13 thg 11, 2016

. BÁO ĐỘNG VẤN NẠN QUYÊN SINH TRONG GIỚI TRẺ - Trúc Nguyễn



Như một điệp khúc buồn, từng câu chuyện người trẻ tuổi quyên sinh đang xảy ra hàng ngày hàng giờ mà tận mắt chúng ta nhìn thấy, tai chúng ta nghe được hoặc báo chí đưa tin… cứ đều đều trôi qua trong nhịp sống tất bật hối hả. Đôi khi làm cho hơi thở chúng ta nặng nhọc hơn một chút, làm cho ánh mắt chúng ta trầm ngâm hơn một chút, rồi phải tặc lưỡi cho qua để quay về với thực tế cuộc sống cơm áo gạo tiền đang hối thúc sau lưng. 

Cách đây khoảng hai năm khi đi du lịch cùng gia đình ra Huế, một buổi tối trời đẹp cả nhà hồ hởi mua vé lên thuyền ngắm cảnh thành phố Huế về đêm trên Sông Hương thì hành trình bị dừng lại gần một giờ đồng hồ. Nguyên nhân là vì: “vừa có một sinh viên nữ nhảy sông từ trên cầu Tràng Tiền, lực lượng chức năng đang làm việc”, người phụ trách chuyến đi giải thích. Sau đó xác cô gái được vớt lên đi ngang qua trước mặt gia đình tôi và nhiều du khách. Bao nhiêu háo hức về chuyến tham quan tan biến, chỉ còn một cảm xúc nghèn nghẹn nơi cổ họng. Gia đình tôi quyết định bỏ vé ra quán cà phê gần khu phố đi bộ ngồi.

Bên ly cà phê đen ngồi ngắm nhìn nước dòng Hương thơ mộng soi bóng nhịp sống của một thành phố du lịch bắt đầu vào đêm, tôi thả hồn mình vào miên man triết học về thân phận của kiếp người. 

Vì đâu nên nỗi, nước dòng Hương thơ mộng đã bao lần “vỗ về” thịt da những cô gái, những chàng trai đang độ tuổi đẹp nhất của đời người, trong đó có thịt da của cô bạn học của tôi lúc còn nhỏ.

Một buổi trưa tháng 7/2016, có việc đi trên đường Trường Sa, phía sau chợ Thị Nghè thuộc phường 19 Quận Bình Thạnh tôi nhìn thấy một chú xe ôm đang giằng co với một cô gái đang cố nhảy qua lan can để gieo mình xuống dòng kênh, hôm đó mực nước dâng khá cao và nhuốm một màu vàng đục. Tôi quăng xe chạy ra phụ giúp và kéo được cô gái xuống vỉa hè. Đang lúc tìm cách khuyên nhủ thì có một anh thanh niên đầu tóc vuốt keo ăn vận khá sành điệu (sau biết là chồng của cô gái) ngồi gần đâu đó chạy lại hét vào mặt chúng tôi: “Kệ m*a nó, nó không dám chết đâu”! Cô gái bật dậy lao ra cào đá vào người chồng. Nghĩ là chuyện riêng tư chúng tôi có phần lưỡng lự việc can ngăn thì anh chồng xuống tay một cái tát vào mặt vợ. Cô gái la hét lồng lên rồi một lần nữa “phi” lên lan can. Trong lúc tôi và ông chú phải rất cố gắng mới kéo cô gái vô vỉa hè lại thì anh chồng đứng nhìn dửng dưng không phản ứng gì!

Khi cô gái đã yên vị trong vỉa hè, tôi tìm cách  đẩy anh chồng ra cách ly hai người để giảm bớt gây sự thì cô gái bật dậy lao đầu vào song sắt lan can của bờ kênh, một dòng đỏ phun ra cô gái đổ gục xuống bất tỉnh. Tôi nhờ một chị trong chợ chạy ra ôm cô gái làm sơ cấp cứu, nói chú xe ôm canh me anh chồng còn tôi chạy ra báo công an phường cách đó khoảng 400m. Anh công an và một anh dân phòng nhiệt tình lên xe chạy ra ngay hiện trường. Thấy công an tới, người chồng lao ra đòi xử tôi vì tội: “ai cho mày đi kêu công an”, nhờ có mấy người trong chợ can ngăn tôi nhanh chân lên xe bỏ chạy.

Khoảng 13:30 ngày 20/9/2016, lúc chạy xe ngang qua cầu Sài Gòn hướng từ Quận Bình Thạnh qua Quận 2, đến khoảng giữa cầu thì phát hiện một em gái mặt áo trắng quần ngắn đang leo ra ngoài lan can cầu, một anh mặt áo đồng phục công ty bảo vệ đang chật vật kéo xuống, tôi quăng xe lao ra nắm tay chân cô gái phụ giúp. 

Thật là tình huống khó xử, cô bé mặt non choẹt không ngừng la hét vùng vẫy. Anh thanh niên nhìn tôi hỏi mà như hét: 

– Bồ hả! Ôm nó lại đi! 

– Bồ đâu mà bồ, ông ôm đi, tôi giữ tay cho! 

– Tôi đâu có quen, ôm gái giữa đường kỳ quá…

Vài người đi đường dừng lại nhìn, tôi nhờ một chị: 

– Con gái với nhau ôm nó lại dùm cái! 

Có một chị áo hồng chạy tới phụ. Tôi nói anh bảo vệ canh không cho nhảy lại còn tôi chạy xe đi kêu công an. Tôi chạy nhanh vô chốt dân phòng khu đô thị An Phú An Khánh Q.2, cách đó hơn cây số nhờ hỗ trợ, xin số điện thoại gọi cho công an phường. Trên đường đi bị ăn chửi nhiều vì chạy xe như bay và bấm còi inh ỏi.


 (Hình chụp bằng điện thoại tại hiện trường để lấy bằng chứng đi khai báo CA).  

Như đề cập trên, một bạn học nữ của tôi hồi nhỏ cũng nhảy cầu Tràng Tiền quyên sinh sau một lần bị người yêu, là cựu cầu thủ một đội bóng đá nổi tiếng phụ tình. Và một chị con của bạn mẹ tôi buôn bán củ quả ở chợ cũng uống thuốc rầy tự tử sau một lần bị tình phụ. Mới ngày hôm qua thôi trong khi ngồi gõ những dòng bài viết này chưa xong thì có việc phải đi, chạy xe ngang qua cầu Sài Gòn tôi lại nhìn thấy một em gái dừng xe đạp đứng trầm ngâm nhìn dòng nước sông, làm cho tôi càng thêm nghĩ ngợi.

Lên google gõ cụm từ khóa “tự tử vì tình” thì ra kết quả là: Khoảng 2.600.000 kết quả (0,39 giây). Tôi tự hỏi hàng giờ hàng ngày hàng tuần hàng tháng còn biết bao nhiêu vụ tự tử quyên sinh ngoài tầm quan sát của báo chí và của dư luận? Mặc dù chưa có số liệu điều tra chính thống nhưng con số chắc chắn là không hề nhỏ. Lực lượng cứu hộ, chú xe ôm, anh bảo vệ… không phải lúc nào cũng ở không để kịp thời ứng cứu! Cho dù có ứng cứu kịp thời chăng nữa thì “dư chấn” của “sự cố” sẽ tác động sâu sắc lên đời sống tinh thần đối với đương sự về sau. Vì vậy vấn nạn quyên sinh trong giới trẻ là một thực tế cấp bách cần gióng lên hồi chuông báo động.

Đó đây chúng ta có thể tìm thấy đọc thấy nghe thấy sách, báo, chuyên gia đề cập phân tích về vấn nạn tự tử trong giới trẻ… nhưng dường như cách tiếp cận vẫn còn chung chung theo kiểu “cởi ngựa xem hoa” chứ chưa “đủ liều” và xã hội vẫn chưa thực sự “dấn thân”. Các nhà đạo đức các nhà hoạt động xã hội, chuyên gia tâm lý giáo dục, hội thanh niên hội phụ nữ đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ v.v… hãy tích cực hơn nữa khẩn trương hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trang bị cho con em mình một cái nền nhận thức, một vốn quan niệm sống đúng mực, đủ mạnh có chức năng làm con thuyền vượt qua dòng nước khi gặp cơn sóng gió gập ghềnh trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là những trắc trở trong chuyện yêu đương mà phần nhiều là do bồng bột của tuổi trẻ.

Những quan niệm sống như: hãy làm một việc có ích dù nhỏ nhất, sống không phải là chỉ vì bản thân mà còn vì trách nhiệm với gia đình và xã hội, con là tất cả là quan trọng nhất đối với cha mẹ… trong sinh hoạt cuộc sống ngày thường cần phải được nhấn mạnh xoáy sâu vào tâm tư cho con em để hình thành thói quen tư duy tích cực không dễ dàng buông xuôi khi gặp điều bất lợi. Ngoài ra nên hướng cho con em tham gia các sinh hoạt cộng đồng, tham gia các hoạt động thiện nguyện… để tạo môi trường tương tác mở mang tầm nhìn nhờ đó định hình một tính cách mạnh mẽ, một nhận thức sống đúng đắn cởi mở.

Tôi chia sẻ một ít kiến thức đọc được trong một tập sách giáo khoa dạy môn Đạo Đức cho học sinh tiểu học Nhật Bản, nguyên bản bằng tiếng Nhật xin tạm dịch như sau: 

Mạng sống con người là quý giá không có gì thay thế được. Chúng ta chỉ một lần duy nhất được nhận lãnh được mạng sống này mà thôi, vì vậy mạng sống này là quý giá nhất và không có gì có thể thay thế được. Các loài cỏ cây thảo mộc, các loài động vật, tôi và bạn cũng đều như vậy, chỉ có duy nhất một sinh mạng! Chúng ta làm hết sức mình để bảo vệ mạng sống của mình vì vậy chúng ta cũng phải biết tôn trọng sự sống của nhiều người, của nhiều loài khác khác. Bởi vì sinh mạng là duy nhất và không có gì đánh đổi được cho nên phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn, luyện tập làm cho nó càng ngày càng khỏe mạnh và phát triển”…

“Mạng sống của chúng ta được nuôi dưỡng lớn lên trong sự chăm sóc tận tình của gia đình và cha mẹ, của bà con thân thích của thầy cô và bạn bè. Sinh mạng này chúng ta nhận lãnh được từ tổ tiên ông bà cha mẹ, rồi thì đến lượt chúng ta phải có nhiệm vụ trao truyền lại cho con cháu. 

Hãy hỏi những người xung quanh, tình hình của bạn lúc còn nhỏ: Lúc còn là một em bé, giai đoạn còn học những lớp nhỏ, lúc học cấp 2 cấp 3 và giai đoạn bây giờ… để hiểu rõ cha mẹ đã chuyên tâm và kỳ công như thế nào để cho ta có được cơ thể khỏe mạnh như ngày hôm nay. 

Hãy tìm hiểu về sự vui mừng của cha mẹ và của người thân khi bạn được sinh ra đời và sự đau buồn của mọi người khi gia đình có người thân qua đời, mới nhận thấy được điều tuyệt vời khi chúng ta được chung sống cùng nhau“…

Nếu cha mẹ, thầy cô với lòng nhiệt thành và tình yêu thương khai mở cho con em một quan niệm nhân sinh tích cực, sẽ có tác dụng trị liệu đối với tâm hồn của con trẻ khi trong chúng xuất hiện những suy nghĩ lạc lối. 

Nhận lãnh từ mẹ cha một cơ thể lành lặn, một sức khỏe bình thường và một tuổi trẻ còn đang phơi phới phía trước là một điều may mắn. Nảy sinh suy nghĩ hủy hoại nó, thì cho dù xét dưới bất kỳ lý do gì cũng đều là một nhận thức sai lầm. 

Nên nhớ, tại thời điểm bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này thì trên thế giới có hàng vạn, hàng triệu người đang đấu tranh quyết liệt với bệnh tật với tai nạn… để giành giật lấy mạng sống khỏi bàn tay của tử thần! Mới hay sự sống chúng ta đang có chẳng phải là một diễm phúc hay sao!?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét