1 thg 8, 2021

Lê Văn Nghĩa – Azit Nexin của làng văn Việt Nam

 Vanvn- Tôi gặp nhà văn Lê Văn Nghĩa lần đầu vào khoảng năm 1990. Khi đó, tôi cùng đám bạn thường “kiếm cơm” bằng việc tập tành cộng tác với các báo. Tôi thích viết châm biếm nên chọn tờ Tuổi Trẻ Cười để gửi gắm niềm hy vọng của mình.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa thích chạy chiếc vespa lạch bạch với nét mặt luôn nghiêm túc nhưng khi nói chuyện thì rất niềm nở. Đọc bản thảo, anh bảo: “Tôi thấy em viết cũng được. Để từ từ tôi sẽ đăng cho”.

Nhờ anh, thời sinh viên tôi cũng có được mấy bài đăng Tuổi Trẻ Cười và số nhuận bút cũng góp phần đáng kể cải thiện đời sống ngày đó.

Sau này, qua công việc tôi có dịp gặp lại Lê Văn Nghĩa, khi anh chủ xị cho giải thưởng Cù nèo Vàng của báo Tuổi Trẻ Cười. Ở giải thưởng do báo Tuổi trẻ Cười tổ chức này, các phóng viên văn hóa, văn nghệ (VHVN) tại TPHCM bình chọn cho các cá nhân, vở diễn hài xuất sắc nhất trong năm. Cứ đến hẹn lại lên, Lê Văn Nghĩa lại alô cho cánh phóng viên theo mảng VHVN trên địa bàn thành phố đến tham gia hội đồng nghệ thuật, bỏ phiếu bình chọn cho giải Cù nèo Vàng.

Ở giải thưởng này, một mình Lê Văn Nghĩa gần như làm hết mọi việc. Anh đi kêu gọi tài trợ, tổ chức bình chọn, tổ chức đêm biểu diễn công bố giải thưởng. Dù giá trị giải thưởng của Cù nèo Vàng không cao nhưng được rất nhiều nghệ sỹ quan tâm bởi uy tín và thương hiệu của giải. Nhiều nghệ sỹ tên tuổi như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Việt Anh, Hoài Linh, NSND Thanh Nam, NS Xuân Hương…. hay thậm chí bộ phim hài nổi tiếng Chuyện nhà Mộc của đạo diễn Trần Lực, từng nhận giải thưởng này.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021)

Song song với giải Cù nèo Vàng, Lê Văn Nghĩa còn tổ chức giải Trái cóc Xanh, giải được trao cho các hiện tượng tiêu cực đình đám trong lĩnh vực văn hóa – giải trí (Tương tự giải Mâm xôi Vàng của điện ảnh Mỹ).

“Các giải thưởng Cù nèo Vàng hay Trái cóc Xanh góp phần khơi gợi cho các nghệ sỹ có thêm nhiều cách chọc cười thâm sâu hay phê phán mang tính xây dựng, chứ không hạ thấp tính thẩm mỹ nghệ thuật… Anh Lê Văn Nghĩa đã tạo được một sân chơi thú vị cho làng hài, để góp phần làm trong sạch tiếng cười, lay động lòng người thay đổi lối sống, cách nghĩ, cách hành xử ở đời”- đạo diễn Thanh Hiệp, bày tỏ.

Nhưng đó là chuyện sau mặt báo, còn với công việc viết lách, Lê Văn Nghĩa là chủ nhân của hơn 20 tập truyện tiểu phẩm châm biếm. Nếu có kỷ lục Việt Nam phù hợp, Lê Văn Nghĩa xứng đáng với kỷ lục Người viết nhiều tiểu phẩm châm biếm nhất.

Nhà văn Trần Hiền Mai từng kể vào năm 1990, khi đi công cán ở Thổ Nhĩ Kỳ, một lãnh đạo Bộ Văn hoá khi đó, đã từng cầm tập truyện hài hước của Lê Văn Nghĩa giới thiệu với nhà văn Azit Nexin-nhà văn chuyên viết châm biếm hài hước nổi tiếng thế giới.

Azit Nexin đã rất vui vì biết ở Việt Nam có một cây bút chuyên viết châm biếm như ông và hứa sẽ tổ chức dịch và giới thiệu tại Thổ Nhĩ Kỳ – quê hương nhà văn.

Đáng tiếc sau đó dự định không thành. Tôi hỏi Lê Văn Nghĩa về chuyện này, anh chỉ cười và bảo: “Tôi cũng được biết chuyện đó nhưng vì chưa gặp trực tiếp Azit Nexin thì không thể nói. Nhiều người cũng gọi tôi là Azit Nexin Việt Nam nhưng tôi nghĩ mình sao so với ông ấy được”.

Với ai đã từng đọc các tiểu phẩm của Lê Văn Nghĩa mới thấy tính trào phúng, hài hước của anh mang đậm hơi thở của cuộc sống. Những câu chuyện của Lê Văn Nghĩa thường ít lên gân hay xây dựng tình huống quá cao trào. Anh viết như là đang kể chuyện. Chuyện để cười nhưng khi cười xong người đọc lại cảm thấy buồn. Đơn cử như chuyện một ông già về hưu ra quán nhậu chỉ gọi món lỗ tai heo ngâm giấm. Không phải ông mê món đó mà bởi khi còn đương chức, ông suốt ngày được nghe những kẻ nịnh hót rủ rỉ bên tai mà người đời gọi là “nhai lỗ tai”. Khi về hưu chẳng còn kẻ nào “nhai nữa” nên ông nhớ, đành nhai lỗ tai heo cho đỡ ghiền…

Từ các tiểu phẩm châm biếm, ông đã sáng tạo ra rất nhiều nhân vật hài hước như ông Đạo Văn Mỗ – Một ông quan tham hám gái sợ vợ; Cô Linda Kiều ít học lười nhác, chỉ mê lấy chồng giàu… Cách xây dựng nhân vật của Lê Văn Nghĩa hài hước nhưng khá đời nên ai đọc cũng cảm thấy hình như hơi quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu đó trong dòng đời tấp nập.

Gây ấn tượng nhất trong số những nhân vật của Lê Văn Nghĩa có lẽ là nhân vật ‘Điệp viên Không Không Thấy”. Một điệp viên kém tài lười nhác chuyên đi tìm hiểu, điều tra đủ thứ vụ án và kết quả thành công của chàng điệp viên này luôn nhờ may mắn.

Nhân vật “Điệp viên Không Không Thấy nổi tiếng tới mức sau đó, khi một bộ phim hài nước ngoài nhập về Việt Nam, các nhà dịch phim đã lấy luôn tên nhân vật Không Không Thấy của Lê Văn Nghĩa để đặt thành tên phim.

Sau khi nghỉ hưu, Lê Văn Nghĩa chuyển hướng qua viết tiểu thuyết với những cuốn như Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ, Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, Cây viết máy và con chó nhỏ …

Các tác phẩm của nhà văn được người đọc đánh giá cao bởi nhưng tư liệu đầy sống động cũng như chất nhân văn, sự bao dung. Với tiểu phẩm hài, Lê Văn Nghĩa vẫn viết nhưng không nhiều như trước. Hỏi Lê văn Nghĩa là anh đã trao biết bao giải thưởng cho người khác vậy sao anh chưa có giải thưởng nào cho riêng mình, Lê Văn Nghĩa lắc đầu: “Giải thưởng tôi nhận được là bạn đọc yêu mến tôi, đọc sách của tôi”-

Quả thực, mỗi lần ra mắt sách, Lê Văn Nghĩa phải gò lưng ký hàng trăm quyển sách tặng cho bạn đọc hâm mộ, đó là niềm vui mà không phải người viết nào cũng có được.

Lại nhớ có lần, khi tôi hỏi anh là sao giải thưởng Cù nèo Vàng lại không trao cho các nhà văn, Lê Văn Nghĩa cười: “Việt Nam chỉ có chừng mươi nhà văn viết truyện hài trong đó có tui. Nếu trao thế thì hóa ra tui lại trao giải cho tui à?”.

TRỌNG THỊNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét