12 thg 11, 2015

Đọc trên Báo : Trầm Luân Làng Quê Trung Quốc

Những nông dân di cư vào thành thị sau khi bị thất nghiệp, dù khó khăn để tồn tại được ở thành thị và muốn trở về quê, nhưng rồi họ cũng nhận thấy mình dường như có nhà nhưng khó về. (Ảnh: internet)
Tại sao họ có nhà nhưng khó về?
Vào tháng 7 năm nay, tờ Bành Phái Tân Văn (ThePaper.cn) đã đăng bài “Hiện trạng của 3 triệu tân công nhân Trung Quốc: Thành thị ở không được, nông thôn không thể về”. Bài báo đưa ra nhiều số liệu: số người làm công của toàn quốc năm 2014 là 274 triệu người, trong đó 84 triệu người ở doanh nghiệp sản xuất, 60 triệu thuộc doanh nghiệp kiến trúc xây dựng, 20 triệu người làm nội trợ giúp việc nhà. Số trẻ ở nông thôn trên toàn quốc là 61.025.500, trẻ sống không cố định là 36 triệu.
Vào thời điểm xuất bản bài báo, Trung Quốc đang trong tình trạng thất nghiệp cao độ, tại thị trấn Tất Tiết, tỉnh Quý Châu vừa xảy ra vụ một gia đình 4 người uống nông dược tự sát, Thủ tướng Lý Khắc Cường khích lệ nông dân về quê lập nghiệp, đoàn tụ gia đình và hưởng quan hệ họ hàng ruột thịt. Tại Hội nghị toàn thể lần 5 vừa qua đã đề cập vấn đề phổ cập giáo dục Trung học phổ thông, mục đích để thanh niên nông thôn có thể kéo dài thêm thời gian được hưởng giáo dục từ nhà trường, trì hoãn việc tham gia vào xã hội.
Vấn đề là: những nông dân di cư vào thành thị sau khi bị thất nghiệp, dù khó khăn để tồn tại được ở thành thị và muốn trở về quê, nhưng rồi họ cũng nhận thấy mình dường như có nhà nhưng khó về. Nguyên nhân thì có rất nhiều, bài báo chỉ nhắc đến lác đác vài ý, tuy nhiên với người am hiểu xã hội nông thôn Trung Quốc đều nhận thấy những câu này đã phác họa được khái quát thực trạng.
Sự sụp đổ của hệ sinh thái nông nghiệp
Bài báo nhắc đến “Sự tan rã của hệ sinh thái nông nghiệp”, “tan rã” là cách nói cho dễ nghe thay vì nói “sụp đổ”. Hệ sinh thái nông nghiệp gồm có nước, đất, khí hậu (không khí, nước mưa..) cấu thành, nhưng ba yếu tố cơ bản này của nông nghiệp Trung Quốc đều bị hủy hoại nghiêm trọng. Tháng 4/2014, chính quyền Trung Quốc đã công bố “Báo cáo điều tra tình trạng ô nhiễm đất đai trên toàn quốc”, phạm vi điều tra chỉ ra có 6,3 triệu cây số vuông (2/3 diện tích lãnh thổ quốc gia) thì có khoảng 50 triệu mẫu đất canh tác bị ô nhiễm kim loại nặng như crom, niken, asen… không còn trồng trọt được. Những vùng đất này tập trung ở khu phát triển kinh tế vùng tam giác sông Trường Giang và Châu Giang.
Tài nguyên nước ở Trung Quốc được khái quát thành “hai nỗi khổ lớn”, đó là: thiếu và ô nhiễm. “Báo cáo thực trạng môi trường Trung Quốc năm 2014” đã chỉ ra hiện tình nhức nhối: gần 2/3 lượng nước ngầm và 1/3 lượng nước ở mặt đất trong tình trạng không nên tiếp xúc trực tiếp. Việc ô nhiễm nguồn nước gây tổn thất về kinh tế trên các phương diện công nông nghiệp, sức khỏe… mỗi năm đến 240 tỷ nhân dân tệ. Ô nhiễm không khí có thấy rõ qua hiện tượng sương mù, hiện tượng mưa đen, mưa hồng xảy ra khắp nơi.
Nguồn ô nhiễm đi qua nước lại vào nông sản, thêm việc sử dụng quá độ thuốc trừ sâu, làm cho nông phẩm Trung Quốc không có chút sức cạnh tranh nào trên thị trường quốc tế. Do ô nhiễm khiến chi phí sản xuất tăng vì nhiều nguyên nhân, chất lượng lương thực thấp nhưng giá thành lại cao hơn 20 – 30% so với thị trường quốc tế. Nếu không có trợ cấp chính phủ và hạn chế nhập khẩu nông sản, nền nông nghiệp Trung Quốc đã sớm bị suy sụp. Tại sao phải hạn chế nhập khẩu nông phẩm nước ngoài? Ông Trần Tích Văn, Chủ nhiệm phụ trách về nông phẩm Trung Quốc nói rõ, ngoài việc bảo đảm cạnh tranh trên thị trường quốc tế “còn phải nghĩ đến sinh tồn của hơn 600 triệu nông dân ở nông thôn”.
Quan trọng hơn là trong hơn một thập niên qua, thu nhập tiền lương trở thành bộ phận chủ yếu trong tổng thu nhập của nông dân. Chỉ dựa vào làm nông thì cần phải có chính phủ hỗ trợ đảm bảo thu mua vào với giá cao so với thị trường quốc tế, do ruộng đất bình quân theo đầu người quá ít nên thu nhập từ làm ruộng không đáng kể, không thể bằng đi làm thuê, rất khó khăn để duy trì cuộc sống cho những gia đình nông dân. Nghĩa là lao động nhập cư nông dân muốn về quê hương thì họ cũng không biết phải tồn tại thế nào.
Xã hội nông thôn bị lưu manh hóa
Cùng với thực trạng nghiêm trọng về sự tan rã của hệ sinh thái nông nghiệp là tình trạng lưu manh hóa trong xã hội nông thôn, tổ chức cơ sở ở nông thôn về cơ bản là do bọn du côn lưu manh thao túng.
Trước đây, trong cuốn sách «Cạm bẫy của hiện đại hóa» đã chỉ ra thực trạng này, tình hình về sau càng ngày càng nghiêm trọng. Vào năm 2003 sau khi bắt đầu thu thuế cải cách (thuế bãi bỏ nông nghiệp), cùng với việc chính phủ vứt bỏ thu mua tài nguyên từ nông thôn, họ cũng không thèm quan tâm đến trật tự xã hội ở nông thôn, thế là tổ chức cơ sở ở nông thôn dần dần rơi vào tay bọn lưu manh. Cơ quan truyền thông trong nước có nhiều báo cáo điều tra, xin lấy bài “Quần thể đặc biệt lãnh đạo nông thôn” trên tuần báo Liễu Vọng vào kỳ 30 năm 2009 làm ví dụ.
Theo báo Liễu Vọng, từ khi cải cách về thuế đến nay, quan hệ giữa tổ chức cơ sở ở nông thôn và nông dân chuyển từ “loại hình chặt” thành “loại hình lỏng”, tại tổ chức cơ sở thường có một số “ghế trống”, thế là bọn lưu manh nông thôn nhân cơ hội thao túng chính quyền cơ sở. Thế lực này có 3 loại chính: một là thế lực dòng họ ở nông thôn. Loại thế lực này có thể giúp Đảng và Chính quyền hóa giải tranh chấp mâu thuẫn, nhưng dễ trở thành “khối u” của chính quyền cơ sở.
Nguyên nhân chính là dòng họ lớn sẽ thao túng việc bầu cử ở cơ sở, họ chỉ chú ý đến lợi ích của gia tộc mình, dễ xung đột lợi ích với gia tộc yếu; hai là thế lực tôn giáo ở nông thôn. Có những tôn giáo có vai trò tích cực nhất định về phương diện dẫn dắt con người hướng thiện, nhưng nhiều tà giáo nguy hại vô cùng. Ba là những bọn lưu manh nông thôn, chúng hoạt động sôi nổi kiểm soát tuyển cử ở cơ sở và liên kết với cán bộ thôn rồi tham gia chính quyền.
Đáng quan tâm nhất là phần kết của bài báo. Bài báo viết, những thế lực hung ác này không thể tiêu diệt được, vì thế kiến nghị chính phủ cần lợi dụng chỉ bảo chúng để chúng quản lý tốt việc ở nông thôn. Tác giả bài báo này đã học theo kinh nghiệm của một thầy giáo tiểu học Trung Quốc dùng những học trò ngỗ ngược làm ủy viên lao động, ủy viên thể dục, nhưng họ không suy nghĩ là: xã hội nông thôn Trung Quốc không phải thế giới của thanh thiếu niên. Sự chế ước duy nhất với thế lực lưu manh này là quyền lực chính phủ.
Trước quyền lực chính phủ thì đương nhiên bọn này phải phục tùng, vì chúng biết chúng không thể đấu lại cỗ máy quốc gia to lớn, nhưng chúng có thể dùng lợi ích vật chất để tạo quan hệ với quan chức để đổi lấy việc quan chức sẽ thừa nhận quyền cai trị của chúng ở nông thôn. Nhưng đối diện dân chúng, bọn lưu manh nông thôn này làm gì biết nghĩ đến lợi ích người khác và lợi ích công cộng ở nông thôn?
Trong tình hình hiện nay, mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và nông thôn lỏng lẻo có phần giống thời kỳ Dân quốc. Điểm không giống là: thời kỳ Dân quốc là sự tiếp nối truyền thống tự trị của thân hào nông thôn từ ngàn năm trước, tuy có cường hào, nhưng về tổng thể thì thân hào nông thôn vẫn giữ được đạo lý truyền thống, họ biết trách nhiệm của họ là phải đảm bảo lợi ích công, vì thế mà nông thôn tự trị dưới sự cai quản của thân hào nông thôn là tốt.
Cộng sản Trung Quốc đã thủ tiêu tầng lớp này, dùng bọn lưu manh làm thế lực trong cải cách ruộng đất, thế rồi sau đó bọn lưu manh này lại trở thành cán bộ cơ sở nông thôn trong các thời kỳ công xã nhân dân, hợp tác xã. Nông thôn tự trị truyền thống đã bị văn hóa lưu manh dày xéo tan nát, vì thế khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát nông thôn, thế là cái khoảng trống quyền lực để lại dĩ nhiên bị bọn lưu manh ác bá bổ khuyết vào.
Ngoài bài viết trên Tuần báo Liễu Vọng, còn có thể tìm hiểu vấn đề này qua nhiều bài viết trên mạng lưới truyền thông Trung Quốc, ví dụ như “Quê hương tôi đang bị chiếm đóng”, hoặc “Quê hương mỗi người đều đang rơi vào tay giặc”… Những bài viết này đều nói về một hiện tượng tương tự: sự lưu manh hóa trong xã hội nông thôn, nỗi tuyệt vọng bao phủ vùng trời nông thôn (có bài báo còn gọi là “mùi tử thi”).
Một xã hội rơi vào tình trạng lưu manh hóa như vậy thì làm gì còn cái gọi là lợi ích cộng đồng. Các xí nghiệp sản xuất tại các hương trấn gây ô nhiễm môi trường làm người dân xung quanh bị thiệt hại, còn gia tộc làm doanh nghiệp thì hưởng lợi. Những người sống ở nông thôn đa số đều chỉ thấy những lợi ích nhỏ trước mắt, vì thế nhiều sự nghiệp công cộng, cho dù là doanh nghiệp tạo việc làm cho thôn dân, cũng bị phá hoại vì tính cách này của họ.
Ở chuyên mục “Mọi người nói về Trung Quốc” trên BBC từng đăng bài viết của một cư dân mạng ở Hà Nam có tựa “Thảm cảnh của lao động nhập cư nông dân có nguồn gốc từ quê hương”. Bài báo kể lại một chuyện khá ấn tượng: “Lấy thôn trang mà người viết bài này đang sống làm ví dụ, vào năm ngoái từng có một thương nhân ở vùng khác đến thôn xây dựng một xưởng may, sau khi xây xong nhà xưởng, các quan viên thỉnh thoảng lại ‘hạ cố’ tìm các lý do vòi vĩnh. Sau khi công xưởng khởi công, do công nhân đều là thôn dân bản địa, họ luôn nghĩ mọi cách ‘chấm mút’ của công xưởng, đến lông để làm quần áo lông cũng ném qua tường rào ra ngoài. Cứ thế, công xưởng hoạt động chưa được nửa năm thì đóng cửa.” Hiện tượng này khá phổ biến ở Trung Quốc.
Vì thế, nông thôn Trung Quốc không phải nơi người xa quê có thể quay về điền viên, hai chữ quê hương chỉ tồn tại trong ký ức của họ. Rất nhiều tân công nhân sau khi thất nghiệp thà lang thang ở đô thị chứ không muốn về lại quê nhà.
Theo Hà Thanh Niên, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét