Chữ nghĩa làng văn
***
Trẹt
Trẹt : nông, phẳng
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Bên lề chữ nghĩa
Qua Nguyễn Quang Lập thuật lại: “Một lần đến chơi, bác Trần Dần khoe: “Tối qua thức trắng đêm mới sửa xong bài thơ. Viết lâu rồi, bây giờ mới sửa xong’. Mình cầm bài thơ đọc, há hốc mồm:
Cái đầu đề bài thơ còn dài gấp đôi bài thơ:
Vợ chồng
Xong.
Tức đầu đề là: Vợ chồng, toàn bài thơ là: Xong…”
Chữ Việt cổ
Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó
Vãn sinh: kẻ hậu sinh
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Lá diêu bông
Theo Hòang Cầm: “Đặc biệt, riêng có bài thơ Lá diêu bông, duy nhất một bài này là những lời văng vẳng bên tai, từ đầu chí cuối, quá nửa đêm mùa rét 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6 oát…
Giọng nữ đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ.
Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng, tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm qua”.
(Phanxipăng)
Nam quốc sơn hà…
Gần đây là bài thơ "Nam quốc sơn hà..." không phải của Lý Thường Kiệt. Giáo sư Bùi Duy Tân, ở trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Giáo sư nói với chúng tôi rằng: đây là lời phát biểu cuối cùng của ông, vì ông không biết sẽ "đi" ngày nào.
Tại đây, trong không khí linh thiêng của nhà Thái Miếu, có đốt hương trầm khi hội thảo khai mạc, giáo sư đã chính thức thú nhận rằng, bài thơ ấy khuyết danh, thì: giáo sư là người đầu tiên gán cho Lý Thường Kiệt và sau đó, ông đã viết vào tất cả các loại sách giáo khoa, từ cấp tiểu học đến đại học.
Bây giờ, trong hương khói linh thiêng của Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, Giáo sư Bùi Duy Tân chính thức xin lỗi các thế hệ thày giáo và các thế hệ học trò...
(Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)
Cá rô cây
Nghệ An đông dân hơn các tỉnh cả và nước An nam. Người xứ ấy hay co ro cỏm rỏm cần kiệm quá.
Người ta thường hay nói người Nghệ An đi ra Bắc hay giắt lưng một con cá rô bằng cây khéo lắm. Hễ tới quán thì chỉ xin mua ít trự cơm mà thôi. Quán hỏi có mua đồ ăn, thịt đông, chả giò, nước mắm chi không? thì nói không, xin một chút xỉu nước mắm dầm cá mà thôi. Bỏ cá cây vô dĩa lật qua lật lại, húp cho mặn miệng mà trơu cơm ba miếng. Làm lận như vậy cho khỏi tốn tiền đồ ăn. Ăn rồi giắt cá vào lưng phủi đít ra đi.
(Chuyện khôi hài 1882 - Petrus Ký)
Đã có một thời…
Từ biệt Tô Kiều Ngân, người cuối cùng của Tao Đàn ra đi
Nhận được tin Tô Kiều Ngân mất, tôi gọi cho Hàm Anh (còn có bút danh là Sài Gòn Cô Nương), bởi Hàm Anh là con gái nhà phê bình Thượng sĩ, trước đây ở cùng xóm Phan Văn Trị với gia đình anh Tô Kiều Ngân. Chúng tôi mang vòng hoa tới nhà anh ở trong một xóm nhỏ thuộc quân Bình Thạnh.
Tôi và cháu Hàm Anh cùng vào trước linh cữu anh, từ biệt người bạn cũ. Anh ra đi là người cuối cùng cộng tác thường xuyên, là trụ cột của ban Tao Đàn. Nhà văn Tạ Quang Khôi tính nhẩm rằng:
- Thi sĩ Đinh Hùng, trưởng ban Tao Đàn của đài phát thanh Saigon, mất năm 1969 vì ung thư bao tử. Hoàng Thư, một giọng ngâm nam rất truyền cảm, mất cách đây khoảng 20 năm ở Saigon. Hồ Điệp mất tích trên đường vượt biên. Thanh Nam qua đời năm 1985 ở Seattle vì ung thư cuống họng. Huy Quang Vũ Đức Vinh mất cuối năm 2005 vì bị tai biến mạch máu não. Thái Thủy ra đi vì ung thư phổi ở nam Cali cách đây gần 3 năm.
Từ biệt Tô Kiều Ngân, từ biệt nhóm Tao Đàn nhưng tiếng sáo, giọng ngâm của Tao Đàn còn lại mãi trong đời sống thi ca Việt Nam và trong lòng người Việt yêu thơ khắp nơi.
(Văn Quang)
Đã có một thời…
Thái Thủy
Theo tôi biết, cố thi sĩ Đinh Hùng là người phụ trách
chính chương trình này, nhưng Thái Thuỷ, Thanh Nam, Huy Quang là linh hồn của Tao Đàn, tất nhiên phải kể đến cả những nghệ sĩ khác nữa đã góp công sức làm nên chương trình văn học nghệ thuật rất có giá trị này. Dấu ấn không thể phai về phát thanh của miền Nam VN trước những năm 1975.
Thời kỳ Thái Thuỷ còn độc thân, anh em cứ cho cái hỗn danh là “chú nhóc” vì cái tạng người nhỏ bé của anh. Nhưng “chú nhóc” lại rất hào hoa, rộng rãi. Hồi đó nhà hàng La Pagode ở Catinat là nơi một số lớn anh em nghệ sĩ thường gặp nhau vào buổi chiều, hàng ghế salon còn kê dài dài ở ngoài hè phố, mỗi lần Thái Thuỷ đi chơi về ngang là ghé vào vơ lấy bông tính tiền trả hết.
Sau này khi Thái Thuỷ có vợ thì cái hỗn danh ấy không còn nữa. Cái bộ ba ngự lâm pháo thủ không biết bắn súng cũng rụng dần theo thời gian. Hoàng Thư đi trước với một người đẹp, con ông chủ nhà hàng cơm Tây nổi tiếng ở Đa Kao, sau đó đến Thái Thuỷ về Phú Nhuận và Thanh Nam là người trụ lại cho đến khi chị Tuý Hồng từ Huế vô Nam mới “đưa chàng về dinh”.
(Một chút kỷ niệm xưa – Văn Quang)
Phụ đính: Khi gặp những người hồi chánh như anh Xuân Vũ, một nhà văn tập kết ra Bắc, rồi hồi chánh vào khoảng đầu những năm 1970, tác giả “Đường đi không đến”, tôi có dịp trò chuyện thân mật để tìm hiểu xem những chương trình phát thanh nào ở miền Bắc thích theo dõi. Lúc đó tôi được biết một số nghệ sĩ ở ngoài miền Bắc cũng “nghe lén” Tao Đàn. Như thế đủ chứng tỏ ảnh hưởng của Tao Đàn rất lớn đối với thính giả.
Thành ngữ hiện đại, hiện thực
Kén canh chọn cá tùm lum
Mai kia ở giá chiếu mùng lạnh tanh.
Yêu anh mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội thấy…anh nghèo lại thôi.
153 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Câu thơ "Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào", (bạn ở đây là Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng) của Thanh Tâm Tuyền, chỉ những ai đã từng ở tù vi xi, thì mới cảm thấy hết được cái nỗi nhớ, và cùng với nó, là cái nỗi say, và kẻ hèn này cũng đã từng có một kỷ niệm về nó. Ở trong tù hút thuốc lào bằng khẩu ba zô ka, và, tôi không biết trại tù miền bắc ra sao, chứ ở trại tù miền nam, thường là cả lán chỉ có một khẩu, và, bạn biết rồi đấy, cái bi thuốc lào đầu tiên buổi sáng, khi đang còn mắt nhắm mắt mở, nó mới ngon làm sao, say làm sao, và mới nhớ làm sao, những ngày sau này, khi không còn được ở trong trại tù.
Như trên đã viết, cả phòng chỉ có một khẩu ba zô ka, thành thử trước khi đi ngủ, "trại viên" thường tìm cách giấu khẩu súng, riêng cho mình, để sáng sớm hôm sau, là người đầu tiên nhét bi thuốc, châm que diêm bắn một phát, rồi ngã lăn đùng ra, mặc kệ trời đất xoay mòng mòng...
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đã tả cái thú bắn thuốc lào này, trong Thơ ở đâu xa:
Thơ thuốc lào
Ngồi chơi hút điếu thuốc lào
Tạm quên những lúc gian lao ưu phiền
Điếu thông đóm nỏ thuốc êm (1)
Thử coi sẽ thấy đảo điên đất trời
Bạn tù ơi lửa châm rồi
Rít cho ròn rã mê tơi cõi lòng
Tựa lưng nhả khói thong dong
Tít say lú lấp cả mong với chờ
Kể chi vợ dại con thơ
Sá gì chuyện cửa chuyện nhà mai sau
Sá gì mấy cuộc bể dâu
Loay hoay chỉ tổ bạc đầu mà thôi
Này đây trà đậm chén mời (2)
Long Giao còn thú tuyệt vời nào hơn (3).
Sáng bữa đó, "bạn tù", "trại viên", tức kẻ hèn này hân hạnh là người đầu tiên nạp đạn. Vừa nhả khẩu súng, chưa kịp ngã lăn đùng ra để phê, thì tiếng kẻng "tập hợp, chào cờ!" rùng rợn đã ré lên! Thế là "chàng" cứ thế bò, lăn, lê, mắt nhắm tít, để "kìm" cơn say, nhằm hướng sân trại, đâu biết rằng tất cả bạn tù, lẫn quản giáo, đang "chiêm ngưỡng" từng bước "lăn trầm" của "chàng"!
Trong Tuyển tập Tạp Ghi cũng có những dòng "sám hối, giải oan cho một trận thuốc lào này," của Lô Răng, khi cô con gái út khuyên ông, "Đừng hút thuốc lào nữa bố ơi, con chịu không nổi." (trang 66). Đấy là cô "lịch sự", không nói thêm, "vì nó ‘hôi’ lắm"!
Chú thích:
(1) Ngược thuốc êm, là thuốc xóc, ép tim, tay nào ham "ém khói" có thể đi đoong, ngay khi vừa rời súng. "Nhà dịch thuật" Tú "Lé", dịch Bố Già, đã đi luôn, sau bi thuốc tại trại Phú Văn.
(2) Trà đậm còn thua trà quạo, thứ trà bột xanh.
(3) Long Giao, tên một trại tù, nghĩa đen là rồng "ăn nằm".
(Tản mạn Tạp Ghi của ký giả Lô Răng – Nguyễn Quốc Trụ)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Gần mực (khô mực) thì…bia, gần đèn thì…thuốc (thuốc lá).
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Khi tôi sinh ra, đất nước đã chia đôi. Lớn lên, tôi yêu mến miền Nam nhưng cũng nhớ thương miền Bắc. Lạ. Người ta có thể nào nhớ một điều mà mình không biết?
Có thể lắm. Năm chín tuổi, trưa hè, đuổi theo một con chim chào mào mũ đỏ, tôi lạc vào kho lúa nhà bà ngoại tôi. Đó là kho lúa lớn, cao như cái tháp, làm để tránh mưa lụt hay xảy ra ở miền Trung, có lẽ chứa lúa giống vì gia đình bên ngoại tôi có vài mẫu ruộng.
Ngồi im nín thở, chân tôi chạm vào một cuốn sách giữa những hạt lúa hăng hắc nồng nồng. Cuốn sách có tựa “Anh phải sống”, bìa trắng, đề tên tác giả: Khái Hưng và Nhất Linh, trong Tự Lực Văn Đoàn, nhà xuất bản Phượng Giang. Sách cũ, giấy vàng, đầy kín chữ, nhiều truyện ngắn. Tò mò, tôi lật qua vài trang đọc thử. Thời đó, tôi còn mê truyện tranh và các thú vui trẻ con như bắt chim, đá banh, cởi truồng tắm sông, bắn ná cao su, kéo bím tóc con gái. Cuốn sách tôi cầm trên tay chẳng có hình ảnh nào cả, hiền từ, nghiêm nghị. Tôi đọc thử vài trang. Đọc thêm. Rồi không buông ra được nữa, quên cả con chim chào mào đã bay mất.
Câu chuyện kể về hai vợ chồng bên sông mùa lũ, vớt củi giữa dòng. Thuyền lật úp, họ bơi vào bờ, giữa chừng đuối sức. Họ nương vào nhau, chìm dần. Người vợ buông tay chồng, vì nghĩ đến những đứa con nhỏ ở nhà. Đêm đêm người đàn ông dẫn đàn con bơ vơ ra đứng trên bờ sông nhớ người đã mất. Sông Nhị Hà mùa lũ nước chảy xiết ra sao? Mà nó đọng lại trên má tôi vài giọt nước mắt. Truyện mở rộng cái nhìn của tôi đối với cuộc đời khổ lụy, hy sinh, nâng tôi lên bằng đôi cánh của tình mẫu tử, tình vợ chồng, xé rách trong tôi những kinh nghiệm còn nguyên vẹn thơ ấu. Tôi đọc nhiều truyện khác nữa trong tập, đều hay, nhưng truyện đầu tiên tôi nhớ nhất. Lúc đó, tôi muốn bắt chước kể chuyện như tác giả, muốn được viết như ông, tôi muốn làm cho người ta khóc.
(Nguyễn Đức Tùng)
Chữ nghĩa ca dao
Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm bữa cỗ chả sai tí nào
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)
Đuờng văn ngõ chữ
Ba quả trứng gà 33 đồng
Xuân Diệu là người rất chu đáo, thiết thực và tiết kiệm. Chu đáo, thiết thực, tiết kiệm đến tỉ mỉ, chi tiết. Có lần trời nắng, đi qua nhà anh, tôi tạt vào mượn cái mũ. Anh cho mượn cái mũ lá đã cũ (hình như của Hà Vũ, con Huy Cận), vậy mà vẫn dặn phải giữ cẩn thận, khi nào ra Hà Nội trả lại anh.
Thấy anh có một u già giúp việc (u Khang), tôi tưởng mọi việc chợ búa, bếp núc, anh chẳng phải quan tâm. Vậy mà không phải. Anh tỏ ra rất thạo giá cả thực phẩm ngoài chợ, giá trứng, giá thịt.
Có lần tôi đã được nghe anh tính toán rất tỉ mỉ:
“Ba quả trứng gà 33đồng, 2 quả trứng vịt lộn giờ 18 đồng một quả, nhân 3 là 36 đồng, bổ hơn 3 quảtrứng gà chứ, 3 lạng thịt bò nhiều hơn 3 lạng thịt lợn, vì thịt bò nhẹ hơn. Nhưng3 lạng thịt bò có bổ hơn 2 quả trứng vịt lộn không thì chưa rõ. Nhưng cũng phảiđổi món chứ…Còn thịt chó thì thịt lẫn xương 4 đồng rưỡi một lạng, thịt nầm 6đồng một lạng…” (Tính theo giá tiền đầu những năm 1980).
Thấy tôi nhiều khi có vẻ lơ đãng, cẩu thả, anh thường nói giễu: “Cậu đúng là nhà văn lớn”, hoặc “cậu nghệ sỹ quá, nghệ sĩ hơn cả mình”.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tô canh lạnh lẽo nước trong veo.
Vài lát hành tây bé tẻo teo.
Nước chấm gọi là hơi gợn tí.
Thịt kho thái mỏng gió bay vèo.
Đền Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ (thường gọi là đền Quán Thánh): nằm ở đường Quán Thánh, Hà Nội.
(Tượng Trấn Vũ – 1677)
Thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, người đã có công giúp An Dương Vương (257 – 179 TCN) trừ yêu tà khi xây thành Cổ Loa. Năm 1010, cùng với việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho rước bài vị của thần từ Cổ Loa về thờ ở đây. Vì đền ở phía Bắc kinh thành nên còn gọi là trấn Bắc hay trấn Khảm (Khảm, theo bát quái thuộc phương Bắc).
(Phùng Thành Chủng)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ngô Thì Sĩ (1726–1780), tự: Thế Lộc, hiệu: Ngọ Phong, là con trai của Ngô Thì Ức, (Ngô Thì Nhậm là con trai Ngô Thì Sĩ). Ông làm quan nhà Hậu Lê, trải đến chức Đốc trấn Lạng Sơn.
(tượng Ngô Thì Sĩ tại động
Nhị Thanh ở Lạng Sơn)
Ngoài ra, ông là một danh sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 18.
Tác phẩm chính của ông: Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khuê ai lục, Ngọ Phong văn tập...
Con lợn khác con heo chỗ nào?
Miền Bắc xỏ đàn ông háo sắc là lợn nọc
Miền Nam nói đàn bà lang chạ là heo nái
Ông Táo
Có nguồn cho rằng Thổ Công là một vị thần cai quản đất đai và nhân vật này nhiều lúc được gọi dưới những cái tên khác như Thổ Thần hay Địa Thần. Trong khi đó thì Ông Táo hay còn được gọi là Táo quân, Vua bếp, hay Ông đầu rau là một bộ chư thần gồm ba thần hai nam và một nữ trông coi việc bếp núc gia đình.
Ngày xưa người ta đun bếp bằng rơm, rạ, củi trên cái bếp có 3 cục đầu rau nặn bằng đất sét. Có lẽ từ hình ảnh này, người ta đã thêu dệt nên câu chuyện Ông Táo.
(Thổ công có phải là ông Táo – Khuyết danh)
Tranh dân gian
Tranh Đông Hồ
Đảo về những phiên chợ tranh và tranh dân gian của một thời xa xưa…Mầu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín, mầu xanh ẩn sau lũy tre làng, mầu đỏ gấc như yếm thắm của áo tứ thân, mầu xám nhiễu như áo lam giang, trong lót nền hồ thủy, mầu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ.
Qua những bức tranh có từng đường nét, từng góc cạnh cùng những bố cục, sáng tạo theo cảm tính này nọ. Qua bức Lợn đàn, từng mảng mầu này phủ lên mảng kia với sắc độ tự nhiên, tươi rói trên nền hồ điệp, trong veo vàng óng.
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố
Thành ngữ “buôn tảo bán tần” có xuất xứ từ bài thơ “Thái Tần” (采蘋) của Khổng Tử.
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo
Dịch nghĩa:
Đi hái rau Tần,
Bên bờ khe phía nam,
Đi hái rau Tảo,
Bên lạch nước kia.
Chú giải:
tần: rau lục bình nổi trên mặt nước, người Giang Đông gọi là bèo.
tân: bờ nước.
tảo: rong tụ, tảo ở đáy nước, lá như cỏ bồng.
hành lão: cái rãnh nước mưa chảy cuốn đi.
nước ở phía nam chịu sự giáo hoá của Văn Vương, vợ của quan đại phu năng đi việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy mà khen tặng. (Theo chú giải của Chu Hy)
Theo cách chú giải thì câu thơ trên ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Tàu, “Tảo Tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm hay làm của người phụ nữ.
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Cà phê Hà Nội xưa và nay - 1
Xưa những quán Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng, “bộ tứ” cà phê nổi tiếng một thời của Hà Nội
Cà phê Dĩ
Cà phê Dĩ có mặt vào khoảng những năm 45, 46. Tuy nhiên không hiểu vì sao mà cà phê Dĩ lại biết mất. Rất nhiều người đã đi tìm lại gốc tích mà không có tư liệu nào lưu lại. Có lẽ do con cháu của cụ đã không có ai theo nghiệp cà phê truyền lại.
Cà phê Hà Nội xưa và nay - 2
Cà phê Giảng
Cà phê Giảng do ông Nguyễn Văn Giảng mở tại dốc 106 Yên Phụ năm 1920. Khoảng năm 1946, rời về số 90 phố Cầu Gỗ.
Sau 1955, quán chuyển qua số 7 Hàng Gai. Rồi mở thêm quán nữa ở 39 Nguyễn Hữu Huân (nằm trong hẻm)
Ông Giảng khai sinh ra cà phê trứng trong thời kỳ đường, sữa khan hiếm (ông lấy lòng đỏ trứng để thay thế sữa). Cốc cà phê được đặt trong bát nước nóng để giữ nhiệt.
Văn hoa chửi
Chửi không phải dễ, như thường ngày chúng ta vì bực tức buột miệng ra bằng một tiếng chửi thề, mà chửi đây phải có văn bản. Nội dung một bài “chửi” phải có “bới” và “rủa” như ta thường nói “chửi bới” hay “chửi rủa.”
Có người cho rằng người miền Nam có “chửi” chứ không hề “bới,” trong khi người miền Bắc nếu chửi nhau là đào bới cả tông ti họ hàng lên, đó là cái lối bới mả, đào mồ ông cha, tổ tiên mười đời lên mà chửi. như: “...bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên...”
Còn “rủa” là trù yếm, như: “Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau, chết sớm, chết trẻ, đẻ ngang!”.
Ðể câu chửi được nhịp nhàng, người ta dùng thể văn “biền ngẫu,” từng câu từng chữ đối nhau chan chát, như: “Bố thằng chết đâm, cha con chết xỉa... chết một đời cha, chết ba đời con... ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột... bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng...”
(Nguồn: Huy Phương)
Chửi mất gà
Hôm qua tau mất con gà mái dầu khoang cổ. Hôm ni tau mất con gà mái nổ khoang bông. Thứ con gái trốn chúa lộn chồng. chồng mày là thứ đàn ông ba đời đi ở đợ...
Tụi bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi...
Bay ăn cho chồng bay sợ, cho vợ bay kinh, bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết, để một mình bay ăn.
(miệt núi Ngự sông Hương)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Kim Dung
Ý nghĩa cao quý của việc hầu hạ Con Trời nằm trong tên quyển sách được ông Kim Dung kiếm hiệp hoá mà lớp người ở miền Nam những năm 60 của thế kỉ vừa qua ai cũng nghe tên, có điều không biết đó là sách chỉ phương cách thiến an toàn: Quỳ hoa bảo điển. Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Dương Giáo chủ... ai cũng phải qua cái cầu "giơ dao chém phăng một cái" mới có thể bắt đầu tập luyện võ nghệ tuyệt luân, và chắc chắn sẽ trở thành võ lâm minh chủ.
Chỉ có điều bất tiện là các bậc anh hùng cái thế này sau đó râu rụng sạch, tiếng nói eo éo, hay như Dương Giáo chủ võ nghệ cao cường hơn thì ru rú trong phòng kín đan thêu, mê trai.
(Sex và triều đại - Tạ Chí Đại Trường)
Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm
Tứ đại danh tác của Trung Hoa
Tứ đại danh tác chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Hoa, xếp theo thứ tự:
1.Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung;
2.Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân;
3.Thủy Hử của Thi Nại Am và La Quán Trung (hiệu đính);
4.Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.
Tuyệt tứ khoái - 1
Bốn ông đồ ngồi uống ruợu, ngà ngà say, nổi hứng làm bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt để vịnh cái khoái của đời. Mỗi người làm một câu, thế là tứ khoái! Đồ Gàn nhìn trời nóng chang chang, ruộng đất nứt nẻ, ứng khẩu đọc lên:
Đại hạn phùng cam lộ (Trời hạn hán, gặp mưa trong).
Cử Tạ là người xứ khác, một mình lạc đến vùng này, nên cảm thấy cô độc. Buồn cảnh đất khách quê người, ông thốt lên:
Tha hương ngộ cố tri (Xa nhà gặp lại bạn cũ).
Nghè Đe ta mới giật mình vì không biết tả cái khoái gì. Nhìn quẩn nhìn quanh, chợt ông thấy hai con thạch sùng đang quấn đuôi trên trần nhà, đắc chí, Nghè Đe rung đùi:
Động phòng hoa chúc dạ (Động phòng đêm tân hôn).
Đồ Hàn công danh lận đận, thi hỏng mãi phải quay về làng đi dạy học. Nghĩ đến đời mình, Đồ Hàn lẩm bẩm than:
Kim bảng quải danh thì (Bảng vàng đề tên).
Thế là bốn ông Nho chùm ngồi vuốt râu và vừa đọc lại thơ, vừa khen nhau hay đáo để…
(Ngô Quốc Sĩ)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Thiến gà trống, chó, heo
Ở vùng quê miền nam Trung trước 1945 vẫn thường có những người đàn ông làm nghề đi dạo thiến gà trống, chó, heo. Tiếng rao "thiến heo, thiến... đây" có khi kèm theo tiếng ống tiêu thổi đã làm cho chó chạy theo sủa vang cả xóm làng, và sản sinh ra câu mắng: "Mặt như thằng thiến...!"
Họ dùng lọ nghẹ, nghệ và muối bôi lên vết mổ để cầm máu, và xong! Đôi khi vừa mới luồn tay dưới bụng, gà kêu "ót" một tiếng, lăn quay ra. Cũng có lúc vài ngày sau con heo mới chết. Không hề gì, rủi ro của khoa giải phẫu lúc nào cũng có.
Thợ thiến-người hẳn có chuyên môn cao cấp hơn, tuy ta không nghe nói đến. Người La Mã còn để lại cho đời một loại dụng cụ thiến hoàn hảo, dọn sạch cả hai phần. Người bị thiến nằm nghỉ nơi được sưởi ấm, không có gió máy, vì thế ta mới thấy Tư Mã Thiên thọ phạt mà được gọi là gởi vào "tàm thất" (nhà nuôi tằm). Trần Nhân Tông đi dạo, thấy người trong mộng, bảo hoạn để vào hầu, đặt tên là Phạm Ứng Mộng (1254). (Hành trạng người này được chép sai có vẻ giống như của Mạc Hiển Tích đời Lý, vì thấy ông ta còn sống đến hơn một trăm năm sau, cuối đời Minh Tông, đòi chết thế thân cho vua, 1357).
(Sex và triều đại - Tạ Chí Đại Trường)
Giai thọai làng văn xóm chữ
Tuyệt tứ khoái - 2
Lúc bấy giờ, chú tiểu đồng pha trà đi ngang, nghe lỏm thơ, cứ lắc đầu. Tinh mắt, ông Nghè mới bảo thằng tiểu đồng:
- Mày thấy bài thơ tả bốn cái khoái trên đời này không đúng sao mà cứ lắc đầu,
Tiểu đồng liền thưa:
- Thưa cụ, bài thơ quả có hay, nhưng con thấy vẫn còn chưa thật là khoái ạ. Con nghĩ nếu thêm vào mỗi câu hai chữ nữa thì mới thật là khoái ạ.
Tiểu đồng lấm la lấm lét rồi nói rằng:
- Thưa cụ, câu thứ nhất thì con nghĩ nên thêm vào Thập niên
Các cụ nhìn nhau.
- Thằng này cũng có lý vì nếu là mười năm hạn hán mà được mưa thì thật là càng khoái hơn nữa!
Thế rồi câu thứ hai? Một cụ hỏi.
- Dạ con thêm vào Lữ khách vì xa nhà đã buồn, bây giờ gặp bạn cũ thì thích lắm ạ.
Các cụ gật gật đầu, có vẻ đồng ý. Nhưng đợi mãi, không thấy thằng tiểu đồng nói gì.
Sốt ruột, một cụ lên tiếng giục them ý câu 3. Tiểu đồng đỏ mặt:
- Dạ con xin thêm vào câu này chữ Tu sĩ
Các cụ mỉm cười. Động phòng đã là thú rồi, mà lại là tu sĩ chưa bao giờ hưởng mùi vị thì chắc chắn là tuyệt.
Không đợi các cụ, tiểu đồng thêm vào:
- Còn câu cuối, con xin thêm vào Hàn nho vì thi đậu là thích, mà một nho sĩ nghèo, thi đậu để mang lại no ấm cho gia đình thì quả không gì bằng…
Nghe đến đây, Đồ Hàn quay đi. Thế là bài thơ Tuyệt tứ khoái (1) trở thành:
Thập niên đại hạn phùng cam lộ
Lữ khách tha hương ngộ cố tri
Tu sĩ động phòng hoa chúc dạ
Hàn nho kim bảng quải danh thì
(1) Theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc bài thơ Tuyệt tứ khoái được Thủ khoa Huân sửa lại bốn chữ trong lúc trà dư tửu hậu với bằng hữu. Nguyễn Hữu Huân đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở trường thi Gia Định, thời Tự Đức 1852 nên được gọi là Thủ khoa Huân.
Loạn chữ với “chu cha” hay “châu cha”
Khi gặp điều gì gây ngạc nhiên sửng sốt người ta buột miệng kêu ‘chu cha’ hay ‘châu cha ơi’..., gọi là buột miệng vì lời nói bật ra từ vô thức không nghĩ suy chi cả, người xứ Quảng phát âm thành ‘chu choa’ , người nam trung bộ là ‘chu che’ nhưng tất cả là cùng 1 ý , đặc biệt người Quảng hay kéo thêm cái đuôi thành ra ‘chu choa chèng đéc ơi’
‘Chèng đéc’ là biến âm từ ‘trời đất’ mà ra, còn ‘chu cha’ thì rõ ràng gọi người cha hay bố có tên là Chu , vậy hóa ra Chu là tên bố chung của mọi người Việt sao?.
Trong sử Việt chẳng đã có vì vua được dân xưng tụng là ‘Bố cái đại vương’ đấy sao , đấng minh quân quên mình vì nước vì dân được dân mến mộ coi như cha mẹ vừa thể hiện sự kính trọng.
Dịch lý là nền tảng văn minh Á đông, Chu văn vương là người có công đầu trong việc tác tạo Dịch học, trong tứ thánh của Dịch học thì Phục Hy là nhân vật thần thoại, Văn vương là con người thực công lao đứng đầu rồi mới đến Chu công và Khổng tử, không ai có thể tự hào hơn người Việt vì lịch sử còn ghi rõ tổ quốc của họ là đất nước của Văn Lang tức nước của vua Văn.
Trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam đã tìm thấy dấu tích 3 triều đại của cổ sử Trung hoa:
Lang Thang là các vua triều Thương hay Thang .
Lang Văn xếp ngược theo cấu trúc Hán văn là Văn Lang vua tổ của triều Chu.
(Vô danh thị)
Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt
Trực tiếp hay gián tiếp cùng nghĩa với "ăn", trong tiếng Việt có "ăn xin", "ăn mày": "Xin" người khác để có miếng ăn, để sinh sống. (Chữ "mày" trong "ăn mày" ngụ ý gì, có dính dáng gì tới "mày ốc", "mày ghẻ" hay không, người viết không rõ. Tìm trong tin mạng, thấy bác Google phán: "mày" có nghĩa bóng là "của bố thí") Không riêng gì ở Việt nam, mà khắp nơi trên thế giới, đều có người ăn mày. Thậm chí, như ở ta, nghe nói có cả làng sống bằng nghề ăn mày, từ đời cha tới đời con (?). "Ăn mày", lẽ đó, nghiễm nhiên trở thành cái nghề. Để rồi, từ "nghề" chuyển ra "nghiệp" mấy hồi. Sinh ra, vướng nghiệp "ăn mày", cuộc đời hẳn nhiên rách, rách tả tơi. Đâu mấy ai nhờ đó mà "ăn nên làm ra"?
Qua tới các động từ "ăn cắp", "ăn trộm", "ăn cướp" thì đột nhiên "ăn" không còn ý nghĩa là hành động giải quyết cái đói nữa (hay có, nhưng rất gián tiếp), mà: lấy của người khác làm của riêng.
Ca dao có câu:
Con ơi học lấy nghề cha,
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Thì ra, không phải chỉ có nghề "ăn mày", có cả nghề "ăn trộm" nữa kia. Và, cái nghề này hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn nhiều. "Ăn trộm" trúng mẻ, trời ạ, "thu nhập" ngang ngửa ba năm làm. Nghe bắt ham!
Trong khi "ăn cắp" và "ăn trộm" mang nghĩa lén lút, lặng lẽ, lấm lét, lạnh lùng lấy "cắp" và lấy "trộm" của người khác làm của riêng, thì "ăn cướp" là dùng võ lực lấy công khai, nhiều khi sử dụng cả dao găm, súng đạn để tước đoạt cho bằng được.
Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Khổ cho dân mình quá! Nhưng không phải chỉ có khổ không đâu, cũng có trường hợp dân chúng nhờ cướp mà sướng. Thời xưa, ở Tây có anh hùng Robin Hood, ở Tàu có "108 anh hùng Lương Sơn Bạc" là những anh hùng thổ phỉ, cướp của người giàu phát cho dân nghèo. Sướng không? Rủi thay, chỉ sướng… ảo, vì các vị anh hùng thảo khấu nêu trên toàn là những nhân vật huyền thoại.
(Ngô Nguyên Dũng)
Thành ngữ tục ngữ
Ta rất coi trọng láng giếng “Bán anh em xa mua láng giềng gần”
Nhưng hai loại láng giềng “nhà giàu” và “kẻ trộm” thì lại khổ cho láng giềng.
Gần nhà giàu đau răng ăn cốm
Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn
Câu này được hiểu là láng giềng giàu thường ít thích giao tiếp với hàng xóm nghèo nên khi tối lửa tắt đèn ít nhờ vả được nhau.
Gần kẻ trộm thì dễ mất trộm hoặc có khi bị đòn oan.
Câu này khuyên ta nên chọn láng giềng mà ở.
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
(rạp Đại Nam)
Thằng bạn già của tôi, hồi đó khoe mới được bà chị có bồ dẫn đi xem ở rạp chiếu bóng Đại Nam “ở tận đường Trần Hưng Đạo xa lắm khỏi Chợ Lớn”, kể ly kỳ là vào rạp lạnh như đi Đà Lạt (dầu tôi biết nó chưa đi Đà Lạt bao giờ), nào vô rạp là có mùi thơm như đi ngang cửa tiệm bán dầu thơm, nào ghế ngồi êm thật là êm đến nỗi không dám nhúc nhích vì sợ nó lún...
Đứa nào đứa nấy nghe nó nói đều ước mơ một lần được vào rạp Đại Nam cho biết như một thiên đường tuổi nhỏ đầy tưởng tượng.
(Lê Văn Nghĩa)
Phụ đính
Đạo diễn: John Wayne.
Diễn viên: John Wayne, Laurence Harvey, Richard Widmark.
Phim này tôi đã được xem năm nào không nhớ ở rạp xi-nê Đại Nam.
(xem kỳ tới phim A Fistful of Dollars ở rạp Eden)
Mời Xem : Chữ Nghĩa Làng Văn kỳ 31/7/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét