23 thg 8, 2021

Truyện số 10 TT HIẾU CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC LẬP

 Truyện số 10 TT {  HIẾU CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC LẬP

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Khi chào đời bản tính có sẵn của con người là muốn sống tập thể và biết ơn. Sống chung sẽ hiểu biết nhau, và khi đã hiểu biết nhau sinh ra muốn giúp đỡ nhau. Đó là tình cảm tự nhiên của con người. Ai cũng muốn giúp đỡ người khác và muốn được giúp đỡ lại.

Nếu tìm hiểu nghiên cứu bản tính của nhân loại là gì, có thể kết luận rằng con người là động vật muốn sống tập thể, muốn giúp đỡ nhau và biết ơn. Đương nhiên có ngoại lệ, do di truyền hay do dụ dỗ của sự vật bên ngoài, tùy trường hợp.

Tác động của trí tuệ hay hoạt động của con người không thể ảnh hưởng đến phạm vi rộng lớn do hạn chế của cả hai khả năng này. Mặc dù, giao thông của thế giới văn minh rất tiện lợi nhưng vẫn còn giới hạn giữa trong và ngoài nước (1). Không những có sự khác biệt giữa trong và ngoài nước, ngay cả những người sống ở trong nước, có người lạ chúng ta chưa từng quen biết, có bạn bè thân và chúng ta hiểu họ rõ, có bà con xa, có ruột thịt gần. Do đó mặc dù nói là con người muốn tụ tập sống chung, nhưng trong thực tế, tự nhiên có sự khác biệt, thân cận với sơ giao, gần với xa.

Vì vậy, mặc dù sống chung, giúp đỡ nhau là bản tính tự nhiên sẵn có của con người nhưng khi thực hành bản tính tự nhiên này có sự khác biệt về trình độ do hạn chế của trí tuệ và năng lực của con người. Nên hiểu rằng bản tính con người là bác ái bình đẳng (thương yêu rộng rãi một cách công bình) nhưng khi sống thực tế con người đối xử với người thân của mình thân thiện hơn người khác.

 Trong thực tế trước mắt, nếu có ai hỏi cha mẹ chúng ta là người thế nào? Câu trả lời sẽ là: cha mẹ là người sinh ra chúng ta, nuôi dạy chúng ta, luôn giúp đỡ chúng ta với tất cả khả năng của người, là ân nhân làm nhiều việc vì chúng ta, không ai khác có thể sánh được. Vì vậy chúng ta không thể quên ơn của đại ân nhân này và chúng ta nên tận sức đền đáp lại là điều tự nhiên phát sinh chứ không phải do ai thúc đẩy hay do gắng sức ý thức mới có được. Nhận thức và tình cảm này chính là do chân tâm tự nhiên phát sinh từ quan hệ thân thuộc gần gũi chúng ta nhất. Có nghĩa đây là cái thực sự phát sinh ra do bản tính đã có sẵn từ trước của con người. Trong giáo dục đạo đức hiện nay, hiếu hạnh được tán tụng là một mỹ đức đặc biệt nhưng tôi lấy làm tiếc tư tưởng dạy về hiếu hạnh hiện nay chưa được xâu xa.

 Đối với cha mẹ lòng hiếu hạnh dĩ nhiên chắc chắn là tuyệt vời. Nhưng nếu tìm cái cội gốc phát sinh nó, phải nói lòng hiếu hạnh đã có sẵn trong bản tính của chúng ta, là cái cao thượng nhất của con người và là cái trác tuyệt mà trí tuệ con người không thể nào biết rõ được.

Giả sử chúng ta xem cái bản tính nói trên là vật quý báu nhất, chúng ta không để nó bị thương tổn, tự chúng ta tôn quý nó, trân trọng gìn giữ nó, và khi bản tính này phát sinh tự nhiên, nó thành cái tâm hiếu đối với cha mẹ, cái tâm trung thành đối với vua, cái tâm thương yêu kẻ khác, cái tâm bảo vệ lẽ phải. Dù tên nó là hiếu hạnh, là trung thành, là vị tha, là chính nghĩa hay là tên gì đó nhưng không có một hành vi đạo đức nào không do bản tính của chúng ta sinh ra.

 Như vậy hiếu hạnh chỉ là một trong nhiều hành vi đạo đức, và có thể tỉ dụ hiếu hạnh là mắt hoặc là chúng tai của thân thể. Tai nghe được, mắt thấy được là do tác động của năm giác quan. Không thể chỉ vì mắt thấy hoặc tai nghe mà cho rằng người đó khỏe mạnh, cũng không thể chỉ lấy tai nghe, mắt thấy mà phán đoán toàn thân thể con người đó như thế nào. Các cơ quan trong thân thể hoạt động được đều do chung một nguồn sinh lực. Nếu nguồn sinh lực này không khỏe mạnh, các cơ quan của thân thể sẽ yếu nhược đi.

 Bản tính con người nếu không phải là bản tính của người sống độc lập thì lòng thương người, lòng bảo vệ chính nghĩa, lòng trung thành với vua, hay lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ trở nên rất nguy hiểm. Đây là điều mà người có học nên chú tâm lưu ý.

Chủ trương nói trên hoàn toàn không có nghĩa là xem nhẹ việc trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ. Chính vì xem trọng nên càng phải chú tâm lưu ý.

 Lấy thí dụ gần gũi ở Trung quốc, Triều Tiên (gồm cả Đại Hàn), người ta xem hiếu hạnh là căn bản của mọi hành vi. Họ luôn nói nhiều về hiếu và không có gì đối địch được với hiếu. Họ chủ trương bất kỳ hành vi nào của con người cũng bắt đầu từ hiếu hạnh và kết thúc bằng hiếu hạnh. Họ lấy hiếu hạnh làm phương châm sống. Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy, không quá đáng để nói, không có nước nào bất hiếu với cha mẹ nhiều như Trung quốc và Triều Tiên (gồm cả Đại Hàn). Nêu vô số thí dụ cụ thể là việc dễ dàng nhưng tôi không nói đến ở đây, chỉ nhìn cha con của vua Triều Tiên gần đây là thấy đủ chứng cớ.

 Tại sao là các quốc gia xem trọng hiếu thảo lại có nhiều người con bất hiếu như vậy?

 Từ xưa có rất nhiều giải thích về hiếu thảo với cha mẹ, người ta đã tốn nhiều ngôn từ để tranh cãi, rồi dần dần biến chúng thành ra nghi thức bên ngoài, tình trạng khóc giả dối, lễ bái ngụy tạo. Khi cha mẹ mất, con phải về quê để tang trong 3 năm. Trong 3 năm này tiếp xúc với 3 người vợ và thiếp, sanh ra 3 người con không phải là chuyện hiếm. Nhưng không ai có nghi vấn gì cả, chỉ ngạc nhiên. Có châm ngôn “Kẻ nói nhiều có phẩm hạnh ít” để chỉ những trường hợp này.

 Do đó, dĩ nhiên tôi xem trọng hiếu thảo cha mẹ, nhưng khi luận về hiếu thảo hay báo hiếu tất cả phải tránh hình thức kiểu lễ nghĩa, nên thực hành với bản tính đã có sẵn từ trước. Tôi không chủ trương phụng dưỡng cha mẹ màu mè, trau chuốt bề ngoài để gây chú ý của người khác.

 Khi chúng ta tiếp xúc với người chúng ta thật sự có tình cảm thân thiện, chân tâm của cả hai tự nhiên sẽ phát sinh. Chúng ta không cần phải hãnh diện vì hiếu thảo cha mẹ, cũng không cần phải được chung quanh khen ngợi. Báo hiếu không cần khen cũng như không cần ngạc nhiên như khi chúng ta thấy con người có tai, có mắt. Hiếu thảo với cha mẹ không có gì để ngạc nhiên, đáng ngạc nhiên là bất hiếu với cha mẹ.

 Nói rõ thêm, căn nguồn phát sinh chân tâm hiếu thảo cha mẹ là đáng tôn quý nhất và có sẵn trong tinh thần trác tuyệt của con người mà trí lực của con người không thể nào biết hết được.

 Vì vậy tôi không phí nhiều lời với cái hiếu thảo chỉ có hình thức bên ngoài, tôi xem trọng cội nguồn của nó, cội nguồn này càng sâu đậm thì tinh thần con người đó sẽ càng độc lập hơn. Rồi trong cuộc sống thực tế cái tâm hiếu thảo theo đó mà tự nhiên xuất hiện, tự nhiên đến mức chúng ta không biết nó đến từ lúc nào. Tôi mong mỏi cái tâm hiếu ấy tiếp tục mãi cả ở mặt ngoài và ở mặt trong.

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

 (*) Nguồn: Truyện số 10 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

 Chú thích

  1. Nên lưu ý đây chỉ là giới hạn của hơn 120 năm trước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét