Một nhóm nữ sinh trung học đã lột
áo, túm tóc, giẫm đạp 1 hoặc 2 học sinh khác, hoặc bắt quỳ xuống liếm chân.
Người bị đánh chỉ biết khóc lóc xin tha. Những học sinh khác vây quanh quay lại
các hình ảnh này rồi tung lên mạng.
Những sự việc này xảy ra thường
xuyên ở các trường trung học Việt Nam. Và không chỉ có các học sinh nữ mà các
học sinh nam cũng đã thực hiện những hành động bạo lực tương tự, đánh hội đồng
các nạn nhân trước mặt người khác.
Bạo lực học đường không phải là hiện
tượng mới ở Việt Nam mà nó đã là một vấn nạn từ nhiều năm qua. Nhưng bây giờ
vấn nạn này đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội và ngành giáo dục
khi gần đây, nhiều video clip quay những cảnh bạo lực học đường được phát tán
cho mọi người xem trên Internet.
Một cuộc nghiên cứu năm 2015 cho
thấy hơn 50% học sinh trung học ở Việt Nam tham gia bạo lực học đường. Theo
thống kê của Cơ quan Chăm Sóc và Bảo Vệ Trẻ Em công bố năm 2012, bạo lực học
đường tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước đó.
Có nhiều ý kiến cho rằng sự phổ biến
của mạng xã hội đã làm tăng bạo lực học đường nhưng nhà xã hội học Lê Bạch
Dương không đồng ý với ý kiến đó:
“Cá nhân thì tôi không nghĩ rằng
mạng xã hội sẽ là một nguyên nhân để làm gia tăng. Nhưng mà nó cũng có là nhiều
khi các em nhỏ cái gì cũng đưa lên mạng. Có thể là đánh bạn, đánh nhau thì tung
lên mạng để thể hiện bản lĩnh và cũng là để thể hiện cái tôi của mình. Cái đấy
nó gây nên hiệu ứng là làm cho một số khác nghĩ cái này là hay.”
Thứ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo
Nguyễn Thị Nghĩa hôm 31/10 đã phải lên tiếng về tình trạng suy đồi đạo đức
trong giới học sinh sinh viên. Bà Nghĩa được báo chí trong nước trích lời nói đây
là “một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và yếu kém về
kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay.
Nhà xã hội học Lê Bạch Dương cũng
đồng tình với ý kiến của bà bộ trưởng nhưng cho rằng mối quan hệ trong xã hội
càng ngày càng căng thẳng và giáo dục là nguyên nhân chính trong vấn nạn bạo
lực học đường:
“Giáo dục ở mình, ở Việt Nam, thực
ra không chú trọng dạy các vấn đề liên quan đến ứng xử, nhân cách và kỹ năng
sống – chủ yếu là tập trung vào dạy kiến thức. Còn việc dạy về đạo đức thì rất
sách vở. Cũng có những môn giáo dục công dân dạy phải cư xử như thế nào nhưng
đa phần là sách vở. Nó không thu hút đối với học sinh vì nó rất là xa vời.”
Bộ trưởng Nghĩa cho rằng có nhiều
nguyên nhân gây ra bạo lực học đường như sự thay đổi tâm lý lứa tuổi, nguyên
nhân từ phía xã hội nhưng giáo dục là một nguyên nhân chính. Theo bộ trưởng,
giáo dục của Việt Nam nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và do đó khó
ngăn được bạo lực học đường.
Theo cơ quan Chăm Sóc và Bảo Vệ Trẻ
Em, một trong những nguyên nhân chính của sự gia tăng bạo lực học đường là giáo
dục từ phía gia đình.
Nhà xã hội học Dương cho rằng bố mẹ
đã không tập trung giáo dục kỹ năng sống cho con mà chỉ hướng chúng đến những
thành quả học tập xa vời:
“Người lớn cũng chẳng có kỹ năng
sống. Bản thân họ từ bé đã không có kỹ năng sống. Lớn lên họ cũng không có kỹ
năng sống. Và như vậy làm sao họ có thể giáo dục (trẻ con) được. Cho nên tôi
nghĩ rằng cái này nó mang tính hệ thống. Và muốn thay đổi nó thì cần phải làm
rất nhiều tạm gọi là cách mạng về mặt xã hội thì may ra mới có thể thay đổi
được.”
Theo một cuộc khảo sát gần đây của
trường Đại Học Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn ở 2 trường trung học ở Hà Nội, 85%
học sinh sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu vắng sự giáo dục của bố
mẹ tham gia vào bạo lực học đường. Thứ trưởng Nghĩa được các báo trích lời nói
rằng để ngăn chặn và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường “rất cần
sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường
và gia đình.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét