13 thg 7, 2022

ĐỌC LẠI ĐỂ TƯỞNG NHỚ NHỮNG NHÀ THƠ TÀI HOA BẠC MỆNH - Ngô Minh

 Mọi người biết Phương xích lô chứ ít người biết tên thật của anh. Người ta biết anh vì thơ anh hay, vì cuộc sống anh có lắm điều kỳ dị, kỳ quái, kỳ lạ.
Có người giận anh, rồi lại thương. Có người giận rồi xa lánh, hắt hủi. Tất cả bắt đầu từ sự say thơ, từ cú xốc đau đớn của số phận người đạp xích lô tài hoa, tài tử này.
Cách đây khoảng hơn 20 năm, hồi Tạp chí Sông Hương còn đóng gần cửa Thượng Tứ, một buổi sáng, có một chàng trẻ, đẹp trai, đạp chiếc xích lô đến toà soạn, rụt rè gửi lại mấy bài thơ chép trên những trang vở học trò nhàu nát, không đề bút hiệu, địa chỉ.
Nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ lúc này là biên tập thơ, hỏi tên thì chàng xích lô nói vọng lại: ”Em là Phương, dân xích lô”. Mỹ Dạ đọc thơ thấy hay, liền đề nghị in, ghi tên là Phương xích lô.
Thế là bút danh Phương xích lô lần đầu tiên xuất hiện trên một tạp chí danh giá của làng văn. Một lần Phương được bạn bè bao ra Hà Nội, đi đâu Phương cũng đi bằng xích lô.
Phương đạp thay cho những bác xế già. Thế là Phương có thơ:
...Bác chở tôi một lần rồi quên lãng
Nhưng riêng tôi chở bác suốt thời gian (Thơ gửi bác xích lô Hà Nội).
Còn dân xích lô Huế ai cũng thuộc một vài bài hay vài câu thơ của Phương:
 
Ta xích lô hề
Người xích lô
Ráng cho xong hết một đời phu
Chở bao đau thương về nghĩa địa
Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ
Ngó xuống thua chi loài giun dế
Trông lên hơn hẳn lũ công cò…
(Xích lô hành).
 
Word Cup France 98, báo Văn nghệ Trẻ thi thơ ngắn về bóng đá. Phương có bài thơ tứ tuyệt Đá bóng giành giải thưởng:
Em đá vào ta một trái buồn
Còn ta đá lại trái cô đơn...…
Năm 1998, báo Văn TP Hồ Chí Minh thi thơ lục bát, bài thơ Tím của Phương đã được ban giám khảo xếp giải:
Trưa nay chợt nhớ trưa nao
Trước
Nhà em
Tím
Một màu băng lăng
Ai trồng rào dậu cản ngăn
Cho chúng mình
Tím
Vết hằn chia ly...…
 
Năm 1992, Phương xích lô được bạn nghề góp tiền giúp anh in tập thơ Những dòng sông (in chung). Từ đó anh trở thành hội viên thơ của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế.
Trên xích lô của Phương bao giờ cũng nhét một cuốn vở học trò màu cháo lòng và cây bút bi. Khi nào tứ thơ chợt đến là Phương dừng xe bên đường cắm cúi viết.
Có lần gặp nhà thơ Phùng Quán từ Hà Nội vào, Phương mời anh Quán lên xe để vừa đi ngắm Huế vừa nghe thơ xích lô. Một ông già áo Mán, quần bò, râu tóc bạc phơ, một chàng trai tóc xoăn khôi ngô, quần sờn áo vá, vừa đạp xe xích lô vòng vèo phố Huế, vừa thay nhau đọc thơ sang sảng.
Dân qua đường ai cũng ngoái nhìn. Nhiều anh xe thồ, xích lô cũng nối theo để nghe thơ như một đám rước, quên cả đón khách. Đến chiều mới hay, cả ngày Phương chưa có được cuốc xe nào kiếm tiền cả.
Anh Quán nằn nì Phương nhận ít tiền đưa về cho vợ, Phương bảo: “Anh còn khốn khó hơn em. Khốn khó tới 30 năm. Tiền đâu ra mà đưa cho em…”.
Nhiều nhà thơ ở Huế có bạn thơ ở xa tới thăm đều nhờ Phương chở đi chơi phố Huế. Đi xích lô với Phương rất vui vì chủ khách đều như người nhà, đọc thơ rồi cười ha hả.
Có một lần, Phương chở một ông khách du lịch người Sài Gòn đi thăm lăng tẩm Huế. Thấy Phương đạp xích lô lên dốc mệt, ông khách liền nhảy xuống, cùng đẩy.
Thấy dáng Phương mỏi, ông khách bảo Phương ngồi lên xe để ông đạp thay. Phương đã làm thơ về sự gặp gỡ cảm động đó. Bài thơ có đoạn kết thấm thía tình người :
Khi chia tay anh mời tôi đi nhậu
Nổi hứng lên tôi đọc tặng bài thơ
Đời có lúc không cần đeo mặt nạ
Anh mỉm cười: “ Ở Sài Gòn mình cũng xế xích lô !”
Ngoài nghề đạp xích lô, vì cơ thể đàn ông đẹp, nên Phương thường xuyên được trường Đại học Nghệ thuật Huế mời làm người mẫu cho sinh viên học sáng tác.
Cứ đứng một buổi được mấy chục ngàn, tuy có “nhột” chút đỉnh, nhưng không mồ hôi mồ kê như đạp xích lô. Có tháng Phương một buổi đạp xe, một buổi làm người mẫu, để có thêm tiền nuôi con.
Những ngày đó Phương ở gần nhà tôi, ngay trên dốc Bến Ngự. Phương có hai đứa con gái sinh đôi rất kháu khỉnh…
Cuộc đời Phương đang êm đềm “trên ba bánh xe lăn”, bỗng gặp một khúc quành đến vực thẳm chết người. Phương có một người bạn thơ rất thân. Anh bạn hay đến nhà cùng Phương ngâm ngợi, chén tạc chén thù.
Vợ Phương có tài đàn tranh. Phương làm thơ tặng vợ: Mười sáu bậc âm thanh kỳ diệu/Đưa ta bay lên tận cung Hằng. Thế rồi người vợ mà Phương vô cùng yêu dấu, bỏ Phương, theo người bạn thơ ấy.
Nàng quyết liệt đòi Phương phải chia tay. Thế là Phương lủi thủi đạp xích lô về ở với mẹ ở phố Chi Lăng. Từ đó, ngày nào Phương cũng đạp xích lô đến thăm con, chở chúng nó đi ăn chè, ăn kem.
Chia tay con, Phương lại về chỗ tôi uống rượu và khóc. Phương uống rượu vì buồn tủi, vì thương, vì giận. Phương bắt đầu nát rượu từ đó. Phương không đạp xích lô được nữa.
Thế rồi người vợ đi theo chồng mới vào Nam, mang hai đứa con gái của Phương gửi vào tu trong một ngôi chùa ở Đồng Nai (bây giờ hai đứa đã thành ni cô).
Biết là vợ con đã xa ngàn dặm, thế mà ngày nào cũng đạp chiếc xe đạp cà tàng lên thăm lại hình bóng người thân nơi ngôi nhà xưa, rồi vào quán.
Có lần có đứa bé cạnh nhà tôi, hốt hoảng chạy vào lay vai tôi: “Bác Ngô Minh, cái chú gì mà hay vào nhà bác bị ngã trên đường tàu ngoài kia kìa!”.
Tôi chạy ra, hoảng hốt thấy Phương đang nằm vắt ngang đường tàu hoả, chiếc xe đạp đè lên người. May chưa có chuyến tàu nào đi qua. Tôi đỡ Phương dậy, dìu vào nhà.
Có lần đang đêm khuya khoắt, tôi đã ngủ say, bỗng nghe có tiếng ai gọi như từ âm phủ vọng lên: “Ngô Minh ơi…ơi!”. Tôi nổi da gà, ngỡ là “ma”.
Định thần, mở cửa thì thấy Phương say đang ngã nhào trước cổng nhà tôi. Thì ra, Phương nhớ con, nhớ vợ, đang khuya cũng ngất ngưởng mò lên thăm lại chốn xưa!
Từ đó Phương như một người điên, đi lang thang ăn mày rượu của đời. Thấy ai quen trên phố, Phương giang tay chặn xe: “Cho Phương xin hai ngàn!”.
Chỉ xin 2 ngàn, đủ cút rượu thôi. Cho nhiều Phương trả lại. Nhiều lần trong vô thức rượu, Phương tưởng mình đang làm người mẫu, liền cởi quần áo, đứng như người khoả thân ở ngã tư đường phố.
Phương không chỉ “khoả thân” với Huế, mà còn “khỏa thân với Tây Nguyên”.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể với tôi, thời anh làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, đang đêm, anh bỗng nhận được một cú điện thoại từ thị trấn Buôn Hồ, Đắc Lắc hỏi: “Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế có ai tên là Phương xích lô không?”.
Anh Vỹ tưởng có chuyện gì nguy cấp, hỏi mới hay Phương đang “làm người mẫu” ở giữa phố huyện Buôn Hồ, liền bị dân phòng phạt. Hỏi tên chi: Phương say líu lưỡi: “Tôi là Phương xích lô, nhà thơ ở Huế”. May cái ông dân phòng ấy cũng là một người Huế đi kinh tế mới.
Vì sự đó, bản thảo tập thơ “Giọt nước Hương giang” của Phương nhà xuất bản từ chối cấp giấy phép. Nhiều người ghét bỏ, xa lánh Phương.
Còn với ai hiểu cảnh ngộ của Phương đều ứa nước mắt. Phương chỉ dở điên dở dại khi uống rượu. Còn khi làm thơ thì Phương lại trở lại là Phương xích lô dân dã, tinh tế và bản lĩnh.
Có dịp tôi đang làm trang thơ Tết cho báo Thương mại, Phương tìm lên nhà tôi, đưa tôi ba bài thơ chép nguệch ngoạc trên vỏ bao thuốc lá Đà Lạt, bảo: Thơ em không hay thì anh vứt đi!
Thơ của Phương làm trong thời gian cuối đời, đầy men rượu, nhưng cũng đầy đớn đau thân phận:
Thưa em
Tôi đã khuyết rồi
Đêm nao chú Cuội khèo rơi trái rằm (Thưa em).
Hay:
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Đành mượn cỏ cây thế chiếu giường
Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự
Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương (Tuý độc hành).
Trong bài thơ Tự trách, Phương tỉnh táo trách mình:
Chưa làm chi được cho đời
Ngoài những vần thơ vớ vẫn
Thôi mau chết quách cho rồi
Sống lâu chân đạp nhớp đất
Sống lâu đầu đội dơ trời...…
Ôi, Phương xích lô, thi sĩ đầy tư cách công dân, khẩu khí tựa như Nguyễn Công Trứ. Thơ như rứa không thể nói là Phương điên được!
Ngày 2 tháng 6 năm 2001, Phương xích lô ra Thành cổ Quảng Trị thăm mẹ nhà thơ Nhất Lâm đang ốm nặng.
Phương thấy trẻ con đang tắm trần truồng dưới mương Thạch Hãn. Thích quá, không biết mình đang ngất ngưởng rượu, Phương cũng nhào xuống tắm. Thế là Phương đi vĩnh viễn…!
Trong cái túi xách cà tàng Phương để lại trên bờ có một vỏ chai đã khô rượu và hai bài thơ mới viết. Trong đó bài thơ Chạng vạng như là một lời cuối cùng:
Chạng vạng đất
Chạng vạng trời
Tình tôi chạng vạng trong thời xa em
Mắt nhìn
Chạng vạng hơi men
Miệng đời chạng vạng
Chê khen tiếng lời
Tuổi tên chạng vạng
Quên rồi
Đường đi chạng vạng
Biết nơi mô về...
Những câu thơ linh ứng như Phương biết trước cuộc ra đi của mình. Thơ Phương tiên tri
Mình sống lang thang chẳng cửa nhà
Chết không đất táng làm ma phiêu bồng...
Nhưng đám tang Phương, bạn bè văn nghệ Huế, Quảng Trị, Sài Gòn, mỗi người một tay, lo vô cùng chu đáo. Cũng có xe tang cờ xí đỏ xanh như người, cũng có tiền âm phủ rải bố thí dọc đường đời.
Ban quản lý nghĩa trang thành phố Huế cho Phương một đám đất cạnh đường. Bạn bè xây mộ hoa sen. Các nhà thơ Huế còn khắc chữ thư pháp bài thơ Thiên thu ca lên một phiến đá hoa cương cao do một xưởng cưa xẻ đá tặng, dựng ngay đầu mộ.
Năm nào đến ngày giỗ Phương anh em bạn thơ lại lên mộ thắp nhang, đọc thơ, rồi tưới rượu Chuồn ngon nổi tiếng xuống mộ Phương, như là Phương vẫn còn bên họ.
Các nhà thơ Phạm Nguyễn Tường, Nhất Lâm, Lương Ngọc An (Hà Nội), Hải Trung đã tận tuỵ sưu tập bài vở, chạy giấy phép in cho Phương tập thơ Chở gió.
Năm nay nhà văn Nhất Lâm đã tập hợp và biên soạn xong bản thảo tập sách dày dặn “Nguyễn Văn Phương - Thơ và đời”, tập hợp những bài viết về Phương và toàn bộ thơ Phương, như là kỷ vật còn lại của Phương xích lô với cuộc đời.
Và đầu tháng sáu này, Phương lại hiện hữu cùng những người đồng nghiệp của mình trong Lễ hội Xích lô nước Việt…Tôi như thấy hồn thi sĩ Phương xích lô lại về chở gió…
 
Nhà thơ Ngô Minh

 Từ Fb Trần Phong Vũ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét