Đi học về, thấy mẹ đang nấu cơm, tôi
nói: "Mẹ, ngày mai là hạn chót đóng học phí rồi đấy, nếu không có tiền con
sẽ nghĩ học, cô giáo nhắc nhỡ lần thứ ba rồi, con không muốn thứ 2 chào cờ bị
đọc tên". Mẹ tôi ngập ngừng một lát rồi nói: "phải qua tháng mẹ bán
lợn mới có tiền, giờ trong nhà đâu còn đồng nào". Nhìn ánh mắt mẹ, tôi
hiểu sự khó khăn của bà. Bởi, sau tôi còn ba đứa em, chúng cũng đang cần tiền
đóng học. Tuy khoản tiền đóng góp thời ấy không lớn, nhưng đó là cả vấn đề đối
với gia đình nghèo, đông con ở nông thôn như chúng tôi. Việc bị nêu tên hàng
ngày trên lớp, thứ hai đọc tên trước toàn trường chỉ vì chưa có tiền đóng học
là điều đáng sợ và ám ảnh. Nó giống như một dạng đấu tố, là sự tra tấn tinh
thần khủng khiếp với bất kỳ đứa trẻ nào - Đó là câu chuyện của tôi, thế hệ 8x.
Và hôm nay, câu chuyện tương tự
trong quá khứ của tôi lại đang tái diễn ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà
Tĩnh) - Bêu tên học sinh trên loa phóng thanh xã vì phụ huynh không đóng phí.
Dù với bất cứ lý do nào thì việc nêu
tên học sinh thông qua hệ thống loa xã như vậy là một sự dã man, vô đạo. Tôi
chắc rằng việc này không phải chỉ có ở Hà Tĩnh, trên đất nước có nhiều nơi như
thế.
Theo báo dân trí, đầu năm học
2016-2017, trường tiểu học xã Cẩm Thăng đã thu các khoản tiền bắt buộc đối với
mỗi em là 1.543.000đ/em. Nhưng học được hơn một tháng, xã lại thông báo phải
đóng thêm số tiền xây dựng phòng đa chức năng 631.000đ/em và phải đóng trong
vòng 3 năm liên tiếp, từ 2016 đến 2018. Trước khoản đóng đậu quá cao, phụ huynh
không đồng tình, chính quyền xã Cẩm Thăng đã bêu tên học sinh ngày hai lần trên
hệ thống loa phóng thanh của xã nhằm gây áp lực để tận thu. Vì đâu có chuyện
như vậy ? ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã cho biết, vì áp lực nợ nần,
khoản nợ 7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới chưa có nguồn để trả, thì công trình
này (nhà học đa chức năng) do xã làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 3,2 tỷ đồng,
hiện mới lo được hơn 1,6 tỷ. Công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, xã không
có nguồn gì thêm, nên phải huy động sức đóng góp của người dân để trả nợ.
Nguồn cơn của câu chuyện trên là do
nợ nần từ việc xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã "túng quẫn" nên
làm liều. Khi xây dựng công trình xã không hỏi ý kiến dân, nhưng đến lúc gặp
khó khăn về tiền bạc lại bắt người dân gánh chịu. Và nếu tự nhiên đi thu thì
chẳng ai chịu nộp, vì vậy mới chọn "hạ sách" nhằm vào học sinh, để
gây áp lực phụ huynh. Buộc họ phải đóng tiền nếu muốn con em mình đi học.
Đúng là, trăm dâu đổ đầu tằm:
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có cái
chế độ nào lạ như chế độ này, cứ hết tiền là lôi dân ra thịt. Cho dù con cừu có
nhiều lông cỡ nào vặt mãi nó cũng trụi. Trung ương thì thu thuế, địa phương thì
các khoản đóng góp, nhà trường cũng vẽ ra nhiều khoản để thu. Thật chưa thời
nào người dân lại khổ như thời nay. Trình bày không ai nghe, kêu than ai thấu,
kiện tụng không ai giải quyết. Biểu tình phản đối thì bị vu là chống chế độ, bị
đàn áp. Hết nói nổi.
Lúc nào cũng ca ngợi chế độ ta là
chế độ ưu việt, tốt đẹp hơn chế độ tư bản giãy chết. Nhưng tại sao học sinh xứ
giãy chết kia đi học không phải đóng học phí, trong khi ở xưa ta đi học phải
đóng nhiều khoản, phí như vậy? Chế độ Triều Tiên khắc nhiệt như vậy, nhưng ít
ra giáo dục của họ miễn phí hoàn toàn.
Mái trường XHCN không còn vì con
người như bản chất ban đầu của nó "học tập bắt buộc và miễn phí". Ở
Việt Nam đã từng có chế độ giáo dục miễn phí, nhưng giờ nó đã bị bãi bỏ, đây là
bước thụt lùi của nền giáo dục. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 điều quy định
giáo dục bắt buộc, miễn phí. Nhưng đến Hiến pháp năm 1992 đã có sự thay đổi,
chỉ còn cấp tiểu học là miễn phí - Điều 59: "Học tập là quyền và nghĩa vụ
của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí". Đến Hiến
pháp năm 2013, chế độ giáo dục bắt buộc không còn nữa - Điều 39: Công dân có
quyền và nghĩa vụ học tập. Và hiện nay cũng chỉ có giáo dục cấp tiểu học mới
được miễn học phí (trường công lập). Nhưng các khoảng đóng góp khác thì muôn
hình vạn trạng, kinh thưa các kiểu, còn nhiều tiền hơn gấp nhiều lần học phí.
Việc lạm thu bắt đầu từ khi có chủ
trương xã hội hóa giáo dục. Các trường lợi dụng khe hở pháp lý để trục lợi.
Có thể nói chưa có thời kỳ nào người
đi học phải trả nhiều tiền như hiện nay. Đánh vào tâm lý phụ huynh, nếu không
đóng hoặc có ý kiến sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con mình nên đành
"bấm bụng" đóng cho xong, nhà trường đã vẽ ra đủ các khoảng thu trên
trời dưới đất để moi tiền.
Những câu chuyện lạm thu ở các
trường học không thiếu xã hội này: Tại Trường THPT Quang Trung (Quảng Trạch,
Quảng Bình) học sinh phải đóng gần 2,6 triệu đồng cho 25 khoản thu. Trường tiểu
học Võ Thị Sáu (Q.7, TP.HCM) khoản thu của lớp 1 với 45 học sinh trường này có
giá trị gần 150 triệu đồng. Khoản phí 8 triệu đồng của học sinh lớp 1 trường
Tiểu học Pascal, Cổ Nhuế (Từ Liêm Hà Nội). Trường Tiểu học (Q.5) khoản đóng đầu
năm 3,5 triệu đồng trên một học sinh. Chưa hết tại lớp lá của một trường mầm
non tư thục quận Gò Vấp (TP HCM) tổng số tiền học sinh phải đóng lên đến trên 6
triệu đồng. Và ở Trường Tiểu học thị trấn Sông Đốc 5 (thị trấn Sông Đốc, huyện
Trần Văn Thời, Cà Mau) nhiều học sinh không được nhận vào học vì không có tiền
đóng phí, trong khi bản thân họ cũng không rõ là phí gì...
Đấy, chế độ giáo dục nước ta ưu việt
như thế, hơn vạn lần tư bản là vậy.
Ngay từ giáo dục đã bất công, gian
dối, sặc mùi tiền thì nói sao đạo đức xã hội không xuống cấp cho được. Với
những tiêu cực từ nền móng như vậy thì lấy gì để xây dựng con người xã hội chủ
nghĩa?
Định An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét