Nguồn: Kyle Longley, “The Grunt’s War”, The New York Times, 17/02/2017.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Năm 1967, những người biểu tình thường xuyên tập trung ở Công viên Lafayette, đối diện Nhà Trắng. Họ cầm biểu ngữ, phát biểu và hô vang khẩu hiệu: “Hey, hey, L.B.J. How many babies did you kill today“ (Tạm dịch: Này này, L.B.J (Lindon B. Johnson), hôm nay ông đã giết bao nhiêu đứa trẻ?)
Câu khẩu hiệu nhắc tới công cụ mà chính sách tàn bạo, phi nhân tính của Lyndon B. Johnson sử dụng: những người lính trẻ đang chiến đấu ở Việt nam. Và không có gì khó khăn để nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người phản đối chiến tranh, quả quyết rằng chính các binh sĩ Mỹ cũng là những kẻ tàn bạo và mất nhân tính – dẫn đến một làn sóng phản đối mạnh mẽ chống lại những người lính trở về từ Việt Nam. Trong một trường hợp, một thanh niên trẻ tuổi gây gổ với người cựu chiến binh bị cụt tay tại trường Cao đẳng Colorado năm 1968. Anh ta hỏi: “Bị vậy ở Việt Nam hả?” Khi người cựu binh xác nhận, gã thanh niên đáp: “Đáng đời ông đấy.”
Rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc, ý tưởng về các cựu binh Việt Nam như là những kẻ mất luân lý, nghiện ngập, thậm chí là bị hội chứng thích giết trẻ em đã lan tràn văn hóa Mỹ, được dựng thành nhiều bộ phim như “Taxi Driver”, “First Blood” hay “Jacob’s Ladder”. Nhưng những hình mẫu đó là rất sai lầm. Phần lớn những người Mỹ từng nhập ngũ không bao giờ phạm phải các tội ác tàn bạo; họ đấu tranh gan dạ chống những kẻ thù đầy quyết tâm trong điều kiện khắc nghiệt, họ tái hòa nhập xã hội và tạo ra đóng góp đáng kể trong nhiều năm qua.
Điều này đặc biệt đúng với những người chiến đấu trong năm 1967, khi quy mô quân số lên đến hơn 480.000 người. Dù là tân binh hay cựu binh, phần lớn binh sĩ đến Việt Nam năm đó với tư cách là những cá nhân được gửi đi để thay thế cho những ai đã kết thúc kỳ hạn 1 năm của họ (hay 13 tháng đối với lính thủy đánh bộ). Dù mỗi người có một câu chuyện riêng, nhưng có một trải nghiệm tương đồng giữa họ, giúp chứng minh rằng nhiều định kiến là sai lầm.
Có một điều rằng, giống như cha ông họ trong Thế chiến II, nhiều người đã tình nguyện nhập ngũ. Vô số người cùng chia sẻ quan điểm với một cựu binh Arizona mà tôi đã phỏng vấn: “Họ không cần phải bắt chúng tôi nhập ngũ. Đó là một phần những gì mà chúng tôi cần làm.” Và ông ấy thấy rằng, “Đó là một phần nghĩa vụ đàn ông của tôi”.
Những người khác thì bị bắt đi theo chế độ quân dịch. Như một cựu binh đã ghi lại, “Thanh gươm Damocles của Nghĩa vụ Quân sự đã treo lơ lửng trên đầu chúng ta vì tất cả chúng ta đều có lúc đến tuổi 18.” Tuy nhiên, đại đa số những người bị bắt quân dịch trong năm 1967 đã đáp lại lời kêu gọi của đất nước: chỉ 7.234 trong tổng số 298.559 người bị bắt quân dịch không tuân thủ nghĩa vụ trong năm đó. Một cựu binh đã kể lại với tôi “Tôi nghĩ tôi chỉ đơn giản là chấp nhận và nghĩ rằng ‘Này, hãy đi và thử cho biết – nỗ lực hết mình vào’“.
Dù người lính lên đường từ bất kỳ đâu, hoặc là họ bước lên những con tàu chở quân đông đúc (rất nhiều tàu có từ thời Thế chiến II) hoặc là rời đi bằng máy bay; trong trường hợp máy bay, chỉ chưa đầy 24 giờ sau họ đã di chuyển từ quê nhà đến vùng chiến sự. Một binh sĩ đã nói rằng khi đến Việt Nam, anh ta “cảm thấy như Alice đang bước qua tấm gương soi.” Mùi nhiên liệu máy bay nồng nặc và cảm giác giống như đang ở trong “một phòng tắm hơi bốc mùi” làm anh ta nghẹt thở. Khi anh bước xuống máy bay, người nữ tiếp viên đã nói “Chúc may mắn”. “Tôi biết rằng cuộc sống của mình đã thay đổi hoàn toàn kể từ khoảnh khắc ấy,” anh nhớ lại, “đó là sự khởi đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời tôi.”
Trải nghiệm phục vụ quân ngũ ở Việt Nam thường khác nhau, phụ thuộc vào khu vực, loại nghĩa vụ, và, hơn tất thảy, là thời gian. Một vài người hiếm khi rời khỏi ranh giới khá an toàn của căn cứ chính, làm nhiệm vụ thư ký, kế toán hay thợ máy. Những người khác bị ném vào chiến trận; và năm 1967 có tới 997 binh sĩ bị giết ngay trong ngày đầu tiên của họ ở Việt Nam.
Mặc dù có tới 2,3 triệu nam nữ đã phục vụ tại chiến trường Việt Nam, nhiệm vụ chiến đấu khó khăn chỉ diễn ra đối với một phần khá nhỏ trong số những người đó, chủ yếu là bộ binh và lực lượng hỗ trợ cận chiến, như pháo binh, xe tăng và phi công. Và quả thực nhiều người trong số đó đã trải qua những khó khăn về cảm xúc và tâm lý. Một cựu binh thừa nhận từng khóc “bởi tổn thương, đau đớn, và bởi nỗi sợ hãi xâm lấn vì tôi không biết khi nào mình sẽ chết.” Nhưng hầu như không ai trong số họ suy sụp; phần lớn đều chinh phục được nỗi sợ hãi (và đôi khi là cả sự buồn chán) khi phải truy lùng những người lính du kích địch thoắt ẩn thoắt hiện ở miền Nam, hay chiến đấu trong những chiến hào ở khu vực chiến sự phía Bắc (Nam Việt Nam) chống lại quân đội chính quy tinh nhuệ Bắc Việt.
Nơi người lính đôi khi sụp đổ, và nơi mà họ nhiều khả năng phạm tội ác chiến tranh nhất, đó là ở miền Nam. Việc không lần ra manh mối quân địch tạo nên căng thẳng tột độ. Một người thợ cắt tóc hay giặt là ở căn cứ hoặc nông dân làm việc trên đồng ruộng vào ban ngày có thể đi đặt bẫy vào ban đêm. Điều này dẫn đến những hành động tàn bạo: Các thành viên tàn nhẫn của lực lượng chống du kích Mãnh Hổ đã sát hại hàng trăm dân thường; tháng 03/1968, các binh sĩ Mỹ đã giết thêm hàng trăm người ở ngôi làng Mỹ Lai miền Nam Việt Nam.
Nhưng các tội ác chiến tranh không hề phổ biến. Thực ra, cứ mỗi hành động tàn bạo thì cũng lại có nhiều hơn các hành động tốt đẹp đối với dân thường và lòng can đảm trong chiến trận. Các binh sĩ đã xây dựng lại trường học, nhà cửa và đường sá, thường xuất phát từ chính sáng kiến của họ; 244 người Mỹ được nhận Huân chương Danh dự, nhiều hơn trong Thế chiến I và Chiến tranh Triều Tiên gộp lại.
Phần lớn những người lính, dù ở bất kỳ đâu, đều chỉ muốn trở về nhà. Hầu như không ai nghĩ rằng chiến tranh sẽ không định hình phần còn lại cuộc đời họ, nhưng họ cũng mong mỏi sự tồn tại bình thường trước đây của mình, và sự đoàn viên với gia đình và quê hương. Hầu như không cựu binh nào có thể quên được ngày họ rời khỏi Việt Nam, phần lớn sẽ bước lên chuyến bay “Freedom Bird” (Cánh chim tự do – biệt danh gọi các chuyến bay do chính phủ Mỹ thuê để đưa lính Mỹ hồi hương – NBT) để trở về nhà. Một người nhớ lại, “Ôi trời, tất thảy mọi người đều đứng dậy và hoan hô khi phi công thông báo rằng họ đang bay vào không phận Hoa Kỳ.”
Nhưng những người trở về hầu như không nhận được diễu hành đón chào hay sự thừa nhận nào, và thường cảm thấy bị cô lập khỏi những người đồng hương. Một người nhớ lại rằng chị gái anh ấy đã hỏi, “Em đang chiến đấu vì ai vậy, Bắc Việt hay những kẻ khác?”. Anh ấy ca thán chua xót: “Tôi biết không ai ở đây hiểu được những gì đã xảy ra. Bởi nếu ngay chính gia đình tôi cũng không hiểu được, tôi còn trông mong gì ở những người thậm chí chỉ quen biết tôi?”
Việc cắt đứt kết nối và buồn chán với đời sống Mỹ đã khiến vài người tái ngũ quay lại Việt Nam. Tuy nhiên, đa số đều kiên nhẫn ở lại quê hương. Như một người đã nói: “Phần lớn cựu chiến binh trở về nhà bình an vô sự, như những cựu chiến binh trở về từ các cuộc chiến tranh trước đó. Đa số họ không phải là những kẻ nghiện ngập, không đánh đập vợ con, không tự tử, không sống bám vào Văn phòng thất nghiệp, và không chìm đắm trong sự tuyệt vọng và vô dụng.”
Họ che giấu những vết sẹo xúc cảm của mình, cũng như cha ông mình sau Thế chiến II, mặc dù họ phiền muộn với nỗi đau phải đối diện với một nước Mỹ giận dữ và thường thiếu tôn trọng họ. Họ bị buộc phải gánh vác gánh nặng lý giải các quyết định chính trị và quân sự, phải trả lời thay cho Johnson và William Westmoreland, dù họ có đồng tình với những người đó hay không. Điều này, ở một khía cạnh, là nơi mà định kiến về những cựu binh yếu ớt được chứng thực phần nào – không phải ở trong chiến tranh, mà là trong sự tiếp đón khi trở về quê hương. Như nhà văn Tim O’Brien đã viết, “Vài cựu binh, hơn một thập niên sau, vẫn chưa hồi phục, và vài người sẽ không bao giờ hồi phục.”
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy phần đông cựu chiến binh Việt Nam đều tự hào về sự phục vụ và hy sinh của họ.
Nói như vậy không có nghĩa rằng các cựu chiến binh Việt Nam không khác gì với các cựu binh của các cuộc chiến khác; những trải nghiệm khác thường từ cuộc chiến này tạo ra những thách thức khách thường ở quê hương. Hàng ngàn người chịu ảnh hưởng dài hạn của chất độc da cam; hàng ngàn người nữa, đặc biệt là những ai phục vụ vào giai đoạn sau của cuộc chiến, trở về nhà với các vấn đề về ma túy và chất có cồn, hoặc về sau sử dụng chúng như là phương thức để đối phó với cuộc sống.
Nhưng định kiến đó làm che mờ sức mạnh của sự ứng phó từ cộng đồng cựu chiến binh. Các nhà hoạt động vì cựu chiến binh đã cách mạng hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cơ quan đặc trách Cựu chiến binh, đòi hỏi – và đạt được – sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Những người khác, như Bob Kerrey, Max Cleland, Chuck Hagel và John McCain, đã tham gia chính trường, nơi họ hoạt động đại diện cho các cựu chiến binh như mình. Và họ đã xây dựng nên Bức tường (the Wall) – Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam. Được thành lập bởi các cựu chiến binh nhờ sự đóng góp tài chính của tư nhân, bức tường đã mang lại cho các cựu chiến binh một nơi để hàn gắn, không phải chỉ cho bản thân, mà còn cho các mối quan hệ đã bị mài mòn giữa họ với các đồng hương Mỹ.
Trong số 298.559 người tham gia phục vụ quân ngũ năm 1967, 11.363 người đã không thể trở về từ Việt Nam. Phần lớn các cựu chiến binh đều hiểu những cảm giác của một tác giả vô danh, người đã viết rằng: “Chiến tranh đã kéo chúng ta rời xa quê hương mình trong mùa xuân ngập nắng của tuổi trẻ. Những ai không sống sót trở về đã ở lại với mùa xuân bất diệt, mãi mãi thanh xuân, và một phần của họ vẫn luôn bên cạnh chúng ta.”
Kyle Longley là giáo sư sử học tại Đại học Bang Arizona và là tác giả của các cuốn sách “Grunts: The American Combat Soldier in Vietnm,” “The Morenci Marines: A Tale of Small-Town America and the Vietnam War”, và của cuốn sách sắp xuất bản “L.B.J.’s 1968: Power, Politics and Presidency in America’s Year of Upheaval.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét