18 thg 2, 2020

Sống trong thành phố Vũ Hán đóng cửa

Vũ Kim Hạnh
15-2-2020
(Trích Nhật ký của nhà văn nữ Phương Phương, sinh năm 1955, do nữ dịch giả Lương Hiền chuyển ngữ)
“… Ngày 12 tháng 2-2020, ngày thứ 21 thành phố đóng cửa. Hơi hoang mang. Đã đóng cửa thành phố chừng đó ngày rồi kia à?
Chúng ta vẫn có thể cười đùa trong các group? Vẫn có thể trêu chọc nhau? Vẫn thảnh thơi bình bầu chọn món? Thật đáng nể.
Tôi nằm trên giường, mở điện thoại di động, thấy đồng nghiệp đăng status mới. Cô ấy khoe chạy được 3km từ phòng bếp ra phòng khách. Nể quá! Vì nó hoàn toàn khác với cảm giác khi chúng ta vừa chạy vừa ngắm cảnh ven hồ. Tôi nghĩ, nếu là mình, chắc chắn sẽ chóng mặt quay cuồng mà ngất mất.
Hôm nay trời rất trong. Xế chiều có ló ra chút nắng, mùa đông bớt ảm đạm hơn.
Lệnh phong tỏa đến từng tiểu khu từ hôm qua. Không ai được ra ngoài. Lệnh phong tỏa này nhằm mục đích cách ly nghiêm ngặt hơn. Bao ngày trôi qua, chứng kiến bao bi kịch, mọi người đều hiểu, và vì thế, đều chấp nhận.
Ai cũng cần ăn cơm, nên cứ cách dăm ba ngày, mỗi hộ được phép cử một người ra ngoài mua thức ăn cho cả nhà trong ít ngày. Vậy nên, mấy bữa nay, người Vũ Hán đều đổ ra đường, chia nhau đi các ngả mua sắm và tích trữ lương thực.
Hôm nay, đồng nghiệp cắt cử ông xã làm “thiên sứ”, ra ngoài mua đồ ăn cho gia đình cô ấy, nhân tiện cũng mua giúp tôi và gia đình Sở Phong mỗi nhà một túi lương thực. Anh ấy còn nhiệt tình ship đến tận cửa.
Tôi thuộc nhóm dễ lây nhiễm, Sở Phong thì đau lưng, khó đi lại. Vì thế chúng tôi trở thành đối tượng được chăm sóc. Trong túi lương thực có đủ thịt, trứng, cánh gà, rau và hoa quả. Trước thời điểm đóng cửa thành phố, nhà tôi chưa bao giờ nhiều đồ ăn đến thế. Tôi vốn ăn ít, chừng này đủ cho tôi dùng trong 3 tháng.
Anh cả của tôi bảo, khu nhà anh ấy sống, người ta chỉ mở một cổng ra vào. Cách ba ngày mỗi hộ được cử một người ra ngoài. Còn ở khu nhà anh út tôi, có một anh chàng shipper, chuyên nhận đơn và đi mua đồ ăn cho các hộ gia đình. Anh út có order anh chàng shipper mua một túi lớn rau cỏ, trứng gà, gia vị, nước khử trùng, và mỳ tôm. Nhờ thế, gia đình anh có thể ở yên trong nhà dăm bảy ngày nữa.
Khu nhà anh út nằm đối diện Bệnh viện Trung tâm (thành phố Vũ Hán), là tiểu khu mà mấy hôm trước bị liệt vào khu vực nguy hiểm nhất. Anh tôi bảo: “Chúng ta phải cố gắng và kiên trì, mong là cuối tháng hai sẽ có chuyển biến tốt”.
Vâng, có lẽ tất cả mọi người đều nguyện cầu như vậy.
Thời điểm gian khó, người thiện lương vẫn rất nhiều. Nhà văn Trương Mạn Lăng từ Vân Nam gửi cho tôi một đoạn clip, quay lại hành trình chị ấy về huyện Doanh Giang quyên góp cứu tế cho Hồ Bắc năm xưa, được gần trăm tấn khoai và gạo. Chị ấy bảo nơi đó là quê hương của “Lễ tế thanh xuân”. “Lễ tế thanh xuân” là bộ phim mà những người thuộc thế hệ tôi đều yêu thích. Vì đó là cuốn nhật ký tuổi thanh xuân của chúng tôi. Tôi tới Vân Nam nhiều lần, nhưng chưa từng ghé Doanh Giang. Giờ thì tôi không thể quên địa danh này.
Tôi vừa ăn cơm vừa lướt mạng. Đa số vẫn là những tin tức cũ. Tin giật gân thì tất nhiên vẫn rất nhiều. Bạn bè nhiệt tình post, share, tô hồng, bôi đen, giăng mắc đủ cả. Điện thoại hết cả dung lượng, tôi đành học theo các đồng chí cảnh sát mạng, delete như vũ bão.
Rất ít tin tức mới. “Tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực. Con virus bất trị có vẻ như đã bắt đầu mệt mỏi. Mặc dù, số ca tử vong không ngừng tăng, nhưng chúng ta sẽ sớm được thấy ánh sáng cuối đường hầm…”
Vậy nhưng, tôi lại thấy bất an.
Tiếng còi cấp cứu đã thưa hơn, nhưng người Vũ Hán cũng đã thôi hài hước.
Điều này cho tôi hai cảm nhận: Một là, mọi thứ đã có trật tự hơn, công tác kiểm soát dịch bệnh đã đi vào quỹ đạo. Chỉ cần gọi cấp cứu là có người chịu đến giúp bạn. Và hai là, người Vũ Hán, dường như đã trở nên trầm tư hơn.
Ở chỗ chúng tôi, thâm tâm ai cũng đều chịu tổn thương. Sự thực này không thể quanh co chối cãi. Dù đó là nhóm người khỏe mạnh đã giam mình trong nhà hơn 20 ngày (gồm trẻ em), hay những người nhiễm bệnh vật lộn trên đường phố giữa trời mưa gió, hay những người còn sống, đăm đắm dõi theo những chiếc xe cà tàng chở từng bao tải đựng xác người thân của mình ra khỏi thành phố, hay những nhân viên y tế bất lực chứng kiến từng bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng.
Vân vân và vân vân.
Những thương tổn này, có lẽ sẽ còn ám ảnh chúng tôi trong nhiều năm tháng nữa. Nếu ngày nào đó dịch bệnh kết thúc, tôi nghĩ Vũ Hán cần rất rất nhiều bác sỹ tâm lý. Nếu được, nên chia từng tốp bác sỹ theo từng tiểu khu, tiến hành điều trị tâm lý cho từng người dân. Chúng tôi cần giải tỏa, cần gào khóc, cần giãi bày, cần an ủi. Hô hào khẩu hiệu không làm vơi bớt nỗi đau của người Vũ Hán.
Tâm trạng của ngày hôm nay, chất chứa nhiều nỗi niềm, tôi đã cố nén nhưng quả thực không hề dễ chịu.
Nhiều thành phố đã cử cán bộ nhân viên đến hỗ trợ các Đài hóa thân ở Vũ Hán. Nhóm tình nguyện giương cao cờ tổ quốc và biểu ngữ, chụp hình lưu niệm rầm rộ, rồi nhiệt thành đăng tải lên mạng xã hội. Họ đông lắm, nhìn mà lay động tâm can, nhưng cũng nổi cả da gà. Cảm ơn họ đến cứu trợ chúng tôi, nhưng cũng xin thưa: Không phải việc gì cũng nên dong cờ đánh trống.
Xin đừng làm chúng tôi sợ.
Chính phủ yêu cầu cán bộ nhân viên của mình về hỗ trợ tuyến dưới là việc tốt. Và tôi cũng tin rất nhiều người trong số họ đã tận tâm tận lực. Nhưng bạn tôi có gửi cho tôi clip ghi lại hình ảnh những người đó, họ giương cao cờ tổ quốc, dàn hàng chụp hình lưu niệm, như thể, họ sắp đến một địa điểm du lịch, mà không phải đến làm việc tại một vùng dịch cực kỳ nghiêm trọng và nhiều khổ nạn. Chụp hình xong, họ xé bỏ quần áo bảo hộ, vứt vào thùng rác ven đường.
Bạn tôi hỏi, họ làm gì vậy? Sao tôi biết được. Tôi nghĩ, có lẽ họ đã quen như vậy. Họ đã quen làm việc gì cũng phải theo nghi lễ, nghi thức, cao giọng biểu dương khen ngợi. Nếu xuống tuyến dưới công tác là việc làm thường xuyên, như hàng ngày họ xách cặp đến cơ quan, thì có cần phải giương cờ gióng trống như vậy không?
Tôi còn chưa viết xong đoạn trên đã lại nhận được một clip khác bạn bè gửi trong group. Càng xem càng thấy nhức nhối. Ở một bệnh viện dã chiến nào đó, hình như có lãnh đạo đến thị sát. Mấy chục người đứng nghiêm trang, trong đó có cả quan chức, nhân viên y tế, và có lẽ cả người bệnh.
Tất cả đều đeo khẩu trang, đứng quay mặt về phía giường bệnh mà bệnh nhân đã nằm kín chỗ, cao giọng hát bài “Không có ĐCS thì không có Trung Quốc đổi mới”. Tuy ai cũng thuộc lời, nhưng có cần hát vang trong phòng bệnh không? Họ có để tâm đến cảm giác của người bệnh không? Đây là bệnh truyền nhiễm kia mà? Bệnh này gây khó thở kia mà?
Vì sao đại dịch ở Hồ Bắc lại ngày càng nghiêm trọng như vậy? Vì sao quan chức Hồ Bắc bị cư dân mạng phỉ báng như vậy? Vì sao các biện pháp của Hồ Bắc lại liên tục mắc sai lầm như vậy? Sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến nhân dân khổ chồng thêm khổ. Đến lúc này mà chưa vị nào chịu tỉnh ngộ ư? Chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhân dân vẫn đang chịu khổ, bao người phải giam mình trong nhà, sao đã vội giương cờ, hát vang, ca tụng?
Tôi còn muốn nói thêm: Khi nào thì cán bộ viên chức bỏ những nghi lễ ra quân rầm rộ kia? Khi nào thì họ thôi chụp ảnh lưu niệm? Khi nào lãnh đạo đi thị sát không cần hát ngợi ca. Khi nào không cần diễn kịch làm màu nữa? Khi ấy, có lẽ chúng ta mới hiểu những điều cơ bản, mới biết thế nào là người thực việc thực.
Bằng không, nỗi khổ của quần chúng biết đến khi nào mới chấm dứt?…”
_____
Một số hình ảnh từ SCMP:
Hình ảnh quen thuộc góc phố Vũ Hán.
Mẹ của BS Lý văn Lượng yêu cầu cảnh sát giải thích vì sao buộc con bà im lặng.
Một nhóm HS ở Vũ Hán yêu cầu chính quyền xin lỗi BS Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét