Hệ miễn dịch đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, cùng tìm hiểu xem hệ miễn dịch là gì và nó bảo vệ cơ thể ra sao qua bài viết dưới đây.
1. Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch là một hệ thống bảo vệ vật chủ gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học, của cơ thể nhằm bảo vệ chống lại bệnh tật. Hệ thống miễn dịch phải phát hiện được rất nhiều yếu tố, gọi là mầm bệnh, có thể là từ virus đến ký sinh trùng, và phải phân biệt chúng với những mô khỏe mạnh của cơ thể để cơ thể có thể hoạt động bình thường
2. Hệ miễn dịch bao gồm những yếu tố nào?
Hệ thống miễn dịch của chúng ta bao gồm hai dòng là: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.
Miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, có liên quan về mặt di truyền và do đó, mang tính bẩm sinh và không đặc hiệu.
Miễn dịch thu được là miễn dịch đặc hiệu. Đây là hệ miễn dịch có được khi cơ thể tiếp xúc với các vật lạ từ bên ngoài, như vi khuẩn mà không bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch tự nhiên. Chức năng của hệ miễn dịch đặc hiệu được đảm bảo bởi các kháng thể. Các kháng thể là một hệ thống phức tạp của các tế bào và các protein.
3. Các yếu tố tác động đến hệ miễn dịch
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Cả hai yếu tố bên ngoài và bên trong đều có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống này
3.1. Ngủ quá ít
Ngủ quá ít sẽ làm các hormone stress tăng cao hơn đồng thời khiến cơ thể dễ bị kích động hơn , và bạn sẽ dễ mắc cảm lạnh nhất khi ngủ không đủ giấc.
Người trưởng thành nên dành 7-9 tiếng một ngày để ngủ, còn trẻ em thì tùy vào độ tuổi mà thời gian ngủ thay đổi phù hợp là yếu tố quan trọng cho một sức khoẻ tốt.
3.2. Lười vận động
Bạn nên tạo thói quen tập thể dục, đơn giản như đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc làm việc nhà. Điều này sẽ giúp hệ miễn dịch rất nhiều trong việc chống lại vi khuẩn. Rèn luyện cơ thể không chỉ giúp bạn khỏe mạnh,mà còn làm giấc ngủ sâu hơn.Hai điều này giúp cho một hệ miễn dịch tốt
3.3. Chế độ ăn uống không khoa học
Ăn uổng ảnh hưởng ít nhiều đến hệ miễn dịch, việc ăn uống quá nhiều đường, đồ ngọt sẽ hạn chế hệ miễn dịch trong việc ngăn chặn vi khuẩn. Ảnh hưởng này kéo dài ít nhất là vài giờ sau khi uống trọn một cốc nước ngọt.
Tỏi tươi rất hữu ích trong việc chống lại virus và vi khuẩn. Rất nhiều loại nấm như là nấm hương cũng hỗ trợ cho hệ miễn dịch của gia đình bạn. Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, những món ăn dồi dào chất dinh dưỡng như vitamin C và E, giúp tăng cường tiền chất vitamin A và kẽm.
3.4. Căng thẳng
Stress tồn tại trong thời gian dài, có thể khiến bạn dễ bị mắc bệnh, không chỉ cảm lạnh mà còn các bệnh nghiêm trọng hơn. Việc bị stress liên tục sẽ khiến hormorne căng thẳng xuất hiện đều đặn và ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Có thể bạn không hoàn toàn xử lý được các vấn đề về stress, nhưng bạn có thể kiểm soát chúng một cách tốt hơn bằng các cách sau đây:
- Học cách suy nghĩ
- Quan sát và sống chậm lại
- Trò chuyện với mọi người nhiều hơn
- Chơi thể thao
Nghiên cứu chỉ ra rằng hệ miễn dịch tốt hơn ở những người thường xuyên ngồi thiền. Và trong một cuộc thử nghiệm khác, những người ngồi thiền trên 8 tuần có kháng thể tốt hơn những người khác.
3.5. Cô lập bản thân
Mỗi người đều nên thiết lập cho mình những mối quan hệ thân thiết. Những người có nhiều mối quan hệ, không quan trọng đó là với một vài bạn hay là một nhóm lớn, thường sẽ có hệ miễn dịch khoẻ mạnh hơn những người luôn cô đơn. Trong một nghiên cứu, người luôn thấy cô độc sẽ có hệ miễn dịch khó tiếp nhận vắc-xin chữa cảm cúm hơn những người thích giao lưu kết bạn.
Trò chuyện, sinh hoạt chung giữa các thành viên trong gia đình với nhau có thể là một cách hay giúp gắn kết cả nhà đồng thời giúp mọi người có một không gian tâm sự, kết nối.
3.6. Uống rượu quá nhiều
Uống rượu quá mức không những gây ra các tác hại xấu cho gan, hệ tiêu hóa, nó còn ngăn chặn sự hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch.
3.7. Hút thuốc
Hút thuốc chủ động và những người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, cả hai đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ thống miễn dịch. Nó có thể tàn phá cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc gây ra các bệnh mãn tính, do vậy, hút thuốc rất nguy hiểm.
3.8. Béo phì
Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia đã chứng minh được mối liên kết giữa béo phì và hệ thống miễn dịch yếu. Những người mắc bệnh béo phì thường có một hệ thống miễn dịch rất yếu.
4. Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách nào?
Trí nhớ miễn dịch có thể ở dạng trí nhớ thụ động ngắn hạn hoặc trí nhớ chủ động dài hạn
Trí nhớ miễn dịch thụ động
Trẻ sơ sinh chưa từng bị nhiễm trước đó với vi khuẩn nhưng lại đặc biệt dễ bị phơi nhiễm. Vì vậy, một số hàng rào bảo vệ thụ động được cung cấp bởi người mẹ để giúp con tránh nhiễm khuẩn.
Trong thời kỳ mang thai, một loại kháng thể đặc biệt, được gọi là IgG, được vận chuyển từ mẹ sang con trực tiếp qua nhau thai, do đó, đứa trẻ có kháng thể ngay vừa mới sinh, với cùng một phổ kháng nguyên đặc hiệu như mẹ của chúng.
Đây là miễn dịch thụ động bởi vì thai nhi không thực sự tạo ra bất kỳ tế bào nhớ hoặc kháng thể nào, chúng chỉ mượn từ mẹ. Sự miễn dịch thụ động này thường là ngắn hạn, chỉ kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Trong y học, truyền huyết thanh giàu kháng thể từ người này sang người khác cũng có thể tạo miễn dịch thụ động tạm thời.
Trí nhớ miễn dịch chủ động
Trí nhớ chủ động dài hạn thu được sau nhiễm trùng là do hoạt hóa các tế bào B và T, đẫn đến tạo các tế bào nhớ. Hoạt động miễn dịch cũng có thể được tạo ra một cách nhân tạo, thông qua tiêm chủng. Tiêm vaccine là đưa kháng nguyên từ mầm bệnh để kích thích hệ miễn dịch và phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại mầm bệnh mà không gây ra bệnh liên quan đến mầm bệnh đó.
5. Làm gì để có hệ miễn dịch khỏe mạnh
Có một số phương pháp tự nhiên để hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh:
- Bổ sung probioticsLactobacillus và Bifidobacterium rất quan trọng đối với vi khuẩn có trong ruột và bởi vậy có tác động tích cực đến hệ miễn dịch. Tiêu thụ probiotic giúp phát triển đường ruột và do đó tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh: Phải mất ít nhất 3 tuần để vi khuẩn có lợi có thể phục hồi sau một tuần điều trị bằng kháng sinh, vì vậy cần hạn chế sử dụng kháng sinh trừ khi bạn cần điều trị bệnh nhiễm khuẩn.
- Bổ sung nước hầm xương, nấm: gelatin tự nhiên, collagen và axit amin không chỉ cải thiện sức khoẻ đường ruột mà còn hỗ trợ các tế bào miễn dịch nên uống nước canh xương rất tốt cho hệ miễn dịch.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: vitamin D ảnh hưởng tích cực đến các tế bào miễn dịch. Ánh sáng mặt trời là nguồn tốt nhất cung cấp vitamin D, do đó tiếp xúc với ánh sang mặt trời vào sáng sớm để hỗ trợ hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D có liên quan đến nhiễm trùng tái phát và bệnh tự miễn dịch.
DS Kim Huyền Trang
Theo Nội khoa Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét