27 thg 7, 2022

Hình bóng HXH qua 4 bài thơ của Phạm Đình Hổ...(Bài 3 và 4 )

Bài số 3 : HOÀI CỔ

Bài Hoài Cổ trêu một cô gái được mẹ gả chồng xóm Tây gần, dấu nỗi lòng yêu đương một hình bóng khác nên nhìn hoa mà khóc, bên hoa nàng cười nụ, thổ lộ nỗi lòng trong thơ văn. Bài này phù hợp với tâm tình Hồ Xuân Hương khoảng năm 1795-1796, khi Nguyễn Du ở Hồng Lĩnh trốn vào Nam theo Chúa Nguyễn Ánh bị Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận bắt giam ba tháng, tin này ra Thăng Long, mẹ Hồ Xuân Hương đã thôi thúc gả nàng cho anh Thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. 
Nhại vần thơ Thôi Hộ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông. Phạm Đình Hổ thầm kín trêu đùa Xuân Hương mà nghe lòng dạt dào buồn…
*
Nhất Nguyên phiên âm Hán Việt:
Hoài cổ
Khứ tuế đào hoa phát,
Lân nữ sơ học kê,
Kim tuế đào hoa phát,
Dĩ giá lân gia tê (tây)
*
Khứ tuế đào hoa phát,
Xuân phong hà thê thê,
Lân nữ đối hoa khấp,
Sầu thâm mi chuyển đê.
*
Kim tuế đào hoa phát,
Xuân thảo hà thê thê,
Lân nữ đối hoa tiếu,
Ngâm thành thủ tự đề.
*
Cô gái biết làm thơ, giấu nỗi lòng yêu một người đã gặp gỡ dưới hoa đào, lẽ ra phải vui khi mẹ gả lấy chồng, nàng lại âm thầm khóc bên hoa, thương nhớ người xa, điều này phù hợp với tâm sự Hồ Xuân Hương khi mối tình đầu với Nguyễn Du tan vỡ.
Bản chữ Hán, Ngân Triều soạn:
懷古
去歲桃華發
鄰女初學筓
今歲桃華發
已嫁鄰家西
*
去歲桃華發
春風何淒淒
鄰女對華泣
愁深眉轉低
*
今歲桃華發
春草何淒淒
鄰女對華笑
吟成首自題
 
Thơ chữ Hán Phạm Đình Hổ
Nhất Uyên diễn thơ
Nhớ xưa
Năm xưa hoa đào nở,
Em tôi học cài trâm,
Năm nay hoa đào nở,
Mẹ gả xóm Tây gần.
*
Năm xưa hoa đào nở,
Gió xuân sao lạnh lùng,
Em nhìn hoa mà khóc,
Sầu vương nét mi cong.
*
Năm nay hoa đào nở,
Cỏ xuân mượt trời mơ,
Bên hoa em cười nụ,
Ngâm thành tự đề thơ.
*
Ngân Triều cảm đề bài Nhớ xưa:
Nhớ xưa hoa đào nở,
Em còn tập cài trâm.
Năm nay đào lại nở,
Xuất giá bên nhà gần.
*
Nhớ xưa hoa đào nở,
Gió Xuân buồn lê thê?
Nhìn hoa, em giọt tủi,
Sầu cúi đầu tái tê.
*
Năm nay đào lại nở,
Cỏ Xuân sao bơ phờ.
Nhìn hoa cười hớn hở,
Ngâm thành một bài thơ.
*
Bài số 4 : Vô đề -Phạm Đình Hổ
 
Mời bạn xem Bài 4 (bài cuối
 
Phạm Đình Hổ trêu Xuân Hương khi nàng được mẹ gả cho anh thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm, nhưng có thể Chiêu Hổ cũng xót xa lắm vì chàng cũng thầm yêu Xuân Hương. Bài thơ Vô Đề viết cho một tình yêu sâu kín: Yêu nàng từ thuở 12, 13 và mười năm sau nàng đã lấy chồng. Yêu nàng từng say đắm với bàn tay gảy đàn, bàn tay làm thơ, bàn tay quét hoa mai rụng. Tình yêu không nói, ngày tháng trôi qua hai mươi xuân. Yêu vẻ đẹp nàng mà tiếc hoa, tiếc mộng. Tiếc không hẹn trăng với nàng từ thuở nàng biết yêu. Lòng hận như chim tinh vệ ngậm đá lấp biển. Tình như hương cỏ, chỉ biết hỏi trời. Bên bóng mát Hồ Tây xuân tàn lặng lẽ, ngoài song con chim cuốc nhảy một mình. Bài thơ thật là một tuyệt tác nói về tình yêu câm nín, say đắm, si mê, âm thầm, lặng lẽ, ngậm ngùi...
Câu minh cưu hữu hận nan điền hải, 鳴 鳩 有 恨難 塡海, chim kêu lòng hận lấp bằng biển thật là cực mạnh, tình hận vô vọng như chim tinh vệ ngày ngày gắp từng viên đá sỏi để lấp biển. Vì sao không nói, vì sao không ngỏ lời với nàng, không cậy mẹ đến hỏi cưới nàng để Nguyễn Du, để anh thầy Lang, để Mai Sơn Phủ phỏng tay trên? Ôi thôi tình duyên như hương cỏ chỉ biết hỏi trời. Có phải vì ta không yêu nàng nên nàng lận đận, đời ta như con cuốc "ngoại cuộc" nhảy một mình
 
Nguyên tác Nhất Uyên phiên âm Hán Việt:
Vô Đề
Kinh doanh bất sổ chưởng trung tiên,
Tĩnh tỏa thâm khuê nhị thập niên.
Lãnh điểm tằng kinh hoa tích mị, (15)
U nhàn vị hứa nguyệt phân nghiên. (16)
Minh cưu hữu hận nan điền hải,
Phương thảo vô duyên chỉ vấn thiên. (17)
Hồ thượng âm tàn xuân tịch mịch,
Cách song tiểu đỗ độc sàn nhiên. (18)
 
Bản chữ Hán, Ngân Triều soạn:
無 題
經營不數掌中仙
靜鎖深閨二十年
冷點曽經華積媚
幽閒未許月分姸
鳴鳩有恨難塡海
芳草無縁只問天
湖上陰殘獨孱然
格窗小杜獨孱然
*
(1)
Thơ chữ Hán Phạm Đình Hổ, Nhất Uyên diễn thơ
Không tên
 
Yêu kiều bao nỗi đắm tay tiên,
Lặng lẽ phòng khuê hai mươi xuân.
Nét đẹp lạnh từng hoa tiếc mộng,
Hẹn trăng từ thuở nguyệt chia tình.
Chim kêu lòng hận lấp bằng biển,
Hương cỏ duyên gì biết vấn thiên;
Bóng mát hồ xuân tàn lặng lẽ,
Ngoài song cuốc nhảy một mình riêng.
*
(2)
Ngân Triều cảm đề
Mơ mãi mà không được dáng tiên,(19)
Thầm yêu đắm đuối hai mươi niên.
Si mê theo miết người trong mộng,
Chưa hẹn tỏ lòng nguyệt lúc nguyên
Vẫn hận nỗi niềm chim lấp biển,
Chạnh lòng hương cỏ tình vô duyên.
Cuối Xuân hồ lạnh lòng hoang vắng,
Cuốc nhảy ngoài sân, tủi khổ riêng.
Ngân Triều
***
[Bài 5] Mời bạn xem phần phụ luc, loạt bài trong "Hình bóng HXH qua thơ Phạm Đình Hổ
(Nguồn: Bài của TS Phạm Trọng Chánh)
[Phụ lục]
 
Giai thoại xướng họa giữa Xuân Hương và Chiêu Hổ,
 
Có ý kiến cho rằng Chiêu Hổ không thể là Phạm Đình Hổ vì nhiều lý do:
Phong cách hai người rất khác xa. Chiêu Hổ tính tình phóng túng, tai quái, ưa bỡn cợt, khi xướng họa, Chiêu Hổ thường dùng chữ Nôm. Phạm Đình Hổ tính tình nghiêm cẩn đến câu nệ, lại có ý khinh chữ Nôm. Bài " Tự thuật " trong Vũ Trung Tùy Bút tr 18, ông viết:
" Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai lai không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết.".
Lý do này theo tôi không vững, vì có người chỉ bộc lộ tình cảm mình qua văn viết, qua sách vở, đứng đắn, nghiêm chỉnh, nhưng bề ngoài thì nhút nhát, nên chỉ biểu lộ tâm tư mình bằng cách chọc phá, đùa bỡn. Khác với Tốn Phong ăn nói lưu loát, dáng đi thơn thớt, điệu đàng, tán gái rất giỏi… nhưng vì điệu đàng quá nên đối tượng nghi ngờ là thiếu thành thật. Phạm Đình Hổ không biết " tán gái ", bài Vô Đề biểu lộ nỗi lòng không nói của Phạm Đình Hổ, yêu nhưng không nói được nhìn bạn bè " cuổm tay trên " mất người đẹp, còn mình chỉ là người bạn chân tình.
***
Bài Nguyễn Nghiêu Minh trong Vũ Trung Tùy Bút tr 78. Phạm Đình Hổ cũng đã từng ứng khẩu đọc bốn câu tứ tuyệt khi thấy cháu gái con bạn chạy te te múc nước tưới hoa cúc.
Tựa hiên bảo trẻ chia nòi cúc,
Vốn cách sinh nhai cụ huyện già.
Khen lũ trẻ thơ hay biết ý,
Quanh thềm tưới nước học trồng hoa.
Phạm Đình Hổ không làm quan huyện mà làm ở Viện Hàn Lâm và ở Quốc Tử Giám chức vị Tế Tửu, tương đương với Hiệu trưởng, trong thơ truyền khẩu gọi Chiêu Hổ là quan Huyện, vì người bình dân chỉ biết có quan Huyện, thấy ai cũng gọi là quan Huyện, không biết chức tước nào khác.
Văn Tân, Trần Thanh Mại và hầu hết các nhà nghiên cứu Hồ Xuân Hương đều cho rằng Chiêu Hổ chính là Phạm Đình Hổ.
Nguyễn Triệu Luật trong Ngược đường trường thi. (Hà Nội Tân Dân. 1939 Bốn Phương tái bản 1957 tr 104) viết rằng Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ, cùng với Nguyễn Án hiệu Kính Phủ và Xuân Hương được người đương thời gọi là “Tam tài tử”
Qua số thơ truyền khẩu do Lê Quý chép trên văn bản Antony Landes năm 1892, tôi sắp xếp thời điểm đối đáp giữa hai người như sau:
Khoảng năm 1797-1799 Phạm Đình Hổ thường đến thăm Xuân Hương, sau đó đi vãn cảnh chùa Kim Liên. Trong Xuân Hương thi, phần A: Hồ Xuân Hương là con gái biết chữ, hay văn”.
Ở trước nhà có đề: Cổ Nguyệt Đường. Có quan Huyện qua thấy đề như vậy bèn vịnh:
Nhà Cổ hãy còn đeo đẳng Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh lùng Hương.
Xuân Hương thấy vậy, ra xin quan huyện đề thơ, hẹn lấy vần hòi trừ chữ hẹp hòi…
Quan huyện ngâm:
Một hồi lều cỏ đã làm rồi,
Nhác thấy cô bay muốn thẩm hòi.
Xuân Hương nghe thẹn bèn bỏ đi.
Phần C bản Landes chép bài Mắng người say rượu:
Vẫn giả tỉnh, vẫn giả say,
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Người con trai trả lời:
Nào ai tỉnh, nào ai say,
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Hang hùm ví bẳng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng trốc tay?
Đây là văn bản cổ nhất chép bài này không gọi là thơ Chiêu Hổ mà là thơ Mắng người say rượu, các văn bản về sau dựa vào chữ hùm, hùm con nên cho rằng thơ Chiêu Hổ.
Bài 20 văn bản Landes phần C đề tựa Con trai ghẹo Xuân Hương. Lúc mới quen Chiêu Hổ còn ngại ngùng, Xuân Hương đùa:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe,
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè,
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè.
Chiêu Hổ cà thẹn nổi máu nóng anh hùng phản công liều lĩnh:
Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe,
Bảo nhe không được gậy ông ghè!
Ông ghè không được ông ghè mãi,
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè!
Ta thấy Chiêu Hổ mất bình tỉnh, lời thơ hồ đồ, nóng nảy. Tuy nhiên chúng ta thấy hai người đừa bỡn rất thân tình.
Năm 1804 sau khi thôi Tổng Cóc, Hồ Xuân Hương vay tiền Chiêu Hổ để mở hiệu sách ở Phố Nam gần đền Lý Quốc Sư, Xuân Hương vay năm quan tiền. Chiêu Hổ cho mượn có ba, Xuân Hương trách:
Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra,
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhờ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ đáp:
Rằng gián thì năm, quí có ba,
Bởi người thục nữ tính không ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Xuân Hương trách Chiêu Hổ là Cuội, nói dối như Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng, có lẽ Chiêu Hổ cũng không giàu có lắm, nên mượn chuyện tiền quí với tiền gián mà trả lời.
Thuở ấy, một quan có mười tiền, tiền gián có 36 đồng, một quan bằng 360 đồng, do đó 5 quan bằng 1800 đồng.
Tiền quí có 600 đồng; do đó 3 quan tiền quí bằng 600 x 3 = 1800 đồng. Xuân Hương tưởng mượn Chiêu Hổ tiền quí, nhưng Chiêu Hổ cho mượn tiền gián, trách Xuân Hương dốt toán tính không ra.
Năm 1821, Phạm Đình Hổ dâng sách được vua Minh Mạng vời ra: Ông được bổ làm Hành Tẩu Viện Hàn Lâm. Xuân Hương năm ấy chồng Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị tử hình, trở về Cổ Nguyệt Đường, hay tin đã làm câu đối mừng Chiêu Hổ với lời đùa nhẹ nhàng:
-Mặc áo Giáp, dãi cài chữ Đinh, Mậu Kỷ Canh khoe mình rằng Quý.
Lấy những chữ trong thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Hồ Xuân Hương muốn chế giễu Chiêu Hổ chỉ đỗ Tú Tài, nhờ dâng sách mà được làm quan nay mặc áo đẹp ra vẻ ta đây.
Chiêu Hổ nổi nóng, đối đáp bằng lời mắng nặng nề:
-Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn Ly Đoài khéo nói rằng Khôn.
Lấy những chữ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Lời mắng Xuân Hương là “con đĩ càn dỡ lại còn tự phụ, cho mình khôn”.
Những lời mắng nặng nề ấy có lẽ đã chấm dứt mối liên hệ giữa Xuân Hương và Chiêu Hổ.
Vì thế trong toàn bộ tác phẩm của mình Chiêu Hổ nhắc đến tên những nhân vật thời đại nhưng ông không hề nhắc tên Xuân Hương, ngay cả những bài thơ ông viết cho Xuân Hương. Và Xuân Hương chết năm 1822 trước ông 17 năm, ông cũng không viết cho được một bài thơ, bài phú phúng điếu.
(Thật là hẹp hòi! Nghĩa tử, nghĩa tận! Huống chi đối với một giai nhân mà bản thân đã từng giao duyên văn bút, si mê! NT).
Các bài thơ nôm trên chỉ nên xem là giai thoại, vì so với thơ chữ Hán nó kém cỏi rất nhiều. Đó là thơ ứng khẩu đùa vui, giá trị văn chương chỉ hơn vè một chút, không thể xem là tác phẩm văn học.
Nguồn: Tài liệu TS Thạm Trọng Chánh.
*
Chú thích:
15-hoa tích mị, 華 積 媚, Hoa chứa vẻ đẹp. Khái quát là người con gái trang nhã. Và xin dịch như vậy.
16-Nguyệt phân nghiên, 月 分姸, trăng chia đẹp. Muốn chỉ những mối tình đẹp của Nguyệt (Hồ Phi Mai với Nguyện Du, người viết Đoạn Trường Tân Thanh và Hồ Phi Mai với Mai Sơn Phủ mà tác giả đã biết). Do đó, tác giả PĐH, tiếc nuối chưa hẹn hò hay tỏ lòng với HPM lúc nàng chưa yêu ai.
17-Hai câu 4 và 5: Hận lòng, hận mình, đã yêu nàng trong vô vọng, chỉ biết trách trời. Phương thảo 芳草là cỏ thơm, ví tình yêu mộc mạc, đơn sơ của mình. Ta có thể hiểu nỗi lòng của Phạm Đình Hổ, chàng đã yêu con gái duy nhất của Thầy mình, nhưng đang là bạch diện thư sinh, chưa đỗ đạt gì nên còn chần chờ, chưa dám tỏ lòng chăng?
18-Hình ảnh con chim cuốc tiếc nước, cũng như tác giả tiếc nhớ mối tình câm lặng mãi hoài, chạnh lòng về thân thế. Khi ấy, có thể gia cảnh bần hàn, chưa có danh phận gì nên cảm thấy hèn mọn, yếu đuối, nhỏ bé như con chim cuốc đơn chiếc, với tiếng kêu thương tiếc vời vợi, đoạn trường?
19-Trong nguyên tác, tác giả sử dụng hình ảnh bàn tay (chưởng 掌, vừa tả thực vừa sử dụng hình thức tu từ hoán dụ, mượn chi tiết nói lên tổng thể, mà khi đưa vào thơ dich rất khó). Do đó người dịch xin đổi là “dáng tiên” cho phù hợp với luật trắc của bài thơ dịch.
Mời Xem :Hình bóng Hồ Xuân Hương qua Thơ Phạm Đình Hổ :  Bài 1 và 2
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét