18 thg 11, 2016

N H Ữ N G - K Ỷ - N I Ệ M - V U I - T H Ờ I - Đ I - D Ạ Y - H Ọ C




(Cảm tác nhân NGÀY NHÀ GIÁO VN)
Khi còn là giáo viên, trong thời bao cấp, tuy đời sống vật chất thiếu thốn nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui. Học trò của mình học hành tiến bộ: VUI! Được bạn bè đồng nghiệp, phụ huynh học sinh thương mến, tương trợ: VUI! Được các lãnh đạo, cán bộ Phòng GD, Trường, … tín nhiệm, thân tình: VUI! Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ muốn kể lại một vài kỷ niệm đặc biệt, hiếm hoi, vui nhưng cũng từng khiến tôi lâm cảnh dở khóc dở cười …

N H Ữ N G - K Ỷ - N I Ệ M - V U I - T H Ờ I - Đ I - D Ạ Y - H Ọ C

Chuyện xưa lắm rồi nghen, tận những năm đầu thập niên 1980. Khi ấy tôi đã chuyển về trường Thị trấn Trà Ôn. Một hôm, cô Hiền dạy Sử Địa ở chung nhà tập thể, bỗng có việc khẩn cấp phải về nhà ngay. Lúc đó Ban Giám Hiệu chưa đến trường, nên cô không kịp xin phép nghỉ để tìm người dạy thay (thời đó chưa có cell phone để alô tức thời!!!). Cô chỉ viết vội lá đơn xin nghỉ đột xuất đặt ở văn phòng. Xong cô quay sang tôi, nhờ vào lớp của cô ở tiết đầu giờ để trông các em học sinh giùm. Khổ nỗi tôi là giáo viên chuyên Toán, nếu cần thì có thể dạy thế cho môn Lý, hay thậm chí là Hóa, Sinh, đằng này lại là một tiết môn Sử. Chắc cũng hiểu nỗi niềm bối rối của tôi, cô Hiền đưa quyển sách giáo khoa và khẩn khoản nói: “Anh Thân chỉ cần vào đọc cho các em chép bài tóm tắt là xong”. Ai đã từng quen biết cô Hiền thì biết quá rõ, cô là người luôn nói năng nhỏ nhẹ, hiền lành. Thế nên, khi nghe giọng nói dễ thương và hiểu hoàn cảnh của cô, tôi không thể nào từ chối được.
Thời gian không còn đến 30 phút là bắt đầu vào tiết, tôi mở sách ra đọc. Hiện nay nhớ lại (không nhớ chắc vì lâu quá rồi) thì hình như hôm ấy các em đã học qua sự kiện Cù Thị là Thái hậu nhiếp chính thời vua Triệu Ai Vương nước Nam Việt. Bà gốc người Hán, tư thông với sứ giả nước Hán vốn là tình cũ nhưng sợ bị phát hiện nên muốn dựa vào uy lực của vua Hán để khống chế vua quan nước ta… Đến giờ bước vào lớp, nhìn những cặp mắt tròn xoe ngạc nhiên của các em, tôi bỗng cảm thấy vui vui và muốn làm việc thật hết mình với các em. Gọi vài ba em lên kiểm tra bài cũ. Tôi ghi tóm tắt lên bảng những diễn biến lịch sử mà các em đã học, kể cả năm tháng xảy ra sự kiện. Đến phần giảng bài, thay vì thuyết trình, kể chuyện, tôi đặt lần lượt các câu hỏi để các em tìm tòi câu trả lời. Tôi chỉ hướng dẫn các em suy luận, với nguyên nhân như thế này thì hậu quả sẽ ra sao, v.v… và v.v… Các em được hỏi ý kiến trở nên sinh động hẳn lên, bàn thảo cách sôi nổi… Cuối cùng các em đã tự xây dựng thành công bài học, chỉ bằng cách xâu chuỗi các sự kiện lịch sử theo tính logic, dĩ nhiên là theo sự dẫn dắt có chủ ý của thầy giáo. Năm phút cuối tiết dùng để củng cố, tôi hài lòng thấy tất cả các em đều đạt yêu cầu nhớ bài khá dễ dàng…
Nhưng đến ngày hôm sau, khi nghĩ lại chuyện qua, tôi hơi chột dạ. Tôi đã không dạy theo cách thức thông thường mà các em quen học .Tôi không đọc bài cho các em chép và do đó nếu được gọi kiểm tra, các em không thể đọc ê a từ đầu đến hết bài được. Tôi cũng lo rằng phụ huynh các em sẽ thắc mắc rằng bài học không ghi theo cách cũ, mà thay thế bằng các chuỗi sự kiện kết nối bởi những dấu mũi tên. Một tuần lễ, một tháng… êm ả trôi qua, không có chuyện gì xảy ra. Và có lẽ cho đến nay, nếu không nhắc lại chắc chẳng ai biết rằng “trong lịch sử!!!”, đã có lần thầy Thân lên lớp dạy một tiết Sử!!!
Không biết ngày nay thế nào, chứ ngày trước – nhất là ở vùng thôn quê – người ta hay đem tên cha mẹ của bạn bè để trêu chọc lẫn nhau. Dường như chuyện đó thông thường và chỉ có tính đùa giỡn nên hầu như không ai vì cớ đó mà để bụng giận hờn. Một hôm vào lớp, trong tiết giải bài tập toán. Khi được hỏi có ai xung phong lên giải bài, nhiều cánh tay giơ lên và vài giọng nói vang lên thật to “Cho em giải bài năm bê đi thầy!” Tiếng “năm bê” được nhấn mạnh và kéo dài nghe rất đặc biệt. Tôi chưa kịp nghĩ ngợi thì một em đứng lên nói “Thầy, tụi nó chọc tên ba em kìa”. Cả lớp phá lên cười. À, thì ra “Năm Bê” là tên cha của em học sinh đó. Chính người đứng lên méc thầy cũng không tỏ vẻ gay gắt, giận dỗi. Hình như đây chỉ là dịp các em vui đùa, xả stress trong những tiết học được gọi là khô khan, khó nuốt như thế này.
Tôi đã đọc đâu đó trên internet một bài viết, tựa đề “Có một niềm đau mang tên môn Toán”. Bài viết khá hay, tôi tâm đắc với rất nhiều ý kiến của tác giả, đại loại như “Cả giờ chỉ biết nhìn chằm chằm thầy Toán, căn bản không biết thầy đang nói gì, nhưng chỉ cần thầy liếc nhìn tôi một cái, tôi sẽ kiên định gật đầu với thầy như thể hiểu lắm hiểu vừa”, hay “Tiếng trống vừa vang lên, bạn đã nhìn thấy một viên thuốc ngủ chậm rãi bước vào lớp” (có lẽ nhiều người tán đồng ý này, nhưng nghe sao có vẻ cay đắng đến thế?).
Sự thật là học sinh ở vùng nông thôn trong thời kỳ ba mươi năm trước rất ngoan hiền, lễ phép. Đa số các em biết vâng lời cha mẹ, thầy cô. Vâng lời răm rắp! Có thể rằng đối với các em, lời thầy cô phát ra là khuôn vàng, thước ngọc, là chân lý phải tuân theo. Dầu vậy, tôi không muốn điều đó được tuân thủ cách tuyệt đối. Tôi muốn các em phải biết nghe và làm theo lời dạy bảo của thầy cô – bằng sự-tỉnh-táo-nhận-thức, không-mù-quáng. Ngay từ buổi học đầu tiên với lớp, tôi đã dặn rằng:
- Có những khi giảng bài, thầy sẽ giả vờ nói sai. Lúc đó là THẦY THỬ CÁC EM! Nếu các em vẫn gật gù chấp nhận, thầy biết các em đang lơ đãng, không tập trung, thậm chí ngủ gục. Nhưng nếu em nào phát hiện thầy nói sai, giơ tay lên để chất vấn lại, thầy sẽ cho em đó điểm cao.

Thực tế tôi áp dụng nhiều lần như thế, dần dần các em dạn dĩ và cố gắng tập trung nghe giảng để “chỉnh sửa” thầy khi có dịp. Cho đến nay, tôi vẫn nhận thấy đây là phương cách hữu hiệu giúp các em cố gắng học tập, quan trọng hơn nữa là hình thành nhân cách “tự tin” vào năng lực của chính mình, cho các em biết rằng thầy lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các em. Ngoài ra, còn một một điều tôi không nói ra. Thầy cô giáo chỉ là con người và ai dám chắc rằng thầy cô không bao giờ phạm sai lầm? Trường hợp hãn hữu, nếu thầy lỡ có sai sót, có em học trò biết mà ngại chỉ ra thì nguy hại vô cùng cho số đông.
Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm… Hôm ấy tôi dạy các em về tập hợp số hữu tỉ. Đây là một trong những bài học tôi rất hứng khởi khi giảng bài. Mỗi lần tôi dắt dẫn các em bước qua một khoảng trời mới của toán học, tôi muốn truyền đạt cho các em niềm vui của việc khám phá ra cái mới, lạ và tiến bộ của tri thức nhân loại… Các em được học rằng một số hữu tỉ có thể viết dưới dạng phân số, hoặc một số thập phân hữu hạn hay vô hạn. Nếu là số thập phân vô hạn thì phải là vô hạn tuần hoàn (Thôi không nói vào chi tiết khiến người đọc nhàm chán…). Đến phần cho thí dụ áp dụng, vì quá chủ quan không nhìn vào giáo án, tôi viết đại lên bảng một phân số (khác một chút với thí dụ trong giáo án) để cùng các em thực hành biến đổi phân số ấy thành số thập phân vô hạn tuần hoàn. Ngày nay, tôi quên mất con số kỷ niệm ấy rồi, chỉ nhớ mài mại mẫu số gồm hai chữ số không lớn hơn 40. Oái oăm thay, với phân-số-có-vẻ-hơi-giống đó, khi chia tử cho mẫu, chia mãi mà không thấy xuất hiện số dư quen thuộc (ở trường hợp đó phần thập phân sẽ lặp lại, nghĩa là có tuần hoàn). Đến chữ số thập phân thứ mười mấy, tôi quá nóng ruột, sợ hết giờ, cháy giáo án, tôi không đợi các em mà tự mình làm tính luôn. Nhưng sự đời “dục tốc bất đạt”, muốn làm nhanh thì nó sai tùm lum. Có ai ngờ tôi đọc cửu chương sai không? Ban đầu các em còn ngạc nhiên, nói “Không phải, thầy!” Thêm một lần sai nữa, tức thì một em bên dưới buột miệng “THẦY THỬ!”. Cả lớp chợt ồ lên “THẦY THỬ, THẦY THỬ, …” Mồ hôi của tôi khi ấy đổ ra ướt cả áo, tuy bực mình, nhưng cũng bắt tức cười vì phản ứng của các em, tôi bật cười to lên. Thế là cả lớp được dịp cười như hội chợ. Tôi đành phải ngưng công việc đó, cho các em về làm tiếp xem như bài tập về nhà. Kiểm nghiệm lại, quả đúng như lý thuyết, phần thập phân tuần hoàn có số chữ số tối đa bằng mẫu số trừ 1 (nói giả dụ, phân số tình cờ tôi chọn có mẫu số là 39 thì phần thập phân tuần hoàn của nó đúng bằng 38 chữ số!!!).
Thời gian đi dạy học của tôi không nhiều, chưa đến 10 năm. Nhưng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Các bạn thấy đấy! Học trò của tôi hiền, ngoan, dễ thương, và cũng thật là THÔNG MINH, LANH LỢI, LÉM LỈNH. Thế thì làm sao mà tôi không yêu mến tất cả các em cho được, phải không các bạn?
Đinh Thành Thân  .

(Ảnh minh họa: Cô Nguyễn thị Danh-trường Tiểu học SP.Thưc hành)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét