6 thg 11, 2016

Chuyện Trên Chuyến Xe Buýt (VNTB)



Tôn Phi (VNTB) Một ngày nọ, cách đây không lâu lắm, tôi đi xe buýt về phòng trọ. Trên chuyến xe buýt ấy, tôi đã gặp một câu chuyện nhức nhối. Hai nhân viên xe buýt gồm tài xế và tiếp viên cãi nhau tơi tả với một bà già, căng thẳng suốt hơn một tiếng đồng hồ. 

Chuyến xe buýt ấy số 30, đi từ đại học Quốc Tế, qua Công viên Lê Thị Riêng rồi hướng về bến xe quận 8. Người lên xe chủ yếu là sinh viên. Một bà già cũng lên xe, ngồi ở hàng ghế phía sau. Nữ tiếp viên xe buýt đi lên những hàng ghế phía trên bán vé. Sau đó chị lại đi xuống những hàng ghế phía dưới. Khi đi đi lại lại, ai giơ tiền ra thì chị rút vé ra đưa lại. 

Thường thường, người nào chưa mua vé thì ngước mắt nhìn về phía tiếp viên xe buýt, rút tiền ra đợi tiếp viên đến là đưa tiền và nhận vé ngay. Làm lâu rồi trở thành kỹ năng, tiếp viên xe buýt không cần hỏi, chỉ cần liếc qua cũng biết ai chưa mua vé, ai mua rồi. Khi tiếp viên đến một hàng ghế, người nào nhìn về phía tiếp viên thì là người chuẩn bị mua vé, người không nhìn nghĩa là đã mua rồi. 

Bác tài đòi bà già xuống xe nhưng bà không chịu. Ảnh: Tôn Phi
Nhưng cũng vì tiếp viên xe buýt làm theo kinh nghiệm nên thỉnh thoảng có người khách trốn được vé xe buýt. Họ lên xe buýt, thấy xe đông người, khi tiếp viên nhìn họ thì họ đã nhìn sẵn sang nơi khác để tiếp viên tưởng rằng họ đã mua vé. Qúa đông người lên xe, ở cả hai cửa trước và sau xe buýt, cho nên tiếp viên không còn có thể nhớ được ai đã mua vé, ai chưa. Số tiền vé thu được vì mấy người trốn vé nên thâm hụt so với số khách . Công ty chủ quản xe buýt biết được điều này, để tránh mất tiền nên họ phạt rất nặng những tiếp viên phát thiếu vé: mỗi lần phát thiếu 1 vé thì người tiếp viên sẽ bị phạt 6 triệu đồng. Thành ra các tiếp viên xe buýt phải cảnh giác hết sức có thể để không sót một khách mà không có vé. 

Lúc bà già lên xe thì lẫn lộn với nhiều sinh viên lên xe buýt chen nhau ở hai cửa, khi lên xe rồi bà già ngồi lặng im. Nữ tiếp viên thấy bà già không động đậy, nghĩ là bà già đã mua vé rồi nên không hỏi. Sau khi phát vé và thu xong tiền của những sinh viên ngồi phía dưới, nữ tiếp viên đi đến giữa xe. Đếm số vé đã xé ra khỏi tập, chị thấy ít hơn một so với số người đã lên xe. Chị đoán ra là bà già chưa mua vé. Chị tức tốc đi về phía dưới và hỏi bà già:

- Bà mua vé chưa?

Bà già rút tiền ra mua vé. Sau khi nhận tiền và xé vé đưa cho bà già, chị tiếp viên lẩm bẩm thành tiếng ai cũng nghe thấy:

- Không nhắc là không mua vé. 

Bà già thấy mình bị xúc phạm, như thể chị kia có ý chửi bà là người cố tình trốn vé. Bà già nói vào mặt chị tiếp viên:

- Cô không hỏi thì ai biết mà đưa tiền?

Chị tiếp viên vẫn lằm bằm:

- Có biết một vé người ta phạt bao nhiêu không? Sót một vé là 6 triệu đấy.

- Mày nói tao trốn vé hả con kia? Đồ mất dạy!

Cả xe nghe rõ từ “mất dạy”. Chị tiếp viên đảm bảo điều đó rồi, nói với bác tài xế, giọng đầy bực tức pha lẫn giận dỗi:

- Em không bán vé nữa. Bây giờ em gọi điện báo cho công ty .

Chị rút điện thoại ra, gọi điện cho công ty thật. Chị kêu rằng mình bị bà khách chửi là mất dạy như thế, công ty phải giải quyết. Xong rồi nghe chỉ đạo đâu đấy, chị báo với cả xe:

- Bây giờ tôi trả lại tiền vé cho bà. Bây giờ đến trạm dừng tiếp theo yêu cầu bà xuống. 

Rồi chị rút từ tập tiền ra 6000 tiền lẻ, đi xuống chỗ bà già , đưa cho bà già để bà xuống xe. Bà già không chịu: 

- Tôi không xuống .

- Bà không xuống thì xe sẽ dừng lại. Người của công ty sắp đến cử để đưa bà xuống. 

Hai bên cãi cọ, không ai chịu ai. Cơn mưa nặng hạt nãy giờ bỗng dưng tạnh hẳn. Bà già nhìn vào mặt chị tiếp viên, chị tiếp viên cũng nhìn chằm chằm vào bà già, hai bên đều tỏ ra tức tối. Chú tài xế vừa lái xe vừa nói vọng xuống:

- Bà ơi, bà phải xuống xe theo quy định. Để cả xe dừng vì mỗi bà thì không hay.

Lúc này có mấy cậu sinh viên cũng nói với bà già, bảo là bà già xuống khỏi mất thời gian đợi của các hành khách còn lại ( thực ra chủ yếu là để khỏi mất thời gian của chính anh ta). Bà già mặc kệ, ngồi vững vàng tại chỗ. 

Sinh viên sốt ruột bỏ xuống xe. Ảnh: Tôn Phi 
Chiếc xe buýt chạy tới điểm dừng kế tiếp ở gần Cocacola trên xa lộ Hà Nội. Bác tài xế đạp phanh, đi xuống dỗ dành để bà già xuống xe. Một ông già ngồi ở hàng ghế phía trên ngoảnh cổ về hàng ghế phía dưới, nài nỉ bà già xuống đi kẻo cả xe phải đợi. Bà già càng ngồi không nhúc nhích, không nói một lời. Hẳn bà biết là không ai dám dùng vũ lực để bốc người già giữa đường. Đã qua 2 phút, rồi 3 phút trôi qua. Mọi người trở nên nóng ruột. Những sinh viên lên xe từ bến xe buýt đại học Quốc Tế thấy không biết bao giờ mới xong nên rủ nhau xuống xe. Sinh viên xuống xe để đón xe khác, cũng số 30 nhưng đến sau. Tuy nhiên thời gian giãn cách giữa hai xe buýt cùng một tuyến là 15 phút. 

Bác tài xe buýt bắt đầu thấy kế hoạch của chị tiếp viên bất thành. Bác đâm ra bối rối. Nhìn ra cửa sổ , sinh viên ngồi ở điểm chờ đang la ó vì vừa mất tiền xe, vừa mất thời gian. Rồi 5 phút đã trôi qua, trong khi đó, luật không cho xe bốn chỗ dừng quá 3 phút. Nếu để cảnh sát giao thông lại giải quyết thì cũng không hay, mà đằng sau hàng các xe buýt khác cũng bấm còi đòi trạm để trả khách. Bác tài xế lần nữa năn nỉ bà già xuống xe, nhưng bà già đắc thắng không nghe lời. Chị tiếp viên thì cổ ngửa xiên lên trời, tỏ ý muốn đấu tới cùng. Những người còn lại trên xe, kể cả hai nhân viên công ty xe buýt, hết thảy đều cảm thấy phiền hà hết nói. Ngồi trong xe buýt không chạy mà xe rung, ai cũng mệt mỏi vô cùng.

Cuối cùng, đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, thế rồi nhân viên xe buýt đổi kế hoạch. Xe phải đi tiếp. Bác tài kêu những sinh viên lúc nãy bỏ xe xuống lên lại xe lần nữa để đi. Khách lên xe đầy đủ rồi, chị tiếp viên tuyên bố:

- Bà không xuống thì đến cuối bến (điểm dừng cuối cùng), sẽ có người làm việc với bà.

Nói vậy chứ làm được gì nhau. Bà già im lặng, không thèm đáp lại. Bà nói với những đứa sinh viên xung quanh, những đứa đáng tuổi cháu của bà:

- Các con coi, hắn đối xử với người già thế đó. Đúng là vô giáo dục. 

Tôi hỏi bà già:

- Bà ơi, năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi?

- Tui năm nay 64. Zậy mà con nhỏ kia ( chỉ nữ tiếp viên xe buýt), nó hỗn với tôi.

Chị tiếp viên xe buýt bĩu môi, vẫn vẻ mặt bực tức. Đến bây giờ mọi người mới nhớ lại lời tôi nói khi mới lên xe. Khi xung đột vừa mới xảy ra, tôi bảo với nữ tiếp viên là phải nhịn người già, bất kể họ đúng hay sai. Chị tiếp viên đã không nghe lời tôi, cũng dễ hiểu vì tôi đang là sinh viên, ít hơn chị cả chục tuổi. Bây giờ thì mới thấy.

Bác tài kêu sinh viên lên xe trở lại
Những trường hợp như thế này, dùng luật pháp hay đạo đức để giải quyết? Luật pháp không can thiệp chuyện cái vé xe buýt 6 nghìn đồng, phải 2 triệu đồng tòa mới giải quyết. Công ty xe buýt hay chị tiếp viên thì không thể kêu công an đi bắt giữ một bà già 64 tuổi được, mà với tuổi đó bà già cũng không sợ gì công an cho việc nhỏ này nữa. Cũng không thấy sách vở hay giáo trình nào dạy ta cách ứng xử trong tình huống như vậy.

Ai đúng ai sai trong trường hợp này, cũng khó mà có câu trả lời. Chị tiếp viên xe buýt rất vốn đã mệt mỏi vì áp lực công việc, có cơ hội là sẽ trút ra ngoài hết mọi bực tức. Chẳng may lần này chị trút lên một bà già. Mà bà già cũng không vừa. Khi mới cãi nhau, tôi để ý thì thấy bà già có nói: 

-Không giúp cho thì thôi, làm gì dữ vậy?

“Không giúp” ở đây nghĩa là không giúp vé xe buýt. Bà già đó nghèo, ít tiền, lên xe buýt và lẳng lặng để khỏi bị soát vé, và mong rằng chị tiếp viên hiểu và giúp cho bằng cách bỏ qua đừng hỏi vé. Nhiều tiếp viên xe buýt khác thương tình đã thường miễn vé. Nhưng công ty xe buýt không châm chước cho họ, đặt ra luật phạt họ mỗi vé thiếu là 6 triệu đồng, chị tiếp viên kia hẳn đã đền một lần nên hôm nay mới phản ứng như thế. Đã thế chị lại bị chửi là “mất dạy” nữa, chịu làm sao được. Còn về bà già, bà có quyền tự ái của người già mà người trẻ theo ý họ phải biết kính trên nhường dưới. 

Riêng tôi tự thấy căn nguyên vấn đề ở chỗ thiếu phúc lợi xã hội. Nhưng 60 tuổi đã là tuổi về hưu, bà già năm nay đã 64 tuổi. Nhưng phải đến 70 tuổi người già mới được miễn phí đi xe buýt. Người già ấy đã hết tuổi lao động được 4 năm, không làm ra tiền được nữa mà vẫn phải trả tiền cho dịch vụ xã hội, thành ra mới có chuyện thế này. 

Câu chuyện trên kết thúc ra sao, xin dành cho bạn đọc kể tiếp. 
 
 
Tôn Phi (VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét