30 thg 7, 2022

Tống Liên Cừ Mai Công Phó Vị Hoàng (Bài số 7 ) Phạm Đình Hổ

Phạm Đình Hổ là nhân chứng cho cuộc tình say đắm của HXH - Mai Sơn Phủ. Tuy nhiên, Phạm Đình Hổ cũng đã có tình ý với HXH, đã đi bên cạnh cuộc đời HXH trong 20 năm mà không dám ngỏ lời. Trong buổi tiễn đưa, HXH-MSP, Phạm Đình Hổ đã thay lời cho kẻ ở người đi; phải chăng tâm trạng buồn vui kín đáo đó đã dệt thành một bài thơ hay cũng nên.

 
Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng
Phạm Đình Hổ
 
Hạ nhật huề cùng xuất cố đô, (1)
Giang Nam nam hạ tứ du du.
Sơ mai hương đậu Hoàng giang vũ, (3)
Dã mạch tình thâm Vịnh phố thu.
Vọng nhập tiền sơn khan võng thụ, (5)
Hứng tùy thương hải phiếm hư chu.
Lâm kỳ ước lược quy lai nhật; (7)
Mãn thụ thanh phong phản Kiếm Hồ.
*
Văn bản chữ Hán, Ngân Triều soạn:
 
送蓮渠梅公赴未隍
夏日攜筇岀故都
江南南廈笥攸攸
初梅香逗皇江雨
野麥情深永埔秋
望入前山看網樹
興隨蒼海泛虛舟
臨期約畧歸來日
滿裋青風反劍胡
范亭虎
 
Chú giải:
-huề cùng 攜 筇, cầm gậy trúc, chống gậy trúc.
-Nam hạ 南 廈, ở dưới phía Nam.
-tứ 笥, cái rương đan bằng tre đựng hành lý, tu từ hoán dụ, lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật, chỉ người đi xa.
-du du 攸 攸, xa xôi.
-sơ mai 初 梅, cây mai thưa.
-đậu 逗, đọng lại.
-dã mạc 野 麥, cánh đồng lúa.
-tiền sơn 前山, trước núi
-Vịnh phố 永埔, phố Vịnh, tức thành phố Vinh ngày nay.
-khan võng thụ 看 網 樹, thấy cây cối chập chùng.
-phiếm hư chu 泛 虛 舟, chiếc thuyền thấp thoáng linh đinh.
-lâm kỳ 臨 期, đến hạn, đến hẹn.
-ước lược 約 畧, nói chung, đại khái.
-quy lai nhật 歸 來 日, ngày trở lại.
-mãn thụ 滿 裋, vung tay áo, áo tung bay trong gió.
-thanh phong 青 風, gió mát.
*
Nhất Uyên dịch thơ, Phạm Đình Hổ
 
Tiễn ông họ Mai người Liên Cừ từ Vị Hoàng
Gậy trúc ngày hè xa cố đô,
Giang Nam thương nhớ bóng xa mờ.
Hoàng giang mưa điểm hương mai nở,
Vịnh phố rực vàng thơ lúa thu.
Vời ngóng non cao cây lớp lớp,
Hứng về biển thẳm cánh buồm mơ,
Người đi hẹn ước ngày quay lại,
Tay áo thung thăng gió Kiếm Hồ.
 
Trong thơ chữ Hán của Phạm Đình Hổ, trong Tuyển tập thơ văn. NxbKHXH 1998 có bài Tống Liên Cừ Mai Công phó Vị Hoàng. Tiễn ông Mai người Liên Cừ từ Vị Hoàng. Tôi (TS Phạm Trọng Chánh) cho rằng đó là bài thơ Phạm Đình Hổ cùng Hồ Xuân Hương tiễn Mai Sơn Phủ từ bến sông Vị Hoàng đi về Vịnh Phố (Vinh ngày nay). Đó là thời kỳ Phạm Đình Hổ và Xuân Hương thân tình. Mai Sơn Phủ là bạn của cả hai người.
 Câu Sơ mai hương đậu Hoàng giang vũ. Hoàng giang mưa điểm hương mai nở, có ý trêu Hồ Xuân Hương đang khóc vì xa người tình vì câu đầu Hạ nhật huề cùng xuất cố đô. Gậy trúc mùa hè xa cố đô. Bài thơ viết:
Ngày hè chống gậy trúc rời cố đô Thăng Long,
Đưa người bạn về quê hương từ phía Nam (thành Thăng Long).
Giang Nam thương nhớ bóng xa mờ.
Giang Nam 江南, vùng phía Nam sông Trường Giang (Dương Tử). Phía nam của một con sông. Giang Nam: do bài Giang Nam Ai Phú của Dữu Tín người Nam Bắc Triều, tỏ lòng nhớ quê, vì làm quan xa nhà lâu ngày. Từ đó chữ Giang Nam có nghĩa là lòng nhớ quê hương, tể hiện tấm lòng thương nhớ quê hương đằm thắm.
Tham khảo thêm:
Dữu Tín
Tôn Nguyên Yến
庾信
孫元晏
苦心詞賦向誰談
淪落周朝志豈甘
可惜多才庾開府
一生恫悵憶江南
Dữu Tín
Tôn Nguyên Yến
Khổ tâm từ phú hướng thùy đàm?
Luân lạc Chu triều chí khởi cam?
Khả tích đa tài Dữu khai phủ
Nhất sinh trù trướng ức Giang Nam
 
Chú giải:
1/ Dữu Tín, Tôn Nguyên Yến: (513-581), người thời Nam - Bắc triều. Ông làm quan cho Nam triều (nhà Lương), phụng mệnh đi sứ Bắc triều (nhà Tây Ngụy), bị Bắc triều giữ lại nhưng cũng phong cho quan tước. Tới nhà Bắc Chu, ông được phong tới phiêu kỵ tướng quân, mở phủ như tam ti, nên người thời đó còn gọi ông là Dữu khai phủ…Ông làm nhiều văn thơ, bộc lộ lòng thương nhớ quê hương miền Nam của ông.
2/ Giang nam, nói chung là phần đất phía Nam sông Trường Giang, nói riêng trong bài là thành phố Nam kinh, kinh đô của Nam triều lúc đó.
 
--Dịch nghĩa:--
Ông Dữu Tín, Tôn Nguyên Yến, (513-581)
Những thổ lộ tâm tư đau khổ [vì nhớ quê hương miền Nam] ông viết cho ai vậy?
Ông có đành lòng lưu lạc rồi làm quan cho nhà Chu không?
Đáng thương cho người nhiều tài, Dữu khai phủ,
Cả đời lúc nào cũng buồn bã nhớ về đất Giang Nam.
 
--Bản dịch của Nguyễn Minh—
Thơ khổ tâm làm cho ai đó?
Quan nhà Chu ông có đành cam?
Dữu khai phủ đáng thương tâm
Cả đời buồn bã Giang nam nhớhoài
--Bản dịch của Nguyễn phước Hậu—
Thi phú gởi ai những khổ tâm?
Triều Chu lưu lạc lại đành cam?
Đáng thương Dữu Tín tài khai phủ
Buồn bã một đời nhớ đất Nam.
 
--Bản dịch của Ngân Triều—
Khổ tâm chấp bút cho ai?
Hàng thần lơ láo, lạc loài nhà Chu!
Đa tài lãng bạc phiêu du?
Nào vơi thương nhớ, mịt mù Giang Nam.
Giang Nam nam hạ tứ du du. 江 南 南 廈 笥 攸 攸, người đi xa xôi, trong nhà phía Nam, nhớ quê nhà tha thiết.
*
Hoàng giang mưa điểm hương mai nở, (Giọt mưa nào trên sông Vị Hoàng, đọng trên cánh hoa mai nở. Nhất Uyên dịch)
hay là:
Phơn phớt mưa Hoàng, mai đọng lệ. (Mưa phùn trên sông Vị Hoàng đọng trên cánh hoa mai như những giọt lệ hoa. Ngân Triều dịch) đều diễn tả ý tưởng Hồ Phi Mai, tự Xuân Hương, đang xúc động, nhiều bi lụy trong lúc chia phôi, đúng theo nguyên tác.
*
Nhất Uyên dịch nghĩa bài thơ trên:
 
Ngày hè đi ra khỏi cố đô Thăng Long.
Mưa phùn trên sông Hoàng Giang (Nam Định) lất phất đậu trên cánh hoa mai. (Làm gì có hoa mai nở, chỉ có nước mắt Hồ Phi Mai long lanh khóc tiễn đưa người tình, trong mưa bụi buồn, trời phơn phớt lạnh).
Về đến Vịnh phố sắp đến mùa lúa thơm rực vàng cánh đồng mùa thu.
Vời ngóng trên dảy núi Hồng Sơn cây cao lớp lớp.
Thi hứng về trên biển thẳm chở trên cánh buồm của người đi.
Thôi bạn an tâm dấn bước, ta hẹn nhau ngày tái ngộ,
Ngày ấy, ta cùng rong chơi thanh thản, hóng gió trên hồ Hoàn Kiếm để cho gió phất phơ trên tay áo rộng.
*
Ngân Triều cảm đề.
Tiễn đưa (Thơ chữ Hán, Phạm Đình Hổ)

Ngày hè, gậy trúc biệt Thăng Long,
Thương nhớ người đi ngập cõi lòng.
Phơn phớt mưa Hoàng, mai đọng lệ.
Thu vàng đồng Vịnh, lúa mênh mông!
Non cao điệp điệp cây ngăn lối,
Thấp thoáng buồm xa, biển mịt mùng.
Hẹn ước chờ ngày quay trở lại,
Gió Hồ tung tay áo, thong dong!
*
Chú giải:
+Mai đọng lệ đối với lúa mênh mông: Mai đọng lệ là hoa mai ướt, đọng những giọt mưa phùn phơn phớt lạnh trong hoa; còn hàm ẩn hình ảnh Hồ Phi Mai đang khóc sướt mướt trong buổi chia tay, đa đoan lắm nỗi, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Giọt nước mắt của người tình chắc sẽ dấy lên trong lòng người đi nỗi niềm: ngẩn ngơ, xao xuyến; đắm đuối, nhớ thương!
+thong dong: đọc trại từ thung dung: Nhàn nhã, thư thái, thanh thản, không phải lo nghĩ, vất vả.
 
Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về.
Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du, câu 693-694
 
Gặp bà Tam Hợp đạo cô,
Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng.
 ĐTTT, Nguyễn Du, câu 2652-2653
 
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 1571-1572

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét