BS Ðỗ Hồng Ngọc.
Tuy già
không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh
nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. Ai cũng biết thầy
thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta
chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là
ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà
theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao
tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các
bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm
Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).
Những
bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia
đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà
cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc
nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau,
mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu
liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức,
thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"!
Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu
(diuretics).
Một ông bác
gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập
thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là
bột mì trộn với mật ong và Corticoid, một
thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu
và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc
lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp...
Ta cũng
biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao
huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ
đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người
già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...
Một đặc
điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp
thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại
thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc,
có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống
vào bị phản ứng ngay.
Cho nên
dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm
lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm
tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra
bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh
ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?
Người cao
tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì
cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh....
vô duyên đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ.
Báo Paris
Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến
khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm
thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được
tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn
vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết,
chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo...
Sau hơn một
tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những
băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với
những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt
lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và
tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.
Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả!
Tây gọi những người sính xét nghiệm là "examinite".
Tổ chức sức
khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over - investigation,
"thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một
số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá
đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh
muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò,
chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ.
Dĩ nhiên
nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu
quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên
chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm
để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có
lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên
lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình
hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần
thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.
Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!
Có những
lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá
đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán
nhãn" (labelling). Chẳng hạn như người không có
chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái
chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ
như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần
kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi
trên nhập...." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!
Ngay cả bị
dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một
chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc,
ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp
cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.
Ðáng sợ hơn
cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ
mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp
cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này
rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng
ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.
Các cơ sở
chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số
nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự
quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh
hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe.
Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!
BS Ðỗ Hồng Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét