Tác giả: Matei Dobrovie, ET Romania | Dịch giả: Kim Xuân5
Nông nghiệp dựa trên việc sử dụng cây trồng biến đổi gen không phải là một giải pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu như nạn đói, suy dinh dưỡng, và biến đổi khí hậu.
Báo cáo “20 năm thất bại” đã phá bỏ những lầm tưởng về cây trồng biến đổi gen. Nó chứng minh rằng loại nông nghiệp này không phải là cách giải quyết đối với các vấn đề toàn cầu như nạn đói, suy dinh dưỡng, và biến đổi khí hậu. Và cây trồng biến đổi gen cũng không phải là một giải pháp kinh tế khả thi cho nông dân trên khắp châu Âu, theo tổ chức Greenpeace chi nhánh tại Romania cho biết.
Epoch Times xin giới thiệu với độc giả một số trích đoạn từ báo cáo đầy đủ.
Lầm tưởng 1: Cây trồng biến đổi gen có thể nuôi sống thế giới
Sự thật: Không có loại cây trồng biến đổi gen nào có thể cho sản lượng cao. Kỹ thuật di truyền không mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết vấn đề nền tảng của nạn đói và suy dinh dưỡng, nó chỉ củng cố mô hình nuôi trồng công nghiệp, một mô hình mà cho đến nay đã hoàn toàn thất bại trong việc nuôi sống thế giới.
Lầm tưởng 2: Cây trồng biến đổi gen là giải pháp cho biến đổi khí hậu
Sự thật: Kỹ thuật di truyền tụt hậu so với các phương pháp truyền thống trong việc phát triển các giống cây trồng mới có thể giúp nông nghiệp đối phó với biến đổi khí hậu. Ứng phó với sự thay đổi khí hậu phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự đa dạng và nuôi dưỡng đất, chứ không phải dựa vào hệ thống nông nghiệp quá đơn giản mà trong đó cây trồng biến đổi gen được tạo ra.
Lầm tưởng 3: Cây trồng biến đổi gen an toàn cho con người và môi trường
Sự thật: Cho đến nay, không có những chương trình quan trắc môi trường và sức khỏe trong dài hạn hoặc nếu có thì cũng không đầy đủ. Các nhà nghiên cứu độc lập phàn nàn rằng họ không được quyền truy cập vào các tài liệu nghiên cứu.
Lầm tưởng 4: Cây trồng biến đổi gen đơn giản hóa việc bảo vệ thực vật
Sự thật: Sau một vài năm, các vấn đề như cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ và siêu sâu bệnh xuất hiện do trồng trọt các loại cây biến đổi gen kháng thuốc diệt cỏ hoặc kháng sâu bệnh, kết quả là người ta phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn nữa.
Lầm tưởng 5: Cây trồng biến đổi gen là khả thi về mặt kinh tế cho nông dân
Sự thật: Giá hạt giống cây trồng biến đổi gen được bảo vệ bởi các bằng sáng chế và không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm qua. Sự xuất hiện của cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ và “siêu sâu” làm tăng chi phí của nông dân, thậm chí còn làm giảm lợi nhuận kinh tế của họ.
Lầm tưởng 6: Cây trồng biến đổi gen có thể cùng tồn tại với các hệ thống nông nghiệp khác
Sự thật: Cây trồng biến đổi gen làm nhiễm bệnh cho các loại cây trồng không biến đổi gen. Gần 400 sự cố nhiễm bệnh đã được ghi nhận trên toàn cầu cho đến nay. Để tiếp tục canh tác cây trồng không biến đổi gen đòi hỏi chi phí bổ sung khá lớn, đôi khi quá cao cho nông dân.
Lầm tưởng 7: Kỹ thuật di truyền là sự đổi mới hứa hẹn nhất cho hệ thống thực phẩm
Sự thật: Không sử dụng kỹ thuật di truyền, các phương pháp tiên tiến khác để cải thiện giống cây trồng vốn hoàn toàn có thể mang lại những đặc điểm mà kỹ thuật cây trồng biến đổi gen đã hứa hẹn, trong đó bao gồm cả khả năng kháng bệnh, chịu được ngập hay hạn hán. Cây trồng biến đổi gen không chỉ là một loại đổi mới không hiệu quả mà còn hạn chế các hình thức đổi mới khác do nguyên nhân là quyền sở hữu trí tuệ nằm trong tay của những công ty đa quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét