24 thg 7, 2022

Tai Vách Mạch Dừng - Đỗ văn Phúc

Tai Vách Mạch Dừng

Đỗ Văn Phúc

Có khá nhiều chữ của thời xa xưa mà ngày nay hầu như ít ai biết tới. Một lý do là các chữ đó diễn tả những thứ mà thời nay không còn hiện hữu, hoặc các chữ bị viết sai, nói sai hàng chục năm mà không ai thắc mắc và chịu bỏ thì giờ truy cứu ví cách nói sai lại có vẻ hợp lý hơn cách nói đúng.

Xin dẫn chứng ra một chữ mà chính bản thân người viết cũng chỉ mới khám phá ra mình sai sau gần một đời người học hành, viết lách! Để biết chắc hơn,chúng tôi đã gọi điện thoại hỏi các bạn quen biết - nhất là các bạn lớn tuổi gốc miền Bắc – hoá ra ai cũng sai như thế.

Đó là chữ “Rừng” trong thành ngữ “Tai vách mạch RỪNG” và “Bứt dây động RỪNG.”

“Tai vách mạch RỪNG” có ý là: Điều gì bí mật thì phải cẩn thận lời ăn tiếng nói vì có thể có người đang nghe lén sau tấm vách kia hay nấp đâu đó trong khu rừng bên cạnh.

“Bứt dây động RỪNG” có ý là không nên tạo ra rắc rối một việc nào đó, vì nó sẽ gây đụng chạm đến thế lực cao hơn mà mang họa vào thân. Người ta lý giải rằng trong “RỪNG” có nhiều dây leo, nếu đụng chạm vào một dây nào đó thì sẽ làm lay động cả khu rừng!

Thật ra, chữ đúng trong hai thành ngữ trên là “DỪNG” chứ không phải là “RỪNG.”

Chúng tôi rất ngỡ ngàng với khám phá trên qua một cái post của một người trên trang Facebook. Chúng tôi vội lần tìm hết các cuốn tự điển online hay sách in có sẵn; và kết quả như sau:

1. Trong Việt Nam Tự Điển của hai ông Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí phát hành, ở trang 489, định nghĩa “DỨNG” (danh từ) là nan để dừng vách; “DỨNG” (động từ) là buộc nan làm phên, đan phên để trét đất (ví dụ: Dứng phên chắc, vách mới vững. Ngoài ra “DỨNG” còn có nghĩa là gầy dựng, sáng lập.

Cũng trong cuốn Tự Điển Việt Nam nói trên, chữ “DỪNG” (dấu huyền, động từ) có nghĩa là “cắp lá làm vách, ngăn làm hai, che khuất bằng tấm vách ngăn.” Có vài thí dụ rất dí dỏm “Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà DỪNG phên.”

DỪNG khi là danh từ thì có nghĩa là tấm vách thấp bằng lá, bằng phên. Câu thành ngữ “Tai vách mạch DỪNG” được ông Lê Văn Đức đua vào làm thí dụ.

2. Tự Điển Tiến Đức, trang 161 cũng cho các định nghĩa tương tự về hai chữ DỨNG và DỪNG..

DỨNG. Nan để làm cốt vách. Cũng như là “DỪNG.” thí dụ: Vách trát DỨNG.

DỨNG. Đan: thí dụ: DỨNG phên.

DỨNG. Mới bắt đầu gầy nên.

DỪNG. Cũng nghĩa như chữ “DỨNG.” Thí dụ: Rút dây động DỪNG.

Và đây là cách suy nghĩ của chúng tôi sau khi ngộ ra sự thật.

Nhà tranh vách đất ở thôn quê ngày xưa làm bằng vách có khung tre được trét đất trộn với rơm, mái thì lợp bằng tranh, DỨNG (dấu sắc) theo các tự điển là cái sườn (nan) do các thanh tre chẻ nhỏ, đan ngang, dọc làm cái khung hay còn gọi là cốt. Ngăn cách phòng khách ở gian giữa và buồng ngủ không phải là vách mà là một tấm mành tre, cũng gọi là DỨNG (hay còn gọi là  DỪNG). DỪNG cũng là cái liếp tre che nắng ở trước hiên nhà. Những cái DỪNG này có thể rút lên, hạ xuống bằng một sợi dây. Cho nên, “rút dây, động DỪNG” là thế, hay “DỪNG có mạch, vách có tai!” mà chúng ta thường nhắc nhau “cẩn thận lời ăn tiếng nói; coi chừng ‘tai vách, mạch DỪNG’”.

Hai chữ DỨNG và DỪNG là các chữ xưa, nay không ai dùng nữa. Dân quê đã thay hai chữ đó bằng chữ “cốt tre” và “mành tre.”

Cũng nhân trò chuyện, các bạn tôi còn nhắc đến chữ “Ta Thán” (Tự Điển Tiến Đức trang 502) mà rất nhiều người nói sai thành “Ca Thán.” Lý do những người biện minh cho chữ “Ca Thán” là họ cho rằng đồng nghĩa với hai chữ “Ca Cẩm” mà trong ngôn ngữ bình dân có những thành ngữ ”ca bài con cá,” “ca sáu câu vọng cổ” khi nói đến việc than van, phàn nàn, oán giận.

Chữ “Nền Nếp” (Tự Điển Tiến Đức trang 364) cũng có nhiều người viết và nói trại thành “Nề Nếp.”

Xin hẹn một dịp khác trong tương lai.

Đỗ Văn Phúc





Mời Xem :

Thứ Tự các Tĩnh Từ trong một Nhóm Chữ - Đỗ văn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét