23 thg 7, 2022

Cồn Hến Huế - Khám phá đảo nhỏ yên bình giữa lòng cố đô

Cồn Hến thành phố Huế - địa điểm gắn liền với nhiều món ẩm thực đặc sắc (Ảnh: sưu tầm)

Nếu có dịp du lịch Huế và muốn thưởng thức cơm hến, một trong những món ăn đặc trưng nhất cố đô, thì du khách tuyệt đối không nên bỏ lỡ Cồn Hến. Hãy cùng Vinpearl khám phá về cồn đất độc đáo nổi giữa chốn non nước xứ Huế này nhé!

1. Cồn Hến Huế ở đâu? 

Cồn Hến xưa kia vốn là một mô đất nhỏ (cồn cạn) trải qua quá trình bồi đắp của phù sa đã trở thành một đảo nhỏ giữa dòng sông Hương. Cồn Hến Huế có diện tích 24.6 ha, thuộc xã Hương Lưu, phường Vỹ Dạ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km

Nếu đứng từ phía cầu Tràng Tiền nhìn về phía Đông và đứng ở cầu chợ Dinh nhìn về phía Tây thì đã có thể ngắm toàn cảnh Cồn Hến xinh đẹp, lúc này trông tựa như một viên ngọc xanh biếc giữa lòng sông mênh mang. 


    Hình ảnh Cồn Hến Huế nhìn từ trên bản đồ vệ tinh (Ảnh: sưu tầm)

Theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, cồn Hến Huế khởi thuỷ gọi là cồn Soi và được miêu tả như “một cù lao xinh đẹp”. Khi xưa nhờ hai khe nước giữa cồn phù sa lấp cạn nên tôm cá tụ lại rất nhiều. Hàng đêm người dân đến đây soi, đơm bắt, đèn đuốc sáng rực cả một góc trời nên tên cồn Soi cũng khởi nguồn từ những hoạt động chài lưới soi cá tôm ban đêm như vậy.

Cồn Hến nổi giữa dòng sông Hương đẹp tựa như viên ngọc (Ảnh: sưu tầm)

Đến năm 1805, vua Gia Long ra lệnh cho khởi dựng Kinh thành Phú Xuân. Các thầy phong thủy đã chọn Cồn làm yếu tố “Tả Thanh Long” – nằm bên trái, trước Kinh thành cùng với Cồn Dã Viên là yếu tố “Hữu Bạch Hổ” nằm bên phải.  

2. Hướng dẫn cách đi đến Cồn Hến ở Huế

Nếu nhìn bản đồ du lịch Huế từ trên cao, Cồn Hến nhìn hơi giống hình thoi, chia sông Hương làm 2 nhanh. Tuy tách biệt với đất liền nhưng du khách có thể đi đến Cồn Hến thông qua chiếc cầu sắt Phú Lưu (còn gọi là cầu Cồn) dẫn từ đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ bắt ngang sông đi vào Cồn.

Cầu sắt Phú Lưu rộng khoảng 3m, dài 3m là con đường kết nối duy nhất của người dân Cồn Hến với bên ngoài (Ảnh: sưu tầm)

Cầu sắt Phú Lưu được xây dựng khá lâu (năm 1975) và cũng trải qua nhiều lần trùng tu. Do chỉ rộng 3m nên cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy. Qua cầu là thẳng tới con đường chính và là con đường duy nhất trên cồn có tên là Ưng Bình. Đây là tên của một nhà thơ thời tiền chiến, tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ưng Bình. Con đường này được ví như một trục xương sống hỗ trợ đi lại trên Cồn, chia đôi Cồn theo chiều ngang.

Rất nhiều du khách thích thú chụp ảnh check-in tại cây cầu cổ này (Ảnh: sưu tầm)

3. Khám phá Cồn Hến yên bình giữa thành phố Huế

3.1.  Dạo chơi thôn Vĩ Dạ - nơi Hàn Mặc Tử xưa từng ghé thăm

Thôn Vĩ Dạ là địa điểm gây nhiều thương nhớ cho nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quả không sai khi thiên nhiên tạo tác khiến khung cảnh thôn Vĩ luôn thắm đượm vẻ bình yên và hoài niệm hiếm có. 

  Vẻ đẹp bình yên dịu dàng tựa tranh thủy mặc của thôn Vĩ Dạ (Ảnh: sưu tầm)

Tại đây, du khách có thể đi dạo dưới ánh nắng ấm, ngắm nghía những ngôi nhà mộc mạc trong thôn, tận hưởng cảnh quan xanh mát tại những khu vườn nhà người dân… Có lẽ sẽ thật hiếm tìm được nơi đâu có những buổi chiều thật yên bình mang dáng vẻ xa xưa như ở thôn Vĩ Dạ.

Không khó bắt gặp những hàng cây xanh mát rượi xua tan cái nóng oi bức mùa hè (Ảnh: kid1485)

Vẻ đẹp tiếp theo của Cồn Hến được in dấu tại bến đò ngang, nơi người dân giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa Cồn Hến và chợ Cồn. Đặc biệt mỗi khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng chiều nhẹ nhàng in bóng xuống mặt sông trong veo. Lặng nhìn chiếc thuyền nhỏ trôi lững lờ trong không gian nắng chiều càng làm cho Cồn Hến đẹp và nên thơ hơn bao giờ hết.

Khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi bến đò ngang Cồn Hến (Ảnh: sưu tầm) 

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những di tích lịch sử đã tồn tại được hàng trăm năm nơi Cồn Hến Huế. Điển hình như: đình làng Bồi Thành, Niệm Phật Đường Hương Lưu, chùa Pháp Hải…

Do Cồn Hến ở Huế có diện tích không quá lớn nên du khách có thể dễ dàng khám phá các con đường lớn nhỏ (Ảnh: sưu tầm)

3.2. Cuộc sống bình dị của người dân trên Cồn Hến

Vĩ  Dạ - Cồn Hến Huế vẫn giữ được vẻ đẹp nao lòng và xanh mát theo thời gian dù bên ngoài kia là phố xá nhộn nhịp, kẻ đến người đi. Tuy nhiên, không phải vì tách biệt mà người dân nơi đây sống thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu. Tất cả đều đầy đủ chỉ khác là không khí sống “chậm” hơn, tận hưởng và sâu lắng hơn.

Cuộc sống của người dân trên Cồn Hến vô cùng yên bình (Ảnh: nghianc58)

Người dân sinh sống trên Cồn Hến đa phần là dân tái định cư, dân của xã Phú Xuân (Phú Vang) chuyển đến sinh sống và mưu sinh bằng nghề cào hến. Nghề cào hến và chế biến hến được truyền lại và phát triển trong thời gian dài, được xem là nghề chính của cư dân cồn Hến.

Chính vì vậy mà nơi đây được biết đến với nhiều món ăn đặc sản liên quan đến hến như: bún hến, mì hến, hến xào xúc bánh tráng… và nổi tiếng nhất là cơm hến. Thậm chí có người cho rằng, đến Huế mà chưa thưởng thức cơm Hến chưa phải là đến Huế. Vậy địa chỉ cơm hến ở đâu ngon? Chắc chắn là ở chính Cồn Hến rồi! 

3.3. Thưởng thức cơm hến ở Cồn Hến Huế -  món cơm trứ danh của Huế

Cơm hến vốn là một món ăn dân dã của người dân lao động, được làm từ các nguyên liệu sẵn có, quen thuộc như: cơm nguội để qua đêm, tóp mỡ chiên vàng ruộm, hến tươi, lạc rang, tỏi, muối, bột ngọt, nước sốt ớt, hoa chuối…

Đã cất công đến Huế, phải ăn cơm hến ở Cồn Hến mới “chuẩn vị” (Ảnh: sưu tầm)

Trái ngược với ẩm thực cung đình, những món ăn dân gian ở Cồn Hến được làm từ nguyên liệu thông thường trong cuộc sống lao động hàng ngày. Cách chế biến rất đơn giản, mộc mạc, bình dị, giá thành rất rẻ, nhưng gây ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức.

Ngoài ra, ẩm thực Cồn Hến còn có một món ăn vặt nổi tiếng nữa chính là món chè bắp (chè ngô). Món chè này gây ấn tượng bởi bắp trồng ở trên Cồn ngon hơn hẳn so với bắp ở các địa điểm khác. Kết hợp với bàn tay chế biến khéo léo của người dân, cơm hến và chè bắp trở thành những món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi đến thăm Cồn Hến. 

Cồn Hến

Món chè bắp thơm ngon đặc trưng ở Cồn Hến (Ảnh: sưu tầm)

Vinpearl Hotel Huế - nơi du khách thư giãn và ngắm cảnh thành phố từ trên cao 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét