Hiệp định Mê Kông 1995 dường như đã cho thấy rõ “sự bất lực” trong bảo vệ dòng Mê Kông, khi thực tế Lào vẫn đang tiếp tục tiến tới xây đập thủy thứ ba Pak Beng sau Don Sahong và Xayabury. Vậy Công ước Liên Hợp Quốc về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia vừa có hiệu lực vào tháng 8.2014 liệu có phải là một hi vọng cứu vãn và bảo vệ dòng sông này?
Tại hội thảo “Thủy điện Mê Kông: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do tổ chức PanNature tổ chức tại An Giang ngày 10.11, TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ cho biết: đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay đã và đang phải đối mặt với một mùa khô kéo dài và mực nước thấp chỉ còn 65-70% so với năm 2013, 2014 vào mùa mưa.
Điều này kéo theo nhiều thiệt hại trong nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên và nuôi trồng, xâm nhập mặn vào sâu hơn. Ông nhận định, trong tình hình này, khi các đập trên dòng Mê Kông đi vào hoạt động, chắc chắn mực nước của ĐBSCL sẽ còn thấp hơn nhiều, có thể 30-50% nếu rơi vào mùa khô kéo dài như năm nay...
Sôi nổi xây thủy điện trên dòng Mê Kông
Theo các nhà khoa học, các dự án phát triển thủy điện, chuyển nước qua lưu vực khác, mở rộng các hệ thống thủy nông và khu công nghiệp dọc sông là mối đe dọa mất cân đối nguồn nước, suy giảm nguồn cá, phù sa và hệ sinh thái ĐBSCL. Tính toán, việc phát triển thủy điện thượng lưu sông Mê Kông, chỉ tính riêng đến tổn thất thủy sản tự nhiên với Việt Nam, đã mất khoảng 222-440 ngàn tấn/năm (chỉ riêng cá trắng, di cư theo mùa), tức khoảng 500-1000 triệu USD/năm. Chưa kể là mất lượng phù sa có vai trò kiến tạo đồng bằng, thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu kéo theo thay đổi môi trường lưu vực sông,...
Trong khi đó, ĐBSCL phụ thuộc 95% nguồn nước quốc tế, trong khi đây là vùng sử dụng nhiều nước nhất, tỷ lệ lưu trữ nhỏ nhất, mật độ dân số cao nhất và có số hộ nghèo cao thứ hai trong cả nước.
Còn đối với Campuchia, việc phát triển thủy điện trên thượng nguồn còn là vấn đề an ninh quốc gia. Năm 2013, chính phủ nước này đã cảnh báo, nếu toàn bộ 11 con đập trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng, sản lượng cá tính theo đầu người đến năm 2030 của Campuchia sẽ giảm khoảng 50%, trong khi cá hiện cung cấp tới 70% lượng protein trong chế độ dinh dưỡng của quốc gia này.
Trong khi đó, thực tế hàng loạt hoạt động kí kết, xây dựng thủy điện đã và đang diễn ra sôi nổi trên dòng sông Mê Kông. Cho tới nay Trung Quốc đã có 6 thủy điện hoạt động trên dòng chính thượng nguồn Mê Kông với tổng công suất là 15.300 MW (trong tổng 15 thủy điện dự kiến tại đây với tổng công suất là 22.860 MW – tức khai thác hết tiềm năng thủy điện). Còn trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông, kế hoạch có 11 thủy điện được xây dựng, trong đó đã có Xayabury đang Lào được xây dựng, Don Sahong bắt đầu được xây dựng, và Pak Peng đang chuẩn bị tiến hành. Tất cả đều được thực hiện qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác Mê Kông.
Chưa kể, với nguồn thủy điện dòng nhánh sông Mê Kông, Thái Lan đã khai thác gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện thuộc Thái Lan; Lào đã và đang xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện lớn, trung bình thuộc lãnh thổ Lào; Việt Nam cũng đã đồng loạt khởi công một nhà máy thủy điện lớn trên song Sê San và Sêrêpôk (là sông nhánh thuộc lưu vực Mê Kông).
bản đồ thủy điện trên dòng Mekong. Ảnh: TL
Triển vọng mới cho dòng Mê Kông?
Hiệp định Mê Kông 1995 được xem như là một cơ sở kiểm soát bảo vệ dòng Mê Kông, với chỉ có 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tham gia; Trung quốc và Myanmar đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên thực tế, Hiệp định này chỉ đặt ra tinh thần hợp tác dựa trên thiện chí chứ không có ràng buộc quốc gia, vai trò của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) bị hạn chế. Câu chuyện thất bại với Don Sahong là một ví dụ, khi dù Lào chấp thuận thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA), nhưng dù kết quả không được các nước đồng thuận, thì Lào vẫn tiến hành xây dựng Don Sahong!
Khi tốc độ phát triển gia tăng, kinh tế phát triển, và sông Mê Kông bị khai thác thì nhu cầu có một cơ chế hợp tác rõ ràng và có ràng buộc pháp lý sẽ ngày càng lớn. Công ước Liên hợp quốc về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thuỷ (gọi tắt là Công ước) được xem là một cơ hội và triển vọng. Mất 20 năm chuẩn bị bản thảo, đến năm 2007 Công ước này mới được Liên Hợp Quốc thông qua; và mãi đến tháng 8.2014 Công ước mới có hiệu lực, sau khi Việt Nam trở thành nước thứ 35 thông qua Công ước.
Công ước này đã hệ thống hóa các thực tiễn kinh nghiệm hiệu quả trong luật tài nguyên nước quốc tế, được biên soạn đặc biệt nhằm bổ sung và hạn chế những bất cập trong các hiệp định lưu vực hiện có như Hiệp định Mê Kông.
Thực tế là, Công ước này có thể củng cố và cải thiện Hiệp định Mê Kông, tạo ra những cơ hội mới để loại bỏ và giảm thiểu những tác động bất lợi đáng kể từ việc phát triển đập. Trong vấn đề phát triển đập và các dự án tiềm ẩn tác động xuyên biên giới, không giống như Hiệp định Mê Kông, Công ước xác định rõ quyền và trách nhiệm của cả hai bên.
Theo đó, nếu sau 6 tháng các bên không đạt được thỏa thuận, Công ước sẽ yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nhằm cung cấp các thông tin khách quan về dự án đề xuất. Nếu không thể đạt đến thỏa thuận, tranh chấp sẽ được chuyển tới Tòa án Công lý Quốc tế tại La Hay. Đồng thời, Công ước cũng đảm bảo rằng đơn vị đề xuất sẽ không khởi công xây dựng cho đến khi đạt được thỏa thuận. (Triển khai xây dựng trước khi hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường là thực trạng phổ biến tại khu vực Mê Kông.)
Công ước cũng áp dụng cho toàn bộ hệ thống sông, gồm cả dòng nhánh chứ không chỉ riêng dòng chính.
Một khác biệt quan trọng nữa là, trong khi Hiệp định Mê Kông đặt nghĩa vụ giải trình lên vai những người chịu thiệt hại, Công ước lại đặt nghĩa vụ này lên bên đề xuất dự án.
Tuy nhiên ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc PanNature cho biết, với thực tế chỉ mới có 35 quốc gia tham gia, Công ước cũng chỉ mới nằm trong phạm vi giải quyết vấn đề giữa 35 nước. Để Công ước trở thành luật quốc tế cho mọi quốc gia, kể cả những quốc gia không tham gia Công ước, chỉ khi có nhiều quốc gia tham gia hơn. Vì vậy, trong khu vực Mê Kông, với thực tế Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mianmar, Thái Lan hiện đều chưa thông qua Công ước, nghiên cứu của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đề xuất, tất cả các quốc gia ở hạ lưu Mê Kông, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia cần thông qua Công ước, như Việt Nam đã làm vào năm 2014. (Và tương lai Trung Quốc và Mianmar cũng có thể làm theo).
Việc đồng ký kết thông qua này sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý chung được quốc tế công nhận, và có các nguyên tắc và quy trình thủ tục ràng buộc theo luật tập tục quốc tế, đặc biệt các quốc gia ở hạ lưu Mê Kông, thông qua MRC có thể sử dụng các quy định liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trong đàm phán với các quốc gia ở Thượng nguồn Mê Kông!
Lê Quỳnh