Đến xứ người, một thân một mình, tình cờ làm thông dịch viên “bất đắc dỉ, không bằng cấp” cho một hội thánh Tin Lành đông tín đồ, có ông Heatherton, người Mục sư cai quản gốc Đức, hiền từ và dễ mến, trong những ngày họ đến trợ giúp người tỵ nạn Việt mới tới tại trung tâm tạm trú, nằm lẻ loi giữa cánh đồng cỏ xanh ngó ra biển cũng là nơi Huấn đang ở, chừng đâu vài ba tháng, nhờ ông Mục sư thương tình lo, anh rời trung tâm, ra ngoài ở, tuy vẫn còn theo ông và những người của hội thánh tới lui, tiếp tục tặng đồ dùng, quần áo, đôi khi có cả tiền bạc, không những vậy còn thay phiên chở người tỵ nạn đi vòng quanh phố xá, chỗ này chỗ kia.
Dọn về ở trong căn phòng dư, có sẳn bàn ghế, giường chiếu, sau cái nhà thờ Tin Lành nhỏ, cũ xưa cuối con đường nhỏ, chạy dài giữa hai hàng cây lớn không cao, vắng tanh, rợp trời lá úa đỏ giữa Thu, của một con phố tương đối khá giả sau khi nhận công việc làm phụ giáo cho cái trường trung học, có khá đông học trò người mình, nằm trên một khu đồi cao, không mấy xa nhà ga xe lửa tuyến đường đi về thủ phủ tiểu bang cũng được hơn hai ba tuần lễ.
Trường còn đang đóng cửa, học trò nghỉ học, trời mùa Thu cũng vậy, chưa buốt lạnh như Đông, buổi chiều thường thiếu nắng, may lắm thì đôi ba ngày mới còn lưa thưa chập chờn vàng nhạt rớt trên sân, chờ hoàng hôn xuống. Mấy ngày nay, chiều nào cũng vậy, vì nhà thờ không có ai, như thường lệ, sau khi mở cửa vào bên trong coi lại đèn đuốc, bàn ghế đâu đó xong, khóa cửa, đi dọc bên hàng rào, đóng cổng, nghe tiếng nhạc dìu dịu, vọng qua từ căn nhà tường gạch phía bên cạnh, cách nhà thờ khoảng sân cỏ rộng chừng vài chục thước, mới đầu Huấn không để ý, nghe loáng thoáng vậy thôi, nhưng mấy buổi chiều sau đó, thấy là lạ, đứng bên này rào, anh chú ý lắng nghe thử, cũng giờ đó, anh ngạc nhiên không ít, là những bái hát tình ca của người ca sĩ quen quen nào đó, Huấn mới biết, căn nhà đó của người Việt mình.
Chiều thứ bảy, trời nắng, một cái nắng hiếm có giữa mùa Thu, từ trên nhà ông Mục sư Heatherton ra nhà ga, Huấn đi dọc bên đường phía nhà thờ về, với một chút tò mò ngó qua căn nhà đó cho biết, vì từ ngày về ở đây, anh chưa có lần nào đi dọc theo, dù bên này hay bên kia đường, thay vì như thường lệ, đi theo con đường tắt, ngang qua cổng sau của trường anh dạy, băng qua công viên về nhà thờ, vừa ngắn vừa nhanh. Huấn đi chậm, thật chậm, còn cách xa căn nhà chừng sáu bảy thước, nhìn vào, dọc theo hàng rào gạch thấp tới đầu gối, trồng nhiều hoa Cúc vàng, đứa bé gái chừng độ lên mười, đi loanh quanh một người đàn bà lớn tuổi, tóc điểm sương, đang cố vói tay lặt mấy chiếc lá khô còn dính lại trên cành gốc cây Dạ Lý Hương ở góc sân.
Người đàn bà nhìn lên, ngó ra đường thì cũng là lúc Huấn vừa tới ngang cổng rào, cái cổng sắt cũng thấp bằng hàng rào, anh chưng hửng, giựt thót người, bà trông giống bác tư Điền quen quê cũ quá, Huấn đứng khựng lại, chưa kịp định thần, tới không tới lui không lui thì con bé chạy ra cổng nói vọng vào “ngoại ơi, thầy con kìa, ngoại ơi”, Huấn đứng lại, con bé cũng vừa tới cổng lễ phép “dạ chào thầy”, thì ra con bé tên Thảo mà Huấn đang phụ dạy tiếng Anh trong trường, nhà ở đây, Huấn cười chào lại nó, người đàn bà, ngoại nó đi ra theo, bà buột miệng “phải Huấn hôn con”, anh chết trân gật đầu “dạ con đây bác tư”. Bà nắm tay anh, cả một già một trẻ mắt rưng rưng, bà quay vào trong nhà “ông ơi thằng Huấn, thằng Huấn ông ơi”, con bé chạy vào, đứng ngay ngạch cửa, nhìn ra, trố mắt ngơ ngác.
*
Ở chợ quận, có Tiến, thằng bạn thân học chung lớp Đệ Tam trường trung học, nhà trên miệt Phước Trạch, gia đình chuyên làm báng tráng bánh phồng bỏ mối các sạp dưới chợ quận, nên cứ thứ Bảy Chủ nhật, là Huấn xách xe đạp, thong thả đạp lên nhà Tiến, ăn sáng ăn trưa, ba mẹ Tiến thương như con, hết món này món nọ, có khi có dế cơm chiêng nhét đậu phọng, ăn mà còn liếm môi muốn thêm, ở chơi, đánh đôi đánh đọ, ngõ trên lối dưới quanh chợ xã, tới Cao Sơn tự lầm thầm cầu nguyện cầu xin gì đó, không anh nào nói ra, cứ vậy cho tới gần chiều, đợi ba mẹ Tiến nhắc một nhắc hai mới chịu về.
Cũng một trưa thứ Bảy, hai thằng ngồi tán dóc trước sân nhà, trời nắng rựng, âm ấm, cô gái áo màu hồng nhạt ngắn, tóc dài mượt từ ngoài đường lớn đi ngang, nhìn vào gật đầu chào, Tiến nhanh nhẩu “bữa nay Hiếu vể trễ quá hả”, cô trả lời “dạ em trễ chuyến xe sớm” không dừng lại, đi luôn, Huấn ngẩn ngơ nhìn theo, nhìn theo mà bâng khuâng bất chợt. Từ thứ Bảy đó Huấn nhớ nhà Tiến hơn là nhớ nhà mình, phố xá chợ quận không còn vui, lớp học ngó mông lung ra sân hơn là bảng đen trước mặt, Tiến cũng đã hiểu thằng bạn mình thương ai rồi và từ thứ Bảy đó, Huấn có mặt ở nhà Tiến sớm hơn thường lệ, cũng ngồi trước sân, ngóng ra đường lớn, chờ chuyến xe sớm từ trên tỉnh về.
Đầu năm Đệ Nhị, cũng qua Tiến, Huấn quen Hiếu, học trên trường tỉnh dưới một lớp, có gia đình người dì trên đó, nhà cô nàng cách nhà Tiến một con đường đất mòn chạy ra ngoài đường lộ, có hàng Trúc xanh rậm lá rào quanh, ba mẹ Hiếu, hai bác tư Điền có cái vườn vú sữa, cây nào cũng đầy trái, trái xanh trái tím đen lớn, nằm cuối chợ xã. Hai gia đình xem ra thân thích, bên nào cũng hiếu khách, cho nên, Huấn cũng được hai bác tư Điền, ba mẹ Hiếu vui vẻ tử tế đối xử như Tiến mỗi lần theo Tiến qua nhà chơi khi có Hiếu về, vã lại cả hai nhà đều có phần biết gia đình anh ta dưới chợ quận. Quen Hiếu vậy thôi, mặc dù trong lòng đã nhen nhúm thương yêu nhưng chưa lần nào nói, nhưng Tiến biết, Hiếu biết và qua ánh mắt, cử chỉ của Huấn, hai bác tư Điền cũng biết, cười mà không nói gì. Sau đó, ngày càng gặp nhau thường, người từ tỉnh vội vã về, người nôn nóng từ dưới quận, trời chưa sáng đã lên chờ, quanh chợ xã có thêm tiếng cười, tiếng cười của đôi trai gái vừa thương nhau. Rồi Hiếu cũng theo Huấn xuống quận, đến cửa tiệm bán sách của gia đình anh ta, gián tiếp ra mắt, ba mẹ Huấn xem ra hài lòng, nhìn nhau cười, cái cười có chút niềm vui lâng lâng.
Hai bác Điền cũng tạt ngang ghé thăm ba mẹ Huấn mỗi lần xuống chợ quận thu tiền mấy người bạn hàng mua vú sữa trên vườn, với ba mẹ Tiến là chỗ quá quen biết, nên hai bên không có gì ngại ngùng, thân thiện “chị anh anh chị” nhưng chưa nói ra nói vô gì về chuyện lứa đôi.
*
Xong Tú Tài Hai, xuống Sài Gòn, vào Trung Tâm kỹ thuật Phú Thọ, Huấn theo ban Công Chánh, Tiến ban Điện, cùng ở trọ chung trên căn gác xế đường Tô Hiến Thành, ngó qua cư xá Lữ Gia bên kia ngã ba, góc trường. Ở lại nhà, Hiếu chuyển về lớp Đệ Nhất trường quận, vốn cũng có mấy cô bạn cũ cùng học tiểu học xã nên không có gì buồn tuy hơi lạ chỗ chút xíu, vã lại sáng đi chiều về ngày ngày, không còn nhớ nhà nhớ góc vườn mùa Thu rụng lá nữa.
Dưới Sài Gòn đầu năm học, còn thong thả, chuyến xe đò sáng sớm nhất về tỉnh, chưa ngày thứ bảy nào mà không có mặt Huấn và Tiến đứng đón ngay gốc cây Phượng già đầu ngõ vào cư xá Lữ Gia nhưng qua Tết, những ngày Tết “có mình có ta, làng trên quận dưới, nhà anh nhà em”, ai nấy cũng vui, vui hơn cả tiếng pháo, trống lân, mai đầu ngõ mai đường làng vàng một màu tình mơ, bài học mùa thi đã làm cũng đành tạm vắng tạm xa đôi ba lần, dù cứ nhung cứ nhớ. Cũng như Huấn, Tiến cũng về, về để thương để yêu cô bạn gái cùng lớp cùng trường với Hiếu, nhà ở bên kia ngã ba chợ quận, cách trường tiểu học con đường thoai thoải dốc.
Hiếu đậu Tú Tài Hai, Huấn lên năm thứ hai, Hiếu khăn gói xuống Sài Gòn, không lên đại học nào đó mà vào trường Quốc Gia Sư Phạm, muốn làm cô giáo sớm, chuyện học lên thủng thẳng tính sau. Chiến tranh lớn dần, đường xá phố phường, nơi nào cũng giày sô áo trận, có thêm người đi, đi rồi không về, có người về, về trong xót xa thương tật, bạn bè không hay tin nhau từ những ngày cuối năm trung học, khi hay tin thì đã nằm xuống đâu đó rồi ở một chốn xa, nhưng người còn lại vẫn cứ tiếp tục kéo lê kiếp người, đếm tuổi đời còn lại, nhờ may mắn, cái may mắn định mạng trời định phận Huấn tạm yên, đứng bên lề cuộc chiến, tiếp tục đời ghế giảng đường, bút nghiên sách vở. Rồi từ ngày có Hiếu, với Huấn đường phố Sài gòn đẹp hơn trước, không khác gì mọi cuộc tình đầu khác, cũng có những hẹn hò, đón đưa, chờ đợi, có những giận hờn buồn vui bất chợt, có nhớ nhung, đi về chung chuyến, Sài Gòn hay quê nhà, vậy đó.
Hiếu tốt nghiệp Sư Phạm, may mắn được về dạy ở trường tiểu học Trãng Bàng, đường đi về nhà không mấy xa, xe cộ chạy lên chạy xuống chiều sáng hà rầm, dù đường xá dạo này không yên ổn như xưa, có đấp mô có mìn bẫy, tuy ở chung với vài cô bạn quen, cũng dạy cùng trường ở chợ quận nhưng đi về thăm nhà thường, nhất là thứ Bảy Chủ nhật, nhìn Vú Sữa nở hoa trong vườn, mấy cá lìm kìm con mẹ dẫn con con bé tí teo, lẻo đẻo bơi theo sau, lượn lờ dưới mấy cái mương trong xanh nước vui khó tả. Huấn cũng đi về như những ngày tháng cũ, cũng sáng thứ Bảy chuyến xe về tỉnh đều ghé bến Trãng Bàng, Hiếu chờ ở đó rồi theo xe về tới Gò Dầu. Gia đình hai bên, gặp nhau thường hơn mỗi khi có đám giỗ, ngày Tết ngày ta, ai cũng nói ra sơ sơ nhưng chưa nói hết, vui vẻ chờ ngày lành tháng tốt.
*
Hiếu dạy được hơn một năm, Huấn tốt nghiệp, ra làm việc tại ty Công chánh Bình Tuy vào giữa năm 1974, chuyện nghề nghiệp, chỗ ăn chỗ ở tỉnh từ đó tạm ổn, cuối năm về thăm nhà trước Tết vài hôm, tình hình chiến sự dạo này xem ra căng thẳng hơn trước nhiều, miền Nam mất vài tỉnh cận biên giới sau những ngày chống trả ác liệt quân Bắc Việt với xe tăng Nga đại pháo Trung cộng. Đầu tháng Ba, Huấn trở ra Bình Tuy, công việc mỗi ngày, đời công chức vẫn bình thường, dù tình hình xem ra ngột ngạt, tiếng súng tiếng bom càng ngày càng tới gần thành phố hơn, dân trong tỉnh lỵ, người lên kẻ xuống, tụ năm tụ ba, xì xào bàn tán nhưng chưa thấy gì hối hả. Rồi một ngày giữa tháng Ba, quân VNCH triệt thói về Nam, rút bỏ mấy tỉnh cao nguyên, dân chúng hàng hàng lớp kéo nhau, bám theo quân lính di tản trong khi đó các tinh địa đầu giới tuyến cũng không thua gì, cứ rút bỏ, đường tàu, đường bộ ùn ùn nối đuôi di tản, hổn loạn chết chóc, thất lạc.
Tại tỉnh, quân nhân công chức các cấp vẫn còn làm việc như mọi ngày, bàn qua tán lại cũng chỉ là chuyện nói rồi thôi, không ai nghĩ tới tan hàng nhưng rồi cho tới những ngày gần cuối tháng Tư, vùng Một, Thừa Thiên, Huế bỏ ngõ, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Rang, Đà Lạt cũng rút quân, rừng người nheo nhóc tháo chạy, tìm đường sống còn, nửa miền Nam xem như đã vào tay Bắc Quân, tới lúc này tỉnh rục rịch di tản sau khi có tin Bình Thuận mất rồi. Đường về Sài Gòn bị chận đứt, cắt ngang ngã ba Định Quán, trên khu Rừng Lá. Một buổi chiều mưa dầm, theo làn sóng người từ các nơi tuông về, Bình Tuy bỏ cuộc, ùn ùn kéo nhau ra bải biển Hàm Tân xuống tàu ghe đánh cá ra khơi chở đầy ắp người, có dân có lính, có Huấn, dọc theo bờ nhắm hướng về Vũng Tàu, sáng hôm sau 30 tháng Tư, chưa tới nửa đường, tin từ cái máy thu thanh nhỏ của một chiếc ghe ở đoàn đầu, Sài Gòn đầu hàng, miền Nam thua cuộc, dăm ba chiếc tiếp tục chuyến đi, phần lớn số còn lại đổi hướng ra biển khơi, cố chạy tới chiếc hạm Mỹ lớn, nhấp nhô lờ mờ chầm chậm xa xa, giữa trời xế trưa của một sáng mưa tầm tả.
Cũng những ngày đó, ở quê nhà, tin chiến sự chiến trận, rút quân bỏ đất cứ nghe hàng giờ hàng ngày, hai bên gia đình Huấn và Hiếu chạy lên chạy xuống, đứng ngồi không yên, nhìn trời nhìn đất, bên nhà ba mẹ Tiến cũng chung một cảnh tình, ra trường, Tiến lên Đà Lạt làm với Trung tâm Nguyên tử năng, Huấn thì tới Bình Tuy, hai người hai ngã, chia tay, hẹn ngày tái ngộ rồi từ đó chưa lần gặp lại, thấp thỏm lo lắng, ngóng ngóng trông trông, van vái ông bà xin cho hai anh được may mắn bình an. Từ dưới trường về nhà, thấy ba mẹ buồn rầu, Hiếu thẩn thờ, hết muốn đi dạy nữa nhưng cũng cố gượng làm vui, vài lần bỏ xuống Sài Gòn, hỏi han số bạn bè cùng khóa, người quen chỗ này chỗ kia, hy vọng có thêm chút tin gì của Huấn nhưng không được gì, ngồi trên xe về mà cứ bật khóc.
*
Ba Mươi tháng Tư, miền Nam sụp đổ, cũng như các nơi khác, làng xã được nhà cầm quyền mới cai quản, vườn vú sữa nhà hai bác Điền giờ thuộc quyền của xã làm chủ, may còn căn nhà, Hiếu ráng đi dạy sau những ngày học “bồi dưỡng chính trị”, vẫn không có tin tức gì của Huấn cũng như Tiến.
Chừng ba năm mấy sau, người chị khóa trước dạy cùng trường, có chồng là sĩ quan của quân đội VNCH, chết ở mặt trận Xuân Lộc, nhà dưới Hốc Môn, thường tâm sự, chia sẻ chuyện buồn chuyện vui cũng như giúp nhau mọi thứ, bàn với Hiếu chuyện vượt biên, lúc đó người ta, thiên hạ làng trên xóm dưới, quán nước bến xe rĩ tai qua lại hàng ngày, chờ tin Huấn mấy năm nay trong thất vọng hơn là hy vọng dù hy vọng mong manh. Bải trường năm đó, như sắp xếp, hai bác tư Điền cũng đồng ý, gom góp chút tiền vàng còn dấu được, ra đi theo gia đình người chị này. Chuyện chuyến đi cũng nói qua với hai gia đình ba mẹ Huấn và Tiến nhưng họ quyết định ở lại, chờ tin con.
Sau ba bốn ngày đêm, chở theo chừng năm mươi mấy người, toàn là người lớn, chỉ có một đứa bé gái nhỏ ba tuổi, con của vợ chồng còn trẻ, cở tuổi Hiếu, thình lình cơn bảo lớn giữa mùa mưa tháng Sáu nổi giông cuồn cuộn, sấm sét tối trời, gió xoáy dữ dội, rít hú ghê rợn giữa trời lồng lộng, biển động một màu đen ngòm nổi sóng từng đợt cao hơn tòa nhà, đánh bể chiếc tàu đánh cá nhỏ cũ kỹ ra thành ba bốn mảnh, mạnh ai nấy bám nấy víu tấm ván thùng nước, miếng gỗ nhưng cứ bám vậy thôi, thả trôi bập bềnh trên nước, những cơn sóng cuồng sóng lũ thản nhiên, lạnh lùng nhấp nhô từng chập, kéo đẩy họ mất hút giữa màn đen dù trời đã chập chững sáng.
Chiếc tàu chở hàng Hòa Lan, vớt và cứu được chừng hai mươi người, trong đó có gia đình Hiếu và con bé gái, lúc được kéo lên, Hiếu mới biết là mình đã nắm chặt tay nó, không biết từ lúc nào và cũng không biết làm sao như vậy. Kiểm lại, nhìn lại những ai còn sống sót, vợ chồng trẻ, cha mẹ con bé gái đã chìm sâu dưới lòng biển cả. Chiếc tàu buôn bỏ họ lại một trại tỵ nạn của Tân Gia Ba trước khi tiếp tục hải trình tới Hong Kong.
Chừng ba tháng sau gia đình Hiếu rời trại tỵ nạn dẫn theo con bé gái, được khai là con, có tên Hiếu đặt là Thảo trong giấy tờ đi định cư khai với LHQ.
*
Chiều thứ Bảy, Thu tàn trời chập chững vào Đông, chưa hẳn lạnh vẫn còn chút nắng vắt ngang đường, từ nhà thờ qua, chưa tới cổng, con bé Thảo đã đứng chờ Huấn ở đó từ lâu, bên trong, trước cửa nhà hai bác tư Điền nhìn ra, Huấn khẻ gật đầu chào, con bé lăng xăng bỏ đi vào trước rồi chạy vụt vào trong nhà, bác gái bước vào trước, lên tiếng “Hiếu ơi, Huấn qua nè”, bên cạnh bác trai nói nhỏ “con Hiếu đang lo cơm nước dưới bếp”, Huấn nhìn bác cười “dạ”.
Ngồi đó, cơm dọn trên bàn từ lâu, bốn người lớn ngồi quanh phòng khách nhìn nhau, Hiếu không nói được tiếng nào, cứ sụt sùi khóc, con bé Thảo ngồi giữa ông bà ngoại, mặt xem ra sợ hãi, nắm chặt tay bác tư gái lắc qua lắc lại “ngoại ngoại” rồi khóc theo, Huấn nghẹn lời nghe bác tư trai kể lại chuyện cũ, chuyện cũ những gì đã xảy ra từ ngày 30 tháng 4 của làng quê Phước Trạch, cuối cùng cũng không kềm được nước mắt.
*
Chiều Chủ Nhật, đầu tuần học trò nghỉ cuối năm, vài hôm nữa là tới ngày Giáng Sinh, sau buổi thánh lễ, người đi lễ ra về không lâu thì Huấn, Hiếu cũng đã dọn dẹp xong những thứ đồ phụ lễ lỉnh ca lỉnh kỉnh như thường lệ đâu đó, hai người đứng trước nhà thờ chờ đóng cửa, ông Mục sư Heatherton thong thả tắt đèn đi ra, bước xống bực thềm, nắm tay hai người cười, nụ cười đầy vui, nói khẻ “tôi đang chuẩn bị chúc Phúc cho anh chị trong đêm mừng Chúa ra đời”.
Ông đi tới chỗ đậu xe rồi, một lần nữa hai người vẫy tay, nói vọng theo hai tiếng “cám ơn”. Trời vào đêm, có chút sương nhạt rơi lành lạnh, đường chiều nay lên đèn sớm.
Thuyên Huy
Viết cho một thằng bạn, mầy tao, đã trả hết nợ đời từ lâu lắm rồi
Mời Xem :Cũng Là Những Mảng Vụn Chuyện Đời Người - Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét