tạp chí Y tế Úc vào năm 2012, đã liệt kê điểm số đánh giá các xét nghiệm và phương pháp chữa trị đang bị lạm dụng hoặc sử dụng sai.

Một phần ba chi phí chăm sóc sức khỏe là lãng phí

Một trong những điểm nhấn trong chương trình “Four Corners” là việc gần 1/3 số tiền được đầu tư vào chăm sóc sức khỏe bị “lãng phí.” Nếu bạn cộng tất cả những gì chúng ta đã chi trả thì chúng ta lãng phí xấp xỉ 32.3 tỷ đô-la mỗi năm.
Đây có thể là vấn đề ở Úc, nhưng cũng đáng nói là con số ước tính này lại phát sinh từ những nghiên cứu ở Mỹ.
Một bài báo quan trọng trong Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ năm 2012 đã ước tính rằng tổng số tiền bị lãng phí vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ – bao gồm điều trị quá mức, gian lận, các khâu hành chính phức tạp, và những sai sót khác – chiếm từ 20 đến 50% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe – với ước tính trung bình là 34%. Vì vậy mà ta mới nói 1/3.
Theo những gì mà tôi được biết, ở Úc chưa từng có con số ước tính nghiêm túc tương tự về sự lãng phí khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta phải làm gì?

Chính phủ liên bang đang triển khai xem xét lại tất cả các xét nghiệm và phương pháp điều trị quản lý bởi Medicare (Chương trình bảo hiểm xã hội quốc gia), cùng với tài liệu tư vấn được công bố vào cuối tuần.
Theo những tài liệu này, mục tiêu chính của công tác xem xét, đánh giá này là “ngưng đầu tư vào các loại hình chăm sóc sức khỏe ít giá trị hoặc không phù hợp – bao gồm, phương pháp điều trị, quy trình điều trị, và các xét nghiệm vốn không có hoặc chỉ có ít lợi ích về mặt sức khỏe do việc lạm dụng và sử dụng sai, và những phương pháp mà trong 1 số trường hợp thực ra là gây hại đến người bệnh.
Ngoài những tác hại, chúng ta còn phải đương đầu với làn sóng tăng như vũ bão của chi phí chăm sóc sức khỏe, một phần là do sự lão hóa của con người, một phần là do thuốc thang và công nghệ bây giờ ngày càng đắt đỏ, và một phần cũng do việc chuẩn đoán quá mức và chữa trị thái quá.
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng lợi nhuận của Medicare; từ năm 1983-84 đến năm 2014-15. (Tổng quan Tư vấn & Đánh giá MBS, tháng 9 năm 2015)
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng lợi nhuận của Medicare; từ năm 1983-84 đến năm 2014-15. (Tổng quan Tư vấn & Đánh giá MBS, tháng 9 năm 2015)
Bản báo cáo toàn quốc được mong đợi sẽ công bố vào những năm tới đây – có thể là sau khi thương lượng phức tạp đối với rất nhiều trong số 5.700 nội dung theo kế hoạch của Medicare, bởi vì chính các bác sĩ sẽ tranh luận xem chính xác cái gì là phù hợp và cái gì không.
Trong khi chờ đợi, định hướng tốt nhất là hãy giữ cho mình một sự hoài nghi “lành mạnh”, hãy dành cho các bác sĩ càng nhiều câu hỏi càng tốt. Tôi có thực sự cần phải làm xét nghiệm hay điều trị này không? Tôi có thực sự cần phương pháp chuẩn đoán đó không? Bằng chứng/ cơ sở ở đâu? Và câu hỏi quan trọng nhất, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm những việc đó?
Tin hay không tùy bạn, không làm gì cả thường lại là liều thuốc tốt nhất mà bạn có thể đạt được.
Ai mà biết được, có thể dòng chảy của quá nhiều phương pháp y học đang biến chuyển, nhưng liệu chúng ta có thể ngăn chặn được cơn đại hồng thủy?
Ray Moynihan là một nhà nghiên cứu cao cấp ở Đại học Bond tại Gold Coast, Úc. Bài báo từng được đăng trên trang TheConversation.com.