30 thg 7, 2022

ELIZABETH GRUNNER: “KHÔNG CHẤM ĐIỂM"

Trong hình là tiến sĩ Anh ngữ Elisabeth Gruner, giáo sư tại đại học Richmond, Mỹ. Mặc dù toàn bộ các giáo sư đại học tại Mỹ và trên toàn thế giới hiện nay vẫn chấm điểm cho học sinh.
Nhưng 4 năm trở lại đây, bà áp dụng phương pháp Undergrading, tức là Không chấm điểm cho tất cả sinh viên của mình trong các bài tập và bài học giữa kỳ. Theo những gì bà giãi bày trong một bài viết của chính bà rất hay đăng trên trang Britannica.
Theo đó, thay vì chấm điểm, bà sẽ cho lời nhận xét. Và bà tập trung vào 3 điểm chính. Một là bà tin rằng khi bỏ chấm điểm, học sinh sẽ thật sự quan tâm tới các nhận xét kỹ lưỡng và chi tiết của bà khi đánh giá bài làm của họ. Hai là như vậy sẽ tạo ra sự bình đẳng. Là vì bằng kinh nghiệm 30 năm dạy học, bà biết có những học sinh kiểu gì cũng đạt điểm cao và có những học sinh thì toàn điểm thấp. Mà những hệ quả này không chỉ do trí tuệ của các em, mà do cả tác động từ hoàn cảnh giàu- nghèo, được đầu tư thích đáng hay không từ cha mẹ vào việc học tập. Ba là bà thật sự rất ghét chấm điểm. Thay vào đó, bà tập trung viết những nhận xét có ý nghĩa, đề xuất những cải tiến, đặt câu hỏi và tham gia đối thoại với sinh viên sao cho hiệu quả hơn. Và bà cho rằng đây chính là phần mở rộng của lớp học. Tất nhiên hết học kỳ, các em đều có xếp hạng theo một điểm số cho bài thi cuối cùng và chỉ cần vậy mà thôi.
Bà cũng cho hay rằng việc chấm điểm cho học sinh thường xuyên khá tệ. Là vì các em sẽ cảm thấy điểm số như một loại tiền bạc được lưu hành trong học đường. Do đó ai cũng muốn được điểm cao và đã có điểm cao sẽ muốn nhiều hơn nữa. Trong khi mục tiêu của giáo dục chính là dạy học sinh nhiều kiến thức, cho các em thực hành, tạo ra sự tự tin khám phá tri thức của các em.
Khi đưa phương pháp Không chấm điểm vào thực tế, chỉ sau học kỳ đầu tiên, bà nhận thấy học sinh rất tiến bộ. Ban đầu bà nói các em chia sẻ những lo lắng, mục tiêu của mình. Và các em cho hay rằng những điều lo lắng là không tự tin, bất an khi phải có ý kiến riêng, lo bị thua sút bè bạn. Sau đó, bà tập trung vào giúp các em sửa chữa và cải thiện những điều này. Và bà đã giúp những sinh viên kém tự tin thấy rằng mình có thể cải thiện, phát triển kỹ năng và đạt được mục tiêu đề ra.
Cách của bà cho phép sinh viên có cơ hội để sửa đổi, đối thoại và tiếp tục sửa đổi. Bà cho biết: "Các em đã được hưởng lợi từ sự huấn luyện của tôi, nhưng có lẽ còn nhiều hơn thế từ quyền tự do quyết định điều gì thực sự quan trọng trong việc đọc và viết của họ. Và tôi cũng được hưởng lợi từ cơ hội giúp các em học tập và phát triển mà không có sự chuyên chế của cấp lớp.
Tiến sĩ Gruner dạy văn học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên và văn học thời Victoria, cũng như cách viết sáng tạo cho thể loại hư cấu. Nghiên cứu hiện tại của bà là về văn học dành cho thanh thiếu niên và "khủng hoảng đọc"; rộng hơn, bà quan tâm đến các mối quan hệ giữa văn học và giáo dục dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Bà từng là Phó chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật & Khoa học, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Tư vấn Học thuật và hiện là điều phối viên giảng dạy tại Đại học Richmond.
Trong một nền giáo dục khai phóng, mỗi người thầy có thể tự tạo ra phương pháp giáo dục của riêng mình, cho dù nó đi ngược lại truyền thống, nhưng vẫn được ủng hộ và ca ngợi nếu như nó đem lại lợi lạc cho học sinh và sinh viên. Đó là những thành tựu tuyệt vời đáng học hỏi.
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU
Photo credit: University of Richmond

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét