20 thg 2, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn II -- Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
Tiếng Tàu tiếng Việt
Thủy ngưu đâu phải là trâu nước mà là con trâu cày của ta.
Vì theo người Tàu “ngưu” là con bò, ngưu nãi là sữa bò chứ nào phải sữa trâu? Vì bên Tàu không có trâu (sic)
(Khuyết danh).
Chuyện Ta chuyện Tàu
Sự thực thì khởi đầu dòng Hán tộc dân không có đông lắm, họ lấy Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông làm địa bàn, lấy lưu vực sông Hoàng Hà làm căn bản. Nhưng họ lấy văn hóa để đồng hóa các nước mà họ coi là man di mọi rợ: Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch, Nam Man. 
Như trên lá cờ cộng sản Tàu, ta thấy có 5 ngôi sao, một ngôi sao lớn là tộc Hán, còn 4 sao nhỏ là 4 tộc người Mông (Cổ), Mãn (Thanh), Tạng (Tây Tạng), Hồi.
Chỉ còn Việt Nam (Nam Man) chưa lên lá cờ máu đó.
(Chuyện Ta chuyện Tàu – Trần Khánh)
Chữ Việt cổ
dối em : ru em
(Phạm Xuân Độ)
Tên Nôm tên Tự
Sự hình thành tên “Chùa Bà Đanh”
Chùa Bà Đanh nhắc trong văn bản này tại xã Ngọc Sơn, Huyện Kim Bảng, tình Hà Nam. Chùa do dân làng Đanh dựng nên, cách làng chừng nửa cây số, ba mặt giáp sông Đáy, qua sông là Núi Ngọc. Chùa tên chữ là Bảo Sơn Tự và tên nôm là Chùa Bà Đanh.
Lời kể trong Ký sự Sông Hồng của ông Lê Văn Trịnh xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam:
“Làng đây là làng Nghênh Xá. Do đó ở đây người ta lập chùa và thờ phụng Ngài. Đầu tiên người ta gọi là “Chùa bà làng Đanh”.
Đây là cái tên của địa phương, chứ không phải bà là bà “Đanh”. Sau đây người ta gọi tắt là “chùa Bà Đanh”. Chùa ở đây tên chính là chùa Bảo Sơn Tự, chùa Bảo Sơn. Thế thì sao gọi là bà? Là vì ở đây thờ theo hệ tứ pháp:  Đức vua bà nên gọi là “Chùa Bà” Thế còn duệ hiệu của ngài là “Pháp Phong” tức là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Phong.”
“Bảo Sơn Tự” là tên chữ, được viết bằng Hán tự trên hoành phi của chùa. Tên chữ do người có vốn Hán văn, Nho học đặt ra. Tên chữ của chùa bằng chữ viết (trên hoành phi, câu đối, bi ký)
Tuy vậy trước hoặc sau khi có tên tự, vẫn sử dụng tên nôm – Chùa Bà Đanh. Tên nôm có thể không được chép lại ở các văn bia, không được được vẽ vào tường, lên cổng, nhưng được nhắc tới, trong đời sống hàng ngày. “Vắng như chùa Bà Đanh” không mấy ai là không biết.
Chùa do dân làng dựng nên, vậy chùa lấy tên của làng. Ta có “Chùa làng Đanh”. Ba chữ này đều là ba chữ thuần Việt (không có nguồn gốc Hán văn) nên rất dễ nhớ, hơn nữa gắn ngay với địa danh của làng. Chùa thờ tứ pháp, mây mưa sấm chớp được hình tượng hóa vào các nữ thần. Vì vậy tên của chùa có một sự hình thành khác chính là các bà nữ thần. Xét thấy tên nôm “Chùa Bà làng Đanh” đã được hình thành và hoàn toàn xa rời với tên chữ “Bảo Sơn Tự”, tiết lộ một vài điều: tên nôm có thể ra đời sớm hơn tên chữ, được gọi rộng rãi, tồn tại từ lâu.
(David Phùng – Tên gọi Nôm một số kiến trúc tôn giáo)
Pha
Pha : xuyên qua
(xông pha - pha phôi khóm lác chùm lan)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Bên hè phố sách
Sài Gòn và những trang sách cũ
Ở đây, người ta có thể tìm lại được những quyển sách hiếm hoi xuất bản từ những năm 60s hay 70s ở Sài Gòn mang tên những nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối, Khai Trí, Giao Điểm, Văn .v..v.. Chúng lẫn ở trong hàng hàng lớp lớp sách cũ chồng lên nhau, nhưng khi hỏi chủ nhân tiệm sách tên một quyển sách nào đó, tôi ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời rất quả quyết là họ có hay không có. Chứng tỏ, tuy không sắp xếp sách vở theo một thứ tự khoa học, nhưng người bán biết và nhớ những gì họ có.
Cầm quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện do nhà An Tiêm (hay Lá Bối?) xuất bản khoảng năm 1964 hay 1965 ở Sài Gòn, gáy đã long được dán lại bằng nhiều lớp băng keo, trang trong có nhiều chỗ bị mối mọt lỗ chỗ, chủ nhân của nó cho tôi biết đây là quyển thứ hai ông “có” được.
Quyển thứ nhất ông đã “nhượng” lại cho một người quen, mà quyển ấy so với quyển tôi đang cầm trên tay còn tệ hơn nhiều: mất trang, bìa chỉ là một tờ giấy trắng với tên tác phẩm viết bằng tay. Tôi còn hỏi ông một số tác phẩm nổi tiếng khác thời ấy, ông cho biết, phần lớn ông đều đã có cơ hội “cầm xem lại”, và, một cách hãnh diện, ông cho biết, “hiện nay chúng đã nằm rất trang trọng trong những tủ sách ở rải rác khắp nơi trên toàn thế giới.”
Ở một tiệm sách cũ khác, cũng ở gần đó, tôi nhìn thấy có vài số tạp chí Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương (tức ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí) và nhà văn Nhật Tiến xuất bản từ năm 1971. Chủ nhân cho tôi biết, họ vừa bán xong nguyên bộ tạp chí Thiếu Nhi nhiều tập, vì thế tôi chỉ thấy vài quyển lẻ nằm đó. Họ cũng vui vẻ chỉ cho tôi qua gian hàng sách cũ bên kia đường, nơi đó, tôi có thể tìm thấy nhiều hơn những quyển sách cũ.
Con cúi

Đàn bà con gái sắn quần lên
Cái gì trăng trắng như con cúi
(Chỗ lội làng Ngang – Nguyễn Khuyến)
“Cúi” hay “con cúi” là một khối lượng bông (bông để dệt vải) hình trụ, nhỏ bằng ngón tay, dài cỡ gang tay, sẵn sàng đem kéo thành sợi. Bông từ trái (quả) chín nở ra múi, hái về phơi khô, đến khi kéo thành sợi phải qua việc “cán” (tách bông khỏi hột), “cung” (làm tơi bông cho các sợi bông li ti không bết vào nhau thành nùi mà rời xa đều nhau), rồi cuộn/cuốn thành “con cúi”, trước khi được kéo thành sợi..
(Kim Bồng)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Vũ qua biển Bắc

Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Trạng Quỳnh cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái, bà Điểm ngồi bán hàng. Còn Quỳnh giả làm lái đò, chở sứ bộ qua sông. Mấy tên trong sứ bộ Tàu qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:
- Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ).
Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:
- Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.
(Nghĩa là: Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).
Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng. Đến lúc xuống đò... Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, xổ ra một tiếng "bủm". Hắn đọc một câu chữa thẹn:
- Lôi động Nam bang.
 (Sấm động nước Nam).
Trạng Quỳnh đang chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:
- Vũ qua Bắc hải
 (Mưa qua bể Bắc)

Cả đoàn sứ bộ không thốt được một lời, trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến lúc tới nơi. 

(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)
Nét “tục” trong tục ngữ phong dao
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ
(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)
Với tôi (Hoàng Cầm) hồi ấy cách mạng như một người khổng lồ mà tôi thì bé bỏng xa lạ quá. Cái uy thế của cách mạng tôi không thấy rõ lắm ở những người như các anh Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Kim Lân, Nguyên Hồng, nhưng lại thấy nổi bật hẳn lên ở anh Nguyễn Đình Thi. Ngồi trước mặt anh, bên cái bàn giấy lộng lẫy có đủ cả máy điện thoại và hai chồng sách dày, bìa cứng in nổi chữ vàng chữ bạc:Các Mác với vấn đề văn hoá, Tư bản luận, Chống Du-ring...tôi hoa cả mắt và cảm thấy mình là con chim chích vào rừng... 

Không khí cuộc gặp mặt bỗng trở nên nghiêm trang và lời mở đầu của anh Thi lại càng làm cho nó thêm lạnh nhạt, căng thẳng: 
- Tôi đã nhận được vở kịch của anh. Cả lá đơn nữa. Anh Nguyễn Huy Tưởng và anh Nguyên Hồng đã giới thiệu Kiều Loan với tôi. Tôi cũng đã đọc qua ... 

Vừa nói, anh Thi vừa rút ở cái cặp da đen bóng tập bản thảo vở kịch đánh máy của tôi. Anh trao nó cho tôi với một nhếch mép cười mà cho đến nay tôi vẫn không sao hiểu được, nhất là câu nói ngay sau cái cười nửa miệng ấy: 
- Rằng hay thì thật là hay! 

Hai tiếng cuối câu đay xuống, tôi nghe như có vẻ vừa giễu cợt vừa hững hờ. Và anh Thi cũng chỉ nói có thế. Không hơn nửa lời. Rồi anh thu dọn sổ sách, như có ý bảo tôi "Về đi!". Cũng để cho anh lính mới làng văn biết rằng mỗi giờ mỗi phút với anh Thi là vàng ngọc đấy! Tôi thấy mình như bé quá, bất cứ lúc nào nhớ đến anh, bất cứ ở đâu, lời anh nói khi đưa trả tôi kịch bản Kiều Loan vẫn cứ day dứt trong tâm trí mình: Một lời khen ư? Không chứng minh được! Một liên hệ giữa câu Kiều ấy với thời đại ta đang sống? Cũng không đến mức to tát thế. 

Hoặc một ý so sánh nhân vật Kiều Loan với nhân vật Thuý Kiều! 
Rằng hay thì thật là hay... Chưa đến lúc bình phẩm như vậy, vì đã nói gì với nhau đâu về cái tác phẩm kịch thơ ấy của tôi. 

(Nguyễn Đình Thi trong tôi – Hoàng Cầm)
Thanh Tịnh
Họ Trần, sinh ngày 12-12-1913 ở Thừa Thiên. Học trường Đông Ba, trường Pellerin( Huế). Có bằng thành chung.  Dạy tư ở Huế.

Đã viết giúp: Phong hoá, Ngày nay, Hà nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Tinh hoa...
Đã xuất bản: Hận chiễn trường (1936).

Xem thơ Thanh Tịnh cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ, cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường xuyên thay đổi: có khi là một cây liễu rủ, có khi là một luỹ tre. Nhưng sắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (Hận chiến trường, Mấy vần thơ máu); nhưng khi người ta tới nơi nó lại biến mất. Thì ra một ảo cảnh.

Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên ngang tầm gió, tưởng như nó muốn hoá thân làm gió. Nhưng qua lại thôi và rồi nó cũng được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó.

Tháng 9 – 1941
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bực mình chẳng muốn nói ra
Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)
Chùa Một Cột
Năm Kỷ Sửu 1049, chùa Một Cột được xây trên trụ đá và trụ đá này được cắm sâu xuống lòng đất.
Chùa Một Cột 1884
Mãi đến năm 1105, tức 56 năm sau, khi trùng tu chùa Một Cột lần thứ nhất, người ta mới đào hồ ở chung quanh và trồng sen.
Vì vậy với chuyện Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dưa tay dắt vua lên tòa, tỉnh dậy vua cho xây chùa giữa hồ sen.
Tất cả chỉ là truyền thuyết sau này.
(Tiến trình văn hóa VN – Nguyễn Khắc Thuần)
Báo chí
Chưa bao giờ báo chí Việt Nam bút chiến với nhau dữ dội như ta thấy, các cuộc bút chiến này, trọng tâm có lẽ là sự cạnh tranh nghề nghiệp, tranh dành độc giả, nhưng cũng gián tiếp đặt ra được nhiều vấn đề, làm sáng tỏ nhiều lập trường văn nghệ, sửa chữa được nhiều lộn xộn trong nghề viết văn.
Các báo chia thành hẳn bốn khối: khối A của các nhà mệnh danh là cựu học với các tờ báo ra đời từ 1932 hay trước năm 1932 mà còn hoạt động cho tới năm 1934 ; khối B của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Phong Hoá và Ngày Nay ; khối C của các báo ra đời từ 1934 trở đi, đối lập, phản kháng lại Tự Lực Văn Đoàn ; khối D của nhóm mác-xít với các ông Hải Triều, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng…
(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)
Vật phẩm tế thông gia
Trong văn hóa của người Việt, cúng tế người quá cố rất được xem trọng, bởi lẽ trong tâm thức Việt "nghĩa tử là nghĩa tận". Trong những người đến tế còn có thông gia của người chết.
Vật phẩm tế thông gia tại Kiên Giang có: bốn hộp bánh tây, bốn bánh in hình tròn, bốn hộp trà, hộp đựng hai cây đèn cầy lớn, hộp đựng ba cây nhang lớn, hộp đựng hai chai rượu trắng, một tấm bàn đưa (tấm điếu), một phong bao tiền cúng. Tất cả các vật phẩm kể trên được để trên mâm, đặt trước linh tọa với tất cả sự cung kính dành cho người đã khuất.
(Tế thông gia - Đỗ Kim Trường)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
hùng hồn 雄渾     

Trong các quyển từ điển chữ Hán thông thường, chữ “hồn”
được giải nghĩa là nước đục, là lộn xộn (đồng nghĩa với chữ “hỗn” trong các từ “hỗn hợp”, “hỗn độn” ), là chứa ở bên trong, là tất cả. Có lẽ soạn giả chỉ dựa vào đó nên đã cắt nghĩa rằng, hồn nghĩa là bao quát. Thật ra, các nghĩa vừa kể chỉ là một số nghĩa thông dụng nhất hiện nay của chữ hồn, và đều là những nghĩa mở rộng chứ không phải là nghĩa gốc của nó (mà cũng là nghĩa được thể hiện trong từ “hùng hồn”). Chữ “hồn” vốn có nghĩa là nước trào dâng cuồn cuộn, rồi từ đó mà mở rộng ra thành các nghĩa kể trên. Trong từ hùng hồn 雄渾,hùng nghĩa là mạnh mẽ, chữ hồn được dùng theo đúng nghĩa gốc của nó, nghĩa là tuôn chảy. Hùng hồn là một tính từ để chỉ lời nói hoặc lời văn mạnh mẽ và trôi chảy. Tuy soạn giả đã nêu được định nghĩa gần đúng như thế cho từ hùng hồn và nghĩa đúng cho từ tố hùng nhưng ông đã bịa đặt nghĩa cho từ tố hồn, đó là một lỗi lớn. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Bên hè phố sách
Sài Gòn và những trang sách cũ
Khệ nệ ôm nguyên một chồng báo Tuổi Ngọc trên tay…
tác giả T.Vấn (áo trắng)
Tôi nói bâng quơ với chủ nhân cửa hàng sách cũ về những đợt thu gom sách báo chế độ cũ hồi 1975 của chính quyền cộng sản sau khi tiếp thu Sài Gòn, những buổi các cán bộ văn hóa thành phố, phường khóm phát động thanh niên sinh viên học sinh gom sách báo lại và đốt.
30 năm, một cuộc phần thư với mưu toan chôn vùi lịch sử trong những đống tro tàn, chôn vùi những thành tựu văn hóa của một nửa nước Việt Nam vì sợ rằng với tính đa dạng, phóng khoáng, nhân bản và tự do của nó, kẻ thắng trận trên mặt trận quân sự sẽ trở thành kẻ bại trận ngay trên mảnh đất mình vừa chiếm đoạt ở một mặt trận khác. Nhưng vô ích. Những thứ tôi đang có trên tay là một chứng minh. Chúng đã sống sót như chúng tôi đã sống sót.
(…)
Một nhà văn miền Bắc, sau này đã thú nhận rằng không phải đợi lâu, ngay sau khi theo chân đoàn xe tăng tiến vào thành phố Sài Gòn, bà đã biết rằng mình và mấy chục triệu dân miền Bắc đã bị lừa gạt từ bao nhiêu năm nay. Và cuộc đốt sách chưa từng có trong lịch sử Việt Nam chỉ là một hành động ngu xuẩn hòng cố sức che dấu sự lừa dối của giới cầm quyền.
Sau này, những người vượt thoát được từ 1975 đã tìm cách tái bản lại một số sách báo cũ của miền Nam trước 1975 dưới hình thức photocopy những ấn bản mà họ mang theo được hay in ấn lại hoàn toàn mới và phát hành khắp nơi ở hải ngoại. Công việc ấy cũng góp phần phổ biến và gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc. Bây giờ, với mạng lưới điện toán toàn cầu, rất nhiều bộ sách cũ xuất bản ở miền Nam trước chính biến 1975 đã được đánh máy lại, đưa lên các trang thư viện điện tử, hình thành nên một sự giao lưu văn hóa khắp nơi, từ trong nước cho đến hải ngoại .
Nét “tục” trong tục ngữ phong dao
Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn, l. Cổ Am, c. Hành Thiện.
(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)
Ông Táo
Từ một truyền thuyết dân gian...
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục! Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao có trót lỡ tay đánh vợ một cái! Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, và trong khi lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu thương nhau rồi thành vợ thành chồng.
... Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Trọng Cao đã đi đến rất nhiều nơi tìm, cho đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất mà vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả!
Cho đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ người mang cơm ra cho lại là Thị Nhi! Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng thật trớ trêu, bởi danh chính ngôn thuận lúc này Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang!
Trong khi còn chưa biết khu xử làm sao cho vẹn cả đôi bề, lại sợ Phạm Lang về bắt gặp thì biết ăn nói làm sao, Thị Nhi liền bảo Trọng Cao tạm ẩn vào trong thùng rạ. Đi đường mệt mỏi, lại được bữa cơm no, rượu say, nên vừa đặt lưng xuống, Trọng Cao đã ngủ say như chết! Không may đêm đó có gió to, than lửa ở bếp bén vào thùng rạ thiêu trụi cả Trọng Cao và cái bếp! Khi nghe mọi người xung quanh hô hoán, Thị Nhi và Phạm Lang giật mình chạy ra thì chỉ còn biết đứng... nhìn!
Nghĩ vì mình mà chồng cũ phải chết, trong cơn đau đớn, Thị Nhi bèn nhảy vào đống lửa chết theo! Thấy thế, Phạm Lang cũng nhảy vào để được cùng chết theo vợ..
(Từ truyền thuyết…ngày Tết ông Táo - Phùng Thành Chủng)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở  nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm. Như:
- ta nói rộn rịp mà không hiểu “rịp” là gì,  
“rịp” là bận việc, gốc tiếng Lào Thái.
(Nguyễn Hy Vọng - sưu tầm & tản mạn)
Thành hoàng
Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành.
Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.
(Thần Thành hoàng - Bùi Thụy Đào Nguyên)

Ba mươi năm: vượt qua khỏang cách và dấu nối


Trần Nhuệ Tâm: Ông gặp một thi sĩ, văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường quán…? Trước đó ông biết họ qua tác phẩm nào?

 

Nguyễn Trọng Tạo: Hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước tôi sống ở Huế và đã gặp ở đó khá nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại về thăm đất nước. Hầu hết những người tôi được gặp thì trước đó tôi đã được đọc, được biết tên họ trên sách báo hải ngoại hoặc trong nước. Có người tôi đã được đọc họ từ trước 1975. Những người tôi gặp thường là những tên tuổi quen thuộc. Đỗ Khiêm (Đỗ Kh) đến tư gia thăm tôi. Thuỵ Khuê và chồng con xuống ga tàu hoả Huế được tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa đi gặp nhiều văn nghệ sĩ Huế.

 

Tôi và HPNT cũng đã đón Khánh Trường từ sân bay Phú Bài. Du Tử Lê sau ba lần về Huế mới đến gõ cửa nhà tôi và HPNT rồi hơn 10 năm sau lại gặp nhau ở Hà Nội. Trần Vũ tìm tôi ở Huế không gặp, chục năm sau tôi lại tìm được Vũ tại Pais và đến nhà chơi. Nhiều lần hẹn nhau với anh Đặng Tiến mới găp được nhau tại nhà anh Dương Tường.

 

Những người ấy đều ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi bằng tác phẩm và những hoạt động văn học của họ. Đấy là những người Việt muốn cùng với những người cùng nòi giống tôn vinh văn chương tiếng Việt dù phong cách và quan niệm khác nhau.

 

(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)

 

Nguyễn Trọng Tạo (sinh1947) trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ông là nhà thơ (nhà báohọa sĩ)  và là tác giả của những tập thơ như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, tác giả Biểu tượng ngày thơ Việt NamCờ thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét