23 thg 8, 2021

PHUC ÔNG TRĂM TRUYỆN -Truyện số 19

Truyện số 19 TT

Người sống độc lập không cần do dự khi phải quyết định                                                           sự việc trọng đại dù tình vợ chồng hay con cái


FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Đây là bài cuối cùng về chủ đề: SỐNG ĐỘC LẬP.


Làm điều ta cho là đúng, dù chỉ một ít cũng không bẻ cong cái chí hướng, cái chính nghĩa của mình. Đó gọi là sống độc lập.

 

Nếu thật sự lấy sống độc lập làm trọng đại, phải vì chí hướng này không quay lại với chuyện khác. Cần phải ý thức bản thân chúng ta là con người tôn nghiêm trong trời đất. Trong đời sống thường ngày, đối với người thì ôn hòa, khoan dung, nghe lời nói không vui lòng hãy bỏ qua, xem mọi người như người tốt. Nhưng khi quyết định sự việc trọng đại thì không e ngại, do dự dù tình thân như vợ chồng hay con cái.

 

Thí dụ, người con gái của gia đình nghèo khó không biết hổ thẹn, trầm mình trong thế giới mãi dâm, nói lý do là vì muốn cứu cha mẹ khỏi cảnh khổ cực. Người đời không lấy làm lạ, còn cho là hiếu thảo. Đó thật là sai lầm lớn. Nếu cha mẹ khốn khó, là con gái của gia đình, làm những công việc phụ nữ có thể làm, tận lực vì gia đình là chuyện dĩ nhiên, nhưng mãi dâm là chuyện không nên làm.

 

Không suy nghĩ, không phân biệt xấu tốt, vì tiền làm ô uế bản thân tôn nghiêm của mình, đó là hạng “người không xứng người”. Tự mình không làm việc này là lẽ đương nhiên, dù cho cha mẹ mệnh lệnh bắt làm cũng phải cương quyết chối từ, không cần phải do dự hoặc sợ cha mẹ buồn lòng.

 

Hoàn toàn ngược lại quan hệ của con cái đối với cha mẹ, bản thân tôi cũng có chuyện tương tự.

 

Số là, vào năm đầu tiên đời Minh Trị, có một người giàu có dự định mở trường tư nên bàn thảo với tôi. Qua giới thiệu thầy cô dạy và các chuyện khác, mối quan hệ tự nhiên phát triển đến thân tình và ông hy vọng tôi có thể nhận làm hiệu trưởng trường này.

 

Lúc đó gia đình tôi có hai trai và hai gái. Mặc dù chưa đến tuổi giáo dục, nhưng điều trước tiên tôi nghĩ trong lòng là đợi con trưởng thành sẽ cho đi nước ngoài du học. Chuyện này cần số tiền lớn nhưng gia đình tôi không có tài sản gì lớn. Tôi không thích lấy lý do không có tiền và dựa vào quen biết chính phủ để xin học bổng nhà nước, nên tôi bàn bạc với vợ tiết kiệm chi phí sinh kế gia đình, không tiêu xài cho thú vui riêng, không đi du lịch…. cố gắng dành dụm chi phí cho con du học. Có lẽ tôi đã nói cho ai đó người ngoài gia đình biết ý định này.

 

Vào một ngày kia, người giàu có đến gặp tôi nói: “Như đã trình bày với tiên sinh lúc trước, tôi rất mong muốn tiên sinh sắp xếp để nhận công việc hiệu trưởng giúp tôi. Tôi có một đề nghị này vì nghĩ rằng tiên sinh không thích việc nhận lương trả mỗi tháng. Bây giờ tôi trao ông 10 ngàn hay 15 ngàn yên, tiên sinh lấy số tiền này gửi ngân hàng để dành làm chi phí du học cho hai cháu sau này. Khi hai cháu dễ mến của tiên sinh trưởng thành, tiền lời cũng tăng lên dần, chắc chắn là đủ cho mục đích du học nước ngoài. Tiên sinh thấy sao?”

 

Khi nghe đề nghị này, không phải là tôi không có một ít dao động. Số tiền 10~15 ngàn yên rất lớn, bản thân tôi chưa có dịp thấy lần nào. Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu nhận số tiền ấy thì không phải cực nhọc lo lắng chi phí du học cho con cái nữa, thật là cơ hội tốt. Nhưng lại suy nghĩ tiếp: “Khoan đã. Từ đầu mình đã không thích công việc làm hiệu trưởng trường học đó. Lý do không thích bây giờ vẫn còn. Nay vì nghe số tiền lớn chưa từng thấy lại đồng ý lời yêu cầu dù không thích chẳng hóa ra vì con cái mà bẻ cong cái chí của bản thân sao. Biết rằng lòng thương con là sâu đậm, nhưng cha mẹ làm chuyện lòng không muốn vì con cái là không phải đạo lý nên làm. Giàu nghèo của gia đình tùy vào vận số, mai sau dù chuyện du học không được như ý cũng không phải là lỗi của cha mẹ. Dù có bị phê phán do không du học được nên việc học con cái không thành đạt, cha mẹ cũng không nên bẻ cong chí hướng của bản thân. Ở mức độ trọng đại này, quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng không khác quan hệ với người ngoài, không cần phải do dự, ngần ngại.” Một mình quyết định như vậy. Sau đó, tôi đã trân trọng cảm ơn ý tốt và khéo léo từ chối đề nghị của người giàu có.

 

Các năm sau, vận của tôi không xấu, công việc viết sách, dịch thuật đem lại chút thanh danh. May mắn không phải nhờ vả vào người khác, việc du học của con cái cũng thực hiện được. Ngược lại, giả sử vận gia đình càng ngày càng nghèo khó, hoặc như tôi mất sớm, và việc giáo dục con cái không được như ý, bản thân tôi cũng không hối hận về việc lúc trước đã từ chối đề nghị nhận tiền để gửi ngân hàng có lời làm chi phí giáo dục cho con cái. Tại sao vậy?

Giáo dục con cái phụ thuộc vào giàu nghèo của gia đình. Người làm cha mẹ tiết kiệm chi phí ăn mặc ở để có chi phí giáo dục con cái là lẽ đương nhiên. Còn như vì con cái làm đến việc ti tiện, xấu hổ phải nói là sai lầm trong phán đoán nặng nhẹ của sự việc.

 

Do đó, việc người nữ vì hiếu thảo làm ô uế bản thân, việc người nam vì thương con bẻ cong chí hướng, chính nghĩa, cả hai đều do tình cảm chi phối đưa đến hiểu sai lầm cái cội gốc của sự việc.

 

May mắn tôi đã tránh được các tình huống nguy hiểm này, cho đến nay vẫn sống an ổn trong sáng mỗi ngày, tận đáy lòng không một chút mây che.

 

Việc đời đa dạng, lắm chuyện, tình cảm và lý trí lẫn lộn phức tạp. Có lẽ có rất nhiều trường hợp như tôi. Số người không biết phải xử lý ra sao có lẽ cũng nhiều. Đương nhiên việc phán đoán, quyết định trong những trường hợp quan trọng như vậy không phải là việc nên hỏi ý kiến người khác.

 

Người sống độc lập phải vững tin bản thân mình, tự bản thân phải tự giác rằng “Dù trên trời hay dưới đất chỉ có ta là trên hết” (1) như lời Phật nói, không có gì đáng tôn trọng hơn, không có gì đáng yêu thương hơn bản thân mình, tự mình quyết định chuyện mình làm.

 

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

 

(*) Nguồn: Truyện số 19 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

 

Chú thích

  1. Nguyên văn là “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

 Trong các bài kế chúng tôi sẽ gửi bài về đề tài: SỐNG KHOA HỌC.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét