Nhà văn Doãn Quốc Sĩ .
Nhà
văn Doãn Quốc Sỹ sinh ngày Mùng Hai Tết Quí Hợi, nhằm ngày 17/02/1923.
Từ lâu, ông đã là vị niên trưởng của văn giới Việt Nam. Năm nay, Canh Tý
2020, Ông đã qua 8 con giáp và tròn 97 tuổi vào đúng ngày mùng 2 Tết,
nhà văn ung dung tự tại, có mặt tại các chương trình sinh hoạt văn hóa
nghệ thuật trong cộng đồng. Nhà văn Phan Tấn Hải đã viết hai câu đối
kính tặng vị niên trưởng:“Mang gươm giới định huệ, đi cùng trời cuối đất
Phá trận tham sân si, viết để giữ ngọc gìn vàng.”
Ông sinh ra vào ngày 17/02/1923 tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội. Năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.
Năm 1954, ông bà di cư vào miền Nam.
Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song: nhà văn và nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp”. Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952); Chu Văn An (Hà Nội); Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn, 1961-1962); Trường Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961). Từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).
Với cương vị nhà văn, ông là đồng sáng lập viên nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên vào năm 1956, cùng với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, mà ông vẫn gọi là “Thất Tinh”. Ông cũng có những bài viết được đăng trên những tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật…
Sau ngày Miền Nam thất thủ 30/04/1975, vào tháng Tư năm 1976, Doãn Quốc Sỹ cùng nhiều nhà văn miền Nam khác bị bắt đi tù cải tạo. Ông bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 km, cùng với nhiều văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Choé. Đến năm 1980, ông được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển Đi được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng Năm năm 1984, chỉ trước ngày đi Úc vài tháng, cùng với một số văn nghệ sĩ khác như Duy Trác, Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù. Ông mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.
Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Hiện nay đang sống tại Quận Cam, California. (Tiểu sử: www.doanquocsy.com)
Ngày 26 tháng Giêng Tây năm 2020 (Mồng Hai Tết Canh Tý) là sinh nhật thứ 97 của ông. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được ông tiếp chuyện trong một buổi chuyện trò thân mật mà nội dung xin ghi lại dưới đây.
☺✌❤
Việt Báo (VB): Sang tuổi 97 mà ông vẫn còn khỏe mạnh, an lạc. Ông có thể nói về bí quyết sống thọ, giữ cho thân an, tâm lạc?
Doãn Quốc Sỹ (DQS): Bí quyết của tôi thật đơn giản: nếp sống thiền. Tức là giữ cho tâm thanh thản, xem mọi chuyện nhẹ nhàng. Mỗi ngày tôi làm vườn, cắt vụn cây lá cành đã bỏ để tái sinh ngay trong vườn. Làm vậy để tập thể dục, mà cũng với niềm vui tinh thần là đang “dọn dẹp nội tâm”. Tôi giúp cho cây lá tái sinh, và tin rằng sau này mình cũng sẽ tái sinh an lành.
VB: Cũng trong bộ tiểu thuyết Khu Rừng Lau, ông viết một câu với nhiều tâm huyết như sau: “Cách giữ nước hiệu nghiệm là phải phát triển ngay khu rừng văn hóa. Quân địch không thể giẫm lên khu rừng này mà chiếm được đất. Quân địch cũng không thể san phẳng khu rừng, vì nó bắt rễ tự trong tim óc của con người, chặt đi, lập tức với cảnh máu đào xương trắng, nó lại mọc lên xanh tốt hơn bao giờ hết.” Xin hỏi, ở hoàn cảnh của chúng ta hiện thời, khu rừng văn hóa ấy vẫn là một yêu cầu bức thiết hay không, và con đường chúng ta theo đuổi để xây đắp khu rừng ấy là gì?
DQS: Có nhiều khi đọc lại Khu Rừng Lau, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể hoàn tất được bộ tiểu thuyết ngàn trang này. Tôi nhớ là vào thời đó, có khi tôi ngồi viết như người lên đồng, viết giống như có ông bà tổ tiên nhập vào vậy. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ được Trời cho năng khiếu sử dụng ngòi bút của mình. Còn lại, tôi viết như theo lời nhắn nhủ siêu hình của tổ tiên, viết theo hồn thiêng dân tộc để phục vụ tổ quốc.
VB: Với gần một thế kỷ đời người, trải qua những biến động lịch sử khốc liệt nhất của đất nước, dân tộc, trong tư cách một nhà văn, một chứng nhân lịch sử, ông có lời nhắn nhủ gì cho những thế hệ mai sau?
DQS: Hãy luôn luôn yêu nước, thương nòi. Hãy luôn luôn nuôi dưỡng tình thương yêu. Có được căn bản này, thế hệ trẻ sẽ luôn hành động vững chãi theo luân lý truyền thống của dân tộc.
* DQS tranh của HS.Chóe |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét