Theo khuyến cáo về dinh dưỡng, người đái tháo đường cũng giống như người bình thường, nên ăn đủ 6 thành phần cơ bản mỗi ngày, trong đó có sữa.
Sữa có cần thiết cho người mắc bệnh đái tháo đường?
Sữa là thực phẩm giàu chất đạm và cung
cấp năng lượng cho cơ thể. Một ly sữa không đường 200 ml trung bình
chứa 100 kcal, tương đương 1/2 chén cơm. Người đái tháo đường, đặc biệt
là người lớn tuổi, vẫn có nguy cơ loãng xương do đó vẫn cần uống sữa để
bổ sung canxi và vitamin D. Ví dụ, một ly chuẩn của sữa nhãn hiệu
AnleneTM chứa 600 mg canxi (theo nhà sản xuất), bằng khoảng 1/2 hàm
lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, trong sữa còn có nhiều vitamin
và khoáng chất khác, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch.
Cách dùng sữa thích hợp cho người đái tháo đường
Sữa thích hợp cho người đái tháo đường
là các loại sữa không làm tăng đường huyết quá mức. Quan trọng hơn, hàm
lượng carbohydrat trong sữa phải thấp. Người đái tháo đường nên làm
quen với khái niệm "carbohydrat" vì đây là thành phần chính ảnh hưởng
đến đường huyết.
Người ta cũng hay nhắc đến chỉ số
đường huyết. Chỉ số đường huyết cho biết mức độ tăng đường huyết sau khi
dùng một loại thực phẩm, lấy chuẩn so sánh với đường và bánh mì trắng.
Chỉ số này càng thấp thì khả năng tăng đường huyết sau ăn càng ít. Các
nhà sản xuất thường quảng cáo sữa có chỉ số đường huyết thấp (< 55)
thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường là vì lý do đó. Chỉ số này là một
thông số hữu ích, tuy nhiên, cũng cần biết rằng lượng sữa uống vào quan
trọng hơn là chỉ số đường huyết. Một sản phẩm dù có chỉ số đường huyết
thấp nhưng nếu dùng nhiều thì vẫn làm tăng đường huyết.
Sữa dành riêng cho người đái tháo
đường (Glucerna, Nutren Diabetes, v.v…) có thể dùng thay thế hoàn toàn
bữa ăn chính hoặc để làm bữa ăn phụ. Dù những sản phẩm này có chỉ số
đường huyết thấp hơn các loại sữa và thực phẩm khác nhưng nó vẫn cung
cấp một lượng đáng kể chất bột – đường. Vì thế, nếu mệt và không muốn ăn
khi đến bữa, bạn có thể thay thế bằng một cốc sữa này (theo hướng dẫn
ghi trên nhãn sữa, ví dụ pha 5-6 muỗng trong 200-250 ml nước chín). Nếu
bạn vẫn ăn uống bình thường, bữa ăn đã cung cấp đủ năng lượng và dinh
dưỡng thì không cần và không nên uống thêm sữa.
Trường hợp sử dụng sữa với mục đích bổ
sung thêm canxi, khoáng chất và đạm, người bệnh nên dùng các loại sữa
tươi hoặc sữa đậu nành không đường. Ví dụ, trên bảng dinh dưỡng ở mặt
bên hộp sữa tươi không đường, nhà sản xuất cho biết 100 ml sữa sẽ cung
cấp 3,1 gram carbohydrat. Vì hộp sữa có dung tích 200 ml nên tổng lượng
carbohydrat là 6,2 gram. Hàm lượng này thấp nên đây là loại sữa có thể
dùng được cho người đái tháo đường.
Nếu bệnh đái tháo đường có kèm rối
loạn lipid máu, có thể chọn những loại sữa ít béo, còn gọi là sữa "gầy".
Sữa "gầy" nghĩa là sữa đã được vớt bỏ váng sữa, với hàm lượng chất béo
rất thấp < 0,1%. Ví dụ: sữa FlexTM không đường và ít béo.
Sữa đậu nành cũng là loại sữa quý
không kém sữa bò. Hàm lượng đạm trong 2 loại sữa này tương đương nhau.
Trong khi đó, sữa đậu nành lại không chứa cholesterol, nhưng giàu canxi.
Sữa đậu nành đặc biệt thích hợp cho những người bị tiêu chảy khi uống
sữa bò.
Nguyên Vy (Theo Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét