26 thg 7, 2022

TIẾNG THUẦN VIỆT MẤT DẦN, DO BỊ CHỤP MŨ LÀ "KỴ HÚY"!

Đây, đơn cử một trường hợp: người dân miền Nam, và một số tỉnh miền Trung đến nay vẫn quen gọi "BÔNG" (thay vì "hoa"), bị suy diễn là do "kỵ húy" bà vợ vua Minh Mệnh tên "Hoa". Kỳ thực, "BÔNG" là âm thuần Việt, có mặt trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt từ lâu...!

A/ Lời rao mở đầu:
KỴ HÚY ("húy": tục danh, tên thật) là gì? Là kiêng kỵ tên húy của vua ("trọng húy", kêu bằng là húy nặng cỡ sao quả tạ), kiêng kỵ tên húy của vợ, cha, mẹ, cô, chú... của vua ("khinh húy", húy nhẹ hơn chút), người dân không được phép dùng trong việc đặt tên, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Có 2 điểm, quí bạn chú ý:
1) Không phải triều đại nào cũng ban hành việc kỵ húy!
Tỉ như đời Lý, hoặc các chúa Nguyễn định cõi Đàng Trong thì KHÔNG thấy thư tịch nào buộc dân chúng phải kiêng húy ráo trọi; trong khi đó, đời Trần, đời Hậu Lê, đời các vua Nguyễn thì CÓ liệt kê những chữ nào phải "kỵ húy".
2) Trên mạng, sách báo, có quá nhiều trường hợp phán là "kỵ húy" - kỳ thực - do suy diễn lung tung quá sức. Sở dĩ có tình trạng suy diễn thậm chí tào lao, là ... do nhiều người đời nay dựa vào chữ Quốc ngữ rồi đoán mò!
Nên nhớ, trước kia người Việt mượn chữ Hán làm văn tự chánh thống, người dân không được dùng tên ông vua, tên bà xã của ông vua... đem ra xài ("kỵ húy") là dựa vào DANH TÍNH VIẾT BẰNG HÁN TỰ.
 
B/ TIẾNG THUẦN VIỆT BỊ CHỤP MŨ LÀ "KỴ HÚY".
Đây, lấy ngay trường hợp tên vợ của vua Minh Mệnh là Hồ Thị Hoa. Trên nhiều báo, trên mạng, tràn lan lối suy diễn như ri: vì kỵ húy tên "hoa" nên người miền Nam phải đọc chệch sang chữ khác là "bông". Quí bạn có biết lối suy diễn này sai trật những chỗ nào không?
1) Vua nhà Nguyễn cai trị toàn quốc, cả hai miền Nam Bắc chớ đâu phải chỉ cai trị mỗi miền Nam mình ên; thành thử nếu vua ban hành sắc lệnh "húy kỵ" là áp dụng trong cả nước! Nghĩa là người miền Bắc cũng phải kiêng kỵ mà đổi sang chữ khác chớ sao cứ nhởn nhơ gọi "hoa"?
Cũng rứa, thấy nhiều người gọi "PHƯỚC", lập tức có suy diễn: do kỵ húy tên "Phúc" trong họ tên các vua Nguyễn nên người trong Nam phải đọc chệch thành "Phước". Ồ, vua nhà Nguyễn cai trị cả hai miền Nam Bắc, nghĩa là người miền Bắc cũng phải kiêng kỵ, đâu được phép gọi "Phúc" nếu không muốn vô nhà lao đếm gián!
2) Đối với "Hoa", quả là có ban lệnh kỵ húy, NHƯNG không phải là "hoa" đánh vần theo chữ Quốc ngữ: h-o-a, mà "hoa" ghi bằng Hán tự.
Trong Hán tự cùng đọc là "hoa" thì có tới 20 ký tự, tức 20 chữ viết khác nhau nhưng đều đồng âm "hoa"! Chưa hết, trong mỗi một ký tự đọc là "hoa" có bét lắm là 5 nghĩa, thành thử tổng cộng 20 ký tự đồng âm "hoa" thì cũng ngót nghét trăm nghĩa!
Ban hành lệnh kỵ húy, xin quí bạn chú ý: CẤM DÙNG KÝ TỰ ĐƯỢC GHI TRONG LỆNH KỴ HÚY, còn nếu đồng âm nhưng KHÁC với ký tự (cái ký tự được qui định không được phạm đến) thì không phải kỵ húy"!
3/ Cụ thể, họ tên bà vợ vua Minh Mệnh là Hồ Thị Hoa 胡 氏 華, chữ "Hoa" 華 ở đây nghĩa là "tinh yếu", "tinh túy", "tinh hoa"... Thành thử, trong "Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ" (thời Nhà Nguyễn) có qui định đâu ra đó, những địa danh dùng ký tự "Hoa" 華 thì phải đổi sang tên khác:
- Tỉnh Thanh Hoa 清 華 (tên đặt vào đời Hậu Lê): dưới đời nhà Nguyễn vì chữ "Hoa" 華 , trong tên tỉnh "Thanh Hoa", là cùng ký tự với tên bà Hoa 華 vợ vua => đổi sang tên khác, là: Thanh Hóa 清 化.
- Chợ Đông Hoa 東 華 ở Huế, vì "Hoa" ở đây xài cùng ký tự "Hoa" trong tên vợ vua, tức rơi vào "kỵ húy" nên phải chọn một chữ khác đi, chợ Đông Hoa đổi tên thành chợ Đông Ba 東巴 (“ba” 巴, nghĩa là ngay bên cạnh).
4/ Còn những tên gọi, chẳng hạn, nhiều cô gái đặt tên là "Quỳnh Hoa", cũng không sao hết, không mắc gì phải đổi tên khác! Vì sao? Vì "Hoa", trong "Quỳnh Hoa" (瓊 花), là viết như ri: 花 (flower) , hoàn toàn khác với ký tự 華 "hoa" (tinh hoa, elite; trong tên vợ vua: Hồ Thị Hoa).
Đến đây ắt quí bạn đã tỏ: 花 "HOA" (flower) thì KHÔNG phạm húy. Thành thử không cần phải đọc chệch đi, theo đầu óc suy diễn tùy tiện, tào lao trên khá nhiều trang mạng.
Chữ 花 (vừa dẫn trên), quí bạn chú ý, đọc theo âm Hán-Việt là "Hoa".
Còn "BÔNG"? Được ghi bằng chữ Nôm 葻, là âm thuần Việt (Nam âm) đó đa!
Nguyễn Du, trong truyện Kiều, câu 1150: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông". Chú ý: truyện Kiều, viết bằng chữ Nôm, được sáng tác dưới thời vua Gia Long, trước thời Minh Mệnh có bà vợ tên Hoa, thi hào Nguyễn Du đã viết là "BÔNG"!
Ý thức gìn giữ âm thuần Việt rất đáng mến (đâu phải như thời sau này, bỗng dưng đẻ ra cái cớ gọi là kỵ húy để ... sửa "bông" thành "Hoa", theo chữ Hán)!
5/ Cũng rứa, 果 đọc âm Hán-Việt là: Quả. Còn "TRÁI" là âm thuần Việt (ghi bằng chữ Nôm: 𣛤).
Chữ 草, âm Hán-Việt là: Thảo; âm thuần Việt là: CỎ (ghi bằng chữ Nôm: 𦹯).
Chữ 木, âm Hán-Việt là: mộc; âm thuần Việt là: CÂY (ghi bằng chữ Nôm: 𣘃).
TÓM LẠI,
* Âm Hán-Việt, như Hoa, Quả, Thảo, Mộc / Âm thuần Việt, như Bông, Trái, Cỏ, Cây ... đều đã đi vào ngôn ngữ của người Việt bao đời, cứ việc dùng tùy lúc.
* Một khi đã nhận biết rõ rành như vậy, hẳn nhiên chẳng dễ dàng gì "đục bỏ" âm thuần Việt của chúng ta.
* Nhưng, nếu chụp mũ "kỵ húy" lên âm thuần Việt, hậu quả? Ắt tưởng rằng "kỵ húy" là dùng sai trật nên phải thay thế, chụp lên đầu bằng... âm Hán-Việt chớ còn gì nữa!
Nhiều, rất nhiều người trong chúng ta đã bị mắc lỡm như vậy, nên vô tình cũng "đục bỏ" âm thuần Việt. Đau lắm, thưa quí bạn!
 
Nguồn:MATTHEW Nchuong.
------------------------------------------------------------
Hình ảnh: TRÁI ô môi, BÔNG ô môi.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét