Dân trí Ung thư, bệnh tim và HIV đều là những chẩn đoán khiến bất cứ ai nhận được đều lo sợ. Tuy nhiên chúng đều là những bệnh mạn tính, vì thế có thể rất lâu mới cướp đi tính mạng của bệnh nhân.
Nhưng, có lẽ đáng sợ hơn, là sự tồn tại của nhiều căn bệnh khủng khiếp mà hiện không có thuốc chữa, cũng như không có vắc xin, dễ dàng giết chết người bệnh chỉ sau vài giờ khởi phát.
1. Viêm cân hoại tử
Thường được gọi là khuẩn “ăn thịt người”, viêm cân hoại tử có thể dễ dàng lan ra khắp cơ thể, gây hoại tử các mô mềm.
Đây là một nhiễm trùng da do vi khuẩn rất nặng có thể giết chết nạn nhân trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bệnh khá hiếm gặp.
Bệnh có thể gây ra bởi một số týp vi khuẩn, trong đó liên cầu nhóm A là tác nhân hay gặp nhất. Thông thường, nhiễm liên cầu nhóm A nói chung thường nhẹ và dễ điều trị. Nhưng trong viêm cân hoại tử, vi khuẩn lan ra nhanh chóng sau khi xâm nhập vào cơ thể.
Chúng nhiễm vào cân - những dải mô liên kết xung quanh cơ, dây thần kinh, mỡ và mạch máu. Nhiễm trùng cũng phá hủy mô liền kề với cân.
Đôi khi độc tố của vi khuẩn phá hủy mô mà chúng nhiễm vào, khiến mô bị hoại tử. Khi điều này xảy ra, nhiễm trùng thường rất nặng và có thể dẫn đến mất chi hoặc tử vong.
2. Bệnh màng não cầu
Bệnh màng não cầu, còn gọi là viêm màng não tủy là một bệnh lây do vi khuẩn Neisseria meningitides gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua những giọt dịch hô hấp nhỏ từ người bệnh.
Bệnh có 3 thể chính trên lâm sàng: hội chứng màng não, thể nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi.
Các triệu chứng thường diễn ra đột ngột và có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng vài giờ.
Khoảng 10 - 15% số người sống sót bị những thiếu hụt thần kinh dai dẳng, bao gồm điếc, rối loạn nói, mất chi, chậm phát triển tâm thần và liệt.
N. meningitidis cư trú ở niêm mạc mũi và họng và thường không gây hại gì ở đó.
Khoảng 5 - 10% dân cư có thể là người mang mầm bệnh không triệu chứng. Những người này đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc lây truyền bệnh vì phần lớn các ca bệnh là do phơi nhiễm với người mang mầm bệnh không triệu chứng.
Bệnh hay gặp hơn ở trẻ dưới một tuổi, trẻ vị thành niên và người trẻ.
Có 5 chủng Neisseria meningitidis: A, B, C, W, và Y gây bệnh trên toàn thế giới, với hậu quả phổ biến nhất là viêm màng não
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, gồm sốt, đau đầu, cứng gáy và sợ ánh sáng. Nôn, buồn nôn, lú lẫn cũng hay gặp. Trẻ nhỏ bị viêm màng não thường có biểu hiện lờ đờ, vật vã, nôn hoặc bỏ ăn.
Vi khuẩn cũng có thể vào máu, phá hủy thành mạch máu và gây xuất huyết dưới da hoặc nội tạng.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, rét run, đau nhức nhiều, thở nhanh, tiêu chảy và ở giai đoạn muộn hơn có thể xuất hiện những nốt ban màu tím.
Nhiễm trùng huyết do màng não cầu là bệnh rất nặng và có thể tử vong ngay trong vòng vài giờ. Những trường hợp sống sót có thể bị di chứng vĩnh viễn như phải cắt cụt ngón chân tay, cắt cụt chi hoặc bị sẹo phải ghép da.
3. MRSA
MRSA là tên viết tắt của cụ từ tiếng Anh methicillin-resistant Staphylococcus aureus, có nghĩa là tụ cầu vàng kháng methicillin - một loại vi khuẩn kháng được nhiều loại kháng sinh.
Trong cộng đồng, nhiều người mang vi khuẩn và phần lớn các nhiễm MRSA xảy ra ở da.
Tuy nhiên, tại các bệnh viện và cơ sở y tế, MRSA thường gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng, viêm phổi và nhiễm trùng vết mổ.
Triệu chứng của nhiễm MRSA trong cộng đồng là xuất hiện u cục sưng nóng đỏ đau trên da, chứa đầy mủ và thường kèm theo sốt. Bất cứ ai cũng đều có thể nhiễm MRSA thông qua tiếp xúc trực tiếp với vết thương nhiễm trùng.
Để điều trị, các bác sĩ sẽ dẫn lưu vết thương trước khi kê đơn kháng sinh.
Trong bệnh viện và cơ sở y tế, MRSA thường lây từ vết thương nhiễm trùng và tay bẩn của nhân viên y tế.
Nếu nhiễm trùng xâm nhập sâu vào cơ thể, nó có thể gây nhiễm trùng huyết, dẫn tới sốc nhiễm trùng. Các dấu hiệu của nhiễm trùng xâm nhập gồm sốt cao 38 độ hoặc hơn, rét run, cảm giác không khỏe, chóng mặt, lú lẫn, đau và nhức cơ, đau và sưng nề tại chỗ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tiết niệu, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, viêm khớp nhiễm khuẩn, cốt tủy viêm cũng là những thể bệnh nặng của MRSA.
4. Bệnh tả
Bệnh tả là một nhiễm trùng đường ruột cấp tính, do ăn hoặc uống phải thức ăn hoặc nước nhiễm phẩy khuẩn tả (Vibrio cholera).
Vi khuẩn tả có độc tính cực kì cao, gây bệnh cho cả người lớn và trẻ em và người bệnh có thể chết trong vòng vài giờ.
Thời gian ủ bệnh thường ngắn, từ chưa đến 1 ngày cho tới 5 ngày.
Bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy dữ dội dẫn đến mất nước nặng và tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng.
Vi khuẩn có thể sống trong phân của người bệnh tới 10 ngày, gieo rắc ra môi trường và nhiễm sang những người khác.
Trong số những người có triệu chứng, 89% chỉ bị bệnh nhẹ hoặc vừa, trong khi 20% có nguy cơ bị mất nước nặng đe dọa tính mạng. 80% ca bệnh có thể được điều trị thành công bằng Muối bù nước đường uống (ORS).
5. Dịch hạch
Nổi tiếng dưới tên “Cái chết Đen”, trong thế kỷ 14, bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người trên thế giới.
Trực khuẩn dịch hạch Y.pestis xâm nhập cơ thể qua vết đốt của bọ chét nhiễm khuẩn từ động vật nhỏ, hay gặp nhất là chuột. Vi khuẩn sẽ đi theo hệ thống bạch huyết đến hạch gần nhất và sinh sôi tại đó.
Hạch sẽ bị viêm, sưng nề và đau. Ở giai đoạn muộn, hạch viêm có thể loét và chảy mủ. Bệnh dịch hạch gây dịch ở nhiều nước châu Phi, Nga, Mỹ và châu Á.
Dịch hạch có thể gây bệnh rất nặng ở người, với tỷ lệ tử vong tới 30 - 60% nếu không điều trị.
Năm 2013, có 783 trường hợp vệnh được báo cáo trên thế giới, với 126 trường hợp tử vong.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có các triệu chứng “giống cúm”: sốt đột ngột kèm theo rét run, đau đầu, đau nhức người, yếu mệt, nôn và buồn nôn. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tử vong, vì thế chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
Kháng sinh và các liệu pháp hỗ trợ có thể giúp điều trị cho người bệnh.
6. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh lây sang người qua vết đốt của muỗi nhiễm vi rút. Bệnh sốt xuất huyết có 2 thể: sốt Dengue và nặng hơn là sốt xuất huyết Dengue. Nếu không điều trị, sốt xuất huyết Dengue có thể gây tử vong.
Triệu chứng bệnh gồm sốt cao kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt, đau khớp, đau cơ và xương, phát ban, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng
Trẻ nhỏ và những người bị bệnh lần đầu nói chung thường có triệu chứng nhẹ hơn là trẻ lớn và người lớn khi bị bệnh.
Khi hết sốt, người bệnh sẽ bị nôn, đau bụng dữ dội và có thể bị khó thở. Những dấu hiệu này đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn kéo dài 24 – 48 giờ, trong đó các mao mạch bị yếu và khiến dịch thoát ra khỏi mạch máu vào khoang ổ bụng. Điều này có thể gây suy tuần hoàn, sốc và cuối cùng là tử vong nếu bác sĩ không thể khắc phục được..
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu cho cả sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì điều trị bằng cách bù dịch thường mang lại hiệu quả. Bệnh cũng chưa có vắc xin dự phòng.
Sử dụng điều hòa không khí hoặc tấm chắn cửa sổ và cửa ra vào có thể giảm thiểu nguy cơ muối vào nhà.
Các loại thuốc xua côn trùng chứa 20 - 30% DEET cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị muỗi đốt.
BS Cẩm Tú
Theo DM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét