17 thg 11, 2016

Tây Hồi - A Phú Hản *: Ngày Trở Về Của Sharbat Gula -



FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần 
Thứ Hai 14/11/2016

(ảnh 1 :Shatbat Gula trên bìa TC.Nat.GEO 1984 )
(ảnh 2 :TT.Asraf Ghani đón gia đình cô tại Afghanistan 2016 )
   
    Người đàn bà A Phú Hản, mà tấm hình của cô, đã có lần được in trên trang bìa của tờ nguyệt san “National Geographic” khi còn là đứa con gái 12 tuổi, có đôi mắt màu xanh mắt mèo, đã bị bắt về tội dùng giấy tờ giả mạo, để sống ở Tây Hồi.
    Năm ngoái, báo chí Tây Hồi cho đăng, tấm hình giấy căn cước làm bằng máy điện toán của Sharbat Gula, thứ giấy bất hợp pháp mà cô ta không thể có được trong tư cách một người ngoại quốc, nhưng hôm thứ tư tuần rồi, văn phòng “Điều Tra Liên Bang Tây Hồi” đã bắt giữ Gula sau một thời gian dài điều tra. Shahid Ilyas, nhân viên của cơ quan “Đăng Bộ Dữ kiện Quốc gia” nói rằng Gula, có thể bị xử án 14 năm tù và phạt số tiền lên tới 5000 Mỹ kim, nếu bị kết tội, họ cũng đang tìm bắt ba sĩ quan cảnh sát, được cho là đã giúp cô này có giấy căn cước Tây Hồi vào tháng 4 năm 2014. Tấm hình của Gula đăng trên trang bìa tờ National Geographic, được chụp bởi nhiếp ảnh viên Steve McCurry năm 1984 tại một trại tỵ nạn ở Tây Hồi, nó đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho sự kình chống giữa quân kháng chiến A Phú Hản “mujahideen” và lực lượng chiếm đóng Nga Sô. Hàng triệu người A Phú Hản đã bỏ nhà cửa trốn chạy chiến tranh và rất nhiều không bao giờ trở lại đất nước này, họ bắt tay làm ăn buôn bán, tạo dựng lại cuộc sống mới trên đất Tây Hồi, hiện nay, ở đây có hơn 2.5 triệu người nhưng người A Phú Hản không còn được Tây Hồi hoan nghênh, đón nhận nữa vì cho rằng, cộng đồng A Phú Hản là nhóm đã gây nên tội phạm và khủng bố bạo động.
    Vụ thảm sát do nhóm quân “Taliban Tây Hồi”, giết chết hơn 130 học sinh ở Peshawa năm 2014, đã buộc chánh phủ nước này thi hành “kế hoạch hành động quốc gia”, kế hoạch cho hồi hương tất cả những người tỵ nạn A Phú Hản, mặc dù trên bằng chứng, không có người nào liên can hay dính líu gì tới vụ tấn công đó. Gula chỉ là một trong những nạn nhân, bị xếp tên vào chính sách hồi hương này, theo chính quyền Tây Hồi, họ đã tìm thấy 60.675 giấy căn cước giả, được cấp phát cho người ngoại quốc, người ta cũng biết thêm rằng, trong tháng 5 năm nay, cựu thủ lãnh Taliban, Mullah Akhtar Mansoor, đã dùng loại giấy giả này, đi lại khắp nơi trên đất Tây Hồi, trước khi bị “phi cơ không người” của Hoa kỳ bắn chết. Năm nay con số người A Phú Hản hồi hương về nước tăng lên đáng kể, sau khi có sự lùng kiếm của Tây Hồi và sự trợ giúp tài chánh từ LHQ nhiều hơn cho họ nếu trở về. Hơn 350 ngàn đã hồi hương, con số này đã làm cho chính quyền A Phú Hản khốn đốn không ít, rất nhiều người trở về là những người còn trẻ, sinh ra trên đất Tây Hồi và chưa bao giờ sống ở A Phú Hản trước đây. Tại Tây Hồi, hiện các trương mục ngân hàng và điện thoại di động của người A Phú Hản, không có giấy tờ hợp lệ đã bị cắt bỏ và đã có tin cho biết, cảnh sát Tây Hồi thừa dịp này tìm cách tống tiền các người tỵ nạn như trên. Từ năm 2009, Tây Hồi đã cho dời lại ngày “thời hạn cuối cùng” nhiều lần, để người tỵ nạn hồi hương nhưng có tin đồn là, ngày đó sẽ vào tháng ba năm 2017.
    Ba thập niên trước, theo lời Steve Mc Curry, tấm hình ông chụp Sharbat Gula, đã trở thành nổi tiếng như là một biểu tượng của định mạng và lòng kiên quyết nhưng giờ thì, chính quyền Tây Hồi dùng hình ảnh đó, để gây lan rộng sự sợ hãi trong cộng đồng người tỵ nạn A Phú Hản.  Hình của Gula nói lên, sự đau khổ mà người dân A Phú Hản phải chịu đựng trong cuộc chiến giữa Nga Sô và kháng chiến quân do Hoa Kỳ hậu thuẩn của những năm 1980. Nga Sô rút đi năm 1989, bỏ lại sau lưng sự sụp đổ của chính quyền Kabul lúc bấy giờ, và cuộc nội chiến của những năm sau đó cho tới khi quân hồi giáo cực đoan Taliban chiếm được quyền hành giữa 1990. Sau khi Taliban thua trận, rút bỏ Kabul, năm 2001, tờ “National Geographic” cử nhiếp ảnh viên Steve MacCurry trở lại tìm người con gái trong hình, và họ đã nhận ra là cô Gula, Gula hiện đang sống tại một nơi ở vùng phía tây bắc thành phố Peshawa nhiều năm qua với chồng và các con, người chồng mất năm năm trước đây. Người đàn bà A Phú Hản, xuất hiện trên trang bìa tạp chí “National Geographic” năm mới vừa 12 tuổi sẽ bị trả về nước, nơi mà cô đã trốn chạy để tìm sự sống hơn mấy thập niên trước, sau khi một tòa án Tây Hồi ra lệnh trục xuất. Cô bị buộc tội dùng giấy tờ giả mạo sau hơn hai năm điều tra của Tây Hồi, là một trong hàng ngàn người tỵ nạn khác có cùng hoàn cảnh.
    Gula bị kết án hôm thứ sáu tuần rồi, luật sư của cô nói rằng, tòa đã ra án lệnh xử cô 15 ngày tù ở và số tiền phạt 110 ngàn tiền “rupee”, khoảng 1319 đồng tiền Anh, cô đã ở tù được 11 ngày, họ yêu cầu cô được thả ra vì những lý do nhân đạo. Nhân viên tòa lảnh sự A Phú Hản tại Peshawa, cho biết số tiền phạt đã đóng xong và cô xem như sẽ được trả tự do ngày thứ hai này, bốn người con của cô, đồng thời, cũng sẽ trở về nước, cô Gula hiện mắc bệnh viêm gan loại C. Được biết, sau 17 năm tìm kiếm, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đã tìm thấy Gula, tại một cái làng hẻo lánh ở A Phú Hản năm 2002, nơi đó cô lập gia đình với một người thợ làm bánh mì và có ba đứa con gái, nhân viên Tây Hồi nói rằng, cô làm giấy căn cước giả ở Peshawa năm 2014. Số phận của Gula đã gây ra cơn sốt tìm kiếm giấy tờ bằng đủ phương cách, để ở lại Tây Hồi trong tuyệt vọng của nhiều người tỵ nạn A Phú Hản, tránh bị bắt phải hồi hương, một khi chính quyền Tây Hồi tuyên bố sẽ không khoan nhượng, đối với các người ngoại quốc sống trên nước họ, không có giấy tờ hợp lệ hợp pháp.
    Tây Hồi trong suốt những năm qua, đã là nơi tạm lánh nạn an lành cho hàng triệu người A Phú Hản, sau ngày Nga sô đổ quân xâm lăng nước này năm 1979 nhưng từ tháng 7 năm ngoái, hàng trăm ngàn người tỵ nạn A Phú Hản đã tự nguyện trở về nguyên quán, tháng rồi, Cao ủy Tỵ Nạn LHQ cho biết, có hơn 350 ngàn người tỵ nạn có giấy tờ hợp lệ cũng như không hợp lệ đã hồi hương trong năm 2016, LHQ ước đoán sẽ có khoảng 450 ngàn người nữa như vậy tới cuối năm nay.
    Tổng thống A Phú Hản, Ashraf Ghani, trong tuần này đã đón mừng, Sharbat Gula, người có đôi mắt màu xanh, được thế giới gọi là “Người con gái A Phú Hản”, mà tạp chí “National Geographic” in trên trang bìa năm 1985, trở lại quê hương, sau khi bị chính quyền Tây Hồi buộc phải hồi hương. Nhân viên công lực Tây Hồi, áp giải Gula trong đêm, từ một bệnh viện ở Peshawa, nơi cô tạm ngụ kể từ khi bị bắt tháng rồi, trao lại cho nhân viên A Phú Hản tại chốt biên giới Torkham. Tổng thống A Phú Hản tuyên bố ông rất vui mừng chào đón Gula trở lại đất mẹ mến yêu, nhưng đứng bên cạnh ông, trong phòng khánh tiết phủ tổng thống, Gula xem ra không có vẻ gì xúc động hay hân hoan trên mặt trong suốt buổi lễ tiếp nhận ở Kabul. Chính quyền A Phú Hản hứa sẽ cung cấp cho gia đìng Gula một căn chung cư với đầy đủ bàn ghế tù giường để cô làm lại cuộc đời tốt đẹp và an toàn hơn tại quê nhà. Gula kéo nhẹ chiếc áo chùng dài che kín người màu xanh dương xuống, để lộ khuôn mặt ra ngoài, lặng thinh, không nói lời gì, mấy đứa con cũng có mặt bên cạnh, nhìn quanh ngơ ngác.
    Cuối cùng, đôi mắt màu xanh mắt mèo không hồn của đứa con gái 12 tuổi, trên tấm hình trang bìa tạp chí “National Geographic”  năm 1985, tấm hình đã có một thời gây bàng hoàng xúc động trên thế giới không ít, một lần nữa, mấy chục năm sau, cũng đôi mắt đó, người đàn bà tên Sharbat Gula, hờ hững nhìn ra xa, ngoài kia khung cửa, cái nhìn cho người ta nhận ra rằng, hình như dòng định mệnh nghiệt ngã của đời người , vẫn còn ám ảnh và vướng mắc đâu đó trong ánh mắt này.

Thuyên Huy
Mon14.11.2016
   
*Tây Hồi: Pakistan.
A Phú Hãn: Afghanistan   
   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét