27 thg 7, 2022

NÓI LÁI

Lối nói lái độc đáo trong tiếng Việt

Lãng Nhân Phùng Tất Đắc (1907-2008) đã từng nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu… huống hồ chơi… chữ”! 

Trong cuốn “Chơi Chữ” do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970, nhà văn còn phân tích một cách cặn kẽ: “Hai cách chơi chữ trong tiếng Việt được thấy nhiều nhất là 
-Nói lái 
-và dùng chữ “đồng âm khác nghĩa”. 

Tiếng Việt là ngôn ngữ độc âm, nhờ thế rất dễ dàng trong lối Nói lái mà tiếng Anh gọi là “Spoonerism”. Hẳn ai cũng đều từng nghe câu này:
 “Vấn đề khó khăn nhất bây giờ là chuyện đầu tiên“. Hoá ra, “đầu tiên” có nghĩa là… tiền đâu?

Quý ông được khen là NGƯỜI SÁNG CHÓI thì không nên vội mừng vì có thể họ bảo mình là “NGƯỜI SÓI TRÁN Còn với phái nữ (phải xin lỗi trước những quý bà có tên Hương) nếu được ai khen đẹp tựa hình ảnh HƯƠNG QUA ĐÈO thì phải cẩn thận, họ đang bảo mình là… HEO QUA ĐƯỜNG.

Chơi chữ có thể là “Đồng âm, Khác nghĩa”. Ngày xưa, đã có lần báo Trung Bắc ra một câu đối: “Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả”. Thâm thúy nằm trong chữ “cả”, có nghĩa là “lớn” nhưng lại cũng có nghĩa là “cùng”. Hóa ra, vợ lớn hay vợ nhỏ gì đều cũng là vợ… Quan trọng không kém gì nhau!

Năm 1945, toàn quốc thi đua kháng chiến chống Pháp… nhưng lại có một nhà thơ nào đó than thở:

“Chú phỉnh” tôi rồi “chính phủ” ơi.
“Chiến khu” đong lúa “chú khiêng” rồi.
“Thi đua” chi lắm “thua đi” mãi.
“Kháng chiến” lâu dài “khiến chán” thôi!

Thêm một bài thơ sử dụng thủ pháp nói lái giữa "răng" và "lợi", cũng của tác giả vô danh:

“Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem bói một quẻ, lấy chồng lợi không?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi... nhưng răng không còn!”

Quảng Bình vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp rất nghèo. Để diễn tả điều này, có người đã nói lái cho vui: 
"Đến Đèo Ngang là đến xứ… đang nghèo". 

Cũng vì thế, có một truyện tiếu lâm: Một ngôi làng nọ ở Đèo Ngang, nghèo khổ quá nên cầu xin ông Trời giúp cho bớt khổ. Ông Trời bảo: 
-"Các ngươi đặt tên Đèo Ngang, có nghĩa là “đang nghèo”. 
Vậy đổi sang tên “Đèo Nghếch” mới được". Quả thật, sau đó dân làng… “đếch nghèo”. 
Dân làng ăn nên làm ra, nhà cao cửa rộng, con đàn cháu đống. Nhưng chẳng bao lâu sau dân làng lại nghèo xác, nghèo xơ. Dân báo cáo với Trời, ông Trời đáp tỉnh bơ: 
-"Ôi, các ngươi ĐÔNG CON thế, nuôi sao nổi. Muốn thoát nghèo, các ngươi phải đổi tên lần nữa. Này nhé, đổi sang “Đèo Đứng” đi…”. Đọc tới đây chắc các bạn hiểu được lối nói lái của Trời là… “Đừng đ…”!

Từ Quảng Bình chúng ta xuống đến Quảng Nam. Dân Quảng Nam lại có tật phát âm sai nhưng chính đặc điểm này lại là mảnh đất màu mỡ cho nói lái phát triển. 

Trong các nhóm chữ nói lái, hầu hết đều nhắc đến bộ phận kín đáo trên cơ thể hoặc những điều bị xem là "cấm kỵ" trong ngôn ngữ, chỉ có người bình dân mới dám mạnh dạn nói dưới hình thức nói lái, dù chỉ để đùa.

Dưa leo thì phải là loại “leo đá” và phải được “thái dọc” ăn mới ngon. Mực thì món đặc biệt vẫn là mực xào với ngò, là “món mực ngò”. Ăn mít phải chọn loại “mít đặt” và có người đút cho thì ăn mới thấy ngon.

Thời cận đại có thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), còn được gọi là nhà thơ Bán Dùi, vì ông ưa nói lái. Kiểu nói lái của Bùi Giáng thật khác người… mà cũng không cần người đọc có hiểu hay không. 

Ông thường dùng những từ ngữ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, tồn lý tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp… Trong bài thơ “Mưa nguồn” ông viết những câu thật bí hiểm:

“Lọt cồn trận gió đi hoang 
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra…”

Trong văn xuôi hình như ít thấy nói lái. Một trong những tác giả sở trường môn này phải kể đến Vương Hồng Sển (1902- 1996). Rải rác trong tác phẩm "Hơn nửa đời hư" ông chen vô mấy chữ "ủ tờ", "mống chuồng"… 

Cũng chính tác giả của "Saigon năm xưa", "Saigon Tạp pín lù", Vương Hồng Sển đã đặt tên cho xe thổ mộ là xe “u mê”. Ông giải thích "vì sàn xe bằng gỗ cứng, khách ngồi bệt trên sàn, ê ẩm bàn trôn, nhứt là khách phụ nữ đều phải ê mu… nói lái cho bớt tục"!

Sang đến thời điêu linh tức là thời “khoái ăn sang” vì sáng nào cũng ăn khoai lang sau khi được “phỏng giái”… Thầy giáo thì “tháo giầy”, giáo chức phải “dứt cháo” nên mới có thơ:
 
“Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán
Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo đón xuân sang”.

Cũng có người sợ nói lái nên tránh đặt tên con những chữ có thể nói lái thành thô tục. Chẳng hạn như tên Thái, dễ bị ghép thành “Thái dọt”, “Thái dúi”… "Hải dưới"
Con gái thì tránh đặt tên Lài vì sợ bị dễ ghép với chữ có âm “ồn” để thành “Lài dồn”, “Lài cồn”, “Lài mồn”…

Giữa tình yêu trai gái và màu sắc tưởng chừng như chẳng có gì liên quan… Ấy thế mà người ta liệt kê “bốn sắc màu của tình yêu” bằng cách nói lái, theo từng giai đoạn của đời người. 

Thuở mới yêu nhau, sắc màu đẹp nhất chính là “màu nho” vì họ thường… “mò nhau”. Khi đã lấy nhau rồi, về ở chung với cha với mẹ, phòng ốc chưa được riêng tư, cứ vội vội vàng vàng những khi vợ chồng âu yếm nhau để tình yêu trở thành “màu lam” tức là… “làm mau”. 

Đến khi làm ăn khấm khá, có nhà có cửa, lúc này là lúc sung sướng nhất, cuộc đời có “màu pha lê” với hàm ý… “cứ phê… là la”. Nhưng rồi tuổi đời chồng chất, sức khỏe giảm dần, đến lúc chỉ còn lại với đời một “màu đọt chuối” vì… “cứ chọt là đuối”!

Nói lái ngày nay trở thành quen thuộc đến độ người ta sử dụng nó một cách tự nhiên như “làm sương cho sáo” (làm sao cho sướng), hiện đại hại điện, lộng kiếng (liệng cống), “chà đồ nhôm – chôm đồ nhà”, “cầu gia đạo – cạo da đầu”, “ban lãnh đạo - bao lãnh đạn”, “đơn giản” như “đang giỡn”, “bí mật” bị “bật mí”…

Đôi khi nói lái cũng rất nhiêu khê. Món “mộc tồn” được “chiết tự” từ “cây còn”… có nghĩa là con cầy. Món ưa thích của một số người khoái ăn thịt chó. 

Bạn có bao giờ nghe giai thoại giải thích “đại phong” là “lọ tương”? Đại là lớn, phong là gió. Đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, chùa đổ thì tượng lo. Cuối cùng thì “đại phong” trở thành… lọ tương!

Để kết thúc chuyện nói lái, xin kể ra đây một chuyện tiếu lâm giữa hai vợ chồng “hay chữ”. Họ làm thịt một con gà và giao ước mỗi khi gắp một miếng thịt gà phải… nói lái mới được ăn. Anh chồng chọn miếng đùi gà và nói “ui cái đằng” để nhấm nháp một cách ngon lành. 

Chị vợ còn đang suy nghĩ tìm chữ thì anh chồng lại nói “ươn cái lằn” rồi gắp miếng lườn gà về bát của mình. Lại nghe anh chồng tấn công tiếp “âu cái đằng” và gắp miếng đầu gà. 

Chị vợ tức quá vì chưa được miếng nào, bèn đứng dậy nói dỗi:

“Ông chọn toàn miếng ngon không à… còn cái này đây, ông có “ôn cái lằn” thì mời ông xơi cho đủ bộ?”.

Người ta rút ra một điều: nói lái phải tục mới vui, mới cười được. Chứ nói lái bình thường thì “hiền” quá, chả có gì là hấp dẫn!
 
ST

H.phi chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét