Trong đời, ta mơ ước có một người bạn đường cùng chia sẽ những ngọt bùi ấm lạnh trong suốt cuộc hành trình. Để đến khi cuối đường, chia tay nhau trong êm đềm, mỗi người sẽ ra đi một mình về cỏi vô cùng. Khi ta đã hiểu ý nghĩa cuộc đời là thế, có hợp rồi có tan, có vui có buồn, ta không băn khoăn nuối tiếc. Chỉ giữ hình ảnh người ấy trong lòng với niềm hân hoan và hạnh phúc. Ta sẽ không bao giờ quên nhưng ta không cảm thấy đau đớn vì hạnh phúc ấy vẫn còn ngự trị trong ta, nó không màng đến thời gian năm tháng . Nó đã là niềm hạnh phúc và nó không tan biến. Một ngày nào khi ta tan đi cùng đất trời nó sẽ biến mất cùng ta để những cuộc đời mới mọc lên.
Ngày ấy là thời gian sau chiến tranh 1975, tôi - một cô giáo vùng cao đầy tình yêu với con người và cảnh vật. Trên con đường từ thành phố về Căm Xe thuộc xã Minh Thạnh, huyện Bình Long, Sông Bé tôi đã gặp anh. Chúng tôi cùng là hành khách của chiếc xe đò gian khổ, ọp ẹp đầy cũ kỷ như mọi chiếc xe đò thời bấy giờ. Tất cả những chiếc xe đò còn lại lúc ấy đều phải chịu số phận như những con người trên mảnh đất đầy đau khổ này… nghèo nàn, thiếu thốn và cam chịu. Người thiếu lương thực, thuốc men. Xe thiếu nhiên liệu, phụ tùng thay thế.
Mỗi ngày, trên con đường chưa đến một trăm cây số chỉ có độc một chuyến xe và chuyến xe chạy một cách nặng nề buồn thãm, nằm đường không biết bao nhiêu lần. Hành khách phải xuống xe và đẩy cho xe chạy rồi chạy theo xe. Người già, trẻ con được ngồi yên trên xe. Chúng tôi là những người trẻ được dịp lao động cật lực để chia sẽ nổi đau khổ với chiếc xe già. Ước gì có một ai quay lại hình ảnh ấy, chúng tôi như những diễn viên phim hành động, chạy theo xe và phóng lên. Xe đã chạy được thì không dám ngừng vì ngừng thì rất khó khởi động lại. Ấy thế mà không một ai than vãn vì tất cả đều hiểu. Khi ta đã hiểu cuộc đời là thế thì ta chỉ cứ thế mà đi, lòng không còn oán hận.
Thỉnh thoảng bác tài xế cũng an ủi mọi người bằng câu nói mà tôi nghe đã quen tai – Bây giờ còn có xe để đi. Mười năm nữa không còn chiếc nào đâu. Ai cũng đi bộ hết, làm gì còn xăng mà chạy. Xe hư rồi cũng bỏ xó hết. Có xe đi thế này là còn may.
Và tôi cũng thấy may mắn khi xe đi được tới Chơn Thành, còn cách nhà tôi hơn hai mươi cây số mới dứt khoát từ giã chúng tôi. Nhà xe thông báo lần cuối – Tới đây xe chạy hết nổi rồi, bà con xuống xe đi bộ.
Có đẩy xe cũng không chịu đi nữa, em mệt mỏi lắm rồi. Từ sáng sớm đến trưa em đã đem hết lực tàn để phục vụ con người. Bây giờ hãy để em nghỉ và con người cứ tiếp tục phần còn lại của mình.
Hành khách được thông báo thật lẹ làng không kịp từ giã, mạnh ai nấy biến. Bên cạnh chiếc xe già chỉ còn lại tôi và anh, người bạn đường cùng số phận. Anh cũng là một giáo viên vùng cao đang trở về nơi chiến đấu của mình với một ba lô nặng trĩu. Tôi với giỏ xách đầy lương thực cho gia đình. Nhìn con đường đất đỏ bụi mù với cái nắng gay gắt của trưa hè, nghĩ đến con đường dài hun hút mịt mờ lên dốc xuống đèo đầy những hầm hố mà thấy chạnh lòng. Những lúc xe chạy ngang qua mà ngồi trên xe cũng lộn cả ruột, những cái hố dài cứ nối tiếp nhau. Những lúc qua hố thường là bọn thanh niên phải xuống xe đi bộ hết, qua bao nhiêu cái hố rồi mới lên xe đi tiếp. Lúc ấy cũng thật vui, có dịp dản gân cốt.
Cùng cảnh ngộ, cùng tuổi trẻ và cùng vô tư, chúng tôi đã dể dàng quen nhau và kết hợp nhau để đi tiếp cuộc hành trình. Tìm được một cây gậy làm đòn gánh để chở hành trang, tôi trước anh sau, con đường trước mặt.
Câu chuyện nổ như bắp rang, chúng tôi chia sẽ cho nhau những vui buồn của nghiệp giáo, của những kẻ sống xa quê hương Sài Gòn và của tuổi trẻ đầu thai nhầm thế kỷ. Con đường dài được thu ngắn lại dưới bước chân của hai người bạn đồng hành trẻ tuổi. Trời vẫn nắng gay gắt, chúng tôi ngừng lại lu nước bên đường để uống vội rồi tiếp tục hành trình. Thật cám ơn kẻ có lòng với lu nước nhỏ trước cửa nhà cho khách bộ hành, nước mát đở khát mà cũng ấm áp tình người.
Tất cả những gì tôi còn nhớ sau gần bốn mươi năm, bầu trời trong sáng , con đường bụi đỏ lên dốc xuống ghềnh và niềm hạnh phúc khi có bạn đồng hành cùng chia sẽ gánh hành trang và niềm tâm sự.
Đến ngã ba Chùa, xã Minh Thạnh, nơi chúng tôi phải chia tay. Anh tiếp tục con đường trước mặt và tôi rẽ vào Căm Xe. Mỗi người phải tự gánh lấy hành trang để nối tiếp con đường còn lại. Chúng tôi vui vẻ chào nhau dù là không biết có bao giờ gặp lại. Trong khổ sở chúng tôi không nghĩ nhiều, cuộc đời chỉ là hiện tại, không có quá khứ và không có tương lai nên không có lời ước hẹn. Chúng tôi phải đối phó với con đường còn lại và duyên nợ đến đó đã đủ đầy.
Anh đi đường anh tôi đường tôi.
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi .
Đã biết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa phút chia phôi.
Bài thơ chia tay đượm buồn nhưng thật sự lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc vì đã có dịp để nói lên những ưu tư trong cuộc sống. Đã có người chia sẽ trên con đường gian khổ bụi bậm nắng nóng.
Từ ngã ba Chùa về Căm Xe trời đã tối, trăng đã lấp ló. Dưới ánh trăng, con đường cát trắng dài mấy cây số với hạnh phúc trong lòng, hành trang không còn nặng nữa.
Về đến nhà cũng đã nửa đêm, tôi đi ngủ với hình ảnh đẹp trong đầu. Những hình ảnh đã không phai qua bao tháng năm dài. Có hai người khiêng hành lý trên con đường bụi đỏ và những câu chuyện kể cùng lu nước bên vệ đường.
Nếu mỗi ngày là một cuộc đời thu ngắn lại thì ngày ấy tôi đã sống một cuộc đời thật đẹp. Cho dù tôi không nhớ tên, không nhớ mặt, ngay cả không nhớ anh đã ở đâu nhưng cảm giác hạnh phúc vẫn còn. Hạnh phúc mà không gợn chút đau buồn. Cho đến lúc này, có lẽ đây là tình yêu duy nhất mà tôi đã có và vẫn còn nhớ.
Bài nầy đã đăng trong Tuyển Tâp Sư Pham Saigon-Một thời để nhớ 1/1/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét